Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 31-08-2019] Một gia đình bốn người ở huyện Trác Lộc, tỉnh Hà Bắc, đã bị ảnh hưởng bởi nhiều vấn đề về sức khoẻ và phải chật vật để chi trả chi phí y tế. Họ đã hồi phục sức khoẻ sau khi tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện gồm năm bài công pháp nhẹ nhàng và nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn.

Nhưng cuộc sống hạnh phúc của gia đình họ đã tan vỡ sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu bức hại Pháp Luân Công vào tháng 7 năm 1999. Ông Trương Toàn Hưng, vợ (bà Cao Ngọc Trân), con trai (anh Trương Lực Hoa) và con gái (cô Trương Thanh Hoa) đều đã lần lượt bị bắt giữ vì từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Lương hưu của ông Trương đã bị đình chỉ vào năm 2003 và con gái ông bị suy sụp tinh thần nghiêm trọng trong khi bị giam giữ.

Anh Trương, một người bị tàn tật đã khuất phục trước áp lực của cuộc đàn áp và qua đời vào khoảng năm 2015. Mẹ anh, bà Cao, đã qua đời sau đó không lâu.

Ông Trương, người bị đình chỉ lương hưu, đã qua đời trong nghèo đói vào tháng 5 năm 2019. Đến hôm nay, chính quyền vẫn không trả lại số lương hưu của ông vốn có giá trị hơn nửa triệu tệ cho cô Trương, người con gái còn lại của ông.

Các vấn đề về sức khoẻ của gia đình được chữa lành

Ông Trương là hiệu trưởng một trường học ở trấn Trương Gia Bảo, huyện Trác Lộc. Ông từng bị bệnh tim, gan, thận và đau bao tử, cũng như bị đau cổ, lưng và thường xuyên đau đầu. Chi phí thuốc men đã ngốn gần hết thu nhập hàng tháng của ông.

Vợ ông, bà Cao Ngọc Trân, phải chật vật để chăm sóc ông, người con trai mắc bệnh bại liệt và người mẹ bệnh tật của ông. Gánh nặng cuộc sống đã ảnh hưởng đến sức khoẻ của bà và bà phát sinh chứng mất ngủ và trầm cảm.

Khi đang ở trong tình cảnh tuyệt vọng, họ đã được giới thiệu về Pháp Luân Công và đã quyết định thử tập luyện.

Không lâu sau, các căn bệnh của vợ chồng ông Trương đều đã biến mất mà không cần dùng một viên thuốc.

Môn tu luyện cũng giúp con trai họ, anh Trương Lực Hoa, hồi phục lại cảm giác và một phần chức năng của chân trái. Anh từng gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mọi thứ, nhưng sau khi tu luyện Pháp Luân Công, anh đã cải thiện trí nhớ rõ rệt và thậm chí có thể dạy kèm Anh ngữ cho con của bạn anh. Nhiều bậc cha mẹ đã đến cảm ơn anh vì đã cung cấp những lớp dạy kèm miễn phí và giúp con họ cải thiện điểm số.

Pháp Luân Công cũng khiến gia đình họ Trương trở nên từ bi và tha thứ hơn. Một mảnh đất lớn của họ đã bị chính quyền địa phương chiếm giữ mà không được bồi thường trong một chục năm. Gia đình tin rằng người dân địa phương đã hưởng lợi từ việc sử dụng miếng đất của chính quyền và vì thế họ đã không đấu tranh để giành lại miếng đất.

Cuộc sống hạnh phúc bị đảo lộn

Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, gia đình ông Trương trở thành mục tiêu bị sách nhiễu của các quan chức thôn. Năm người được phái đến để giám sát liên tục các hoạt động hàng ngày của họ, và chính quyền cũng yêu cầu hàng xóm để mắt đến họ.

Công an đã liên tục sách nhiễu gia đình và đe doạ bắt họ nếu họ không từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Lương hưu của người cha bị đình chỉ

Ông Trương bị bắt vào ngày 8 tháng 4 năm 2002. Đổng Phi, trưởng Đội An ninh Nội địa, đã trói ông vào một cái ghế. Đổng và hai người khác đã tát vào mặt ông, giẫm giầy bốt của họ lên hai ngón chân cái của ông và đánh ông bằng một cây gậy cao su có gai.

