Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 06-06-2010] Cầm Kỳ Thư Họa là bốn loại hình văn hóa nghệ thuật lớn của Trung Quốc cổ đại có lịch sử lâu đời và thâm sâu, chứa đựng sự hài hòa giữa con người và giới tự nhiên, vũ trụ quan “thiên nhân hợp nhất”. Cầm Kỳ Thư Họa là những kỹ năng mà các bậc quân tử khiêm tốn tu thân dưỡng tính cần phải nắm vững từ xưa đến nay. Văn hóa truyền thống Trung Quốc yêu cầu nghiêm khắc về sự hài hòa giữa người, ý, vật, cảnh; Thần thái và hình dạng vẹn toàn. Tứ nghệ Cầm Kỳ Thư Họa với phong cách chủ đạo: thanh (thuần khiết), hòa (hài hòa), đạm (đạm bạc), nhã (tao nhã) là nơi để gửi gắm cốt cách ngạo nghễ cũng như tâm thái xử thế siêu phàm thoát tục của các bậc văn nhân. Cổ nhân lấy Cầm Kỳ Thư Họa để tu thân dưỡng đức, xử lý thế sự và an định dân sinh. Những bậc thầy đạt đến trình độ cao thâm về tứ nghệ đều là những người có cảnh giới đạo đức tương đối cao.

Cầm

Cầm là chỉ “cổ cầm”, cũng gọi là “thất huyền cầm”, ngoài ra nó còn có những tên gọi khác như “lục ỷ”, “ty đồng” v.v. Tương truyền các bậc Thánh nhân thời thượng cổ như Phục Hy, Thần Nông, Nghiêu, Thuấn đã chiểu theo quy luật vận hành của trời đất, Âm Dương và Ngũ hành, sử dụng gỗ cây ngô đồng làm ra đàn cầm và dùng tơ tằm bện thành dây đàn; sau đó Chu Văn Vương, Chu Võ Vương thêm vào hai dây nữa nên gọi là thất huyền cầm. Người chơi đàn dùng Đức để câu thông với Thần linh, tu thân dưỡng tâm, quay trở về bản tính tiên thiên thuần khiết. Hình dạng cổ cầm được chế tạo dựa theo thân hình của chim phượng hoàng. Toàn bộ thân đàn đối ứng với thân chim phượng hoàng, có đầu, cổ, vai, eo, đuôi và chân. Bề mặt đàn “phía trên tròn và kết tụ tuân theo Thiên pháp” tượng trưng cho Dương, mặt lưng đàn “phía dưới vuông vức và bằng phẳng tuân theo Địa pháp” tượng trưng cho Âm. Trong “Tân Luận Cầm Đạo” thời Đông Hán có viết như sau: “Các bậc Thánh nhân thời viễn cổ trên nhìn Trời, dưới nhìn Đất, gần lấy thân mình, xa lấy vạn vật.” Cổ Cầm có ba loại âm sắc là “phiếm âm”, “án âm” và “tản âm” tượng trưng cho sự hòa hợp giữa Thiên, Địa, Nhân. Ba âm sắc hòa quyện vào nhau tạo nên sự hài hòa của vạn sự vạn vật. Vách hộp âm của cổ cầm khá dày và dây đàn khá dài cho nên thanh âm phát ra mang theo vận vị độc đáo và biến hóa vô thường.

