Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông

Con xin kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!

[MINH HUỆ 05-12-2019] Năm 2015, tôi tham gia hạng mục truyền thông của Hồng Kông. Kể từ đó, tôi đã đi theo con đường mà bản thân trước giờ chưa từng nghĩ tới. Trên con đường này, Đại Pháp đã không ngừng cấp trí huệ và khai sáng cho tôi.

Làm việc tại xưởng in

Trước đây, tôi từng là một bác sĩ phẫu thuật. Sau đó, để nâng cao trình độ kiến thức, tôi đã quay lại trường tiếp tục học lên để lấy bằng tiến sĩ y khoa. Tại nhiều nước châu Á, để trở thành bác sỹ thì sinh viên có thể theo học chuyên ngành y dù đã tốt nghiệp hoặc chưa có bằng cấp. Khi có thời gian rảnh, tôi tham gia vào việc phát tài liệu do các học viên tự sản xuất và giảng chân tướng tại các điểm du lịch. Tôi cũng đi giao báo cho các quầy báo tại các cửa hàng.

Một hôm, có một điều phối viên nói với tôi: “Xưởng in đang rất thiếu người, anh có đến để giúp họ không?” Tôi chưa từng nghĩ đến việc sẽ làm tại xưởng in. Tôi sẽ phải làm ca đêm nếu nhận công việc này, trong khi ban ngày tôi còn phải đi học. Điều đó khiến việc thu xếp thời gian làm các việc của tôi trở nên khó khăn hơn. Tôi chia sẻ lo lắng của mình với các học viên khác. Một số học viên khuyên tôi: “Mọi thứ đều ổn khi anh vừa đi phát tài liệu vừa đi học. Anh cũng cần có thời gian để học Pháp và luyện công. Nếu anh đến xưởng in làm việc, rất có thể anh sẽ không có đủ thời gian”. Lúc đó tôi nghĩ, nếu người điều phối viên đề nghị tôi giúp thì có nghĩa việc làm tại xưởng in sẽ không ảnh hưởng nhiều đến những việc khác của tôi. Là một học viên, những việc xảy ra không phải là ngẫu nhiên. Nhưng tôi lại thấy băn khoăn làm thế nào để thu xếp được thời gian một cách hợp lý?

Trong khi ngồi đả tọa, tôi nhớ đến đoạn Pháp của Sư phụ.

Sư phụ giảng:

“Pháp môn Pháp Luân Đại Pháp của chúng ta chiểu theo tiêu chuẩn tối cao của vũ trụ – Chân Thiện Nhẫn đồng tu – [vậy nên] công chúng ta luyện rất to lớn”. (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Tôi chợt ngộ ra: “Trở thành một sinh viên giỏi ở trường là tu “Chân”, làm việc tại xưởng in cứu giúp chúng sinh chính là tu “Thiện”. Và giờ tôi đang gặp khó khăn để thu xếp thời gian làm hai việc này. Còn làm thế nào để nhẫn nại vượt qua khó khăn thì chính là tu “Nhẫn”. Đây chẳng phải xác thực là đang tu Chân-Thiện-Nhẫn hay sao? Đối chiếu với các học viên khác, mọi người cũng đều phải vượt qua rất nhiều quan và phải cân bằng mọi thứ để làm tốt ba việc. Chẳng phải họ cũng đang tu Chân-Thiện-Nhẫn hay sao?” Tôi đã nói chuyện với người điều phối hạng mục và đến làm việc tại xưởng in.

Ban ngày tôi đến trường và làm nghiên cứu. Buổi tối, tôi đến xưởng in và thường làm việc đến 4-5 giờ sáng. Sau đó, tôi sẽ ngủ một chút rồi đi xe buýt đến trường. Khi tôi có bài kiểm tra hoặc phải hoàn thành bài đúng hạn, tôi sẽ không ngủ suốt 24 giờ và chỉ ăn mỗi ngày một bữa là điều bình thường. Mỗi khi đối diện với khó khăn, tôi sẽ nhẩm Pháp. Trong suốt 18 tháng làm việc bán thời gian tại xưởng in, ngoài việc đi dự Pháp hội tại Hoa Kỳ thì tôi không nghỉ dù chỉ một ngày.

