Bài viết của Tử Y
[MINH HUỆ 16-12-2009] Đông Phương Sóc tên là Mạn Thiến, phụ thân là Trương Di, tự Tử Bình, mẫu thân là Điền thị. Khi phụ thân Trương Di sống đến 200 tuổi thì diện mạo vẫn giống như nhi đồng. Đông Phương Sóc sinh ra được 3 ngày thì mẫu thân Điền thị chết, đó là năm Hán Cảnh Đế thứ 3. Một phụ nữ hàng xóm đã bế về nuôi dưỡng Đông Phương Sóc, lúc đó phương đông vừa hửng sáng nên dùng Đông Phương đặt làm tên họ cho cậu.
Khi Đông Phương Sóc 3 tuổi, hễ thấy kinh thư nào trong thiên hạ, chỉ xem một lượt liền thuộc lòng, cậu còn thường chỉ lên trời lẩm bẩm một mình. Một lần mẹ nuôi bỗng phát hiện ra Đông Phương Sóc biến mất, hơn một tháng sau mới trở về, mẹ nuôi liền đánh đòn roi cho cậu một trận. Sau này Đông Phương Sóc lại bỏ nhà ra đi, một năm mới trở về. Mẹ nuôi trông thấy cậu thì thất kinh hỏi: “Con bỏ nhà đi một năm rồi, sao có thể khiến mẹ không lo lắng đây?”. Đông Phương Sóc nói: “Con chẳng qua là đến Tử Nê Hải chơi một ngày, nước tím của biển làm bẩn y phục của con, con lại phải đến Ngu Tuyền giặt, sáng đi, trưa liền về, sao lại nói con đi 1 năm?”
Mẹ nuôi liền hỏi: “Con đi qua những nơi nào?”
Đông Phương Sóc nói: “Con giặt y phục xong thì nghỉ một chút tại Sùng Đài ở âm gian, ngủ một giấc ngắn, vương công của âm gian cho con ăn hạt dẻ màu đỏ, uống quỳnh tương ngọc lộ, khiến con no suýt chết, rồi lại cho con uống nửa chén hoàng lộ của Cửu Thiên. Khi con ngủ dậy, trên đường về, con có gặp một con hổ màu đen, bèn cưỡi nó đi về. Bởi vì con vội vàng đi về nên con dùng sức đánh con hổ đó, nó cắn chân con bị thương rồi”.
Mẹ nuôi nghe rồi, trong lòng cảm thấy rất buồn, liền xé một miếng vải từ chiếc áo ra bọc cái chân bị thương của Đông Phương Sóc. Sau này Đông Phương Sóc lại ra đi, cách xa nhà một vạn dặm, trông thấy một cái cây chết khô, bèn tháo mảnh vải mà mẹ nuôi quấn chân cậu ra treo lên cây, mảnh vải đó lập tức hóa thành con rồng, người đời sau gọi nơi đó là “Bố Long trạch” (đầm rồng vải).
Những năm Nguyên Phong đời Hán Vũ Đế, Đông Phương Sóc du ngoạn ở “Hồng Mông chi trạch”, bỗng trông thấy mẫu thân Điền thị đang hái dâu ở bên bờ Bạch Hải. Lúc đó bỗng nhiên có một ông lão lông mày màu vàng đến trước mặt nói với Đông Phương Sóc rằng: “Bà ấy trước kia là vợ ta, là Thần Thái Bạch Tinh chuyển sinh đến thế gian. Bây giờ cậu cũng là Thần Tiên của Thái Bạch Tinh rồi. Ta không ăn ngũ cốc, nuốt khí tu luyện đã hơn 90 năm, trong hai con ngươi của mắt ta có thể phát ra ánh sáng xanh, có thể trông thấy những vật cất giấu nơi tăm tối. Ta 3 nghìn năm thay xương cốt và xương tủy một lần, 2 nghìn năm thay da một lần, thay tóc một lần. Ta từ khi sinh ra đến nay đã 3 lần thay xương, 5 lần thay da rồi”.
Sau khi Đông Phương Sóc trưởng thành, được bổ nhiệm làm Thái trung Đại phu trong triều Hán Vũ Đế. Những năm cuối đời, Hán Vũ Đế yêu thích thuật thành Tiên của Đạo gia, rất thân cận với Đông Phương Sóc. Nguyện vọng lớn nhất của hoàng đế là có thể khiến ông trường sinh bất lão, thế là xin thỉnh giáo Đông Phương Sóc, hy vọng có thể dạy ông bí kíp tu luyện. Đông Phương Sóc nghe những lời đó của Vũ Đế liền nói: “Ở phương đông có nơi có cỏ linh chi, ở tây nam có nơi có cá xuân sinh, đó đều là những thứ có thể khiến con người trường sinh”.
Trước khi Đông Phương Sóc rời trần thế, ông đã từng nói với bằng hữu cùng làm quan với ông rằng: “Thiên hạ ai cũng không thể biết được Đông Phương Sóc ta là ai, chỉ có Thái Vương Công biết ta”. Sau khi Đông Phương Sóc từ trần, Vũ Đế liền vời Thái Vương Công đến hỏi: “Khanh biết Đông Phương Sóc không?” Thái Vương Công nói: “Thần không biết”. Vũ Đế hỏi: “Khanh có sở trường gì?” Thái Vương Công nói: “Thần có nghiên cứu tinh tú lịch pháp”. Vũ Đế hỏi: “Tinh tú trên trời đều có sao?” Thái Vương Công trả lời: “Các vì sao đều có, chỉ có Mộc Tinh đã mất 18 năm, bây giờ lại xuất hiện rồi”. Vũ Đế ngửa mặt lên trời than rằng: “Đông Phương Sóc ở bên ta 18 năm, ta lại không biết rằng ông ta chính là Mộc Tinh”, nói rồi, trong lòng Vũ Đế rất buồn bã.
(Nguồn: “Thái Bình quảng ký”)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/12/16/214452.html
Đăng ngày 27-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.