Bài viết của Châu Nham
[MINH HUỆ 25-04-2019] Ngày 25 tháng 4 năm 1999 là một ngày đặc biệt trong lịch sử Trung Hoa. Khoảng 10.000 học viên Pháp Luân Công đã tập trung tại Bắc Kinh để thỉnh nguyện ôn hòa cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Không có bất cứ vụ xung đột, biểu ngữ, khẩu hiệu hay tiếng hò hét nào. Cảnh sát rất thoải mái và các phương tiện vẫn lưu thông như bình thường.
Sau khi thủ tướng Chu Dung Cơ gặp các cá nhân đại diện cho các học viên và giải quyết vấn đề được thỉnh nguyện, mọi người lặng lẽ rời đi chỉ sau khi dọn toàn bộ rác trên phố. Cả hành vi đặc biệt này của các học viên và việc xử lý tình huống của chính phủ Trung Quốc đều được các phương tiện truyền thông đại chúng và nước ngoài ca ngợi.
Khoảng ba tháng sau, Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã phát động một cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc. Kể từ thời điểm đó, các học viên trên toàn thế giới đã nỗ lực thực hiện các biện pháp hòa bình để phản đối cuộc bức hại.
Nhân kỷ niệm 20 năm cuộc thỉnh nguyện này, bài viết này sẽ tổng hợp lại các nội dung sau:
- Những gì đã xảy ra trong cuộc thỉnh nguyện tháng 4 năm 1999
- Cuộc bức hại leo thang diễn ra sau đó
- Những nỗ lực không ngừng của các học viên Pháp Luân Công
- Tiếng nói ủng hộ từ khắp nơi trên thế giới
1. Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa và nhân quyền cơ bản
Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa của các học viên Pháp Luân Công tại Bắc Kinh ngày 25 tháng 4 năm 1999
Cuộc thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 tại Bắc Kinh đã diễn ra hai ngày sau khi 45 học viên bị bắt ở Thiên Tân, một thành phố trực thuộc trung ương gần Bắc Kinh. Nhiều người cho rằng cuộc thỉnh nguyện này đã thể hiện bản chất ôn hòa của Pháp Luân Công và sự can đảm của các học viên Pháp Luân Công khi bảo vệ nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.
Cụ thể hơn, các học viên đã trình ba kiến nghị lên Văn phòng Kháng cáo Quốc gia tại Bắc Kinh: thả các học viên bị giam giữ ở Thiên Tân, dỡ bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công, và cho phép mọi người tu luyện Pháp Luân Công. Các yêu cầu này đều phù hợp với Hiến pháp của Trung Quốc, đó là Điều 35: Công dân có quyền tự do ngôn luận và báo chí và Điều 36: Công dân có quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.
Chu Dung Cơ, khi đó là thủ tướng của Trung Quốc, đã gặp những người đại diện của các học viên và ra lệnh thả các học viên bị giam giữ ở Thiên Tân. Ông Chu cũng đề cập đến một chính sách ngăn chặn việc chỉ trích Pháp Luân Công và các môn khí công khác trước đó.
Tuy nhiên, ngay ngày hôm đó, Giang Trạch Dân, bấy giờ là lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã viết thư cho các ủy viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị yêu cầu tiêu diệt Pháp Luân Công. Trong vòng ba tháng, ông ta đã phát động một cuộc bức hại tàn bạo trên quy mô lớn.
2. Cuộc diệt chủng leo thang
Nguyên văn chính sách của Giang đối với các học viên Pháp Luân Công là “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể”.
Theo thông tin mà trang web Minh Huệ nhận được, có ít nhất 4.296 học viên đã mất mạng do bị tra tấn trong thời gian bị cảnh sát giam giữ. Hơn 10.000 người đã bị cầm tù, hàng trăm ngàn người bị đưa đến các trại lao động cưỡng bức, và hàng trăm ngàn người khác bị đưa đến các trung tâm tẩy não. Hơn trăm loại tra tấn đã được dùng để tra tấn các học viên Pháp Luân Công. Hàng ngàn học viên cũng đã bị bắt đưa đến bệnh viện tâm thần và bị tiêm thuốc gây tổn thương hệ thần kinh. Chính quyền nước này còn thu hoạch nội tạng từ các học viên còn sống để phục vụ cho các ca cấy ghép vì lợi nhuận.
Dưới đây là một số điểm chính trong cuộc bức hại leo thang theo chính sách bức hại của Giang Trạch Dân.
