Bài viết của Hoa Hàn
[MINH HUỆ 31-05-2011] Đổng Phụng tên chữ là Quân Dị, sinh ở huyện Hầu Quan, là người nước Ngô thời Tam Quốc. Đương thời có một người trẻ tuổi làm Huyện lệnh huyện Hầu Quan đã có lần gặp Đổng Phụng, khi đó ông đã ngoài 40 tuổi rồi. Huyện lệnh cũng không biết Đổng Phụng có Đạo thuật. Sau này Huyện lệnh từ quan ra đi.
Hơn 50 năm sau, viên Huyện lệnh đó lại làm chức quan khác. Trên đường đi nhậm chức, ông đi qua huyện Hầu Quan, những thư lại, quân lính thời xưa đều đã già cả rồi, nhưng dung nhan Đổng Phụng vẫn y nguyên như hơn 50 năm trước. Viên quan đó hỏi ông rằng: “Ông có được Đạo thuật gì? Xưa kia tôi gặp ông thì ông vẫn như thế này. Nhưng giờ đây tôi đã râu tóc bạc phơ rồi mà ông vẫn còn trẻ trung. Đó là nguyên nhân gì vậy?”
Đổng Phụng trả lời rằng: “Chẳng qua chỉ là ngẫu nhiên vậy thôi.”
Năm đó, Sĩ Nhiếp đảm nhiệm chức Thứ sử Giao Châu, bị trúng độc bệnh chết, đã chết được ba ngày rồi. Đổng Phụng lúc này đang ở đó, liền đến thăm. Ông lấy ra ba viên thuốc hoàn, bỏ vào trong miệng Sĩ Nhiếp, rồi đổ nước vào miệng, và bảo người nâng đầu Sĩ Nhiếp lên, lắc lắc đầu, để thuốc trôi vào trong bụng. Trong chốc lát, chân và tay của Sĩ Nhiếp dường như có thể hoạt động được rồi, sắc mặt cũng dần dần phục hồi lại, nửa ngày thì ông đã có thể ngồi dậy được. Sau bốn ngày, Sĩ Nhiếp đã có thể nói được.
Sĩ Nhiếp nói, lúc ông chết, mơ mơ màng màng như trong mộng. Thấy có hơn chục người mặc đồ đen đến bắt ông đưa lên xe, rồi vào một cổng lớn màu đỏ, sau đó đưa ông vào địa ngục. Địa ngục là nơi mỗi một phòng có một cửa, mỗi phòng giam chỉ có thể chứa được một người. Những người mặc đồ đen giam ông vào trong một phòng giam, sau đó dùng đất bít chặt cửa phong giam lại, không thể nhìn thấy ánh sáng bên ngoài nữa.
Một hôm, bỗng nghe thấy bên ngoài có người nói: “Thái Ất Chân Nhân phái sứ giả đến triệu Sĩ Nhiếp.” Sau đó nghe thấy bên ngoài có người đang tháo dỡ đất lấp cửa ngục. Sau một thời gian dài mới có người dẫn ông ra. Sĩ Nhiếp thấy một cỗ xe ngựa, trên có mui hồng, có ba người đang ngồi trên xe, một người tay cầm tiết trượng bảo ông lên xe, sắp đến cổng lớn màu đỏ thì tỉnh dậy, thế là ông sống lại. Thế là Sĩ Nhiếp đứng dậy cảm ơn Đổng Phụng rằng: “Vô cùng đội ơn lớn của ngài, ngài là sứ giả mà Thái Ất Chân Nhân phái đến, ngài đã cứu sống tôi. Tôi nên dùng phương thức gì để báo đáp ngài đây?”
Thế là Sĩ Nhiếp xây cho Đổng Phụng một tòa lầu ở sân đình. Đổng Phụng không ăn thứ gì khác, chỉ ăn một chút thịt khô và táo, uống một chút rượu. Sĩ Nhiếp ngày ngày ba lần chuẩn bị những đồ ăn này cho Đổng Phụng. Ngày ngày Đổng Phụng đến ăn, có lúc như chim bay, vọt lên không trung bay đến, ngồi vào vị trí, ăn xong lại bay đi, mọi người đều không phát hiện ra.
Cứ như thế đến hơn một năm, Đổng Phụng muốn từ biệt Sĩ Nhiếp ra đi, Sĩ Nhiếp khóc lóc, lưu giữ không được. Sĩ Nhiếp hỏi Đổng Phụng rằng: “Ngài muốn đi nơi nào? Có cần chiếc thuyền lớn không?”
