Theo một phóng viên ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

Tên: Lữ Xuân Sam (吕春杉 )
Giới tính: Nam
Tuổi: 42
Địa chỉ: huyện
Nghề nghiệp: nhân viên phục vụ dân sự của Cục thuế huyện Bình Xương
Ngày bị bắt gần nhất: 13 tháng 1 năm 2005
Nơi bị bắt gần nhất: Trại lao động cưỡng bức Tân Hoa
Thành phố: Bình Xương
Tỉnh: Tứ Xuyên
Hình thức bức hại: Sốc điện, không được ngủ, lao động cưỡng bức, đánh đập, biệt giam, tra tấn trên ghế hổ, bị nghỉ việc, giam giữ, bị bỏng bằng thuốc lá, tống tiền, bị thêm thời hạn tù.
Người bức hại: Mưu Hạnh Phúc (牟幸福), thành viên Đội an ninh nội địa: 86-13981651961(di động), 86-827-6882902 (Xiaolingtong Mobile), 86-827-6227605 (nhà)

[MINH HUỆ 15-04-2010] Ông Lữ Xuân Sam, 42 tuổi, là một nhân viên phục vụ dân sự của Cục thuế huyện Bình Xương ở tỉnh Tứ Xuyên. Ông có sức khỏe yếu và bị nhiều bệnh từ khi ông còn nhỏ. Tháng 10 năm 1997, một người bạn cùng lớp đã giới thiệu với ông về Pháp Luân Công. Một thời gian ngắn sau khi bắt đầu tập luyện, sức khỏe của ông đã được hồi phục. Năm 1998, ông Lữ đã quyên tặng 500 nhân dân tệ để giúp các nạn nhân bị lũ lụt mặc dù tình hình tài chính ở nhà ông gặp khó khăn. Ông tuân theo tiêu chuẩn “Chân – Thiện – Nhẫn” tại nơi làm việc và không nhận hối lộ. Đồng nghiệp và nhiều viên chức cấp cao tại nơi làm việc của ông đều công nhận ông Lữ là một người tốt và thường khen ngợi ông.

Nhưng vì niềm tin của ông vào Pháp Luân Công, ông Lữ đã trải qua hơn 10 năm bị bức hại.

1. Bị giam vì đi thỉnh nguyện ở Bắc Kinh

Ngày 3 tháng 1 năm 2000, khi ông Lữ đến Ga tàu Tây Bắc Kinh để thỉnh nguyện với chính quyền địa phương về công bằng cho Pháp Luân Công, ông đã bị bắt giữ bất hợp pháp và bị giam tại Sở cảnh sát Ga tàu Tây Bắc Kinh. Ông đã bị còng tay vào một cột xi măng trong ba ngày.

Cùng ngày, tại nơi ông Lữ ở, cảnh sát Mưu Hạnh Phúc và nhiều cảnh sát khác ở Phòng cảnh sát huyện Bình Xương đã lục soát phòng làm việc và nhà của ông Lữ. Họ đã lấy đi tài sản cá nhân của ông, cùng với các sách Pháp Luân Công.

Ngày 8 tháng 1 năm 2000, ông Lữ bị đưa về huyện Bình Xương và bị giam tại Nhà tù huyện Bình Xương. Vài ngày sau, viên chức tại nơi ông làm đã đến nhà tù và thông báo rằng ông đã bị nghỉ việc. Sau đó gia đình ông đã bị ép viết tờ cam kết cho ông để ngừng việc tập Pháp Luân Công, chính quyền đã thả ông Lữ vào ngày 4 tháng 2 năm 2000.

2. Kết án lao động cưỡng bức

Vào lúc 10 giờ tối ngày 19 tháng 10 năm 2000, có hơn một chục cảnh sát từ Phòng cảnh sát huyện Bình Xương, gồm có cảnh sát Mưu, đã xông vào nhà ông Lữ và lục soát. Họ đã lấy đi  tài sản cá nhân của ông và bắt giam ông.

Đêm đó, họ đã tra tấn trong khi thẩm vấn ông. Cảnh sát Mưu đã dùng dùi cui có gắn đinh đánh vào lưng ông Lữ, khiến ông bị chấn thương lưng nghiêm trọng. Một cảnh sát khác, Ngô Hiển Hiến, đã tát ông và làm bỏng mặt ông bằng nhiều đầu thuốc lá. Sau khi tống tiền gia đình ông 10,000 nhân dân tệ, cảnh sát đã thả ông vào 30 ngày sau.

Vào chiều ngày 20 tháng 12 năm 2000, Mưu và nhiều cảnh sát khác đã đến hiệu sách nhỏ của ông Lữ và bắt giữ ông. Ba ngày sau, ông bị kết án bất hợp pháp hai năm sáu tháng lao động cưỡng bức.

Ngày 28 tháng 12 năm 2000, ông Lữ bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Tân Hoa. Khi các lính canh nhìn thấy ông ngồi thiền vào ban đêm, họ đã bắt ông chạy 100 vòng quanh sân.

