Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 29-12-2019] Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, tôi đã trở thành giáo viên dạy nhạc tại một trường trung học cơ sở. Thật trùng hợp khi thành phố chúng tôi tổ chức liên hoan nghệ thuật học đường lần thứ nhất, và tôi là người phụ trách biên đạo cho một nhóm múa, kiêm vị trí vũ công chính. Chúng tôi đã đoạt giải nhất tại liên hoan và điều này mang lại niềm tự hào cho thị trấn của chúng tôi.

Tôi có nhiều cơ hội biểu diễn trên sân khấu và trình diễn các kỹ năng múa hát, cũng như khả năng chơi đàn tỳ bà (một loại nhạc cụ Trung Hoa truyền thống) mà tôi được học tại đại học.

Tôi từng tự cho mình là trung tâm, đồng thời theo đuổi địa vị và tư lợi bằng cách chiếm tiện nghi của người khác. Khi chúng tôi chuẩn bị đại diện cho thị trấn của mình tham gia một sự kiện biểu diễn nghệ thuật do thành phố tài trợ, chúng tôi đã diễn tập cho hai chương trình. Tuy nhiên, một trong hai chương trình này phải hủy bỏ vì không đủ kinh phí. Chúng tôi đã rút khỏi chương trình còn lại do cảm thấy thất vọng và muốn trả đũa vụ việc.

Buông bỏ tự ngã và tư lợi

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp vào mùa xuân năm 1998, và biết rằng: “Chân-Thiện-Nhẫn là tiêu chuẩn duy nhất để nhận định người tốt xấu”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tất cả những thiếu sót của tôi được phơi bày và quy chính chiểu theo sự chỉ đạo của các tiêu chuẩn cao tầng này.

Vào tháng Bảy năm 1999, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Đại Pháp. Tôi bị thuyên chuyển công tác đến một trường tiểu học ở vùng quê hẻo lánh. Tôi biết rằng chính quyền không có lý do gì để giáng chức tôi vì tôi đã làm rất tốt công việc của mình. Tuy nhiên, ở thời điểm đó, tôi không có khái niệm gì về phản bức hại. Tôi nghĩ rằng mình không nên làm khó chính quyền, cũng như không nên sợ khổ, vì thế tôi đã âm thầm chấp nhận việc giáng chức vô lý này.

Do thiếu nhân lực giáo viên tiểu học, nên tôi không thể gắn bó với môn chuyên ngành của mình. Thay vào đó, tôi phải dạy những môn mà tôi không được đào tạo trước đó. Vì thế, hơn 20 năm qua, tôi đã dạy tất cả các môn học trong trường.

Trong hệ thống giáo dục Trung Quốc, kết quả học tập của học sinh được dùng để đánh giá năng lực của giáo viên và xếp loại thi đua, khen thưởng. Do đó, học sinh đã trở thành công cụ để giáo viên theo đuổi lợi ích cá nhân.

Để cải thiện thành tích học tập của học sinh, thì việc khủng bố tinh thần và ngược đãi về thể chất đã trở thành thói quen. Các giáo viên sẽ khuyến khích học sinh gian lận, và thậm chí họ còn sửa cả đáp án của học sinh sau khi các em đã nộp bài kiểm tra. Một số giáo viên còn yêu cầu đồng nghiệp sửa điểm số cho học sinh của họ, hoặc mua chuộc chính quyền để thay đổi thứ hạng của học sinh. Một số khác thì nhận bài kiểm tra cho học sinh của họ từ phòng giáo dục trước thời hạn. Tôi đã chứng kiến nhiều điều bất hợp lý.

Vậy tôi nên hành xử thế nào trong môi trường đầy tham nhũng này? Tôi không thể tiếp tay cho hành vi này, và thay vào đó, tôi nên nỗ lực hết sức để dạy các em học sinh của mình. Tôi tin rằng việc duy trì các tiêu chuẩn đạo đức cao là một phần trong việc giáo dục các em. Vì thế, tôi dạy các em học sinh của mình phải chân thành, tử tế, bao dung và vị tha. Tôi đã ươm mầm sự thiện lương trong trái tim non nớt của các em.