Đổng Phụng nói: “Không cần thuyền, chỉ cần một chiếc quan tài là được rồi.”
Sĩ Nhiếp liền chuẩn bị cho ông một chiếc quan tài. Đến trưa ngày hôm sau thì Đổng Phụng chết. Sĩ Nhiếp dùng chiếc quan tài đó an táng ông. Sau 7 ngày, có người từ Dung Xương đến nói rằng, Đổng Phụng căn dặn anh ta rằng: “Cảm tạ Sĩ Nhiếp giúp ta, bảo ông ta hãy trân quý bản thân.”
Sĩ Nhiếp nghe những lời này thì cảm thấy Đổng Phụng chưa chết, nên đào mộ lên, mở quan tài ra, bên trong chỉ có một tấm vải, trên một mặt tấm vải có vẽ hình người, còn mặt bên kia thì dùng đan sa vẽ bùa.
Sau này Đổng Phụng đến cư trú ở chân núi Lư Sơn quận Dự Chương. Có một người mọc nhọt độc, xem chừng sắp chết rồi, mọi người dùng xe chở ông ta đi tìm đến Đổng Phụng. Ông ta khấu đầu trước Đổng Phụng, thỉnh cầu chữa trị. Đổng Phụng bảo người bệnh ngồi trong một căn nhà rồi dùng 5 lớp vải bố quấn chặt ông ta, bảo ông ta không được động đậy. Người bệnh đó nói: “Lúc ban đầu cảm thấy có một thứ gì đó đến liếm lên thân thể, đau không thể chịu nổi. Vật kia liếm khắp thân thể tôi, không chỗ nào không liếm. Lưỡi của nó ước chừng rộng một thước, nghe tiếng thở của nó giống như là trâu, cũng không biết nó là vật gì, nó liếm rất lâu rồi mới rời đi.”
Đổng Phụng lúc này mới vào trong nhà gỡ 5 lớp vải bố ra cho ông ta, sau đó dùng nước tắm rửa cho ông ta rồi bảo ông ta ra về và nói: “Sẽ sớm khỏi bệnh, nhưng không được đứng nơi có gió.”
Trở về hơn chục ngày, người bệnh này thân thể đỏ ửng, da bị bong ra hết, rất đau đớn, nhưng dùng nước rửa thì không đau nữa. Đến ngày thứ 20 thì lên da non, bệnh cũng hết, thân thể như mỡ đông, mềm mại và sáng bóng.
Sau này, bỗng nhiên gặp đại hạn, Huyện lệnh Đinh Sĩ Ngạn nói: “Nghe nói Đổng Phụng quân có Đạo thuật, có lẽ có thể khiến trời mưa.” Ông ta liền đích thân đem rượu và thịt khô đến gặp Đổng Phụng, nói về tình hình đại hạn, mong muốn ông thi triển thuật giáng mưa. Đổng Phụng nói: “Mưa thì dễ thôi.”
Thế là Đổng Phụng nhìn lên mái nhà và nói: “Căn nhà của bần Đạo có thể nhìn thấu trời, mưa thì sao có thể chịu được đây?”
Huyện lệnh hiểu ý tứ của ông bèn nói: “Tiên sinh chỉ cần làm mưa, chúng tôi sẽ dựng cho ngài một ngôi nhà tốt.”
Hôm sau, Huyện lệnh Đinh Sĩ Ngạn đích thân dẫn hơn trăm thư lại binh sĩ và vận chuyển nguyên liệu tre, gỗ đến, rất mau chóng đã dựng xong căn nhà. Đúng lúc tập trung bùn đất, chuẩn bị đi ra ngoài cách xa mấy dặm để lấy nước thì Đổng Phụng nói: “Không cần như vậy, khi trời tối thì sẽ có mưa lớn.” Những người đi lấy nước mới dừng lại không đi nữa. Đến khi trời tối, quả nhiên trời đổ cơn mưa lớn, các hố cao đất trũng đều ngập đầy nước.
Đổng Phụng cư trú ở trong núi, không cày cấy, ngày ngày trị bệnh cho người, cũng không lấy tiền. Người bệnh nặng sau khi được chữa khỏi thì Đổng Phụng bảo họ trồng 5 cây hạnh, người bệnh nhẹ thì trồng 1 cây. Cứ như thế sau mấy năm, tổng cộng đã trồng được mấy vạn cây hạnh, đã trở thành khu rừng um tùm xanh tốt.
