Bài viết của Thạch Minh
[MINH HUỆ 01-10-2019] Ngày 1 tháng 10 năm nay đánh dấu 70 năm từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nắm quyền thống trị đất nước vào năm 1949. Trong khi các lễ kỷ niệm quy mô lớn đang diễn ra trên khắp Trung Quốc theo chỉ thị của chính quyền, cũng là lúc chúng ta dành một chút thời gian để suy ngẫm về nơi chúng ta đang sinh sống.
Trong suốt 70 năm vận động chính trị của ĐCSTQ, đã có vô số thảm kịch xảy ra. Đằng sau những quả bóng bay và ruy băng ăn mừng là các vụ bắt giữ, giam cầm, tra tấn, những gia đình ly tán, vốn là hậu quả của cuộc bức hại đang diễn ra đối với môn tu luyện ôn hòa Pháp Luân Công bắt đầu từ tháng 7 năm 1999.
Điểm qua những báo cáo trang web Minh Huệ nhận được gần đây, chúng ta có thể thấy cuộc đàn áp đã lan rộng đến mọi ngõ ngách trên đất nước và nhắm vào mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Chẳng hạn như, khi ông Duyệt Khắc Kiệm, 76 tuổi và vợ ông, bà Lý Hữu Hương, 73 tuổi, bị bắt vào ngày 30 tháng 8 năm nay, cảnh sát tỉnh Sơn Tây đã bắt luôn hai người con trai, hai người con dâu, cũng như con gái và con rể của họ. Chỉ có một đứa cháu trai đang tuổi chập chững bị bỏ lại ở nhà. Mặc dù hầu hết các thành viên trong gia đình đã được thả vào ngày hôm sau, nhưng ông Duyệt vẫn bị giam trong Trại tạm giam Cao Bình còn bà Lý bị giam trong trại tạm giam Tấn Thành.
Nhiều học viên cao tuổi khác cũng trở thành nạn nhân của cuộc bức hại. Bà Thôi Thục Trân, 66 tuổi, ở tỉnh Sơn Đông đã bị bắt vì nói chuyện với người dân về Pháp Luân Công khi bà đến thăm con gái ở tỉnh Chiết Giang. Vị luật sư được gia đình bà thuê đã yêu cầu trả tự do cho bà, nhưng bị từ chối. Khi nghe tin bà sẽ bị xét xử vào ngày 17 tháng 9, chồng bà Thôi đã đau khổ đến mức qua đời vì đột quỵ, thật trớ trêu, đúng vào Tết Trung thu (ngày 13 tháng 9), ngày của gia đình đoàn tụ. Sau khi người con gái lo liệu tang lễ cho ông xong, cô vội vã tới tham dự phiên tòa xét xử mẹ cô ở Chiết Giang, hai mẹ con cô đã không gặp nhau trong sáu tháng. Nhưng các quan chức cấm cô vào phòng xử án vì cô là một học viên Pháp Luân Công.
Bất chấp cuộc bức hại, những lợi ích về tinh thần và thể chất của Pháp Luân Công vẫn không ngừng thu hút mọi người bước vào tu luyện. Một ví dụ là bà Lý Lệ Văn, cựu giáo viên tiểu học 61 tuổi, ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm. Gia đình bà trở nên hòa thuận sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Mặc dù nhờ tu luyện, bà Lý có nhiều cống hiến trong công tác và có chuẩn mực đạo đức cao, bà vẫn bị bắt và giam giữ nhiều lần trong các trại tạm giam, trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não. Sau vụ bắt giữ gần đây nhất vào ngày 19 tháng 7 năm nay, bà đã bị tra tấn tàn bạo tại trại tạm giam Thành phố Cát Lâm đến mức phải dùng máy thở trong bệnh viện. Gia đình bà yêu cầu bảo lãnh để điều trị y tế cho bà, nhưng đã bị từ chối.
Anh Lý Đức Vỹ, một doanh nhân ở thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông, bị bệnh gan khi mới 32 tuổi. Việc điều trị y tế khiến kinh tế gia đình anh cạn kiệt nhưng sức khỏe của anh ngày càng kém đi. Anh đã bước vào tu luyện Pháp Luân Công và hoàn toàn hồi phục. Tâm tính của anh cũng được cải thiện. Tuy nhiên, anh đã nhiều lần bị bắt, bị giam giữ cũng như tra tấn. Ngày 20 tháng 9 vừa qua, trong khi anh đi mua vật tư kinh doanh, hai cảnh sát đã bắt và giam anh tại trại tạm giam Lai Tây.
Một tình trạng đáng báo động khác trong các vi phạm nhân quyền gần đây đối với các học viên là việc bắt giữ số lượng lớn các học viên cao tuổi. Trong khoảng hơn một năm qua, 32 học viên, đều ở độ tuổi 60 đến 70 tuổi, đã bị bắt và giam giữ tại thành phố Thái Nguyên, thủ phủ của tỉnh Sơn Tây. Trong số đó, 8 người đã bị kết án tù với bản án lên tới 10 năm. Gần đây, 11 học viên cao tuổi đã bị bắt vào ngày 7 và 8 tháng 9. Nhà của họ bị lục soát, còn họ bị bắt và bị đưa đến các trại tạm giam. Làn sóng bắt giữ này do Sở Cảnh sát Tỉnh Sơn Tây chỉ đạo, với sự tham gia của cảnh sát ở nhiều khu vực như Thái Nguyên, Nghinh Trạch, Vạn Bá Lâm và Tiêm Thảo Bình.
Hơn 20 năm đã trôi qua kể từ khi cuộc đàn áp Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, song, tội ác này vẫn tiếp tục diễn ra. Trong tám tháng đầu năm nay, 490 học viên đã bị bắt, cùng với 513 trường hợp bị thẩm vấn hoặc xét xử. Ngoài việc phải chịu các án tù dài, những học viên này còn bị phạt một khoản tiền lớn. Trong số 22 học viên bị phạt tiền, 19 người đã phải trả tổng cộng 214.000 Nhân dân tệ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/1/中共过“国庆”-百姓坐冤狱-394039.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/3/180168.html
Đăng ngày 05-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.