Bắt giữ hàng loạt vào tháng 7 năm 1999
Theo lệnh của Giang, các vụ bắt giữ quy mô lớn đã được tiến hành ở Trung Quốc vào ngày 20 tháng 7 năm 1999. Các phụ đạo viên của các điểm luyện công và nhiều học viên đã bị giam giữ. Họ bị cưỡng ép phải từ bỏ Pháp Luân Công và giao nộp sách ra. Những ai từ chối đều bị đưa vào danh sách đen và bị theo dõi chặt chẽ. Cuộc sống hàng ngày của họ bị ảnh hưởng và họ bị mất đi các quyền cơ bản của con người.
Ngoài việc thi hành bạo lực đối với các học viên, các kênh tin tức trên khắp Trung Quốc đã được huy động để phỉ báng Pháp Luân Công, bao gồm các đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí và các kênh truyền thông khác. Sử dụng các chiến thuật tuyên truyền đã học được từ các chiến dịch chính trị trước đó, chính quyền của Giang đã đánh lừa được công chúng và kích động lòng thù hận của dân chúng đối với các học viên Pháp Luân Công.
Bôi nhọ Pháp Luân Công trên truyền thông nước ngoài
Trong bản tin tối vào giờ cao điểm ngày 25 tháng 10 năm 1999, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng cuộc phỏng vấn của Giang về chuyến thăm Pháp của ông ta. Khi trả lời phóng viên của Le Figaro, tờ nhật báo quốc gia lâu đời nhất ở Pháp, Giang đã gọi Pháp Luân Công là “tà giáo”. Ngày hôm sau, tất cả các kênh tin tức ở Trung Quốc đều đăng tải lại lời phát biểu này của Giang. Điều này đã dẫn đến việc bắt giữ gần 1.000 học viên Pháp Luân Công kháng nghị tại Quảng trường Thiên An Môn và các văn phòng kháng cáo.
Vào ngày thứ ba, bình luận viên của tờ Nhân dân Nhật báo đã đăng một bài báo có tiêu đề: “Pháp Luân Công là tà giáo”. Khoảng 600 học viên đã đến Quảng trường Thiên An Môn để bảo vệ cho Pháp Luân Công. 17 người trong số họ giương cao các biểu ngữ liên quan đến Pháp Luân Công trên Tháp Thiên An Môn. Sau khi họ bị bắt, 15 người trong số họ đã bị kết án tù với các thời hạn từ bốn tháng đến hai năm, trong khi hai người kia bị đưa về giam ở quê.
Ngoài việc công bố ý kiến cá nhân và bình luận của mình trên báo, chính quyền của Giang còn sử dụng các kênh tin tức nước ngoài để biện minh và tăng cường cuộc bức hại.
Kết án bất hợp pháp
Ngày 13 tháng 11 năm 1999, Tòa án Trung cấp Tỉnh Hải Nam đã kết án bốn học viên Pháp Luân Công với thời hạn từ 2 đến 12 năm. Những bản án này đã trở thành tiền lệ ở Bắc Kinh và trên toàn Trung Quốc. Kể từ đó, rất nhiều các học viên đã bị cầm tù chỉ vì đức tin hoặc nỗ lực của bản thân để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.
Trần Viên Triều, chủ tọa phiên tòa ở Hải Nam, đã nhận được nhiều phần thưởng của chính quyền. Tuy nhiên, hai năm sau, Ông Trần, 52 tuổi, được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi và phải chịu cái chết đau đớn vào ngày 2 tháng 9 năm 2003. Một số người cho rằng cái chết của ông là quả báo vì đã thiết lập tiền lệ cho việc giam cầm các học viên, những người sống theo Chân – Thiện – Nhẫn.
Tự thiêu giả mạo
Để gia tăng mức độ bức hại, chính quyền này đã dàn dựng vụ tự thiêu giả trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 23 tháng 1 năm 2001 và cáo buộc những người đang tự thiêu kia là học viên Pháp Luân Công. Trong vòng hai giờ, Tân Hoa Xã đưa tin về vụ việc này bằng cả tiếng Anh và tiếng Trung. Trước tốc độ đưa tin nhanh bất thường này, nhiều người tiến hành điều tra và đã có được một video phân tích về vụ tự thiêu.
Ngày 4 tháng 2 năm 2001, Philip Pan của tờ Washington Post đưa tin rằng Lưu Xuân Linh, một trong những người tham gia vụ việc này, không hành xử như một học viên Pháp Luân Công và chưa ai từng thấy cô ta tập Pháp Luân Công cả.
Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế (IED) lên án cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc và gọi đó là “sự khủng bố của nhà nước”.