Đổng Phụng để các loài chim thú trong núi đến rừng hạnh chơi đùa. Trong rừng hạnh không bao giờ thấy có cỏ dại, luôn luôn giống như có người nhổ cỏ vậy. Sau này rừng hạnh bội thu, Đổng Phụng xây dựng một kho cỏ trong rừng và nói với người dân địa phương rằng: “Người muốn mua hạnh không cần nói với tôi, chỉ cần đem ngũ cốc đựng trong đồ chứa đổ vào kho cỏ, sau đó tự vào trong rừng hái hạnh đầy đồ chứa là được rồi.”
Thường xuyên có người đem ngũ cốc đến thì ít mà hái hạnh về lại nhiều. Lúc đó, một con hổ từ trong rừng hạnh chạy ra, rống lên đuổi anh ta đi. Người kia rất hoảng sợ, vội vàng mang theo quả hạnh chạy về, trên đường rơi vãi khá nhiều. Về đến nhà đong số quả hạnh hái được thì thấy bằng đúng số ngũ cốc mà họ đổ vào trong kho.
Còn có người đến lấy trộm hạnh thì bị hổ đuổi theo đến tận nhà và cắn chết. Người nhà biết anh ta lấy trộm hạnh bèn đem ngũ cốc đi, khấu đầu tạ tội. Sau khi trở về thì người chết kia liền sống lại.
Hàng năm Đổng Phụng bán hạnh, dùng số tiền kiếm được mua rất nhiều ngũ cốc. Không lâu sau thì dùng số ngũ cốc này cứu tế người nghèo, đồng thời cung cấp cho hành khách thương nhân qua lại bị túng. Số ngũ cốc dùng như thế mỗi năm ước tính trên 2 vạn hộc.
Huyện lệnh có cô con gái bị quỷ mị dụ dỗ, chữa trị không có hiệu quả. Huyện lệnh bèn đến cầu Đổng Phụng chữa bệnh cho con gái, ông ta nói: “Nếu ngài có thể chữa khỏi bệnh cho con gái tôi, tôi sẽ để nó đến hầu ngài.”
Đổng Phụng nhận lời và triệu một con cá sấu trắng dài mấy trượng đến. Con cá sấu đó bò đến trước cửa phòng cô con gái huyện lệnh. Người hầu của Đổng Phụng được phái đi liền chém chết con cá sấu đó. Bệnh của cô con gái huyện lệnh cũng khỏi. Đổng Phụng thu nạp cô con gái của huyện lệnh làm vợ, nhưng người vợ rất nhiều năm mà không sinh con. Đổng Phụng thường xuyên ra ngoài, người vợ không muốn ở một mình nên nhận một cô bé trên 10 tuổi làm con gái nuôi.
Một hôm Đổng Phụng tung mình lên mây đi, không trở lại. Vợ và con gái của ông vẫn ở căn nhà cũ của ông. Hai mẹ con bán hạnh kiếm tiền, sống rất hạnh phúc, đồng thời tiếp tục chu tế người nghèo. Nếu có người ức hiếp họ thì con hổ vẫn bảo vệ họ một cách trung thành. Đổng Phụng ở chốn nhân gian 300 năm mới ra đi, khi đó sắc mặt vẫn như người 30 tuổi.
Mọi người đều biết: Đổng Phụng là sứ giả của Thái Ất Chân Nhân phái đến. Các thầy thuốc sau này đã kế thừa tinh thần và hành vi của Đổng Phụng, quan tâm chăm sóc sức khỏe cho người dân, ví von Y Đạo là “sự nghiệp Hạnh Lâm” (sự nghiệp rừng hạnh). Khi người dân ca tụng thầy thuốc thì cũng thường sử dụng những từ ngữ như “hạnh lâm xuân mãn” (rừng hạnh đầy xuân), “dự mãn hạnh lâm” (vinh dự đầy rừng hạnh)… Dần dần trở thành thành ngữ. Văn hóa y học của Trung Quốc thực sự là một bộ phận của văn hóa Thần truyền. Nền văn hóa ưu tú, văn hóa chính thống của Trung Quốc đều là văn hóa Thần truyền.
(Theo “Thần Tiên truyện”)
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/5/30/文史漫談-董奉與杏林-241641.html
Đăng ngày 03-02-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.