Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang
[MINH HUỆ 06-10-2019] Tháng 12 năm 2011, bà Mục Tiểu Lộ ở thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang đã bị bắt vì từ chối từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công. Sau đó bà bị kết án năm năm tù tại Nhà tù nữ Hắc Long Giang, tại đó bà đã bị lính canh bức thực, đánh đập, phơi lạnh và nhiều hình thức bức hại thể xác khác.
Bà Mục bị liệt do bị tra tấn nhưng không được bảo lãnh để điều trị đến tận tháng 11 năm 2006, một tháng trước khi mãn hạn tù. Sức khoẻ của bà tiếp tục xấu đi sau khi trở về nhà, và bà đã qua đời vào tháng 3 năm 2008 ở tuổi 43.
Bà Mục Tiểu Lộ
Pháp Luân Công, còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp là một môn tu luyện dựa trên nguyên lý “Chân-Thiện-Nhẫn”. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp môn tập này vào tháng 7 năm 1999 và hơn 4.300 học viên được xác nhận là đã chết do bị bức hại, nhiều người là do bị tra tấn trong khi bị giam.
Hơn 11 năm đã trôi qua kể từ khi bà Mục qua đời. Những chi tiết mới về việc bà bị tra tấn trong khi bị giam vì đức tin của bà đã xuất hiện.
Bắt giữ, kết án và bỏ tù
Bà Mục Tiểu Lộ, một nhân viên chính quyền ở khu Ngang Ngang Khê, thành phố Tề Tề Cáp Nhĩ, đã bị bắt vào ngày 27 tháng 12 năm 2001 vì từ chối từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.
Trong khi bị giam tại Trại tạm giam Số 2 Tề Tề Cáp Nhĩ, bà và bốn học viên Pháp Luân Công khác là Dương Diễm Thu, Vương Thục Phương, Trương Thục Triết và Lưu Vĩnh Quyên đã phản đối việc giam giữ phi pháp bằng cách từ chối cho chụp hình hay đeo huy hiệu tù nhân. Các lính canh đã trả đũa bằng cách đấm đá năm học viên.
Vào ngày 10 tháng 4 năm 2002, năm học viên đã bị kết án tù và bà Mục bị kết án năm năm tù. Họ bị đưa đến Nhà tù nữ Hắc Long Giang sau khi đơn kháng án bị bác bỏ. Ngay khi đến nơi, họ bị tách ra và bị đưa đến những nơi khác nhau để tra tấn. Lính canh tù đã còng tay bà Mục ra sau lưng sau đó đánh, đấm và sốc điện bà.
Bà Mục và bốn học viên khác bị biệt giam trong 26 ngày tiếp theo. Hàng ngày, họ bị đưa ra ngoài để tra tấn sau đó lại bị đưa trở về phòng biệt giam.
Đến ngày 27, họ bị chuyển đến một khu vực chờ ở tầng ba, tại đây người của Phòng 610 đã buộc họ phải xem những video lăng mạ Pháp Luân Công. Họ bị ép phải ngồi trên sàn bê tông lạnh cả ngày và phải ngủ tại cùng tầng lạnh giá đó cả đêm. Còng tay của họ không được tháo ra ngay cả khi đi vệ sinh. Năm học viên đã tuyệt thực để phản đối và bị đưa đến “đội huấn luyện” vào ngày hôm sau.
Sau đó, họ bị tách ra và bà Mục bị đưa đến Đội 7 (đổi tên thành Đội 4 vào năm 2006).
Ở Đội 7, tất cả học viên Pháp Luân Công bị cầm tù đều bị giám sát chặt chẽ. Bốn tù nhân được giao nhiệm vụ trông chừng một học viên. Nếu học viên bị nghi ngờ là có hành vi “không thích hợp” như là nói chuyện hoặc tập Pháp Luân Công, bốn tù nhân kia sẽ bị phạt bằng cách trừ điểm.
Một lần khi bà Mục trao đổi những bài giảng của Pháp Luân Công với bà Trần Vĩ Quân – một học viên khác mà sau đó đã qua đời do bị tra tấn, lính canh đã tát vào mặt cả hai người và đe doạ trừ điểm của các tù nhân khác. Việc này đã dẫn đến các học viên bị tù nhân lăng mạ thậm tệ.
Tra tấn: Ngồi bất động trong thời gian dài
Vào tháng 4 năm 2003, vì bà Mục và các tù nhân khác từ chối lao động cưỡng bức, đội trưởng Khang Á Trân và Thôi Diễm đã ra lệnh cho lính canh và tù nhân tra tấn họ. Mỗi ngày, các học viên bị ép ngồi bất động trên một ghế nhỏ từ 6 giờ sáng đến 8 giờ tối hoặc trễ hơn. Ngày 14 tháng 4 năm 2003, hơn 10 công an vũ trang được cử đến nhà tù để ép các học viên phải lao động nặng nhọc.
Các học viên ở Đội 7 đã tổ chức một cuộc phản đối vào ngày 16 tháng 10 năm 2003 khi họ từ chối mang bảng tên tù nhân hoặc trả lời điểm danh. Các tù nhân được lệnh phải đánh đập các học viên, sau đó học viên bị ép đứng bất động đến tận nửa đêm. Đợt trừng phạt này kéo dài nhiều ngày.