Ban giám hiệu nhà trường và các đồng nghiệp của tôi nhận xét rằng họ cảm thấy thoải mái khi ở gần tôi. Thầy hiệu trưởng nói rằng cảm giác khi tiếp xúc với tôi “giống như một làn gió xuân”. Họ khen ngợi khả năng giảng dạy của tôi, tiếng Quan thoại, chữ viết tay và các tài năng khác của tôi. Vị hiệu phó đùa rằng tôi là một “phụ nữ tài năng” và nói thêm rằng: “Khi nghe các phụ huynh đề cập tới người giáo viên có khí chất nhất trường, thì tôi biết họ chắc chắn đang nói về cô”.

Mọi người đều ủng hộ tôi mặc dù tôi không có chức danh và cũng không đạt được bất kỳ danh hiệu nào. Tôi không theo đuổi địa vị hay tư lợi, mà chỉ tập trung vào việc giảng dạy. Tôi cố gắng trở thành một tấm gương tốt và dạy học sinh của mình thật tốt.

Tôi bật cười khi một vị phụ huynh nói với tôi rằng: “Con trai tôi nói cô giống như mẹ nó vậy”. Tôi không nhận bất cứ món quà nào, nhưng khi tôi không thể từ chối chúng thì tôi sẽ tìm cách để tặng lại một món quà khác có giá trị tương đương. Một học viên Đại Pháp công tác tại một trường tiểu học khác cũng làm điều tương tự như tôi.

Các vị phụ huynh biết rằng học viên chúng tôi xem nhẹ tư lợi, và họ rất tôn trọng chúng tôi ngay cả sau khi con cái họ đã tốt nghiệp.

Bảo trì tâm thái thuần tịnh

Thuận theo sự đề cao trong quá trình tu luyện, tôi đã không còn để tâm đến việc bị đối xử bất công. Tôi đã đoạt giải vô địch nữ trong một giải thi đấu bóng bàn dành cho giáo viên. Tuy nhiên, tôi không bận tâm khi người đoạt giải nhì lại được cử đi thi đấu cấp thành phố.

Sau đó, tôi tiếp tục đoạt giải nhất trong cuộc thi hùng biện dành cho giáo viên được tổ chức tại thị trấn. Ủy ban giáo dục thị trấn bảo tôi hãy sẵn sàng tham dự cuộc thi cấp thành phố. Tuy nhiên, cuối cùng tôi không được cử đi tham dự cuộc thi, và tôi cũng không động tâm khi người có điểm thi thấp hơn tôi lại được cử đi thay tôi.

Một lần khác, tôi được trao danh hiệu “Giáo viên ưu tú”. Năm đó, tôi dạy toán lớp một và lớp tôi, một trong tổng số hai mươi lớp của trường, được xếp vào vị trí thứ ba mỗi quý. Tuy nhiên, khi năm học mới khai giảng, học sinh của tôi lại được giao cho một giáo viên khác phụ trách.

Cũng trong năm đó, tôi đạt được “Giải nhất về chất lượng giảng dạy”. Lẽ ra thành tích này cùng với việc học sinh của tôi đạt điểm số cao thì tôi phải được xếp hạng cao, nhưng tôi chỉ được xếp thứ tám, và vuột mất giải thưởng “Giáo viên ưu tú” vốn chỉ dành cho 7 giáo viên xuất sắc nhất trường.

Sau lễ trao giải, tôi tình cờ nghe thấy ai đó nói rằng bảng xếp hạng này thường tính sai kết quả. Tôi tự hỏi liệu điều đó có xảy ra với tôi hay không. Do đó, tôi đã đề cập vấn đề này với thầy hiệu trưởng. Thầy hiệu trưởng đã tính toán lại kết quả và hóa ra là có sự sai sót. Lẽ ra tôi phải nằm trong top 7. Tôi hỏi hiệu trưởng xem ông ấy định giải quyết thế nào, và ông ấy nói rằng: “Giá như cô cho tôi biết sớm hơn, còn giờ thì giải thưởng đã được trao mất rồi”.