“Chúng tôi có được một video về vụ việc đó. Và theo quan điểm của chúng tôi, chúng tôi có thể chứng minh rằng sự kiện này là do chính quyền dàn dựng. Chúng tôi có các bản sao của video phân tích này để phân phát”, theo tuyên bố của Tổ chức Phát triển Giáo dục Quốc tế IED gửi Liên Hợp Quốc vào ngày 14 tháng 8 năm 2001.
“Lửa giả“: Bi kịch mị dân kiểu mới của nhà nước Trung Quốc, một bộ phim tài liệu do Đài truyền hình NTD sản xuất
Đài Truyền hình NTD đã chứng minh vụ tự thiêu được dàn dựng như thế nào; bộ phim đã giành được Bằng khen Danh dự tại Liên hoan Phim & Video quốc tế Columbus lần thứ 51.
Hơn nữa, còn có không biết bao nhiêu nhân chứng cung cấp bằng chứng độc lập rằng tình trạng giới nghiêm đã được công bố trên Quảng trường Thiên An Môn vào ngày hôm đó, và toàn bộ vở kịch này là được dàn dựng.
Dựa trên những bằng chứng này, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) cũng coi vụ việc tự thiêu là một trò lừa bịp.
Phòng 610: Một tổ chức phi pháp được thành lập để chỉ đạo cuộc bức hại
Giang đã ra lệnh thành lập một tổ chức phi pháp để giám sát việc bức hại Pháp Luân Công. Phòng 610 được đặt tên theo ngày thành lập, ngày 10 tháng 6 năm 1999. Giám đốc đầu tiên của Phòng 610 là Phó Thủ tướng Lý Lam Thanh, hai phó giám đốc là La Cán, bấy giờ là Trưởng Ban Chính trị và Pháp luật, và Đinh Quang Căn, Bộ trưởng Bộ Tuyên truyền.
Sau khi Bắc Kinh được chọn làm chủ nhà cho Thế vận hội Olympic 2008, vào ngày 16 tháng 7 năm 2001, Lý Lam Thanh nói rằng sự lựa chọn này cho thấy xã hội quốc tế đã thừa nhận vị thế cũng như chính sách chống các loại tà giáo của Trung Quốc. Cùng ngày, Phòng 610 đã được thăng cấp từ một cơ quan cấp phòng lên cấp cục.
Các nhà phân tích suy luận rằng cộng đồng quốc tế muốn cải thiện các tình hình nhân quyền ở Trung Quốc khi để nước này đăng cai Thế vận hội. Ngược lại, Giang lại lợi dụng cơ hội này để leo thang cuộc bức hại. Tất cả các cấp của Phòng 610 đã được thăng cấp để phối hợp với Ủy ban Chính trị và Pháp luật cùng cấp thay vì nằm trong hệ thống cảnh sát của cấp tương ứng.
Sát hại không thương xót
Vào tối ngày 5 tháng 3 năm 2002, các học viên ở Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, đã thâm nhập vào các chương trình phát sóng truyền hình và phát video lật lại tuyên truyền bôi nhọ Pháp Luân Công và giải thích về vụ tự thiêu giả mạo. Chương trình phát sóng đã kéo dài trong 40, 50 phút mà không bị gián đoạn. Đáp lại, Giang đã ra lệnh giết các học viên không thương tiếc.
Sau đó, cảnh sát đã bắt giữ 5.000 học viên ở Trường Xuân và bảy người đã chết trong vụ bắt giữ hàng loạt. Trong những học viên bị bắt này, 15 người đã bị kết án từ 4 đến 20 năm tù. Sau vụ bắt giữ tháng 8 năm 2002, ông Hầu Minh Khải đã chết vì bị tra tấn trong hai ngày. Sau khi bị bắt giữ trong 21 tháng, ông Lưu Thành Quân đã chết vào ngày 26 tháng 12 năm 2003.
Những vụ chèn sóng truyền hình tương tự ở các thành phố khác cũng gặp phải sự trả đũa nghiêm trọng. Tại Trùng Khánh, bốn học viên đã bị kết án từ 7 đến 16 năm tù. Một học viên đã chết trong trại giam. Sau khi các học viên phát video ở tỉnh Hà Bắc vào tháng 8 năm 2002, một lượng lớn cảnh sát đã được phái đi thực thi mệnh lệnh. Các cảnh sát có vũ trang đã bắn vào xe của một học viên và bắt cả sáu học viên.