Bà Mục và nhiều học viên khác từ chối mang bảng tên hoặc trả lời điểm danh đã trở thành mục tiêu của một đợt ngược đãi mới vào cuối tháng 11 năm 2003. Các tù nhân lôi họ ra ngoài cửa và cởi quần áo mùa đông của họ gồm cả nón và găng tay. Học viên Trịnh Hoành Lệ bị bất tỉnh trong khi những học viên khác run rẩy trong cái lạnh. Đợt tra tấn này kéo dài bảy ngày.
Bị ép đứng
Vì từ chối mang bảng tên tù nhân, bà Mục và hai học viên khác bị đưa đến phòng của đội trưởng Khang vào ngày 4 tháng 12 năm 2003. Khang tát vào mặt họ từng người một. Sau đó bà ta chỉ đạo một tù nhân trói họ lại và để họ trong một phòng nước nơi các tù nhân đến để lấy nước. Ba học viên khác cũng bị đưa đến phòng nước. Sáu người bị ép phải đứng trong phòng nước 24/24, trong khi nhiều học viên khác cũng bị trói và giam trong nhà kho.
Đến ngày thứ tư, chân trái của bà Mục bị sưng phồng nghiêm trọng. Do quá mệt mỏi, bà đã bị bất tỉnh. Hai học viên khác sau đó cũng bị ngất đi. Một tù nhân có nhiệm vụ trông chừng họ đã tạt nước vào áo khoác mùa đông của họ.
Sau đó, những học viên này bị giam trong phòng nước vào ban ngày và phải ngủ trên sàn bê tông lạnh ở nhà kho vào ban đêm. Tay họ bị còng ra sau lưng trừ thời gian lúc ăn hoặc tắm. Có lần, tù nhân Dương Thục Hoa đã viết tên của họ lên một miếng vải và khâu vào quần áo của họ. Sau khi các học viên xé đi, Dương rất tức giận và đâm kim vào người họ.
Phơi lạnh trong mùa đông
Vào ngày 7 tháng 2 năm 2004, giám đốc nhà tù là Lưu Chí Cường phát hiện bà Mục và sáu học viên khác đang học các bài giảng của Pháp Luân Công trong nhà kho. Lưu đã tịch thu các bài giảng và đưa các học viên đến phòng biệt giam.
Đó là vào những ngày lạnh lẽo của mùa đông, và lính canh đã lột đồ của các học viên, chỉ cho họ mặc đồ lót và còng tay họ ra sau lưng. Không có lò sưởi trong phòng, và lính canh mở cửa để làm lạnh họ. Thức ăn là canh làm từ cám ngô cho gà ăn. Các học viên được cho hai bữa ăn mỗi ngày và cám ngô quá thô và cứng khiến họ không thể nuốt nổi. Việc biệt giam này kéo dài 19 ngày.
Vào ngày 6 tháng 4 năm 2004, đội trưởng Khang lại hỏi bảy học viên có chịu đeo bảng tên không. Khi học viên từ chối, lính canh đã đưa họ đến xà lim, còng một tay họ vòng qua vai rồi nối đến tay kia bị vặn ra sau lưng. Bà Mục đã ngất đi do đau đớn cực độ. Học viên Trịnh Kim Ba bị đau tim do tra tấn. Bà đã may mắn sống sót.
Minh hoạ tra tấn: Còng tay ra sau lưng
Còng tay vào treo lên
Vào ngày 27 tháng 7 năm 2004, Khang và những đội trưởng khác phát động một chiến dịch mới đối với khoảng 30 học viên vì không chịu mang bảng tên và đồng phục tù nhân. Bà Mục bị còng tay ra sau lưng và treo lên với chỉ ngón chân cái chạm đất. Hai cánh tay bà trở nên tê dại và bà ngất đi. Khi lính canh đưa bà xuống, còng tay đã cắt vào thịt bà khiến cổ tay chảy máu. Đòn tra tấn khiến bà không tự chủ và phần thân dưới bà ướt sũng nước tiểu.
Minh hoạ tra tấn: Còng tay và treo lên
Vào lúc đó, bà Mục đã không ăn gì trong bốn ngày và lính canh bắt đầu bức thực bà. Họ cố nhét ống dẫn ăn vào người bà hai lần, nhưng nó không vào. Thay vào đó máu và một chất dính chảy ra khi cái ống bị lấy ra. Một bác sỹ nói rằng bà Mục có thể chết bất kỳ lúc nào. Sau khi tiêm tĩnh mạch, bà được đưa đi chụp X-quang và sau đó bị đưa trở về xà lim. Bà nằm bẹp trên giường với thân thể hốc hác.
Mùa thu năm 2006, bà được đưa đến bệnh viện ngoài nhà tù để kiểm tra và được chẩn đoán mắc bệnh lao. Bà được thả để chữa trị vào tháng 11 năm 2006.
Khi trở về nhà, bà Mục biết rằng gia đình đã tốn rất nhiều tiền trong năm năm qua với hy vọng bà được đối xử tốt trong tù. Tuy nhiên, gia đình không biết về sự tra tấn và đau đớn mà bà phải chịu đựng trong khi bị giam.
Tình trạng của bà Mục tiếp tục xấu đi và bà đã qua đời vào ngày 11 tháng 3 năm 2008 ở tuổi 43.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/10/6/394228.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/10/180256.html
Đăng ngày 28-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.