Tôi bắt đầu làm việc toàn thời gian tại xưởng in

Trong thời gian làm việc tại xưởng in, tôi thấy rằng các nhân viên kỹ thuật tại đây không phải là học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Sư phụ từng giảng:

“Tâm con người là không ổn định; không được tưởng rằng người thường sẽ có chính niệm”. (Thanh lý, Tinh Tấn Yếu Chỉ III)

Sau một hành động cố ý phá hoại của ĐCSTQ, xưởng in bị dừng hoạt động một thời gian và gặp nhiều khó khăn để mở lại. Tôi rất buồn trước tình cảnh đó. Tôi nhận ra xưởng in không có nhân viên kỹ thuật là học viên thì thực sự rất khó khăn. Vậy nên, tôi quyết định sẽ học nghề in để làm công việc này.

Tâm tôi thực sự mâu thuẫn khi lần đầu tiên có suy nghĩ này. Ngay từ nhỏ tôi đã là một học sinh rất giỏi. Tôi đỗ vào một trường đại học y khoa danh tiếng. Sau khi tốt nghiệp thì trở thành một bác sĩ phẫu thuật. Tôi được cấp bằng tiến sĩ tại Đại học Hồng Kông. Trở thành một công nhân làm việc toàn thời gian tại xưởng in là điều tôi chưa từng nghĩ tới. Tôi đến đó làm việc tự nguyện bán thời gian và không có kế hoạch sẽ làm tiếp tại đây vì người điều phối khuyên tôi nên làm biên tập viên bán thời gian tại Thời báo Đại Kỷ Nguyên. Công việc toàn thời gian tại xưởng in yêu cầu phải làm việc đến tận khuya để vận hành máy móc và mực in. Đây là điều mà nhiều người muốn tránh vì nó quá bẩn và mệt mỏi.

Lúc đó, đoạn Pháp của Sư phụ đã giúp tôi:

“Cái cục đá bị đá đi đá lại trên mặt đất kia là không ai cần cả; vậy tôi nhặt cục đá ấy”. (Bài giảng thứ chín, Chuyển Pháp Luân)

Tôi ngộ ra rằng, làm việc tại xưởng in cũng giống như cục đá bị đá đi đá lại trên mặt đất kia vậy, không ai muốn nhặt nó lên cả. Tuy nhiên, công việc này lại rất quan trọng để cứu chúng sinh. Việc thiếu người làm chính là nút thắt của vấn đề sản xuất tài liệu. Vì vậy, tôi thầm nhủ: “Mình sẽ nhặt cục đá đó lên”. Một khi tôi đã minh bạch được Pháp lý, thì sẽ không có mối bận tâm hay quan niệm của người thường nào có thể khiến tâm tôi dao động. Tôi đã nói chuyện với người điều phối và bắt tay tìm hiểu về kỹ thuật in ấn.

Hiện giờ xưởng in của chúng tôi đã có một đội ngũ kỹ thuật riêng, có thể làm việc độc lập mà không cần trợ giúp từ bên ngoài. Chúng tôi cũng đã đào tạo được hai nhân viên chính thức khác có thể vận hành máy móc độc lập.

Những trải nghiệm quý giá

“Nhặt cục đá lên” nghe có vẻ dễ dàng nhưng thực tế thì lại không phải như vậy. Khó khăn đầu tiên tôi gặp phải là môi trường làm việc. Khi còn là bác sĩ phẫu thuật, tôi thường xuyên mặc áo bảo hộ và đeo găng tay được sát khuẩn y tế. Nhưng khi làm kỹ thuật viên trong xưởng in, tôi luôn phải làm việc với tiếng ồn và mùi khét lẹt của máy móc. Tất cả các dụng cụ làm việc đều bẩn và nhờn. Bàn tay, đôi khi là cả người tôi luôn bám đầy dầu và mực.

Sự khác biệt lớn giữa hai công việc khiến tôi thấy rất khó thích nghi. Có những lúc, tôi chỉ thầm mong đến hết giờ làm để về. Lần khác lại nghi ngờ liệu lựa chọn của mình có đúng không.

Từ trong Pháp, tôi nhận thức được rằng tất cả những suy nghĩ này đều là do quan niệm người thường dưỡng thành lên. Nếu tôi vẫn màng đến vị thế của bản thân như trước đây thì đó chính là chấp vào danh. Việc không thể thích nghi được với hoàn cảnh mới chính là để phơi bày ra những quan niệm người thường của tôi. Tôi tự nhủ: “Hết thảy những thay đổi công việc trong cuộc sống của tôi, đơn giản chỉ là những cái mất và được tại thế gian con người. Chúng chỉ như mây gió thoáng qua. Môi trường làm việc không vệ sinh và ồn ào là một quan. Tôi phải vượt qua quan này bằng tâm thái của một người tu luyện. Tôi phải nỗ lực hết mình để từ bỏ chấp trước của bản thân”.