Cổ cầm “đứng đầu trong các loại nhạc cụ với mỹ đức thuần chính cao quý” tượng trưng cho bậc quân tử và đại biểu cho sự thanh cao ưu nhã. Trong “Lễ Ký” có viết: “Kẻ sỹ không có lý do gì để rời bỏ cầm sắt”. Nội hàm văn hóa phong phú truyền tải của cổ cầm được kết tinh trong nền văn hóa truyền thống của ba gia lớn là Nho gia, Phật gia và Đạo gia, nhấn mạnh vào “cầm đức” và “cầm đạo”. Đạo thuận theo tự nhiên cho nên chú trọng nội hàm truyền tải của tiếng đàn, nhấn mạnh vào sự chính trực và bình hòa, dùng Thiện để cảm hóa. Dụng tâm để lĩnh hội cái Thần của vạn vật, từ đó chạm đến Đạo của trời đất. Âm nhạc của cổ cầm thánh khiết, siêu phàm thoát tục, có thể truyền tải Đạo và biểu đạt Đức, thể hiện rõ chí hướng, giúp người ta tĩnh tâm và khai sáng trí huệ. Do đó, các bậc thánh hiền thời xưa đã chế định ra lễ nhạc để giáo hóa bách tính trong thiên hạ gìn giữ tâm lương thiện, ngưỡng vọng về đạo nghĩa. Các nhạc khúc cổ cầm nổi tiếng được lưu truyền đến nay có “Nam Phong”, “Tiêu Thiều”, “Y Lan Tháo”, “Cao Sơn Lưu Thủy”, “Dương Xuân Bạch Tuyết” v.v.

“Linh linh thất huyền thượng
Tĩnh thính tùng phong hàn”

(Diễn nghĩa:

“Thanh âm thất huyền cầm trong trẻo thanh cao
Tĩnh tại lắng nghe rừng thông réo rắc trong gió”)

“Tâm vô vật dục càn khôn tĩnh
Tọa hữu cầm thư tiện thị tiên”

(Diễn nghĩa:

“Tâm không tồn vật chất dục vọng, càn khôn tĩnh tại
Ngồi tọa cùng cổ cầm và thư họa liền trở thành Tiên”)

Vận ý của cổ cầm dạt dào tuôn chảy. Cổ nhân đã từng lưu lại rất nhiều áng thơ cũng như tranh vẽ ưu nhã thoát tục. Trong “Kinh Thi” có viết:

“Ngã hữu gia tân, cổ sắt cổ cầm”

(Diễn nghĩa:

Ta có khách quý viếng thăm
Gảy đàn cầm sắt thết đãi)

Thi nhân Lý Bạch đời Đường viết trong bài thơ “Thính Thục tăng Tuấn đàn cầm”:

“Thục tăng bão lục ỷ
Tây hạ Nga My phong
Vi ngã nhất huy thủ
Như thính vạn hác tùng”

(Diễn nghĩa:

Tăng nhân nước Thục tay ôm cổ cầm
Hướng về phía Tây lên đỉnh Nga My
Vì ta vẫy tay một cái
Như nghe được rừng thông réo rắc)

Thi nhân Lưu Vũ Tích viết trong bài thơ “Lậu thất minh”:

“Khả dĩ đàn tố cầm, duyệt kim kinh
Vô ty trúc chi loạn nhĩ, vô án độc chi lao hình”

(Diễn nghĩa:

Có thể gảy đàn cầm mộc mạc, duyệt xem kinh sách vàng kim
Không tiếng tơ trúc loạn tai, không thư trát sự tình phiền não nhọc thân)

Thi nhân Trương Hỗ viết trong bài thơ “Thính Nhạc châu từ viên ngoại đàn cầm”:

“Ngọc luật tiềm phù nhất cổ cầm
Triết nhân tâm kiến thánh nhân tâm”

(Diễn nghĩa:

Âm luật ngọc ngà tiềm ẩn trong cổ cầm
Tâm của bậc hiền triết tương kiến tâm của thánh nhân)

Cổ cầm với cảnh giới âm nhạc tường hòa, chí thiện chí mỹ, khai sáng tâm linh của con người, trong thanh tĩnh chạm đến cảnh giới người và Thần tương hợp, cảm ngộ nội hàm của Đức và cảnh giới của Đạo với âm nhạc hoàn mỹ nhất.