Tăng cường tẩy não
Trong một cuộc họp vào cuối tháng 7 năm 2010 tại Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, các cán bộ Phòng 610 trên toàn Trung Quốc đã trao đổi kinh nghiệm về việc bức hại Pháp Luân Công. Chu Vĩnh Khang, bấy giờ là Tổng Thư ký của Ủy ban Chính trị và Pháp luật, đã nhắc lại lệnh của Giang khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999 – xóa sổ Pháp Luân Công trong vòng ba tháng. Chu còn phân bổ các nguồn quỹ đặc biệt cho mục đích này trên toàn Trung Quốc.
Sau cuộc họp này, mệnh lệnh của Chu đã được thực thi ở khắp các tỉnh, dẫn đến một trận chiến ba năm với Pháp Luân Công. Các học viên bị sách nhiễu, bắt giữ, giam cầm và bị đưa đến các trại lao động. Các cán bộ nhà tù cũng ra lệnh cho các tù nhân tra tấn và tẩy não các học viên.
Các chỉ lệnh từ Phòng 610 đã tóm tắt các chiến lược ép các học viên từ bỏ đức tin của họ, bao gồm quấy rối các học viên tại nhà, đe dọa lãnh đạo ở nơi làm việc của các học viên phải hợp tác với cán bộ chính quyền, vận động gia đình và hàng xóm ép các học viên phải từ bỏ đức tin của họ.
Diễn giải luật
Ngày 25 tháng 1 năm 2017, Tòa án Tối cao và Viện Kiểm sát Tối cao đã ban hành một văn bản diễn giải luật về Điều 300 của Luật Hình sự Trung Quốc: “Sử dụng tổ chức dị giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”. Cũng như những diễn giải trước đó, nó không nêu tên Pháp Luân Công. Tuy nhiên, hầu hết các nội dung của nó có liên quan đến những phương thức mà các học viên sử dụng để nâng cao nhận thức về cuộc bức hại.
Chẳng hạn, nếu ai có hơn 500 tờ tiền, 1.000 tập tài liệu in hoặc 50 biểu ngữ hoặc áp phích có ghi những từ liên quan đến Pháp Luân Công thì người đó sẽ bị kết án từ 3 đến 7 năm tù và bị phạt. Những trường hợp nghiêm trọng sẽ bị phạt tù nhiều hơn 7 năm hoặc tù chung thân.
Những diễn giải luật này đã được sử dụng để truy tố các học viên suốt 20 năm qua.
Trong những năm gần đây, cuộc bức hại đã trở nên bí mật hơn, và hiếm khi được truyền thông nhắc đến. Ngay cả hệ thống trại lao động cưỡng bức cũng bị bãi bỏ vào năm 2013. Tuy nhiên, những quan chức trung thành với Giang vẫn bám vào những diễn giải luật này để duy trì cuộc bức hại.
Trả thù cho các vụ kiện Giang
Đông đảo học viên đã bắt đầu khiếu nại hình sự Giang vì tội phát động cuộc bức hại mang tính diệt chủng. Kể từ tháng 5 năm 2015 đến nay đã có hơn 200.000 học viên và người nhà của họ đệ đơn khiếu nại pháp lý đến Viện Kiểm sát Tối cao và Tòa án Tối cao. Ngoài ra còn có hơn 2,6 triệu người từ 31 quốc gia đã ký đơn thỉnh nguyện thư kêu gọi truy tố Giang.
Điều 41 của Hiến pháp Trung Quốc quy định: “Công dân nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền phê bình và đưa ra các đề xuất liên quan đến bất kỳ cơ quan hoặc công chức nhà nước nào. Cơ quan Nhà nước liên quan phải giải quyết các khiếu nại, cáo buộc hoặc tố cáo của công dân một cách có trách nhiệm và bằng cách xác minh sự việc. Không ai được đàn áp những đơn khiếu nại, cáo buộc và tố cáo như vậy hoặc trả thù những công dân đệ đơn đó.”
Tuy nhiên, các quan chức đã chặn rất nhiều đơn thư như vậy và sách nhiễu các nguyên đơn. Theo đó, nhiều học viên đã bị bắt và bỏ tù.
3. Nâng cao nhận thức về cuộc bức hại
Tinh thần của cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 vẫn được duy trì đến 20 năm sau. Dù bị ngược đãi tàn khốc nhưng các học viên vẫn đáp lại bằng sự thiện lương và nhẫn nhịn của mình, ngay cả với những cán bộ bức hại họ. Họ vẫn tiếp tục nói với mọi người ở Trung Quốc và trên toàn thế giới về Pháp Luân Công và cuộc bức hại.
Trong vòng 10 ngày sau khi cuộc bức hại nổ ra vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, hàng trăm ngàn người đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện lên chính quyền trung ương. Bởi vì tất cả các con đường lớn đã bị cảnh sát chặn hoặc kiểm tra, nhiều học viên đã đi bộ hoặc chạy xe đạp đến Bắc Kinh.
