Bài viết của Hoa Hàn

[MINH HUỆ 29-03-2011] Những câu chuyện sau đây đều dịch từ sách “Đại Đường tân ngữ” của Lưu Túc đời Đường.

Người viết khi lần đầu đọc sách “Đại Đường tân ngữ”, cảm giác Đường Thái Tông sống không được tự do, thường xuyên [bị chỉ trích] mắc lỗi. Nhưng bản tính thiện lương bao dung giúp ông tiếp thu những ý kiến chính xác. Người viết cũng cảm thấy rằng quần thần giám sát ông quá nghiêm khắc, việc này cũng phê bình, việc kia cũng chỉ trích, và có những lời rất chối tai. Say này mới nghĩ rằng: Đó chính là khởi điểm khiến Đường Thái Tông trở thành vị quân chủ anh minh, là nguyên nhân tạo nên thời thái bình thịnh thế Trinh Quán.

“Không trải qua một phen lạnh thấu xương thì sao có được hoa mai ngát hương?” Đường Thái Tông chính là như thế, từng phen từng phen trải qua rèn giũa mới trở thành một trong những vị quân chủ vĩ đại nhất trong lịch sử Trung Quốc. Sách “Đại Đường tân ngữ” đã ghi chép cụ thể những bước làm người của Lý Thế Dân và những dấu mốc thành công của thời thịnh trị Trinh Quán.

2011-3-28-tangtaizong--ss.jpg

Hình: Đường Thái Tông

Trương Huyền Sách luận về Đạo trị quốc

Năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông nghe được danh tiếng của Trương Huyền Sách liền lập tức triệu kiến, hỏi ông về Đạo trị quốc.

Trương Huyền Sách trả lời rằng: “Thần thấy từ xưa đến nay không ai giống như triều Tùy, tử vong họa loạn đến nhanh như thế. Truy tìm nguyên nhân, lẽ nào chẳng phải nguyên do quân chủ chuyên quyền, pháp luật ngày càng hỗn loạn? Giả sử quân chủ ở trên biết khiêm tốn tiếp thu ý kiến; bề tôi ở dưới biết sửa chữa lỗi lầm, thế thì đâu có dẫn đến cục diện như vậy? Hơn nữa làm quân vương một nước lớn nếu muốn tự mình độc đoán các sự việc quốc gia, thì dù mỗi ngày chỉ quyết định 10 việc thì cũng có khả năng 5 việc có sai lệch, nữa là ngày xử lý vạn việc trọng yếu. Cứ như thế ngày qua tháng lại, năm này qua năm khác, sẽ khiến sai lầm càng nhiều, quốc gia sao có thể không bị diệt vong? Bệ hạ nếu có thể tiếp thu nguyên nhân triều Tùy nguy vong, mỗi ngày một thận trọng hơn. Nếu thực sự có thể làm được như vậy thì Đạo trị quốc của Nghiêu Thuấn cũng không có gì hơn thế.”

Đường Thái Tông vô cùng tán thưởng ý kiến của Trương Huyền Sách.

Ngụy Trưng khuyên dừng điều tra quan lại ở huyện

Đường Thái Tông du hạnh cung Cửu Thành (phía Tây huyện Lân Du, Thiểm Tây), sau đó về kinh thành, để cung nữ trú ở quan xá của huyện Vy Xuyên. Sau đó không lâu thì Lý Tĩnh và Vương Khuê đến, quan lại huyện Vy Xuyên chuyển cung nữ ra khỏi quan xá để Lý Tĩnh và Vương Khuê trú.

Sau khi biết chuyện, Đường Thái Tông nổi giận nói: “Quyền hành quyền uy lẽ nào lại ở trong tay mấy người Lý Tĩnh này? Huyện lại tại sao lại ưu đãi Lý Tĩnh mà lại khinh nhờn cung nữ của ta?” Nói rồi, ông hạ lệnh điều tra quan lại ở huyện Vy Xuyên.

Ngụy Trưng khuyên can rằng: “Mấy người nhóm Lý Tĩnh đều là đại thần tâm phúc của bệ hạ, mà cung nữ là nô tì hầu hoàng thượng và hoàng hậu, nếu luận về chức phận của hai bên thì không thể cùng luận được. Hơn nữa nhóm Lý Tĩnh đi ra ngoài thì quan lại các địa phương sẽ đến hỏi han họ về kỷ cương của triều đình. Bệ hạ đi ra ngoài trở về triều cũng thường hỏi han họ về tình hình khốn khổ trong dân gian. Nhóm người Lý Tĩnh tự nhiên sẽ tiếp kiến các quan lại bên dưới, quan lại bên dưới cũng không thể không tham kiến đại thần. Còn về cung nữ, ngoài cung cấp ăn uống cho họ ra thì không cần tham kiến ai khác. Vì vậy nếu lấy việc này mà định tội, trách phạt quan lại ở huyện thì e rằng bất lợi cho thanh danh nhân đức của bệ hạ, khiến người thiên hạ biết chuyện sẽ vô cùng kinh sợ.”