Khi tôi dần xả bỏ các chấp trước và không còn quá bận tâm đến những vấn đề này khác thì tâm tôi trở nên tĩnh lặng và hòa ái. Tôi có thể bình tâm đối diện với những quan chức cấp cao hay với người dân thường. Tôi không còn để tâm đến vấn đề bụi bẩn và dầu mỡ. Thậm chí tôi còn có thể chui xuống gầm máy để sửa. Môi trường xung quanh không khiến tôi thấy khó chịu nữa. Những điều khiến tôi không thể chịu đựng được đã không còn nhiều nữa. Nếu như cho tôi cơ hội lựa chọn lại thì tôi vẫn sẽ vẫn đi theo con đường này.

Tôi cũng dần trừ bỏ các chấp trước khác như: tâm lo sợ gặp rắc rối, tâm tranh đấu, tâm ham muốn hoàn thành mọi việc, tâm lười biếng, v.v. Nhìn lại, với tôi xưởng in thực sự là một môi trường tu luyện tuyệt vời.

Sư phụ luôn bên tôi

Tôi đã có nhiều trải nghiệm kỳ diệu khi làm việc tại xưởng in và cảm nhận được Sư phụ luôn ở cạnh tôi. Tôi muốn chia sẻ lại hai câu chuyện dưới đây:

Có một lần, khi đứng trên nóc một chiếc máy và cần đi xuống nhưng tôi đã không nhìn rõ nên đã bị bước hụt chân. Tôi ngã đập người xuống sàn bê tông. Ngay lập tức tôi đứng dậy. Các học viên hỏi tình trạng của tôi thế nào. Tôi nói tôi ổn và tiếp tục làm việc. Đến giờ nghỉ giải lao, nghĩ lại tôi thấy mình đã trải qua một điều thần kỳ. Bình thường khi bị ngã, tôi sẽ thấy đau một lúc. Nhưng lần này dù bị ngã từ trên cao xuống nhưng tôi lại không hề có cảm giác đau đớn cứ như thể là rơi xuống một tấm nệm mềm vậy. Tôi hiểu rằng là Sư phụ đã giúp tôi vượt qua nạn này.

Một lần khác, một máy in gặp trục trặc về điện ảnh hưởng đến hai chiếc máy in khác nên cùng một lúc ba chiếc máy đều không thể hoạt động được. Chúng tôi đã gọi thợ điện chuyên nghiệp đến sửa. Họ xác định có một bảng mạch điều khiển bị hỏng cần phải thay. Nhưng mất đến vài ngày mới có linh kiện mới. Chúng tôi chỉ còn cách là in riêng lẻ từng trang, sau đó các học viên đi phân phát tài liệu sẽ sắp xếp các trang lại theo thứ tự một cách thủ công. Việc này khiến các đồng tu mất rất nhiều thời gian. Tôi thầm nghĩ mình có thể sửa được bảng mạch này. Do không có kinh nghiệm, nên tôi chỉ biết so sánh bảng mạch bị hỏng với hai bảng mạch vẫn còn chạy tốt, hy vọng có thể tìm ra được vấn đề nằm ở đâu. Tôi miệt mài làm cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn không thể tìm ra được vấn đề.

Hôm sau là ngày 9/12 là ngày Quốc tế Nhân quyền, các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Hồng Kông có kế hoạch tổ chức buổi mít tinh diễu hành. Tôi nghĩ đến việc các học viên làm hạng mục phân phát tài liệu sẽ vất vả thế nào khi hầu hết trong số họ là người lớn tuổi. Tôi thầm cầu xin Sư phụ gia trì để các máy móc có thể hoạt động lại bình thường để mọi việc có thể tiến hành một cách thuận lợi.

Sau khi tham gia buổi diễu hành, tôi trở lại xưởng in và lắp bảng mạch lại vào máy in. Khi bật nguồn điện lên, máy in đã hoạt động lại bình thường. Tôi vô cùng hào hứng, Sư phụ đã triển hiện cho tôi thấy điều thần kỳ. Hai ngày sau, thợ điện mang bảng mạch mới đến thay thế. Anh ấy hỏi chúng tôi làm thế nào để in tài liệu trong suốt mấy ngày qua. Khi tôi thuật lại sự tình, anh ấy tỏ ra vô cùng kinh ngạc.

Làm việc cho Đài Truyền hình Tân Đường Nhân

Tôi rất bất ngờ khi người điều phối đề nghị tôi đến làm việc cho Đài Truyền hình Tân Đường Nhân (NTD). Anh ấy nói rằng NTD đang mở rộng hoạt động tại Hồng Kông, gồm các chương trình truyền hình trực tiếp và dựng trường quay. Anh ấy đề nghị tôi làm người điều phối cho các chương trình này.