Kỳ

Kỳ là chỉ “vi kỳ” (cờ vây). Tương truyền cờ vây bắt nguồn từ thời vua Nghiêu, Thuấn. Trong “Bác Vật Chí” thời nhà Tấn, Trương Hoa có viết như sau: “Vua Nghiêu dùng cờ vây để dạy con là Đan Chu”. Cổ nhân dùng cờ vây để tu thân dưỡng tính, tăng cường trí huệ. Hơn nữa, cờ vây còn có mối quan hệ với dịch lý thiên tượng, sách lược binh pháp, an bang trị quốc v.v. Bàn cờ vây tượng trưng cho vũ trụ, điểm Thiên Nguyên ở giữa đại diện cho trung tâm của vũ trụ. Ngoài điểm Thiên Nguyên, toàn bộ bàn cờ có 360 điểm khác đại diện cho 360 thiên thể khác nhau. Con số 360 này vừa khớp với 360 ngày theo Âm lịch. Bốn góc của bàn cờ tượng trưng cho bốn mùa xuân, hạ, thu, đông trong một năm. Những quân cờ trắng đen tượng trưng cho sự thay đổi luân phiên giữa ngày và đêm. Có thể nói một bàn cờ nhỏ bé chứa đựng toàn bộ vũ trụ và trời đất. Cờ vây huyền diệu vô cùng, trên bàn cờ vây với bán kính chưa đến hai thước bao gồm 19 đường dọc và 19 đường ngang giao nhau được phân định rõ ràng. 361 quân cờ trắng đen trông như vô trật tự nhưng lại rất có trật tự, biến huyễn vô thường, bao hàm vạn sự vạn vật.

Cờ vây thể hiện trí huệ hàm chứa trong văn hóa truyền thống Trung Quốc, luật chơi đơn giản nhưng biến hóa vô cùng. Bàn cờ vây chứa đựng không gian hữu hạn cho đến không gian vô hạn. Trong lịch sử có nhiều nhà tiên tri như Gia Cát Lượng thời Tam Quốc từng viết trong “Vi Kỳ Ca” như sau: “Trời tựa như cái lọng tròn, đất tựa như bàn cờ vây”. Đời người muôn màu muôn vẻ cũng như một ván cờ. Gia Cát Lượng quan sát vạn sự vạn vật nơi thế gian giác ngộ thiên tượng biến hóa. Ông cho rằng những chuyện xảy ra ở thế gian cũng giống như việc cầm quân cờ lên hay bỏ quân cờ xuống, từ đó thể hiện ra phong thái siêu nhiên thoát tục của bậc trí giả. Đường Thái Tông cũng rất giỏi về cờ vây. Ông có lĩnh hội sâu sắc về nghệ thuật và nguyên lý chơi cờ. Ông đã để lại nhiều áng thơ về cơ vây, như trong bài “Vịnh Kỳ”:

“Thủ đàm phiêu tích mỹ, tọa ẩn dật tiền lương
Tham sai phân lưỡng thế, huyền tố dẫn song hành”

Câu chuyện kể về ”một nước cờ định càn khôn” an nhiên tĩnh tại lúc Đường Thái Tông đánh cờ với Cầu Nhiêm Khách đã được hậu thế đời đời ca tụng.

Trong thơ cổ cũng có rất nhiều miêu tả liên quan đến cờ vây. Thi nhân Lưu Vũ Tích từng cảm thán trước sự huyền diệu của cờ vây như sau:

“Nhạn hành bố trận chúng vị hiểu
Hổ huyệt đắc tử nhân giai kinh”

Trương Nghĩ thời nhà Tống miêu tả thế sự vô thường và sự biến hóa nhanh chóng trong ván cờ như sau:

“Hào ưng dục kích hình hoàn nặc
Nộ nghĩ sơ phục trần dĩ thành”

Hoàng Canh thời nhà Nguyên miêu tả ý cảnh trầm tư suy ngẫm về sự an tĩnh và thâm sâu của cờ vây như sau:

