Bài của Tony Đới

[MINH HUỆ 8-1-2008] “Thiên nhân hợp nhất” là tư tưởng quan trọng bậc nhất trong văn hóa truyền thống Trung Quốc. Thủy tổ của Đạo gia là Lão Tử đã nói: “Người thuận theo Đất, Đất thuận theo Trời, Trời thuận theo Đạo, và Đạo thuận theo tự nhiên”, lấy Đạo và tự nhiên làm khởi nguồn giá trị tinh thần của loài người. Trong tác phẩm kinh điển của y học truyền thống Trung Quốc thời Tần Hán cũng nhấn mạnh: “Phù Đạo giả, thượng tri thiên văn, hạ tri địa lý, trung tri nhân sự” (Tạm dịch: Người có Đạo, trên biết Thiên văn, dưới tường Địa lý, giữa đó là biết việc người). Điều đó cho chúng ta thấy Thiên, Địa, Nhân, vạn sự vạn vật là một chỉnh thể không thể chia tách. Kinh học gia thời Tây Hán là Đổng Trọng Thư trong “Xuân Thu phồn lộ. Thâm sát danh hào” đã nêu rõ rằng: “Thiên nhân chi tế, hợp nhi vi nhất.” (Tạm dịch: Trời và Đất gặp nhau, hợp thành một thể). Con người sống trên thế gian, ở trong hoàn cảnh tự nhiên, là một bộ phận của toàn thể thế giới vật chất, hay nói cách khác con người và hoàn cảnh tự nhiên là một chỉnh thể. Khi hoàn cảnh tự nhiên phát sinh biến hóa, thì thân thể cũng phát sinh biến hóa tương ứng theo. Đồng thời, con người lại là một bộ phận của chỉnh thể xã hội, cho nên, biến hóa của xã hội tất nhiên sinh ra ảnh hưởng đối với thân thể. Đương nhiên, con người cũng có ảnh hưởng trở lại đối với xã hội.

Ý thức tư tưởng và phương cách hành động của người xưa cũng đều luôn luôn phản ánh quan niệm “Thiên nhân hợp nhất” ấy, thể hiện trong nhiều loại hình văn hóa truyền thống Trung Quốc, và phục sức truyền thống Trung Quốc chính là một trong số đó. Trong tài liệu kỹ thuật thủ công nghiệp sớm nhất ở Trung Quốc lưu truyền cho tới tận ngày nay, cuốn “Chu Lễ – Khảo công ký”, đã nói: “Thiên hữu thời, địa hữu khí, tài hữu mỹ, công hữu xảo, hợp thử tứ giả, nhiên hậu khả dĩ vi lương” (Tạm dịch: Trời có thời, Đất có khí, tài vật có vẻ đẹp, người thợ có kỹ xảo, hợp 4 thứ ấy lại, rốt cuộc có thể được kết quả tốt đẹp). Nói cách khác chỉ có nhận thức và thuận theo quy luật tự nhiên của thiên thời, địa lợi, tiếp đó xử lý thích hợp để sử dụng tài liệu và kỹ thuật công nghệ, mới có thể đạt được thành quả tốt đẹp. Đây chính là đạo lý “Thiên nhân hợp nhất” trong mỹ thuật công nghệ và văn hóa phục sức truyền thống Trung Quốc.

Áo thâm là một loại y phục điển hình của người Hán. Nó có đặc điểm là áo và quần thường liền với nhau, dùng vải khác màu để may viền áo, kín đáo và khoan thai trang nhã. Áo thâm tượng trưng cho các mỹ đức truyền thống Trung Quốc như là Thiên nhân hợp nhất, khoáng đạt độ lượng, công bằng chính trực, bao dung vạn vật. Cổ tay áo rộng, tượng trưng cho Đạo Trời viên dung toàn vẹn. Cổ áo hai bên trái phải giao nhau, tượng trưng cho Đạo đất ngay thẳng vuông vắn. Một phần vạt áo bên phải che phủ phần vạt áo bên trái, cũng thể hiện quan niệm Âm Dương: tà áo bên phải là Dương, bên ngoài, tà áo bên trái là Âm, bên trong. Biểu hiện ra cấu tứ trung chính đặc biệt, biểu thị ý rằng làm người không được thiên lệch và ỷ lại. Ở sau lưng áo thâm có một đường kẻ thông từ trên xuống dưới, tượng trưng cho Đạo người chính trực. Vòng eo buộc thắt lưng lớn, tượng trưng cho việc làm tiến thoái cho phù hợp với quy củ và quyền hạn. Phần trên của áo may từ bốn mảnh vải, tượng trưng cho một năm có 4 quý. Phần dưới thường được may từ 12 mảnh vải nhỏ, tượng trưng cho một năm có 12 tháng. Cuộc sống sinh hoạt thường ngày của con người thuận theo trật tự 4 mùa, 12 tháng. Bởi vậy áo thâm có hình dáng, cấu tạo và cách cắt vải, dù là nửa điểm cũng không thể thay đổi được. Nó cũng đại biểu cho tinh thần phục sức trọng nội hàm và thực chất, cao thượng và trang nhã của văn hóa truyền thống Trung Hoa.

“Vân kiên” là một loại phục sức từ thời Tùy Đường bắt đầu phát triển hình thành. Nó vòng quanh cổ áo, trải rộng xuống đôi vai. Tạo hình chỉnh thể của vân kiên, mở ra từ bình diện mà xem xét, thì ngoài tròn trong vuông, biểu trưng cho “Thiên viên địa phương”. Được choàng trên vai người, hoa văn thêu trên vân kiên là hoa quả 4 mùa, 4 phía trang trí bằng những tua dài màu xanh biếc chen lẫn với nhau, con người phảng phất hòa với tự nhiên rộng lớn dung hợp cùng nhau, bao la phong phú, ý vị sâu xa. Sự sáng tạo ra loại “Thiên nhân hợp nhất” vân kiên này đã thể hiện quan niệm: vạn vật trên thế gian tương hỗ bao dung và hài hòa trong văn hóa phục sức truyền thống Trung Quốc.

Có người nói: “Trời tròn đất vuông”, theo cái nhìn của khoa học mà xem xét thì không đúng, Trời tròn thế nào, còn Đất vuông thế nào đây? Kỳ thực học thuyết cổ đại Trung Quốc “Trời tròn Đất vuông” tuyệt đối không phải là một khái niệm về mặt địa lý, mà nói về một loại Đạo, một loại quy luật, một loại văn hóa. Trời tròn biểu tượng cho Đạo Trời viên dung, chính là sự hài hòa và quy luật tuần hoàn của vũ trụ. Đất vuông cũng giống như Đạo làm người, giảng rõ ra chính là đức tính ngay thẳng, trung dung, hành động có quy phạm, đây mới là giá trị chân chính mà câu nói: “Thiên viên Địa phương” hằng biểu hiện – “Thiên nhân hợp nhất”.

Dòng chảy lịch sử dài 5.000 năm của văn hóa truyền thống Trung Quốc bác đại tinh thâm, tìm về nguồn cội mới hiểu “Thiên nhân hợp nhất” chính là chỗ tinh túy của nó.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2008/1/8/169876.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/1/21/93480.html
Đăng ngày 02-05-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share