Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở Trung Quốc
[MINH HUỆ 11-12-2019] Dưới sự cầm quyền của chính quyền cộng sản Trung Quốc, một gia đình ở thành phố Thông Liêu, Khu Tự trị Nội Mông, đã phải gánh chịu bức hại ngoài sức tưởng tượng vì đức tin của họ vào Pháp Luân Công.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện cổ xưa đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Người con trai trong gia đình đã bị ép phải ly hôn và không được phép gặp con gái. Hiện tại, ông đang tuyệt thực và bị tra tấn trong khi thụ án bảy năm tù. Người mẹ 79 tuổi của ông đang phải thụ án tám năm tù sau khi đã bị giam giữ 12 năm. Người cha đã qua đời ở tuổi 85 vì quá đau buồn. Những người con khác của hai cụ cũng bị bắt giữ, giam cầm và ngược đãi vì đức tin của họ.
Một gia đình êm ấm bị tan vỡ vì cuộc bức hại
Ông Vương Tuấn xuất thân từ một gia đình các học viên Đại Pháp. Cha mẹ, anh trai và chị gái của ông đều đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ trước khi cuộc bức hại nổ ra vào tháng 7 năm 1999. Ông bước vào tu luyện năm 2008 trong khi nỗ lực giải cứu người mẹ bị kết án phi pháp bảy năm tù vì không chịu từ bỏ tu luyện.
Ông kết hôn và có một cô con gái. Thời gian đó, họ sinh sống ở vùng ngoại ô của thành phố. Tuy nhiên, mẹ vợ ông, vì sợ bị liên lụy nên đã ép vợ chồng ông ly hôn. Vợ ông đưa con gái đi và cháu thậm chí còn không được phép gặp cha.
Ông Vương cùng mẹ là cụ bà Đường Lệ Văn bị bắt vào năm 2015. Hai mẹ con ông bị đưa ra xét xử vào tháng 9 năm 2016. Ông Vương bị kết án bảy năm tù và mẹ ông bị kết án tám năm. Ông Vương bị chuyển tới Nhà tù Bảo An Chiểu, trong khi bà Đường bị đưa tới Nhà tù Nữ Hô Hòa Hạo Đặc. Chính quyền đã không để ông kháng án.
Cũng giống như nhiều học viên Pháp Luân Công khác, hai mẹ con ông Vương đều bị ngược đãi và tra tấn một cách tàn nhẫn.
Ngày 17 tháng 8 năm 2019, ông Vương tuyệt thực để yêu cầu lính canh của nhà tù trả lại ông các sách Pháp Luân Công. Ba ngày sau, phó giám đốc nhà tù đã đưa ông vào biệt giam. Khi ông bị khiêng ra ngoài vào ngày 27 tháng 8, ông bị trói trong bộ quần áo cưỡng chế và đầu cúi xuống. Hiện tại chưa xác minh được rõ liệu ông Vương vẫn đang tiếp tục tuyệt thực hay không.
Người cha qua đời vì đau buồn
Cha ông Vương, cụ ông Vương Cửu Ngũ, là một trưởng phòng đã nghỉ hưu trong lĩnh vực ngoại thương. Ông Vương tu luyện Pháp Luân Công được gần 20 năm và trong suốt thời gian đó sức khỏe của ông rất tốt và ông chưa bao giờ cần phải uống bất kỳ viên thuốc nào.
Khi mẹ ông Vương bị kết án tù vào năm 2008, thì cha ông đã gần 80 tuổi. Cụ ông đã phải đi chặng đường hơn ngàn dặm để tới thăm vợ, nhưng lính canh chỉ lấy những thứ mà cụ ông mang theo rồi sau đó đuổi cụ ra ngoài, ngay cả khi cụ đã năn nỉ để được gặp vợ mình dù là chỉ được thoáng nhìn thấy vợ. Cụ Vương đau buồn trở về nhà.
