Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 10-11-2007] Chu Công phụ tá cho 2 vị vua của nhà Chu, lấy đức chính để quản lý thiên hạ, lại chế tác ra Lễ Nhạc, thể theo đạo lý để xây dựng các điều luật, và là vị Thánh nhân mà Khổng Tử vô cùng kính phục. Lúc đó Chu Thành Vương muốn phong đất Lỗ cho Chu Công, nhưng vì Chu Công đang có trách nhiệm làm phụ tá cho nhà vua nên từ chối không nhận, thế là Thành Vương lấy đất Lỗ phong cho con trai của Chu Công là Bá Cầm. Trước khi Bá Cầm đi nhận đất phong, Chu Công nhắc nhở con trai bằng những câu nói hết sức thấm thía và sâu sắc, hy vọng Bá Cầm không bao giờ kiêu căng phóng túng, nhất định phải có đức tính khiêm nhường, như vậy mới quản lý quốc gia được tốt, vận số tốt đẹp mới giữ được bền lâu.

Chu Công nói với Bá Cầm: “Đi đi. Con chớ vì được phong nước Lỗ mà kiêu ngạo, từ đó mà thất lễ và coi thường người trí thức. Cha là con trai của Văn Vương, là em trai của Vũ Vương, hiện giờ là chú của Thành Vương, lại kiêm trách nhiệm phụ tá cho Thiên tử, địa vị trong thiên hạ cũng không phải là nhỏ. Nhưng cha vẫn thường xuyên có khi đang gội đầu phải tạm dừng 3 lần, tay cầm búi tóc mà ra tiếp đón khách, có lúc đang ăn một bữa cơm phải tạm dừng 3 lần ra tiếp khách, vẫn còn sợ là đã thất lễ với các nhân sỹ trong thiên hạ. Cha nghe nói người có đức hạnh tấm lòng quảng đại mà luôn bảo trì tâm thái khiêm cung, thì sẽ được vinh hiển. Đất đai rộng lớn phì nhiêu, lại tiết chế dục vọng và thực hành tiết kiệm, thì sẽ có được sự bình an. Địa vị và quan tước cao mà tỏ ra khiêm tốn nhún nhường thì sẽ càng thêm hiển vinh tôn quý. Người đông quân mạnh mà biết thận trọng e dè thì sẽ thu được chiến thắng. Thông minh tài trí mà làm như mình ngu dại, thì sẽ được lợi rất nhiều. Uyên bác mà lại khiêm tốn tự cho mình nông cạn, thì kiến thức lại càng rộng rãi. 6 điểm này, đều là đức hạnh khiêm nhường. Là bậc Quân Vương, giàu có 4 biển, kẻ không biết khiêm nhường trước tiên là sẽ đánh mất thiên hạ, sau nữa là tự hại chết mình. Kiệt Trụ chính là những kẻ như thế, con có thể không khiêm nhường cẩn thận hay chăng? Chính vì thế mà trong “Kinh Dịch” có câu nói: “Có một phương pháp, có nhiều thì giữ được thiên hạ, có vừa thì giữ được quốc gia, có ít thì giữ được thân mình, ấy chính là Khiêm Nhường”. “Thiên Đạo khuy mãn nhi ích khiêm. Địa đạo biến mãn nhi lưu khiêm. Quỷ thần hại mãn nhi phúc khiêm. Nhân đạo ố mãn nhi hiếu khiêm”. (Tạm dịch: Đạo Trời lấy bớt cái Mãn (đầy) mà bồi đắp cái Khiêm (khuyết), Đạo Đất biến đổi chỗ Mãn (đầy) mà đổ vào chỗ Khiêm (trũng), quỷ thần hại Mãn (kẻ tự mãn) mà tạo phúc cho Khiêm (người khiêm tốn), Đạo người ghét Mãn (kẻ tự mãn) mà yêu thích Khiêm (người khiêm nhường)). Con nhất định phải ghi nhớ đó! Con nhất định không nên vì được thụ phong nước Lỗ mà thất lễ coi thường người trí thức đó!”.

Chu Công cũng từng nhắc nhở con trai: “Quân tử có Đức độ thì cho dù sức khỏe ngang trâu cũng không tranh đua với trâu xem ai khỏe hơn, cho dù chạy nhanh như ngựa cũng sẽ không tranh đua với ngựa xem ai nhanh hơn, dù có trí tuệ tài giỏi cũng không tranh đua với người tài xem trí tuệ ai cao thâm hơn”.

“Đức Khiêm” mà Chu Công giảng ấy có rất nhiều điều lợi ích: khiêm cung đối đãi với người khác sẽ được người khác càng tôn sùng hơn. Tiết chế dục vọng biết tiết kiệm sẽ khiến người ta bình an lâu dài. Khiêm tốn nhún nhường khiến người ta càng thêm tôn quý. Không kiêu căng ngạo mạn sẽ giúp người ta thường đạt được thắng lợi. Khiêm tốn không thể hiện bản thân giúp người ta học tập được rất nhiều điều hay. Khiêm tốn nhún nhường giúp người ta kiến thức càng thêm rộng lớn. Người thời nay đều sẽ nhận được nhiều ích lợi nếu thực hành đức hạnh khiêm nhường trong khi đối nhân xử thế, học tập hay tu dưỡng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/11/10/166305.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2007/12/28/92556.html
Đăng ngày 24-04-2010; Bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share