Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc
[MINH HUỆ 08-08-2019] Gần đây, một người dân ở thành phố Lô Châu, tỉnh Tứ Xuyên đã qua đời trong khi thụ án tù 5,5 năm vì không từ bỏ đức tin vào Pháp Luân Công, một môn tu luyện đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ năm 1999.
Theo gia đình bà Lương Văn Đức, nhà tù nói với họ rằng bà Lương đã bắt đầu nôn ra mọi thứ mà bà ăn vào và bị tiêu chảy nặng vào cuối tháng 5 năm 2019. Bà đã được chẩn đoán bị ung thư phổi và qua đời vào ngày 24 tháng 6 năm 2019, một tháng sau khi bà nhập viện để chữa trị. Bà hưởng dương 64 tuổi.
Trong khi nhà tù không cung cấp thêm thông tin về cái chết đột ngột của bà Lương, gia đình nghi ngờ rằng có lẽ bà đã bị ép dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc chịu các hình thức ngược đãi khác nhau đã dẫn đến khiến sức khoẻ của bà suy giảm nhanh chóng.
Cái chết của bà Lương đã chấm dứt 20 năm đau khổ vì kiên định đức tin của bà. Trước lần bỏ tù gần đây nhất, bà đã chịu hai án lao động cưỡng bức với tổng thời hạn bốn năm, và một án tù khác là 4,5 năm. Bà bị đuổi việc vào năm 2000 sau khi lãnh đạo cơ quan phát hiện bà đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.
Ngoài khổ nạn của bà, gia đình cũng liên tục bị sách nhiễu và chịu áp lực lớn từ cuộc bức hại.
Lớn lên giữa sự bị đe doạ và phân biệt đối xử trong thời gian dài, người con trai trưởng thành của bà từng bật khóc trước mặt bà và nói: “Mẹ ơi, mẹ có biết trong những năm qua con đã phải sống như thế nào không?”
Bà Lương nói rằng bà đã giữ im lặng trong giây phút đó, kẻo con trai bà lại càng khóc to hơn.
Tu luyện Pháp Luân Công
Bà Lương bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công từ năm 1997. Nhiều căn bệnh của bà, bao gồm mệt mỏi mãn tính, loét tá tràng và viêm xoang dạ dày, đã sớm biến mất.
Có lần bà nhớ lại: “Tôi thường tự hỏi mình, mục đích của cuộc đời này là gì? Tôi muốn gì từ cuộc sống bận rộn hàng ngày? Mang những câu hỏi này trong tâm, tôi đã đọc cuốn sách Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công và đã tìm được câu trả lời cho tất cả câu hỏi của tôi về cuộc sống.
“Không lâu sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tất cả mọi bệnh tật của tôi đã biến mất. Cơ thể cảm thấy nhẹ nhàng và trong tâm tràn ngập hạnh phúc. Tôi đã có cái nhìn mới về cuộc sống. Tôi không còn lo lắng về những thất bại trong cuộc sống. Tôi trở nên cởi mở hơn và quan tâm đến những người khác. Mối quan hệ của tôi với người thân cũng cải thiện.
“Khi đạo đức xã hội tuột dốc nhanh chóng, tôi biết mình không nên đi theo hiện tại và trượt xuống cùng với nó. Tôi sống theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Công và cố gắng trở thành một người tốt.
“Khi làm việc tại Cục Quản lý Công nghiệp và Thương mại, khách hàng của chúng tôi đều là các doanh nhân địa phương, họ thường xuyên hối lộ cho các đồng nghiệp của tôi để hoàn thành công việc nhanh hơn. Sau khi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã ngừng nhận quà của họ.”
Bị bức hại vì kiên định đức tin
Sau khi ĐCSTQ bắt đầu bức hại Pháp Luân Công, nhiều người Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi những lời tuyên truyền ma quỷ do chính quyền lan truyền và trở nên căm ghét và thù hận các học viên.
Vì bà Lương luôn nỗ lực không ngừng để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại, nên hai thập niên qua, bà đã nhiều lần bị bắt, giam cầm, sách nhiễu và tống giam.
Liên tục bị giam giữ và bị sa thải
Hai ngày sau khi cuộc bức hại trên toàn quốc được phát động vào tháng 7 năm 1999, cấp trên của bà Lương đã nói chuyện và cố ép bà từ bỏ đức tin nhưng bà đã từ chối hợp tác.
Bà Lương đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào tháng 10 năm 1999. Sau khi trở về, công an địa phương đã thẩm vấn bà và hỏi bà đã đi đâu. Nơi làm việc đã đình chỉ phúc lợi của bà và đưa bà đi làm việc tại một nơi xa xôi ở vùng quê nhằm trừng phạt bà.