Khi ông Vương và mẹ bị bắt thêm lần nữa vào năm 2015 thì cha ông đã 85 tuổi. Để cố gắng giải cứu vợ con, cụ Vương đã nói chuyện với nhiều người ở đồn cảnh sát địa phương, viện kiểm sát và tòa án. Cụ cũng đã thuê hai luật sư để bào chữa cho vợ con mình.
Khi biết tin rằng cả con trai và vợ (khi đó bà 76 tuổi), đã bị kết án tù vào tháng 9 năm 2016, cụ Vương đã không thể chịu đựng nỗi đau này thêm nữa. Ba tháng sau, cụ suy sụp và không thể ăn uống được gì. Khi cụ tỉnh táo, cụ nói mà đôi mắt đẫm lệ: “Họ quá tàn nhẫn, thật là vô tâm…”.
Cụ Vương qua đời vào ngày 5 tháng 6 năm 2017, bỏ lại người con trai cả bị bệnh tâm thần và không thể tự chăm sóc bản thân.
Người mẹ vẫn đang phải chịu cảnh ngục tù
Mẹ của ông Vương, cụ bà Đường Lệ Văn, từng giữ vị trí phó phòng tại một công ty tái chế kim loại ở thành phố Thông Liêu. Cụ Đường bị ung thư vú nhiều năm trước đó và đã phải cắt bỏ một bên ngực vào năm 1986. Một năm sau đó, cụ đã phải cắt bỏ bên ngực còn lại. Vì sức khỏe yếu nên cụ Đường phải nghỉ hưu sớm ở tuổi 45.
Cụ Đường bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997 và những vấn đề sức khỏe của cụ đã nhanh chóng biến mất như bệnh thấp khớp, teo dạ dày nghiêm trọng, u xơ tử cung, vv.. Nhận thấy những lợi ích kì diệu của môn tu luyện, những người thân trong gia đình cụ cũng bắt đầu tu luyện.
Trước khi cuộc bức hại bắt đầu, cuộc sống của họ rất bình yên và hạnh phúc. Các học viên địa phương cùng nhau học các sách Pháp Luân Công tại nhà cụ Đường và luyện công ở một công viên gần đó. Cụ Đường và những người thân trong gia đình cụ luôn là người bật nhạc luyện công và nhiều người đã tham gia cùng họ.
Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, cụ Đường đã sáu lần bị bắt giữ phi pháp. Nhà cụ đã bị cảnh sát khám xét và lục soát không biết bao lần, gia đình cụ đã bị mất đi những đồ đạc trị giá hàng chục nghìn Nhân dân tệ.
Cụ bị đưa tới một trại lao động cưỡng bức, lần đầu là hai năm và sau đó là ba năm. Khi cụ bị kết án bảy năm tù vào năm 2008, người mẹ 90 tuổi của cụ đã hàng ngày khóc thương và cuối cùng bị mù cả hai mắt. Mẹ của cụ đã qua đời khi cụ Đường vẫn đang bị cầm tù.
Để ép buộc cụ Đường nói ra mật khẩu máy vi tính của mình, các nhân viên ở Đội An ninh Nội địa đã tra tấn cụ. Một trong những hình thức tra tấn đó là họ bắt cụ vác một tấm ván lớn trên lưng và còng tay cụ vào một ống kim loại khiến cụ không thể đứng lên hoặc ngồi xuống được. Cụ bị khom người như thế trong nhiều ngày và không được ăn uống. Họ còn bức thực cụ Đường bằng những chất không xác định. Khi cụ không thể chịu được sự ngược đãi này thêm nữa, họ đã đưa cụ tới bệnh viện và tiêm cho cụ những loại thuốc không rõ nguồn gốc, khiến cụ Đường trở nên tiểu tiện mất kiểm soát.
Khi ở trong nhà tù, cụ Đường đã bị tra tấn thể xác và bị tẩy não tăng cường để hòng cố ép cụ phải từ bỏ đức tin. Họ cũng cố ép cụ phỉ báng Pháp Luân Công.
