Bài viết của các phóng viên Minh Huệ tại Úc

[MINH HUỆ 22-09-2019] Ngày 17 tháng 9 năm 2019, Thư từ Mã Tam Gia, bộ phim tài liệu đã lọt vào danh sách giải Oscar cho hạng mục Phim tài liệu xuất sắc nhất và là “nhà chiến thắng” của một loạt các giải thưởng điện ảnh quốc tế, đã được công chiếu tại rạp Cinema Dendy ở Canberra, Úc. Do rạp đã được ngồi kín chỗ, những người không tìm được ghế đã chọn đứng dọc lối đi. Nhiều khán giả còn đăng ký cho lần chiếu phim tiếp theo.

Bộ phim mở màn bằng câu chuyện bức thư kêu gọi sự giúp đỡ của ông Tôn Nghị, một kỹ sư ở Trung Quốc, đã được cô Julie Keith tìm thấy tại Oregon trong một chiếc hộp đồ trang trí Halloween.

5da17d9be1d9161f2324db4c8381bf93.jpg

Áp phích về bộ phim tài liệu

Ông Tôn Nghị, một học viên Pháp Luân Công đã bị giam trong trại lao động khét tiếng Mã Tam Gia chỉ vì đức tin của mình. Trong thời gian ở trại, ông Tôn và các học viên Pháp Luân Công khác đã bị tra tấn về thể xác và bị ép phải lao động chân tay, trong đó có việc làm đồ trang trí Halloween. Ông Tôn quyết định viết ra những trải nghiệm của mình trong trại lao động rồi bỏ mảnh thư kêu gọi sự giúp đỡ vào một trong những hộp sản phẩm mà ông đang làm.

Cô Julie Keith đã tìm thấy và công bố bức thư, và câu chuyện của ông đã thu hút sự chú ý của truyền thông quốc tế. FOX News, CNN và New York Times đều đã đưa tin về câu chuyện này.

Ông Tôn Nghị cũng muốn làm một bộ phim tài liệu để vạch trần cụ thể hơn các thủ đoạn tra tấn và tình cảnh mà các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc phải chịu đựng. Trước nguy cơ bị bắt trở lại, ông vẫn liều mình thực hiện rất nhiều cảnh quay ở Trung Quốc. Chuỗi tình tiết căng thẳng trong bộ phim tài liệu này đã phơi bày một hệ thống bức hại đến chết người, và cuối cùng, câu chuyện của ông Tôn đã thúc đẩy Trung Quốc tuyên bố đang bãi bỏ hệ thống trại lao động của nó. Bộ phim tài liệu được đạo diễn bởi ông Leon Lee, một người đoạt giải thưởng Peabody.

Thông tin được tiết lộ trong bộ phim đã gây xúc động sâu sắc đối với khán giả ở Canberra. Nhiều người trong số họ đã hỏi thêm thông tin về Pháp Luân Công và cuộc bức hại đã kéo dài 20 năm ở Trung Quốc, và bày tỏ rằng họ sẽ giới thiệu phim tài liệu này cho bạn bè của mình.

Trong buổi hỏi đáp sau buổi chiếu tại Canberra, hai học viên Pháp Luân Công đã kể cho khán giả về những trải nghiệm của họ khi bị tra tấn ở Trung Quốc.

Ông Lưu, một học viên, đã bị giam trong một trại lao động ở Thượng Hải trong hai năm và bị cầm tù trong ba năm rưỡi. Ông bị bắt đứng dưới nắng ở nhiệt độ cao tới 40 độ C trong thời gian dài. Đầu và da của ông đã bị bỏng rất nặng. Ông cũng bị cấm ngủ và bị treo lộn ngược với đầu ngâm trong nước. Ông Lưu, giống như ông Tôn Nghị, cũng bị ép làm đồ chơi thú nhồi bông khi ở trong trại lao động.

Bà Trang đã cho khán giả tại Canberra xem một số mẫu sản phẩm mà bà đã từng bị ép làm trong trại lao động. Bà đã phải làm việc 12 giờ mỗi ngày và đôi khi đến tận sáng hôm sau. Chồng bà đã cố gắng rời khỏi Trung Quốc để ở cùng bà, nhưng đơn xin cấp hộ chiếu của ông đã liên tục bị chính phủ Trung Quốc từ chối vì ông cũng tu luyện Pháp Luân Công.

Ông John Deller, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Úc, nói với khán giả rằng cuộc bức hại Pháp Luân Công vẫn đang diễn ra ở Trung Quốc. Ông cho biết việc đàn áp lâu dài đối với môn tu luyện vốn dạy con người chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn này, đã đẩy nhanh sự suy đồi đạo đức ở Trung Quốc, và dẫn đến các tội ác kinh hoàng đối với các học viên Pháp Luân Công, như nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống do chính nhà nước này hậu thuẫn.

f63c5833d005830f523a87c6bc8235ed.jpg

Luật sư Bernard Collaery tại buổi chiếu phim tài liệu

Luật sư Bernard Collaery là cựu ủy viên của Hội đồng Lập pháp đầu tiên của Lãnh thổ Thủ đô Úc. Ông chia sẻ với khán giả về quá trình ông trợ giúp các học viên Pháp Luân Công trong vụ kiện chống lại cựu Bộ trưởng Ngoại giao Úc Alexander Downer vì đã lạm dụng quyền lực chính trị để ngăn cấm các học viên giương biểu ngữ trước Đại sứ quán Trung Quốc năm 2005.

Ông Collaery cũng giải thích cách ông đã thu thập bằng chứng ở Đài Loan, nơi ông gặp các học viên đến từ Trung Quốc Đại lục. Ông cho biết các học viên đã cung cấp cho ông bằng chứng trực tiếp về cuộc bức hại và những câu chuyện của họ đều rất giống với những gì ông Tôn Nghị đã từng trải qua.

70c9da807bd4b62f3488fe8d7d4f23f7.jpg

Ông Alex Graig cho rằng nhiều người nên đến xem bộ phim này

Ông Alex Craig, một cư dân địa phương, đã đánh giá cao phim tài liệu Thư từ Mã Tam Gia. Ông nhận xét: “Tôi cho rằng đây là một bộ phim hay.” Ông nói các đài truyền hình của Úc, như ABC, nên chiếu bộ phim để giúp nhiều người hơn tìm hiểu về những tội ác này.

Ông nói nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là quá tàn nhẫn. Ông nhận xét: “Đây không phải là hành vi của con người, ngay cả động vật cũng không đối xử với đồng loại theo cách như thế.” Ông cho hay ông sẽ kể cho bạn bè ông về những gì ông biết được qua bộ phim này.

66fbb28a1a2182002eceda52036a7e81.jpg

Anh Peter và cha của anh cũng lên án cuộc bức hại, đặc biệt là nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức.

Anh Peter nhận định hành vi thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công của Đảng Cộng sản Trung Quốc là một “sự ô nhục”. Anh nói: “Nếu có thể, chúng ta phải chấm dứt ngay lập tức cuộc bức hại này. Xin hãy gửi lời thăm hỏi của tôi tới các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc.”

9e390feaad3fee35e83999e5ab604787.jpg

Bà Delwyn Craig, một giáo viên âm nhạc đã nghỉ hưu, nhận xét câu chuyện thật cảm động và khiến bà chấn động, đặc biệt là sự kiên trì của ông Tôn. Bà chia sẻ: “Tôi nghĩ thông điệp của bộ phim rất mạnh mẽ, thức tỉnh lương tri, và mang tính giáo dục cao. Đây là bộ phim có tác động rất lớn.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/22/393622.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/1/180134.html

Đăng ngày 04-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share