Bài viết của Minh Toàn

[MINH HUỆ 14-10-2019] Dưới danh nghĩa duy trì sự ổn định, các quan chức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thường bắt giữ các học viên Pháp Luân Công xung quanh các ngày lễ lớn. Việc bắt giữ này lại tiếp tục diễn ra nhân dịp kỷ niệm 70 năm cầm quyền của ĐCSTQ trên khắp đất nước này vào hôm 1 tháng 10 năm nay.

Hàng loạt vụ bắt giữ đã xảy ra ở các tỉnh phía Bắc như Sơn Đông, Sơn Tây, An Huy, Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang. Bài viết này tập trung vào tỉnh Sơn Đông. Tại thành phố thủ phủ Tế Nam, gần 30 học viên đã bị bắt giữ kể từ tháng Sáu. Tại thời điểm viết bài này, phần lớn họ vẫn đang bị giam giữ tại Trại tạm giam Tế Nam.

Vào 7 giờ sáng ngày 19 tháng 9 năm 2019, trong khi các gia đình đang chuẩn bị đi làm hay đi học, nhiều học viên nghe thấy tiếng đập cửa mạnh của cảnh sát. Họ mặc thường phục và đã phục ở đó từ tối hôm trước. Khi các học viên này từ chối mở cửa, cảnh sát liền phá khóa và xông vào. Sau đó, họ tiến hành lục soát nhà và lấy đi các tài liệu Pháp Luân Công, máy tính và máy in của các học viên.

Có ít nhất 10 học viên đã bị bắt trong ngày hôm đó, bao gồm bà Lưu Tiểu Huệ (55 tuổi), bà Lưu Trí Tú (58 tuổi), ông Ngô Tuấn Phong (49 tuổi), cô Tôn Toàn Đông (ngoài 40 tuổi), bà Tôn Yên Phương, bà Triệu Kiến Mai, ông Vu Tông Bình (58 tuổi), bà Lý Quế Trân (65 tuổi), bà Vương Thục Anh (65 tuổi) và ông Đinh Đức Thuận (khoảng 58 tuổi).

Trong số họ, ba học viên đã được về nhà vì lý do sức khỏe hoặc cần phải phụng dưỡng bố mẹ già. Bảy học viên còn lại hiện vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam Tế Nam, gồm có ông Ngô, bà Lưu Tiểu Huệ, bà Lưu Trí Tú, cô Tôn Toàn Đông, bà Lý, bà Vương và ông Vu – tất cả đều là cư dân của quận Thiên Kiều.

Một số cơ quan ở quận Thiên Kiều đã chỉ đạo các vụ bắt giữ này, bao gồm Ủy ban Chính trị và Pháp luật Thiên Kiều (PLAC), Phòng 610 Thiên Kiều, và Đồn Cảnh sát Thiên Kiều (Đội An ninh Nội địa). Một số cơ quan sau đây cũng tham gia, đó là Phòng Cảnh sát Tế Nam, Đồn Cảnh sát Ước Sơn, Đồn Cảnh sát Tân Thành, Đồn Cảnh sát Đề Khẩu Lạc, Đồn Cảnh sát Lạc Khẩu, Đồn Cảnh sát Bắc Thản và Đồn Cảnh sát Diêu Gia.

Bài học từ những người tiền nhiệm

Đối với các quan chức tích cực tham gia vào cuộc bức hại, họ có thể thấy việc bức hại các học viên Pháp Luân Công vô tội, ôn hòa sẽ nhận phải quả báo, như điều đã xảy ra với Y Thế Kim.

Y, cựu trưởng Phòng Cảnh sát Thiên Kiều, đã bị bắt vào ngày 16 tháng 11 năm 2018. Cùng tháng đó, ông ta bị cách chức và bị tịch thu khoảng 16 triệu nhân dân tệ khi lục soát nhà. Tháng 5 năm 2019, các phương tiện truyền thông đưa tin Y đã bị buộc tội. Một thời gian sau, ông ta bị kết án 12 năm tù giam và phạt 800.000 nhân dân tệ.

