Viết bới Trí Chân

[MINH HUỆ 26-01-2008] Đạo đức của con người chính là yếu tố căn bản nhất để làm người. Từ xưa đến nay, khi người ta tiến cử hiền tài, trước tiên, thường lấy đạo đức làm chuẩn mực để đo lường. Từ phẩm hạnh của họ mà có thể phán đoán họ là một người hiền đức hay không. Dĩ nhiên, phẩm chất thường ngày của người tiến cử hiền tài cũng đóng vai trò rất quan trọng. Ông ta phải là người có lòng khoan dung rộng lượng, không thiên vị, và không ích kỷ. Nếu một người ích kỷ và thiên vị đối với những người thân cận chung quanh, thì bất cứ những gì họ làm là để phát triển đảng phái của họ và làm tăng cường quyền lực của chính họ. Câu chuyện “Lý Khắc tiến cử Tể Tướng” được ghi chép trong sách “Tư Trì Thông Giám” là một ví dụ điển hình.

Vào thời Đông Chu, vua Ngụy Văn Hầu cho mời Lý Khắc, một viên quan làm việc ở bên ngoài triều đình, vào triều kiến, và phán rằng: “Trẫm cần một vị Tể Tướng để giúp trẫm. Giữa Ngụy Thành Tử và Địch Hoàng Trung, Trẫm muốn chọn lấy một người, vậy tiên sinh nhìn thấy ai là người thích hợp nhất cho chức vụ này?”

Lý Khắc thưa rằng: “Tâu bệ hạ, có câu nói ‘Ti bất mưu tôn, sơ bất mưu thân’ (Người ở địa vị thấp hèn không nên để ý những chuyện thuộc địa vị cao. Người sơ giao không nên bàn chuyện của những người thân cận). Hạ thần giữ chức vụ ở bên ngoài triều đình, không dám bàn luận những vấn đề tại triều đình”.

Ngụy Văn Hầu nói: “Đây là chuyện quốc gia đại sự, tiên sinh đừng khiêm nhường”. Lý Khắc trầm ngâm suy nghĩ một chút rồi đáp lại: “Tâu bệ hạ, nếu muốn biết phẩm chất và năng lực của một người, thì có thể quan sát 5 phương diện: Xem họ lúc bình thường thì gần gũi với ai? Khi giàu sang phú quý thì giao thiệp, làm bạn với ai? Khi hiển hách công danh thì tiến cử những ai? Khi cùng khốn, tuột xuống tận đáy xã hội thì không làm những điều gì? Khi nghèo nàn thì không lấy những thứ gì? Trả lời những câu hỏi này thì bệ hạ sẽ biết nên chọn người nào”. Ngụy Văn Hầu nghe xong, liền vui vẻ nói “Bây giờ, ta đã biết chọn người nào làm Tể Tướng rồi”.

Trên đường trở về nhà, Lý Khắc gặp Địch Hoàng Trung. Địch Hoàng Trung chào ông rồi gặng hỏi: “Nghe nói quân vương triệu tiên sinh vào triều để hỏi ý kiến nên tiến cử người nào làm Tể Tướng. Vậy cuối cùng quân vương chọn ai?”. “Ngụy Thành Tử”, Lý Khắc trả lời. Địch Hoàng Trung lập tức biến sắc mặt, giận dữ nói: “Tôi có điểm nào không bằng Ngụy Thành Tử chăng? Thái thú của Tây Hà do tôi tiến cử lên; khi quân vương lo lắng sự việc ở Nghiệp Thành, tôi tiến cử Tây Môn Báo đến cai trị. Khi Quân Vương muốn đánh nước Trung Sơn, tôi đề cử Nhạc Dương Tử mà chiến thắng được nước này. Sau đó, không có người bảo vệ cai trị Trung Sơn, tôi lại tiến cử tiên sinh đến nhậm chức. Thầy giáo của thế tử, Khuất Hầu Phụ, cũng do tôi đề cử lên. Tiên sinh biết tất cả những chuyện này, vậy thì tôi có điểm nào không hơn được Ngụy Thành Tử chứ?”

Sau khi nghe xong những lời của Địch Hoàng Trung, Lý Khắc nghiêm nghị từ tốn đáp lại: “Tôi với ông là những người quân tử giao hảo với nhau. Ông tiến cử tôi lên Quân Vương, chẳng phải vì chuyện đại nghĩa quốc gia hay sao? Tôi không nghĩ rằng ông làm như vậy vì muốn mưu cầu quan cao, bổng lộc hậu hĩ!”. Địch Hoàng Trung lúc đó không nói được một lời. Lý Khắc lại nói tiếp: “Quân Vương hỏi tôi, ai là người thích hợp nhất với chức Tể Tướng. Tôi chỉ thành thật nói vài ý kiến của tôi thôi. Tôi biết Ngụy Thành Tử đã dùng chín phần mười lương bổng hàng năm của ông ta để chiêu mời hiền tài cho quốc gia, và chỉ sử dụng một phần mười số lương cho gia đình mình. Ông ta đã mời được 3 vị nhân sĩ rất đạo đức từ phương Đông đến giúp vua là: Bốc Tử Hạ, Điền Tử Phương, và Đoàn Can Mộc. Vua tôn họ lên làm Thầy, và học tập theo họ đạo lý trị quốc. Còn 5 người mà ông tiến cử, chỉ có tài cán của người bề tôi, quân vương xếp họ vào những chức vụ của bề tôi. Nhìn như vậy, thì làm sao ông bằng được Ngụy Thành Tử?”.

Địch Hoàng Trung nghe xong, cảm thấy xấu hổ, vòng tay tạ lỗi với Lý Khắc, và nói rằng: “Tôi đã mạo muội đến tiên sinh, nên nói ra nhiều điều sai lầm, sau này nhất định phải nâng cao sự tu dưỡng bản thân mình, và học tập theo gương của tiên sinh”.

Khả năng nhận biết người hiền đức của Lý Khắc, phẩm hạnh đức độ của Ngụy Thành Tử, sự tỉnh ngộ tức thời của Địch Hoàng Trung và sự lựa chọn Tể Tướng của vua Ngụy Văn Hầu theo lời Lý Khắc đề nghị, tất cả đều mang những ý nghĩa sâu xa. Qua cử chỉ, lời nói, và hành động của một người, ngay cả thông qua những điều nhỏ nhặt mà họ làm, thì bản tính của họ đã biểu lộ ra. Nếu một người thật sự có tiết tháo cao thượng, thật sự là bậc nhân sĩ đạo đức, thì một lời nói hay một hành vi, nhất cử nhất động của họ sẽ biểu lộ ra phẩm chất ưu tú của họ, đồng thời sẽ ảnh hưởng và cảm hóa được những người ở xung quanh họ.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/2/14/94334.html

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/1/26/171135.html

Đăng ngày 06-05-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share