Một phụ nữ trên xe buýt đã bị cảnh sát chặn lại và tịch thu toàn bộ số tiền mà cô ấy có. Cô ấy đã không về nhà mà đi bộ hàng trăm dặm từ Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm đến Bắc Kinh và phải xin ăn trên đường đi.
Có một học viên bị bắt tại Bắc Kinh, ông lấy từ trong ba lô ra những đôi giày rách, rồi đưa cho cảnh sát và nói rằng: “Tôi đã đi bộ cả quãng đường dài để tới được Bắc Kinh. Tất cả những gì tôi muốn nói với chính quyền chỉ là Pháp Luân Công là tốt và cuộc bức hại là sai.”
Các học viên đã truyền thông tin về cuộc bức hại dưới nhiều hình thức như phát tờ rơi, treo biểu ngữ, gọi điện thoại, gửi thư điện tử và trực tiếp nói với mọi người cả khi mua sắm, đi xe buýt và tham gia các buổi hội họp. Bên ngoài Trung Quốc, các học viên tham gia vào các sự kiện cộng đồng, dựng quầy thông tin tại các điểm thu hút khách du lịch, nói chuyện với các quan chức chính phủ, và phổ biến thông tin cho cộng đồng qua các kênh tin tức.
Pháp Luân Công được thực hành trên khắp thế giới
Nhà sáng lập Pháp Luân Công, Đại sư Lý Hồng Chí, lần đầu tiên hồng truyền môn tu luyện này ra công chúng vào tháng 5 năm 1992. Các bài công pháp nhẹ nhàng cùng nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn đã thu hút mọi người ở mọi lứa tuổi, ở mọi giai tầng xã hội. Hàng trăm triệu học viên đã được cải thiện cả về sức khỏe lẫn tinh thần.
Mặc cho cuộc bức hại đã kéo dài 20 năm, các học viên vẫn không từ bỏ đức tin của mình. Thay vào đó, nhiều người đã biết đến Pháp Luân Công và đã bắt đầu bước vào tu luyện. Vào năm 1999, Pháp Luân Công đã được thực hành ở hơn 30 quốc gia. Giờ đây, Pháp Luân Công đã phổ biến ở hơn 100 quốc gia ở Châu Á, Châu Âu, Châu Phi, Bắc Mỹ, Nam Mỹ, và Châu Úc. Cuốn sách chính, Chuyển Pháp Luân, đã được dịch sang 40 ngôn ngữ.
Cuộc bức hại không có cơ sở pháp lý
Trong khi Hiến pháp Trung Quốc cho người dân có quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do ngôn luận, các quan chức lại biện minh cuộc bức hại là đúng theo lệnh của Giang, lệnh của cảnh sát và các chính sách khác của ĐCSTQ. Thực tế là, cả Điều 300 của Luật hình sự của Trung Quốc và những diễn giải luật đều không cho phép bắt giữ và kết án tù các học viên Pháp Luân Công.
Ngoài ra, tra tấn thân thể, bức hại tinh thần, tẩy não và thu hoạch nội tạng đã đi quá xa quy định pháp luật. Việc tòa án thường cản trở các luật sư đại diện và biện hộ cho các học viên, cũng như việc giam giữ và tra tấn một số luật sư đó đã cho thấy rõ hơn tính bất hợp pháp của chính sách bức hại này.
4. Sự ủng hộ của công chúng tại Trung Quốc
Thông qua sự kiên trì của các học viên, nhiều người ở Trung Quốc đã đều biết đến Pháp Luân Công và cuộc bức hại bất chấp sự kiểm duyệt gắt gao của chính quyền cộng sản nước này.
Kể từ năm 2008, có khoảng 150.000 người đã vượt tường lửa và nộp nghiêm chính thanh minh lên trang web Minh Huệ, bác bỏ những lời vu khống về Đại Pháp của họ trước đây.
Nhiều công dân đã thu thập chữ ký thỉnh nguyện kêu gọi trả tự do cho các học viên bị bắt. Một số trường hợp đã thu thập được hàng trăm thậm chí hàng ngàn chữ ký và dấu vân tay của công chúng. Với trường hợp ông Tần Nguyệt Minh đã bị bắt ở tỉnh Hắc Long Giang, sau đó đã chết vì cuộc bức hại, có 15.000 người đã ký tên thỉnh nguyện để kêu gọi điều tra vụ việc của ông và kêu gọi chấm dứt bức hại.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/4/19/385297.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/25/176618.html
Đăng ngày 02-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.