“Hà xứ tiên nhân ái thủ đàm
Thời vấn bác trác trúc lâm gian
Nhất bính ngọc tử xao vân toái
Kỷ độ ngọ song kinh mộng tàn”

(Từ “ngọc tử” trong bài thơ trên là tên gọi khác của cờ vây)

Đời người giống như một ván cờ, ván cờ cũng giống như cuộc đời con người. Người ta có thể bỏ lượt chơi cờ nhưng không thể dừng bước trong kiếp nhân sinh. Bởi lẽ từ khi sinh ra trên thế gian, con người đã đặt chân vào ván cờ này. Khi một ván cờ kết thúc lại có ván cờ khác bày ra, nhưng ván cờ của đời người chỉ có thể có một mà thôi, chúng ta không hối hận khi hạ quân cờ xuống, vậy rốt cuộc sống trên đời có con đường nào để quay đầu hay không? Đạo lý của cờ vây giúp chúng ta nhìn rõ toàn bộ cục diện với tầm nhìn cao rộng, tìm kiếm nhân duyên của bản thân mình, tìm kiếm con đường lớn quang minh để hướng tới tương lai tốt đẹp, và bước đi cho tốt con đường nhân sinh thì mới có kết cục hoàn mỹ.

Thư

“Thư” là chỉ thư pháp, chính là nghệ thuật sử dụng bút lông để viết các thể chữ Hán như triện, lệ, chính, hành. Về kỹ pháp nhấn mạnh vào cách cầm bút, dùng bút, nét chữ, kết cấu, thủ pháp dùng mực, bố cục văn chương v.v. Chúng được thể hiện trong khoảng cách giữa các dòng chữ, nét bút lả lướt như nước chảy mây trôi, bố cục xuyên suốt, sự hài hòa giữa hình thức và nội dung. Tất cả những yếu tố này tạo nên vẻ đẹp hài hòa trong nghệ thuật thư pháp. Mỗi một kiểu chữ mang theo phong thái khác nhau với nét đẹp ưu nhã, nhẹ nhàng lả lướt.

Thư pháp Trung Quốc từ xưa vẫn luôn chú trọng vào khí chất và thần vận của chữ viết, đem đến cho người xem sức tưởng tượng vô hạn cùng với cảm thụ nội tâm và tinh thần khoáng đãng bao la vô tận. Thư pháp cũng có mối liên hệ mật thiết với đặc trưng tính cách, chí hướng và cảnh giới tư tưởng của người viết thư pháp. Cổ nhân đề xướng: “Học làm người trước khi viết chữ, tâm chính thì nét bút sẽ chính.” Trong “Thư Đạo” có viết: “Tác phẩm thư pháp từ xưa đến nay đều xét phẩm chất con người. Do đó, học không tới và không đủ nhân phẩm thì không thể đàm luận về thư pháp. Đây cũng là đạo lý của thư pháp vậy!” Không ngừng thăng hoa cảnh giới tư tưởng mới khiến cho tác phẩm nghệ thuật triển hiện ra thần thái và thần vận. Hầu hết những nhà thư pháp lưu truyền ngàn đời trong sử sách đều là những người có phẩm đức cao thượng. Nền tảng đạo đức, nhân cách, khí tiết cùng với tác phẩm thư pháp của họ được lưu truyền cho nhiều thế hệ sau. Ví như, Vương Hy Chi với phẩm đức thanh cao thuần khiết cho nên nét chữ của ông cũng thanh tú thoát tục. Ngu Thế Nam, Chử Toại Lương, Liễu Công Quyền trung chính liêm khiết nên tác phẩm thư pháp của họ ngập tràn khí chất nghiêm chính. Cha con Âu Dương Tuân và Âu Dương Thông không nhập vào thế tục nên tác phẩm thể hiện ra vẻ đẹp thanh tao mỹ lệ, cao siêu xuất chúng. Nhan Chân Khanh là một người chính trực và thẳng thắn nên nét chữ của ông cũng có kết cấu nghiêm khắc và quy phạm hoàn chỉnh, chỉ cần nhìn vào chữ sẽ biết ngay tác giả là một bậc quân tử phẩm đức cao thượng.

