Bài của Thanh Ngôn

[MINH HUỆ 13-12-2007] Trong nền văn hóa truyền thống, người ta cho rằng ai ai cũng có Mệnh, họa phúc cả một đời của con người ta đều là đã có định số, phú quý là căn cứ theo Đức tích tụ từ kiếp trước. Kỳ thực, từ góc nhìn của giới tu luyện mà xem xét, thì quả thực đúng là như thế. Nếu như vì tâm đố kỵ và sự bất mãn mà tranh đấu, làm hại người khác, thì chẳng những không thay đổi được vận mệnh của bản thân, mà ngược lại còn tạo nghiệp tích họa cho chính mình mà thôi. Vậy mới nói, làm người cần đạm bạc và độ lượng một chút, ngàn vạn lần không nên giữ tâm đố kỵ trong lòng, thứ đó đối với mình và đối với người khác chỉ có hại chứ không có lợi gì cả.

Lữ Dư Khánh thời nhà Tống là một cận thần của vua Tống Thái Tổ. Ông là người không hề có tâm đố kỵ, có đức hạnh và khoan dung giản dị.

Thời gian Triệu Khuông Dẫn (Sau này trở thành Tống Thái Tổ người khai sinh ra triều đại nhà Tống) đang nhậm chức Đồng Châu Tiết độ sứ, nghe nói Lữ Dư Khánh có tài năng, bèn xin triều đình đề bạt ông, bổ nhiệm ông làm Định quốc quân chưởng bí thư. Về sau Triệu Khuông Dẫn được cử đi nhậm chức ở các nơi, Lữ Dư Khánh đều đi theo phụ tá.

Lữ Dư Khánh có thể nói là cánh tay phải của Tống Thái Tổ. Sau khi Tống Thái Tổ lên ngôi vua, Triệu Phổ, Lý Xử Vân đều được thăng chức và bổ nhiệm làm quan, nhưng Lữ Dư Khánh lại không được trọng dụng. Thường thì người nào trong tình huống như thế cũng bất bình, nhưng Lữ Dư Khánh lại không để bụng chút nào.

Không lâu sau, Lý Xử Vân bị giáng chức làm quan coi sóc Tri Châu. Lữ Dư Khánh từ ngoại thành trở về đô, Tống Thái Tổ trưng cầu ý kiến của ông thật kỹ càng về chuyện của Lý Xử Vân. Đối với việc nhà vua trọng dụng Lý Xử Vân, Lữ Dư Khánh chẳng những không hề có ý đố kỵ hay oán giận, mà còn phân biện và giải thích dùm cho ông ta. Nhà vua cho rằng Lữ Dư Khánh nói rất có đạo lý.

Có lần Triệu Phổ làm trái với mệnh lệnh của Hoàng đế, những người xung quanh đều tranh nhau bài xích gièm pha Triệu Phổ, chỉ có một mình Lữ Dư Khánh đứng ra biện giải cho ông ta, nhờ đó Tống Thái Tổ mới dần dần nguôi giận.

Lữ Dư Khánh tấm lòng độ lượng, trung nghĩa vô tư, không có tâm đố kỵ, người thời đó đều ca tụng ông là vị trưởng lão có đức hạnh. Ông làm quan đến chức Thị lang bộ Lại, Thượng thư tả thừa, trong cuộc đời làm quan có rất nhiều thành tích lớn.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2007/12/13/168316.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2008/1/3/92878.html
Đăng ngày 26-04-2010; bản dịch có thể được chỉnh sửa trong tương lai cho sát hơn với nguyên bản.

Share