Ngày 16 tháng 1 năm 2001, ông Lữ cùng với nhiều học viên khác đã tuyệt thực để phản đối việc bức hại Pháp Luân Công. Họ đã bị đưa đến Khu số 4 để làm các việc nặng nhọc. Họ bị buộc phải làm việc hơn 10 giờ một ngày.

Ngày 20 tháng 1 năm 2001, do ông Lữ và ông Dương Trí cự tuyệt không chịu lao động cưỡng bức, Trưởng khu Dư Hưng Tài đã cởi bỏ quần áo của họ và trói họ bằng dây thừng, với hai tay bị trói ở sau lưng. Dây thừng bị buộc chặt đến nỗi đã cắt vào thịt của hai người. Sau đó ông Dư đã đá vào người họ để ép họ quì gối ở trên sàn.

Từ ngày 6 tháng 6 năm 2001, nhiều viên chức trại lao động đã bắt đầu thi hành việc tẩy não như một nỗ lực để “chuyển hóa” các học viên và ép họ từ bỏ Pháp Luân Công. Ông Lữ bị đánh thức sáu lần trong đêm đầu tiên và chỉ được ngủ ba tiếng trong đêm tiếp theo. Ban ngày, các học viên bị buộc phải xem nhiều băng hình nói xấu Pháp Luân Công. Khi họ cự tuyệt, họ đã bị đánh.

Ngày 9 tháng 12 năm 2002, viên chức trại đã bắt đầu một cuộc tẩy não khác. Nếu các học viên cự tuyệt, họ sẽ bị sốc điện bằng dùi cui điện, bị trói bằng dây thừng, bị đánh, hoặc bị gia tăng thêm thời hạn tù.

Ngày 19 tháng 2 năm 2003, ông Lữ đã bị sốc điện hai lần một ngày, bị trói bằng dây thừng và bị đánh dã man. Do bị tra tấn, tai trái ông đã không còn nghe thấy gì, hai cổ tay và hai vai ông có nhiều vết thương chảy máu, ngực của ông thì bị chấn thương nghiêm trọng do bị đá.

Ngày 19 tháng 10 năm 2003, sau hai năm và mười tháng bị giam, ông Lữ đã được thả và trở về nhà. Do bị tra tấn về thể xác lẫn tinh thần trong thời gian dài, ông đã rất yếu, và nhiều răng của ông thì bị rụng.

3. Bị giám sát, quấy nhiễu và tiếp tục bị kết án lao động cưỡng bức

Nhiều nhân viên Phòng 610 địa phương và cảnh sát ở Đội an ninh nội địa thường đến nhà ông để quấy nhiễu và đe dọa ông. Ông cũng bị giám sát chặt chẽ.

Ngay trước Tết Nguyên Đán 2004, cảnh sát đã bắt ông Lữ và giam ông trong 15 ngày.

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 13 tháng 1 năm 2005, Mưu cùng năm cảnh sát khác đã xông vào chỗ bán báo của ông Lữ và lục soát. Họ đã tát và đá ông Lữ thậm tệ. Khi ông cố chạy thoát, họ đã vây quanh ông và đánh ông thậm chí còn dã man hơn. Kết quả là, hai mắt ông bị thâm tím, bị sưng tấy khắp người và quần áo của ông Lữ dính đầy máu. Sau đó họ đã bắt giam ông.

Ngày 27 tháng 1 năm 2005, ông Lữ đã bị kết án bí mật ba năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Tân Hoa một lần nữa. Tại trại lao động, ông tiếp tục phải chịu nhiều loại tra tấn, như bị biệt giam, ghế hổ, lao động cưỡng bức, tẩy não, và các phương thức khác.

Ngày 22 tháng 3 năm 2008, ông Lữ đã về nhà sau ba năm và 70 ngày bị giam giữ. Dù lúc đó ông chưa được 40 tuổi, tóc của ông đã bạc trắng và ông bị gãy bốn cái răng. Ngay sau khi được thả, chính quyền đã lại bắt đầu giám sát ông. Nhiều người từ Đội an ninh nội địa ở địa phương, đồn cảnh sát địa phương và tại nơi làm việc của ông đều đến nhà quấy nhiễu ông tổng cộng là bảy lần.

4. Gia đình bị bức hại

Trong hơn mười năm, gia đình ông Lữ đã bị ly tán. Vợ ông đã rời nhà, để lại hai con gái nhỏ. Cha mẹ ông hiện đang chăm sóc cho hai con của ông Lữ.

Em gái ông Lữ, bà Lữ Xuân Học, là một người tàn tật. Bà cũng tập Pháp Luân Công. Tháng 9 năm 2001, bà đã bị bắt và sau đó bị kết án năm năm tù.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2010/4/15/221597.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2010/4/26/116353.html
Đăng ngày 17-05-2010: Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share