Từ tháng 3 đến tháng 8 năm 2000, bà đã bị bắt ba lần và bị giam tổng cộng 60 ngày. Công an đã giám sát các hoạt động hàng ngày của bà mỗi ngày sau khi bà được thả.
Công an đã lục soát nhà bà vào ngày 9 tháng 5 năm 2000. Họ phát hiện một số tài liệu về Pháp Luân Công và dùng chúng như bằng chứng để buộc tội bà “kích động gây rối trật tự xã hội”, và giam bà 15 ngày.
Vào buổi chiều hôm bà bị giam, nơi làm việc đã sa thải bà.
Một lần bắt giữ khác vào ngày 22 tháng 8 năm 2000, các công an đã thẩm vấn bà tại đồn công an. Khi bà từ chối trả lời các câu hỏi, họ đã còng tay bà vào một hàng rào, buộc bà đứng đến tận nửa đêm, sau đó đưa bà đến một Trại tạm giam và giam 30 ngày.
Lao động cưỡng bức lần thứ nhất
Chỉ hai tháng sau khi được thả ra khỏi trại tạm giam, công an đã gõ cửa nhà bà lúc nửa đêm vào ngày 27 tháng 11 năm 2000, yêu cầu bà ký vào một biên bản án lao động cưỡng bức 1,5 năm.
Bà đã bị giam vài ngày tại trại tạm giam Hoàng Kinh Sơn và sau đó bị đưa đến Trại Lao động Cưỡng bức Nam Mộc Tự vào ngày 1 tháng 12 năm 2000.
Trong trại lao động, bà bị ép phải đọc, xem và nghe những chương trình tuyên truyền có nội dung vu khống Pháp Luân Công. Khi bà và hầu hết các học viên từ chối từ bỏ đức tin của mình, các lính canh đã tiếp tục bức hại các học viên.
Bắt đầu từ ngày 10 tháng 7 năm 2001, họ bị ép phải nghe những audio công kích Pháp Luân Công vào buổi sáng và sau đó phải huấn luyện quân sự dưới cái nắng thiêu đốt vào buổi chiều.
Khi các học viên vẫn từ chối từ bỏ đức tin sau nhiều tháng bị ngược đãi, lính canh đã đưa họ đến “xà lim quản lý nghiêm” vào cuối tháng 10 năm 2001. Xà lim này bị cô lập với bên ngoài. Các học viên bị ép phải ngồi mà không được cử động từ sáng sớm đến tận 8 giờ tối.
Bà Lương nói: “Chúng tôi phải ngủ, ăn, tắm rửa và đi vệ sinh ở đó. Xà lim nồng nặc mùi thối của nước tiểu và phân. Tôi bị ghẻ lở khắp người, vừa ngứa vừa đau. Mông của tôi mưng mủ và chảy nước rỉ ra ngoài do ngồi lâu. Thống khổ là không thể tả hết.”
Sau ba tháng bị “quản lý nghiêm”, bà bị ép phải viết một tuyên bố từ bỏ tu luyện và được thả trước thời hạn vào ngày 29 tháng 1 năm 2002.
Nhưng người của Phòng 610, một cơ quan ngoài vòng pháp luật được thành lập chuyên để bức hại Pháp Luân Công đã không cho bà về nhà. Thay vào đó, họ đưa bà đến trại tạm giam Tam Hoa Sơn và giam bà ở đó 56 ngày.
Trước khi được thả, cấp trên của bà tại nơi làm việc, người của uỷ ban địa phương và gia đình bị ép phải ký vào một giấy bảo đảm, hứa rằng sẽ không để bà lại tu luyện Pháp Luân Công.
Công an cũng tịch thu chứng minh thư của bà và yêu cầu bà phải báo cáo với Ủy ban dân phố mỗi ngày.
Bà Lương lại bị bắt vào ngày 11 tháng 6 năm 2002 sau khi bị tố giác vì nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công. Công an đã lục soát nhà bà và đưa bà đến trại tạm giam. Vì bà vẫn luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công, các lính canh đã trói tay và chân của bà lại với nhau.
Bà kể lại sự tra tấn: “Tôi không thể đứng thẳng và phải nhờ người khác giúp cho ăn, mặc quần áo và thậm chí là khi đi vệ sinh. Tôi thường thức giấc do quá đau đớn và khó ngủ trở lại. Dù thời tiết rất nóng nhưng tôi không thể tắm và cơ thể bốc mùi.”
“Vào tối thứ ba, tôi than phiền với trưởng trại tạm giam rằng ngay cả tử tù cũng không bị đối xử tồi tệ như thế này, nhưng họ lại làm thế với tôi chỉ bởi vì tôi tu luyện Pháp Luân Công.”