Vương Hy Chi được gọi là “thư thánh”. Ông là một người tu Đạo thành tâm tín ngưỡng. Ông dùng trái tim thuần chính để cảm thụ vẻ đẹp của tạo hóa trời đất, tự nhiên vạn vật và khám phá sự tinh tế thâm áo của vũ trụ, từ đó kiểm chứng thông qua nghệ thuật thư pháp. Trong “Thư Đoạn”, ông từng viết như sau: “Thiên biến vạn hóa, đắc được thần công, nếu không có linh cảm huyền diệu của tạo hóa thì làm sao có thể đạt đến trình độ cao thâm!” Trong bài thơ “Lan Đình”, ông có viết: “Đại tai tạo hóa công, vạn thù mạc bất quân.” Những áng văn nét bút mỹ diệu của Vương Hy Chi trong “Lan Đình Tự”, “Thập Thất Thiếp” v.v. được xem như viên ngọc quý của nền nghệ thuật thư pháp cổ đại Trung Quốc. Đường Thái Tông rất coi trọng thư pháp. Ông từng đề xướng thiên hạ học tập theo cách viết thư pháp của Vương Hy Chi. Để chính thống hóa thư pháp, Đường Thái Tông đã tự mình đặt bút viết “Vương Hy Chi Truyền Luận”, ông còn gọi nó là “tận thiện tận mỹ”. Chuẩn mực thư pháp thời Đường đã đạt đến đỉnh cao nhất trong mọi thời đại, và đây cũng là thời đại có nhiều nhà thư pháp nhất trong lịch sử thư pháp Trung Quốc.

Họa

“Họa” là chỉ về “vẽ tranh Trung Quốc”, cũng gọi là quốc họa. Công cụ và nguyên liệu của hội họa truyền thống Trung Quốc bao gồm bút lông, mực, màu sắc, giấy vẽ, lụa v.v. Đề tài có thể phân thành vẽ nhân vật, non nước, hoa và chim v.v. Kỹ pháp có thể phân thành vẽ chân dung và tả ý. Vẽ tranh Trung Quốc cũng giống như thư pháp, nhấn mạnh về công phu dùng bút và mực, sự nhanh chậm nặng nhẹ khi chấm bút lông vào mực sẽ tạo nên những đường nét biến hóa khác nhau như cương trực, nhu hòa, nghiêm chỉnh, siêu phàm thoát tục v.v. Ngoài ra, mức độ đậm nhạt của mực vẽ cũng thể hiện ra vận luật tinh tế với trăm loại hình thái khác nhau.

Vẽ tranh Trung Quốc yêu cầu phải có Thần thái, hơn nữa là đòi hỏi về ý cảnh. Người vẽ cần phải đạt đến mức “đắc tâm ứng thủ”, “ý đáo bút tùy” (trong tâm nghĩ đến thứ gì thì tay liền vẽ ra thứ ấy), yêu cầu vẽ phải sinh động, truyền tải được cái Thần, sinh ra ý vị và thi vị bao la vô tận. Ví như, Tào Trọng Đạt vào thời Bắc Tề rất giỏi vẽ tranh Phật. Ông đã vẽ rất nhiều bức họa về Phật Đà, Bồ Tát, Thần Tiên, bút pháp mạnh mẽ tầng tầng lớp lớp. Những nếp gấp quần áo của nhân vật trong bức họa được ông vẽ vô cùng chi tiết tỉ mỉ, đường gấu áo mở ra trông như dòng nước chảy, cho nên người đời gọi là “Tào y xuất thủy”. Ngô Đạo Tử thời nhà Đường được tôn là “nhất đại họa thánh”. Ông là bậc thầy vẽ tượng Phật, Thần Tiên và vũ trụ bao la. Bút pháp đạt đến trình độ siêu phàm thoát tục, quần áo của nhân vật tung bay trong gió, đường nét mạnh mẽ, người đời gọi là ”lan diệp miêu”, nét bút đạt đến hiệu quả y phục của Thần Tiên bay lượn, bốn bề lộng gió cho nên người ta gọi ông là “Ngô đới đương phong”. Từ tác phẩm cho đến bút pháp của các họa sỹ thời cổ đại, người ta có thể nhìn thấy tâm thái thuần chính và lực lượng tinh thần nội tại, từ đó lĩnh hội vẻ đẹp nghệ thuật và thưởng thức ý vị nhân sinh ở nơi tâm linh sâu thẳm.