Là một học viên đã tu nhiều năm, tôi hiểu rõ sự quan trọng của việc phối hợp với các đồng tu. Tôi nói với người điều phối rằng: mặc dù tôi không có kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhưng tôi sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nó. Sau đó, khi tôi nghĩ kỹ lại thì những khảo nghiệm tâm tính lại dấy khởi lên.

Đầu tiên là chấp trước vào mất và được. Tôi nghĩ: “Với tôi, đây là một lĩnh vực hoàn toàn mới. Những kỹ thuật công nghệ mảng truyền hình dường như khá khó để trau dồi. Liệu tôi có làm được không? Nếu tôi làm không tốt thì sẽ giải thích việc này thế nào đây?” Tiếp theo tôi lại nghĩ về xưởng in: “Chúng tôi đã đặt ra nhiều mục tiêu. Tôi đang đào tạo những người mới và đang trong quá trình thiết lập các đội kỹ thuật in; việc tôi rời đi sẽ ảnh hưởng như thế nào đến xưởng in?” Sau đó, tôi lại lo lắng: “Tôi sẽ phải bắt đầu lại từ đầu khi làm việc cho Đài Truyền hình NTD. Tôi không có kiến thức về ngành truyền hình và sẽ phải học hỏi rất nhiều nếu muốn bắt đầu, vả lại không có ai giúp đỡ tôi. Khi gặp khó khăn, tôi sẽ phải làm thế nào?”

Những quan niệm này khiến tôi cảm thấy do dự. Sâu thẳm trong tâm, tôi minh bạch được rằng đối với người tu luyện mà nói, những chuyện xảy ra không phải là ngẫu nhiên. Tôi hiểu rõ đây là an bài của Sư phụ, giúp tôi tu luyện trong môi trường mới. Hết thảy những quan niệm của người thường là những thứ cần phải xả bỏ. Tại xưởng in, tôi chủ yếu làm việc với máy móc nhưng khi làm việc tại Đài Truyền hình NTD, tôi chính là đối diện với chúng sinh. Tôi sẽ có nhiều cơ hội tu luyện hơn nữa.

Để trừ bỏ hết thảy can nhiễu của nghiệp tư tưởng, tôi bắt tay vào nghiên cứu công nghệ truyền hình trực tiếp, công nghệ truyền hình đa phương tiện và kỹ thuật xây dựng trường quay. Trong quá trình này, tôi rất cảm ơn các đồng tu tại trụ sở New York đã hỗ trợ tôi và giúp tôi giải đáp các vướng mắc. Bằng việc không ngừng học hỏi, tự nghiên cứu và trau dồi kiến thức qua những thất bại. Chúng tôi đã thiết lập được đội quay truyền hình trực tiếp riêng và có thể sử dụng thành thạo các máy quay đa phương tiện để đảm nhiệm công việc chính là quay phim. Sau đó, chúng tôi sẽ biên soạn các cảnh quay thành một chương trình. Hiện giờ chúng tôi có thể nhanh chóng gửi các cảnh quay về tình hình thực tế diễn ra ở Hồng Kông đến trụ sở tại New York và các nơi khác trên thế giới. Các trường quay đang được khẩn trương xây dựng và sẽ sớm đưa vào vận hành để cứu giúp chúng sinh.

Lời kết

Nhìn lại những năm tháng tu luyện của bản thân khi tham gia vào các hạng mục truyền thông, có rất nhiều điều tôi không ngờ tới. Tôi cảm thấy mình giống như một con thuyền nhỏ đang bơi giữa đại dương bao la với rất nhiều gập ghềnh và nhiều ngã rẽ. Giờ đây, tôi không còn cảm thấy bất ngờ nữa. Tôi ngộ được rằng những việc xảy ra đều là bản thân đang bước đi trên con đường tu luyện mà Sư phụ an bài.

Tôi phải phối hợp vô điều kiện với những yêu cầu không ngừng thay đổi trong tiến trình Chính Pháp. Tôi sẽ đến bất cứ nơi đâu cần mình và dù bất kể là ở đâu thì tôi cũng đều nỗ lực làm thật tốt.

Trên đây là thể ngộ tại tầng thứ tu luyện của bản thân. Nếu có bất kỳ điều gì chưa chiểu theo Pháp, kính mong các đồng tu từ bi chỉ rõ.

Con xin chân thành cảm tạ Sư Tôn! Cảm ơn các bạn đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/5/396606.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/12/23/181196.html

Đăng ngày 19-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share