Đường Thái Tông nói: “Lời nói của khanh rất đúng.” Vậy là ông từ bỏ việc điều tra hỏi tội quan lại huyện.

Lời nói của người nhân đức có lợi ích to lớn

Năm Trinh Quán thứ nhất, Đường Thái Tông xây dựng cung điện Lạc Dương, chuẩn bị tuần hành kiểm tra sử dụng.

Viên quan Cấp sự trung là Trương Huyền Tố dâng thư cực lực khuyên ngăn. Trong bản tấu ông viết: “Thần nghe nói cung A Phòng sau khi xây dựng xong, người Tần ly tán. Đài Chương Hoa xây dựng xong, nước Sở xảy ra tình trạng dân chúng làm phản, người thân rời xa. Điện Càn Nguyên xây dựng xong, bách tính triều Tùy cũng tan rã. Hơn nữa với quốc lực hiện nay của bệ hạ, thì có khác gì triều Tùy năm xưa đâu? Bách tính chịu đầy sai dịch và vết thương chiến tranh, kế thừa những thói xấu của triều Tùy diệt vong, do đó có thể nói rằng, sai lầm bệ hạ vượt xa Tùy Dương Đế rất nhiều. Thần rất hy vọng bệ hạ suy xét kỹ chuyện này, chớ để Do Dư chê cười. (Do Dư là người Tây Nhung thời Xuân Thu. Quốc Vương Tây Nhung phái Do Dư đi sứ nước Tần. Tần Mục Công vì muốn khoe khoang nước Tần nên đã để Do Dư tham quan cung thất hoa lệ của nước Tần. Sau khi tham quan, Do Dư cảm thán rằng: Nếu đây là sai khiến quỷ Thần xây dựng thì đó là phiền nhiễu quỷ Thần; nếu là sai khiến người dân xây dựng thì đó là làm hại bách tính. Đây chính là nguyên nhân các quốc gia Trung Nguyên xảy ra họa loạn.) Đó chính là may mắn cực lớn của thiên hạ.”

Đường Thái Tông hỏi: “Khanh cho rằng trẫm không bằng Tùy Dương Đế, vậy so với Kiệt Đế nhà Hạ và Trụ Đế nhà Thương thì thế nào?”

Trương Huyền Tố trả lời rằng: “Nếu cung điện Càn Nguyên mà xây xong thì có thể nói kết quả cũng đen tối hỗn loạn như Kiệt Trụ. Hơn nữa bệ hạ vừa mới bình định Lạc Dương, Thái Thượng Hoàng (Đường Cao Tổ Lý Uyên) chiếu lệnh, điện lớn cửa cao đều thiêu hủy. Khi đó bệ hạ cho rằng, ngói gỗ có thể sử dụng, không nên thiêu hủy, thỉnh cầu ban cho người nghèo khó. Sự việc tuy không được thi hành, nhưng người thiên hạ đều ca ngợi bệ hạ có đại đức. Ngày nay nếu bệ hạ không theo lệ cũ thì chính là chế độ lao dịch triều Tùy sống lại, tái hiện. Chỉ trong 5 – 6 năm, thái độ của bệ hạ đã khác nhau như thế này, thế thì bệ hạ dùng điều gì để hiệu triệu vạn dân để vẻ vang thiên hạ đây?”

Đường Thái Tông nói: “Khanh nói rất hay” và ban cho Trương Huyền Tố 300 súc lụa màu.

Ngụy Trưng ca ngợi rằng: “Trương Huyền Tố luận về lý sự có sức mạnh thay đổi trời đất, có thể nói là lời nói của bậc nhân đức, đem lại lợi ích vô cùng to lớn.”

Khuyên chớ tránh nóng một mình

Đường Thái Tông chuẩn bị đến cung Cửu Thành tránh nóng. Mã Chu khuyên can rằng: “Thần thấy chiếu lệnh của bệ hạ, nói là ngày 2 tháng 2 sẽ đến cung Cửu Thành tránh nóng. Cá nhân thần cho rằng: Thái Thượng Hoàng tuổi tác đã cao, bệ hạ nên sớm tối phụng sự, chăm sóc sinh hoạt hàng ngày. Hiện nay bệ hạ muốn đến cung Cửu Thành cách xa kinh thành hơn 200 dặm, đoàn xa giá cũng phải mất mười mấy ngày, không thể sáng đi tối đến được. Nếu có lúc Thái Thượng Hoàng nhớ đến bệ hạ, muốn gặp bệ hạ thì sao bệ hạ có thể đi được? Hơn nữa hôm nay xa giá khởi hành, vốn chỉ là tránh nóng, nhưng Thái Thượng Hoàng vẫn ở nơi nóng nực, còn bệ hạ lại một mình đi đến nơi mát mẻ. Hành vi tránh nóng nghỉ mát của bệ hạ như thế này, thần cảm thấy rất bất an.”

Đường Thái Tông khen ngợi Mã Chu nói rất hay.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/3/29/文史漫談-唐太宗納諫的故事-238191.html

Đăng ngày 18-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share