Vẽ tranh Trung Quốc yêu cầu nghiêm khắc về sự hàm súc, chỉ cần trong tâm có sự tương hợp tình ý thì có thể lĩnh ngộ ý cảnh. Trong sáng tác hội họa có tác phẩm thể hiện khung cảnh thần thánh quang minh, Thần Phật trang nghiêm, cũng có tác phẩm thể hiện cốt cách của những bậc chí sỹ nhân đức ôm giữ hoài bão, có tác phẩm tượng trưng cho bốn mùa có mai, lan, cúc, trúc v.v. khơi dậy tín ngưỡng Thần Phật của con người, kiên trì giữ lấy phẩm đức, hướng thiện và hướng thượng. Hội họa Trung Quốc cũng tương phụ tương thành với thơ văn có nội hàm phong phú nên được gọi là “trong thơ có tranh, trong tranh có thơ”. Giống như Vương Duy thời nhà Đường cả đời “không màng đến việc gì”, trong bức tranh “Sơn Âm Đồ” của ông vẽ hai người đang ngồi đối diện nói chuyện với nhau bình thản trên một ngọn đồi, một người trong đó cô đơn ngắm nhìn phong cảnh núi non trước mắt, xa xa là khu rừng bao phủ bởi sương khói mờ ảo khiến cho người ta nghĩ đến hình ảnh “đi đến nơi tận cùng của non nước, ngồi xuống ngắm nhìn mây bay”. Trong bức họa “Giang Sơn Tuyết Tễ Đồ, trời cao khoáng đãng, thể hiện phong thái thần thánh, an tĩnh và trang nghiêm khiến người ta nghĩ đến hình ảnh “dòng sông uốn lượn bên ngoài trời đất, sắc màu núi non hiện ra từ hư không”. Vương Miện thời nhà Nguyên cả đời yêu mai, vịnh mai, trong bức họa “Mặc Mai” của ông có đề thơ như sau: “Bất yếu nhân khoa nhan sắc hảo, chỉ lưu thanh khí mãn càn khôn” (diễn nghĩa: không cần người khen nhan sắc đẹp, chỉ lưu lại khí chất ưu nhã tràn ngập càn khôn). Những tác phẩm hội họa này để lại ý vị sâu sắc theo thời gian giúp người ta cảm thụ được “ý nghĩa chân chính” của sinh mệnh và sự kỳ diệu của thế giới xung quanh.

Cầm Kỳ Thư Họa tinh tế mỹ diệu không gì có thể so sánh được, xứng đáng là một đóa hoa quý trong nền nghệ thuật Trung Quốc. Từ trong đó, chúng ta có thể lĩnh ngộ vận ý thâm sâu của văn hóa truyền thống. Kỳ thực, hết thảy các bộ môn nghệ thuật chính thống đều giống như vậy, chúng bao hàm những đạo lý thâm sâu về vũ trụ nhân sinh, khai sáng cảm ngộ về ý nghĩa chân thật của đời người và nhân cách đạo đức lý tưởng hoàn mỹ, tìm kiếm Đạo trời, truy cầu cảnh giới an tĩnh cao xa.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2010/6/6/224959.html

Đăng ngày 03-05-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share