Trước khi trở thành trưởng Phòng Cảnh sát Thiên Kiều, Y là cảnh sát trưởng của quận Bảo Sơn và Hoài Âm. Dưới sự giám sát của ông ta, học viên Lưu Hồng Tường, 34 tuổi, đã chết vì bị tra tấn. Cảnh sát Bảo Sơn đã bắt và giam giữ nhiều học viên vì nộp đơn kiện cựu lãnh đạo cộng sản, Giang Trạch Dân, vì đã bức hại Pháp Luân Công. Trong số đó, cô Lý Kiến Mỹ bị kết án 9 năm tù mặc dù là người tàn tật. Ông Lưu Tự Đường, một cựu kỹ sư của Tập đoàn Thép Tế Nam, đã bị kết án hai lần với mức án lần lượt là 5,5 và 3 năm.

Không chỉ có Y phải nhận quả báo. Lý Phương Minh, cựu lãnh đạo Phòng Chính trị của Văn phòng Tư pháp Tế Nam, đã tuân theo chỉ đạo của ông ta theo sát cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bất cứ sỹ quan nào được thăng chức, Lý đều yêu cầu họ điền vào các mẫu đơn phỉ báng Pháp Luân Công. Sau khi ông ta đột tử ngay tại phòng làm việc vào tháng 4 năm 2013, một số người giải thích việc này cùng với cái chết trước đó của vợ ông ta chính là quả báo cho những tội ác ông ta đã gây ra.

Cuộc bức hại phi pháp

Trong Hiến pháp Trung Quốc, tu luyện Pháp Luân Công được bảo vệ theo quyền tự do tín ngưỡng và ngôn luận. Các vụ bắt bớ, giam giữ và tra tấn bất hợp pháp đã vi phạm nhiều điều của Luật Hình sự và Luật Tố tụng Hình sự Trung Quốc.

Chẳng hạn, khi cảnh sát bắt các học viên vào ngày 19 tháng 9 năm 2019, họ đã theo dõi, giám sát, rồi tiến hành bắt giữ nhiều học viên cùng một lúc. Những vụ bắt giữ như thế không hề có lệnh hay bằng chứng, và là bất hợp pháp. Không có lệnh khám xét nhưng họ vẫn lục soát nhà của các học viên và tịch thu các tài liệu Pháp Luân Công cùng các tài sản cá nhân khác, việc này cũng là phi pháp.

Hơn nữa, việc tu luyện Pháp Luân Công đã cải thiện sức khỏe và nâng cao đạo đức cho các học viên, và mang lại lợi ích lớn lao cho xã hội. Tổng cục Báo chí và Xuất bản đã ban hành Thông cáo số 50, ngày 1 tháng 3 năm 2011, về bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công. Theo đó, việc sở hữu sách và tài liệu Pháp Luân Công là hợp pháp.

Các nước phương Tây thắt chặt chính sách chống lại những kẻ vi phạm nhân quyền ở Trung Quốc

Cuộc đàn áp Pháp Luân Công cũng đã nhận được sự quan tâm theo dõi của cộng đồng quốc tế. Đầu năm nay, một quan chức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết 28 quốc gia đã thông qua hoặc đang lên kế hoạch ban hành luật tương tự Đạo luật Magnitsky Toàn cầu của Hoa Kỳ. Những luật này sẽ cho phép một chính phủ xử phạt bất kỳ quan chức chính phủ nước ngoài nào vi phạm nhân quyền. Trong đó bao gồm quyền từ chối nhập cảnh cũng như quyền đóng băng tài sản và giao dịch tài chính của họ.

Tháng 12 năm ngoái, dựa trên Đạo luật Magnitsky của Canada, các học viên Pháp Luân Công tại Canada đã gửi một danh sách các thủ phạm của cuộc bức hại Pháp Luân Công lên chính phủ nước này, nhằm đề nghị từ chối cấp visa và đóng băng tài sản của họ tại Canada. Vào tháng 7 năm 2019, các học viên đã gửi danh sách thủ phạm (bao gồm nhiều thủ phạm ở các khu vực, ngành nghề và cấp chính phủ khác nhau) đến Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, và yêu cầu từ chối cấp visa cho họ.

Vào tháng 9, các học viên Pháp Luân Công tại Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh và Úc đã đệ trình cùng một danh sách lên chính phủ các nước này, bao gồm những người đã tham gia vào cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Các học viên đề nghị việc từ chối cấp visa và đóng băng tài sản của những thủ phạm này.

Các bài viết liên quan bằng tiếng Hán:

https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/26/387792.html

https://www.minghui.org/mh/articles/2017/9/7/353448.html


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/14/394566.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/25/180478.html

Đăng ngày 28-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share