Vào ngày hôm sau, lính canh đã nới lỏng dây xích nối còng tay và xích chân của tôi. Nhưng họ không bỏ xích chân đến mãi một tuần sau, và còng tay thì một tháng sau mới bỏ ra.
Bà Lương đã bị giam tại trại tạm giam ba tháng và đã kết thúc án lao động cưỡng bức lần đầu tiên. Bà được thả vào ngày 10 tháng 9 năm 2002.
Lao động cưỡng bức lần thứ hai
Chỉ sáu tháng sau khi trở về nhà, người của Đội An ninh Nội địa lại bắt bà và bà bị kết án 2,5 năm lao động cưỡng bức.
Bà nói: “Khi tôi bị giam trong Trại Lao động Cưỡng bức Nam Mộc Tự lần thứ hai, sự bức hại còn nặng nề hơn lần đầu tiên.”
“Tôi bị ép phải đứng trong thời gian lâu với mặt quay vào tường, bị cấm ngủ và không được dùng nhà vệ sinh. Đồng thời, tôi còn bị tẩy não cường độ cao và bị ép phải xem và đọc những tài liệu tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công.
“Khi chúng tôi phản đối việc tẩy não, lính canh bắt đầu bỏ đói và đánh đập chúng tôi.”
Bà nói rằng một số học viên cứ mỗi hai tiếng lại bị bức thực bằng một lít nước và không được dùng nhà vệ sinh. Một số buộc phải tự đi vệ sinh trong quần của mình.
Bị ép phải rời bỏ nhà
Vì bà Lương đệ đơn khiếu nại phản đối các án lao động cưỡng bức và tra tấn sau khi bà được thả vào tháng 8 năm 2004, công an địa phương và Phòng 610 đã tìm bà và cố bắt bà lần nữa. Bà bị buộc phải sống xa nhà để tránh bị bức hại thêm.
Trong thời gian bà phải sống xa nhà, công an thường xuyên sách nhiễu gia đình bà và yêu cầu họ cung cấp thông tin nơi ở của bà. Em gái bà, một giáo viên dạy toán đã bị cấm giảng dạy trong một tuần. Hơn 100 học sinh trong các lớp học bị ảnh hưởng.
Ngày khi bà trở về nhà vào tháng 2 năm 2006, công an đã đến sách nhiễu và hỏi bà đã làm gì trong hai năm qua.
Bị kết án 4,5 năm tù
Bà Lương bị bắt vào ngày 3 tháng 10 năm 2007 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Công an đã lục soát nhà bà và tịch thu máy tính, các sách Pháp Luân Công và những tài liệu liên quan.
Sau gần năm tháng bị giam trong trại tạm giam Nạp Khê, vào ngày 26 tháng 2, Toà án Khu Long Mã Đàm đã kết án bà 4,5 năm tù và đưa bà đến Nhà tù Nữ Tỉnh Tứ Xuyên vào ngày 30 tháng 5 năm 2008.
Bà nhớ lại rằng bà đã bị ép phải lao động nặng nhọc, bị tẩy não và phải đứng trong thời gian dài, v.v…, do chính quyền tiếp tục gây áp lực khiến bà từ bỏ đức tin. Thậm chí một tháng trước khi mãn hạn tù, bà vẫn còn bị ép phải đứng và phải tham gia các phiên tẩy não.
Công an đã yêu cầu bà phải báo cáo cho họ đều đặn sau khi bà được thả vào tháng 4 năm 2012.
Bài bị đưa đến một phiên tẩy não khác vào ngày 5 tháng 11 năm 2012 và bị giam ở đó 11 ngày. Người ở đó đã lột quần áo của bà để lục soát thân thể.
Án tù thứ hai
Bà Lương lại bị bắt vào ngày 5 tháng 12 năm 2015 và bị xét xử trong một phòng xử án tạm thời tại trại tạm giam Nạp Khê vào ngày 11 tháng 7 năm 2016. Bà đã bị kết án 5,5 năm tù vào bị phạt 10.000 tệ vào ngày 13 tháng 12 năm 2016.
Bà đã kháng án, nhưng đã bị Toà án Trung cấp Lô Châu bác bỏ trong một phiên xử bí mật vào ngày 20 tháng 4 năm 2017.
Bà đã bị chuyển đến Nhà tù Nữ Long Tuyền vào tháng 6 năm 2017 và hai năm sau thì bà qua đời.
Các bài liên quan:
Năm 2017 bảy học viên Pháp Luân Công bị kết án phi pháp ở Lô Châu, Tứ Xuyên
Các học viên Lô Châu bị xử án và bị giam
Thẩm phán không cho phép luật sư biện hộ sử dụng máy tính và ngăn cản luật sư tham dự phiên xét xử
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/8/391182.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/8/11/178847.html
Đăng ngày 21-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.