Hai răng cửa của ông bị gãy và tất cả răng còn lại của ông sau đó bị lung lay và rơi ra từng cái một.

Một ngày sau khi ông Trương bị bắt, công an đã tịch thu những vật dụng có giá trị trong nhà ông, gồm một TV, một máy may, hai máy ghi âm và một cái quạt. Ngay sau khi công an rời khỏi nhà ông, họ đã đặt một cái bàn trên đường và bắt đầu bán những đồ vật này trên đường.

Công an đã giam ông Trương 60 ngày tại trại tạm giam địa phương và sau đó tống tiền vợ ông 3.400 tệ.

Tháng 10 năm 2003, người của Phòng 610, bộ giáo dục và quản lý thôn đã đến nhà ông và cố ép ông viết một tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Khi ông Trương từ chối, Vương Đại Lệ, phó bộ giáo dục địa phương, đã phạt ông 3.000 tệ và đình chỉ lương hưu của ông.

Vì bị mất lương hưu, vợ chồng ông Trương, đều đã ở độ tuổi lục tuần buộc phải làm việc lặt vặt để nuôi sống bản thân.

Người con trai tàn tật bị ép phải chạy chân trần trên sỏi

Không lâu sau khi ông Trương bị bắt vào năm 2002, công an cũng bắt vợ và con trai ông vào giữa đêm ngày 24 tháng 4 năm 2002. Người mẹ và con trai bị giam ở một trung tâm tẩy não địa phương lần lượt 30 và 45 ngày. Họ cũng bị tống tiền 850 tệ.

Mặc dù chân anh Trương bị tật, các lính canh vẫn ép anh phải chạy trên sỏi. Khi anh bị ngã, họ dùng một cây gậy đánh anh cho đến khi cây gậy bị gãy.

Con gái trở nên điên loạn khi bị tra tấn trong các trại lao động cưỡng bức

Con gái ông Trương, cô Trương Thanh Hoa, đang làm việc ở Bắc Kinh bị bắt vào tháng 1 năm 2006 vì gọi điện thoại cho gia đình của một học viên khác vốn đang bị giam trong một trại lao động. Công an đã giám sát điện thoại của cô, lục soát nơi ở và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng những tài liệu liên quan khác. Cô đã bị thẩm vấn và bị đánh đập tại đồn công an.

Sau khi bị giam một tháng, cô bị kết án hai năm lao động cưỡng bức. Lúc đầu cô bị giam tại một cơ sở giam giữ ở Bắc Kinh, nơi cô rơi vào trạng thái mê sảng và nói lảm nhảm. Tứ chi của cô trở nên rất yếu và không thể tự chăm sóc bản thân mình.

Đồng thời, chính quyền không cho gia đình thăm viếng và cố bắt họ cung cấp giấy chứng nhận rằng cô Trương từng bị rối loạn tâm thần trước khi bị bắt.

Sáu tháng sau, cô bị chuyển đến một trại lao động ở Hô Hoà Hạo Đặc, Nội Mông Cổ. Cô bị ép phải đóng gói một lượng lớn đũa mỗi ngày và không được ngủ nếu không hoàn thành chỉ tiêu.

Tình trạng tinh thần của cô tiếp tục suy sụp sau khi được thả.

Những cái chết bi thảm của các thành viên trong gia đình

Anh Trương Lập Hoa đã qua đời sau khi không thể tự do tu luyện Pháp Luân Công và liên tục lo lắng về việc bị bắt giữ. Thời điểm anh qua đời vẫn chưa biết chính xác. Không lâu sau, mẹ anh, bà Cao, đã qua đời vào tháng 1 năm 2015.

Mất đi hai người thân trong gia đình và không có nguồn thu nhập, ông Trương phải sống một mình và kiếm sống nhờ sự hỗ trợ từ người thân và bạn bè. Công an vẫn tiếp tục sách nhiễu ông liên tục đến khi ông qua đời vào tháng 5 năm 2019, ở độ tuổi 80.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/31/392107.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/3/179165.html

Đăng ngày 10-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share