Tôi không muốn làm khó thầy hiệu trưởng, vì thế tôi nói: “Không sao đâu ạ”. Nếu tôi không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp thì tôi sẽ yêu cầu thầy hiệu trưởng phải đính chính lại kết quả với chính quyền thị trấn, hoặc ít ra là phải xin lỗi tôi và hứa đưa tên tôi vào đợt trao giải năm sau.

Chồng của người giáo viên đã đoạt giải thưởng này lại tình cờ nằm trong ban phụ trách việc xếp hạng. Khi thầy hiệu trưởng nói với người giáo viên này rằng giải thưởng của cô ấy lẽ ra được trao cho tôi, cô ấy rất khó chịu và nói: “Tôi thà hủy nó đi còn hơn phải trả lại cho cô ấy!”

Nếu tôi không phải là một học viên, thì có lẽ tôi đã tìm cách giành lại giải thưởng từ cô ấy, hoặc tranh cãi với thầy hiệu trưởng, thậm chí là mang sự tình này làm cho ra lẽ với chính quyền thị trấn. Tuy nhiên, tôi đã không làm như thế.

Sư phụ giảng:

“Cái gì của chư vị thì sẽ không mất, cái gì không của chư vị thì chư vị [dù có] tranh [giành] cũng không được”. (Bài giảng thứ bảy, Chuyển Pháp Luân)

Trong năm học tiếp theo, tôi phải tiếp quản lớp của người giáo viên này vì cô ấy bắt đầu nghỉ thai sản. Hai tháng sau, tôi được trao “Giải thưởng chất lượng giảng dạy” khác.

Sau này, trong buổi đánh giá kết quả công việc, chỉ với hai giải thưởng “Chất lượng giảng dạy” của tôi và một số bằng khen từ các buổi biểu diễn sân khấu, tôi đã được thăng chức cùng đợt với những giáo viên vốn đoạt nhiều giải thưởng khác. Từ đó, tôi đã có nhận thức sâu sắc hơn về Pháp lý này.

Ngăn chặn bạo lực bằng sự bình hòa

Một ngày nọ, khi các học sinh tan trường vào cuối ngày, có người báo rằng một người đàn ông say xỉn đang cầm viên gạch trong tay và đến gây rối tại trường. Thầy hiệu trưởng và tôi đã chạy ra ngăn anh ta lại.

Tôi nhớ đến lời Sư phụ giảng:

“Sát nhân phóng hỏa mà chư vị cũng chẳng quản, thì hỏi chư vị quản việc gì nữa đây?” (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Một thanh niên trẻ đang cầm viên gạch trong tay. Hai nữ giáo viên đứng cách anh ta gần 2 mét và họ dường như rất sợ hãi. Thầy hiệu phó hét lên với anh ta: “Anh dám không!”

Các em học sinh tiểu học đang đứng xếp hàng cách người thanh niên này khoảng 4 mét. Rất nhiều em trong số này không thể giải tán nhanh chóng. Nếu người thanh niên say xỉn này tấn công các em thì hậu quả thật khó lường.

Tôi đi thẳng đến chỗ anh ta và nói: “Hãy đưa nó cho tôi”. Anh ta nhìn tôi bằng ánh mắt dữ dằn, nhưng tôi không sợ. Tôi bình tĩnh nhìn thẳng vào mắt anh ta và nói một cách nhẹ nhàng: “Hãy đưa nó cho tôi”. Đột nhiên, sự hung tợn trong mắt anh ta biến mất, và anh ta đưa cho tôi viên gạch. Sau đó, tôi đã ném nó xuống luống hoa.

Sư phụ giảng:

“Nếu chư vị muốn làm người tu luyện, thì hoàn toàn dựa vào cái tâm của mình mà tu, toàn dựa vào bản thân mà ngộ, không hề có khuôn mẫu“. (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Chỉ khi một học viên hành xử chiểu theo Pháp, thì hành vi của họ mới thật sự chân chính và khởi tác dụng chính diện.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/29/397949.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/6/183120.html

Đăng ngày 15-04-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share