Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại Anh
[MINH HUỆ 01-09-2019] Ngày 20 tháng 8 năm 2019, các học viên Pháp Luân Công đến từ khắp Châu Âu đã tổ chức lễ thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường Trafalgar và bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc ở London để tưởng nhớ hàng nghìn học viên đã qua đời do cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở quốc gia này. Buổi lễ thắp nến đã nêu bật sự tàn bạo đã và đang xảy ra tại Trung Quốc trong 20 năm qua và kêu gọi mọi người trên toàn thế giới trợ giúp chấm dứt cuộc bức hại này.
Thắp nến tưởng niệm tại Quảng trường Trafalgar
“Việc này là cực kỳ hệ trọng”
Cô Caitlin Porter, một sinh viên đại học chuyên ngành tiếng Anh và triết học, và cô Rosie Pender, làm việc cho một công ty truyền hình ở London, xem lễ tưởng niệm trên Quảng trường Trafalgar. Họ đã ký bản kiến nghị để phản đối cuộc bức hại. Hai phụ nữ trẻ này ngạc nhiên bởi các phương tiện truyền thông chính thống đưa rất ít thông tin về cuộc bức hại. Họ tán dương các học viên Pháp Luân Công vì đã tổ chức các hoạt động như thế này để giúp công chúng tìm hiểu về những gì đang thực sự diễn ra tại Trung Quốc.
Cô Caitlin Porter và cô Rosie Pender
Cô Porter cho biết: “Tôi thực sự ngạc nhiên. Trước đây, tôi không hề biết Pháp Luân Công là gì và chuyện gì đã xảy ra với nó. Hiện giờ, tôi rất quan ngại về cuộc bức hại. Tôi thấy rất lo lắng. Cuộc bức hại này có thể xem như một tội ác của chính phủ Trung Quốc. Nó làm tôi cảm thấy kinh hãi.”
Cô Pender cho biết thêm: “Lý do chính của cuộc bức hại Pháp Luân Công là họ, [ĐCSTQ], lo sợ trước những lợi ích mà Pháp Luân Công mang đến cho mọi người. Môn thiền định này có thể mang lại tự do [tinh thần] cho mọi người. Khi mọi người trải nghiệm hoặc có được sự tự do như vậy, họ không còn bị kiểm soát bởi chế độ độc tài nữa.“
“Sự kiện [thắp nến tưởng niệm này] là cực kỳ quan trọng. Nội tạng của người dân bị cưỡng bức lấy đi, và người ta không có quyền lên tiếng. Đây là hình thức ngược đãi tồi tệ nhất.”
Cô Pender kết luận: “Khi mọi việc không xảy ra với chính bản thân, mọi người có thể dễ dàng nhắm mắt làm ngơ. Nhưng, mọi người nên tự hỏi bản thân rằng nếu điều đó xảy ra với người nhà của mình thì sao? Mọi người cần có quyền được hạnh phúc và tự do.”
“Chữ ký của tôi là một trong những giọt nước góp phần tạo nên đại dương”
Cô Shina, một nghệ sỹ, cho biết cô đã từng nghe đến cuộc bức hại ở Trung Quốc vì cô đã trông thấy việc kháng nghị ôn hòa không ngừng nghỉ bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc trong rất nhiều năm.
Cô Shina nói rằng màn luyện công tập thể của các học viên khiến cô cảm thấy rất bình yên
“Cuộc bức hại là sai lầm”, cô Shina nói. “Mọi người cần có tín ngưỡng của riêng mình. Họ [các học viên Pháp Luân Công] chỉ thiền định để có được sức khỏe tốt hơn và tĩnh tâm. Điều này thì có gì sai?”
“Họ không làm hại ai cả. Không ai có quyền ngăn họ thực hành tín ngưỡng. Những hành động của chính quyền Trung Quốc là hoàn toàn sai trái.”
Cô tuyên bố rằng việc thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống là không thể chấp nhận được. Cô ký vào bản kiến nghị rồi nói: “Càng nhiều người ký nó [bản kiến nghị] thì càng có thêm nhiều người biết đến vấn đề này. Theo đó, sự việc có thể thay đổi. Chính phủ Anh cần có hành động để giúp ngăn chặn cuộc bức hại. Chữ ký của tôi là một trong những giọt nước góp phần tạo nên đại dương.”
Cô Shina quả quyết: “Tự do tín ngưỡng là một quyền cơ bản của con người. Họ cần được giữ vững đức tin của mình mà không phải lo lắng về việc cuộc sống bị ĐCSTQ hãm hại.”
“Tôi ủng hộ cuộc kháng nghị này”
Ông Marcello, một giáo sư đại học đến từ São Paulo, Brazil, đang ở Anh để tham dự một hội nghị khoa học ngành hàng không. Ông tình cờ trông thấy các học viên Pháp Luân Công tại buổi thắp nến tưởng niệm trên Quảng trường Trafalgar.
Ông Marcello ủng hộ sự kháng nghị ôn hòa của các học viên
Ông Marcello cho hay ông đã từng nghe về tình hình ở Trung Quốc. Gần đây, ông thấy nhiều tin về sự đàn áp nhân quyền tại Trung Quốc, và ông biết mọi người bị giam giữ ở những nơi như trại lao động và bị đối xử chẳng khác gì nô lệ.
Khi ông biết về nạn thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống ở Trung Quốc, ông Marcello nói rằng điều đó thật kinh hoàng: “Hành vi thu hoạch nội tạng từ những người còn sống là vi phạm nhân quyền. Điều đó hoàn toàn không thể chấp nhận được và phải dừng lại.”
“Tôi ủng hộ buổi kháng nghị như thế này. Những hoạt động này vô cùng quan trọng. Mọi người cần phải hành động và làm một điều gì đó để chấm dứt cuộc bức hại. Các hoạt động diễn ra tại đây hôm nay là hết sức trọng yếu trong việc ngăn chặn nạn tra tấn học viên. Việc cho nhiều người hơn biết những gì đang xảy ra ở Trung Quốc là rất quan trọng.”
Thắp nến tưởng niệm bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc
Vào ngày 30 tháng 8 năm 2019, các học viên Pháp Luân Công cũng đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc tại London để phản đối cuộc bức hại kéo dài 20 năm của ĐCSTQ.
Thắp nến tưởng niệm bên ngoài Đại sứ quán Trung Quốc
Lễ thắp nến tưởng niệm được tổ chức tại chính địa điểm mà các học viên Pháp Luân Công Vương quốc Anh đã kháng nghị ôn hòa suốt ngày đêm trong 19 năm qua để phản đối cuộc bức hại.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/1/392185.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/4/179171.html
Đăng ngày 07-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.