Một lần, khi không thể chịu đựng nổi sự đau đớn, cụ đã hét lên: “Pháp Luân Đại Pháp hảo!” Sau đó, Vương Lực, đại đội trưởng của trại tạm giam đã đánh cụ cho đến khi cụ ngất xỉu. Một vài cái răng của cụ đã bị đánh gẫy trong khi chân răng vẫn còn ở trong lợi. Cụ bị túm tóc lôi đi.
Trong một thời gian dài, cụ bị nôn ra máu và bị cùm trong nửa tháng bằng những chiếc cùm nặng. Cụ cũng bị trói chặt vào giường chết ở tư thế đại bàng sải cánh trong chín ngày tám đêm liên tiếp, cho tới khi toàn thân co giật vì đau đớn và cụ đã bị bất tỉnh.
Hiện tại, cụ đang thụ án tám năm tại Nhà tù Nữ Hô Hòa Hạo Đặc. Lính canh đã bắt cụ phải làm công việc nới lỏng núm tua khăn quàng cổ ở một xưởng. Cụ phải làm việc hơn 12 giờ một ngày và hầu như không có thời gian để ăn trưa.
Những người thân khác trong gia đình cũng bị bức hại
Vào năm 2000, chị gái của ông Vương, bà Vương Đình, cũng bị cảnh sát theo dõi. Bà Vương sợ phải sống một mình nên đã chuyển tới sống với người em trai cùng cha khác mẹ của mình. Sau đó, cảnh sát cũng theo bà tới nơi em trai bà sinh sống. Để tránh gây rắc rối cho em trai, bà Vương đã bỏ đi, nhưng cảnh sát đã tới nhà em trai bà vào ngày hôm sau và lục soát nhà.
Em trai bà đã quá tức giận với cảnh sát đến nỗi ông bị bất tỉnh ngay tại chỗ. Ông được cấp cứu tại bệnh viện nhưng không thể làm việc được nữa do bị chấn thương tinh thần. Gia đình ông chìm trong nợ nần và cha mẹ ông đã phải bán tài sản để hỗ trợ gia đình ông trả hết nợ.
Sau đó, bà Vương bị bắt và bị đưa tới Trại Lao động Cưỡng bức Đồ Mục Cát và tại đó bà bị cưỡng chế tẩy não cường độ cao.
Ngay cả sau khi bà đã từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công vì không thể chịu đựng đau đớn thêm nữa thì cảnh sát cũng không buông tha. Họ ép bà phải nói ra những lời trái với lương tâm mình trên Đài Truyền hình Nội Mông để bôi nhọ Pháp Luân Công. Họ cũng đưa những thứ gọi là tài liệu “chuyển hóa” mà bà đã viết do bị cưỡng ép, làm thành một cuốn sách dùng để mê hoặc và tẩy não các học viên khác.
Gần đây, bà bị huyết khối não và rơi vào tình cảnh vô cùng khốn khó với cái chết bi thảm của cha, mẹ và em trai vẫn đang bị cầm tù và những anh em trai khác cũng gặp vấn đề sức khỏe.
Người em trai khác của ông Vương Tuấn là Vương Ba, đã bị tổn thương tinh thần sau khi bị bắt nạt và làm nhục ở trường. Anh bị tâm thần phân liệt và phải nghỉ học.
Mỗi khi cảnh sát đến lục soát nhà, Vương Ba lại vô cùng sợ hãi, đến nỗi anh thu mình lại ở một góc nhà và không dám nhúc nhích. Anh đã phải nhập viện nhiều lần do những tổn thương tinh thần như vậy.
Báo cáo có liên quan:
Bức hại tàn bạo đối với các học viên Pháp Luân Công cao tuổi
Người phụ nữ và con trai ở Nội Mông Cổ vẫn bị cầm tù trong khi chồng bà qua đời
Báo cáo có liên quan bằng tiếng Anh:
https://en.minghui.org/emh/articles/2008/9/23/100875.html
https://en.minghui.org/emh/articles/2008/10/14/101469.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/11/396899.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/2/1/183040.html
Đăng ngày 26-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.