Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New York

[MINH HUỆ 13-11-2018] Kính chào Sư phụ! Chào các bạn đồng tu!

Một ngày nọ khi tôi đọc Chuyển Pháp Luân đến đoạn người cha dẫn con đi dạo ở Tiền Môn và mua một vé số, tôi có thể ngộ mới về câu cuối cùng của đoạn Pháp, tôi xin phép được chia sẻ:

“Về nhà rồi, càng nghĩ càng thấy khó chịu, định đem tiền đưa lại cho người ta. Nhưng nghĩ lại: ‘Xổ số đã xong, mình đưa tiền cho họ, chẳng phải họ sẽ chia nhau? Vậy quyết định đưa tiền ủng hộ cho đơn vị [công tác].’” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)

Tôi tự nghĩ về bản thân mình, nếu tôi là học viên đó, tôi sẽ trả lại tiền và không suy nghĩ về việc đó một cách sâu sắc. Tôi sẽ không cân nhắc đến thực tế rằng người bán xổ số có lẽ sẽ giữ tiền lại cho chính họ. Tôi sẽ nghĩ: “Được rồi, tôi sẽ trả tiền lại cho ông, và thế là tôi sẽ không mất đức khi trúng giải chiếc xe đạp này.” Việc này làm tôi nhận ra rằng tôi thực là thiếu trách nhiệm – vì để trả tiền mà trả tiền, nghĩa là làm việc chỉ vì để mà làm việc. Tôi có tâm bất cẩn và cẩu thả.

Kỳ thực rằng tôi luôn bất cẩn, thậm chí từ khi tôi còn đi học. Khi tôi học cấp ba, mỗi ngày tôi phải làm rất nhiều bài tập. Thoạt đầu, tôi tận tâm tận lực làm đến gần 3 giờ sáng cho xong mới thôi. Đến cuối học kỳ, tôi quá mệt mỏi đến nỗi tôi không muốn làm gì nữa, và tôi trở nên cẩu thả. Giáo viên giao bài tập về nhà cho chúng tôi viết các từ mới ba lần. Tôi lấy ba cây bút bi, buộc chặt chúng vào nhau và chỉ cần viết một lần là được ba bản. Có nghĩa là tôi có thể làm bài xong trước nửa đêm. Tôi cảm thấy dương dương tự đắc về việc này.

Rồi tôi bắt đầu coi nhẹ những việc khác và tìm cách đi đường tắt. Khi tôi chuẩn bị thi tiếng Anh trước khi ra nước ngoài học, tôi đăng ký vào một lớp ôn thi, ở đó giáo viên sẽ chỉ cho chúng tôi cách đoán đề thi. Vì thế tôi tập trung vào việc phán đoán những nội dung có thể có trong đề thi. Mặc dù tôi đoán rất chính xác, nhưng kết quả kiểm tra của tôi không đủ tốt để có thể qua. Sau đó, tôi phải tự ôn tập trong một tháng, tập trung vào luyện tiếng Anh mà không phải là kỳ thi. Lần thi thứ hai, điểm số của tôi tăng được 20 điểm. Cách làm tắt và cẩu thả này là một phần của “văn hóa Đảng” và nó không chân chính. Cuối cùng nó sẽ quay ngược lại để hủy hoại bạn.

Khi tôi đang học ở nước ngoài, tôi gặp một học viên Hàn Quốc, cô ấy đã kể cho tôi nghe câu chuyện này: Chồng cô ấy mua cho cô ấy một đôi giày mới, nhưng cô ấy mang không vừa, nên cô ấy đem trả lại cho cửa hàng. Khi mua thì đang lúc giảm giá, nhưng ngày trả lại thì đợt khuyến mãi đã kết thúc. Và cô ấy được hoàn lại tiền với giá gốc. Cô ấy nói với cửa hàng rằng số tiền cửa hàng hoàn lại nhiều hơn số tiền mà cô ấy trả ban đầu, nhưng cửa hàng nói rằng họ chỉ có thể hoàn lại tiền theo giá trên máy tính hiển thị. Cô ấy đã đem số tiền thừa đi đăng ký mua báo Đại Kỷ Nguyên và gửi nó tới cửa hàng.

Vài ngày sau khi tôi nghe câu chuyện này, một cửa hàng tương tự đã trả lại cho tôi ba đô la tiền thừa. Dựa trên chia sẻ của đồng tu, tôi không nói với cửa hàng mà chỉ hiến tặng số tiền này ngay sau đó. Lúc đó, tôi rất tự hào về chính mình, so sánh nó với tình huống xổ số mà Sư phụ giảng.

Nhưng rồi tôi nghĩ về việc tôi đã đi tặng số tiền đó như thế nào ngay khi tôi rời khỏi cửa hàng, đó là vì tôi sợ mất đức. Việc này phản ảnh tâm tự kỷ và tâm bất cẩn cố gắng làm tắt của tôi. Tôi chỉ đơn thuần bắt chước học viên khác và không nghĩ rằng liệu tôi đã đối chiếu với Pháp hay chưa. Bắt chước không phải là tu luyện. Làm sao tu luyện có thể đơn giản như thế được.

Tháng Mười Hai năm ngoái, tôi để ý thấy một vài con số xác thực của những người tam thoái trong quyển sổ của tôi. Tôi rất vui mừng và truy cập vào Trung tâm Thoái Đảng của Đại Kỷ Nguyên để tìm lại những xác nhận này. Những gì tôi tìm thấy thực sự làm tôi chấn động.

Khi còn là sinh viên, tôi thường đến các điểm du lịch để giảng chân tướng vào thời gian rảnh. Khi tôi giúp người Trung Quốc làm tam thoái, để tiết kiệm thời gian, tôi thường chỉ sử dụng hai hoá danh: Đắc Phúc và Bình An. Khi tôi xem lại số xác thực, có ít nhất ba số không hợp lệ. Tình nguyện viên của trang web phản hồi rằng: “Sư phụ nói rằng nên đối đãi nghiêm túc khi dùng hóa danh cho ai đó.” Vì tôi đã nhập Đắc Phúc và Bình An nhiều lần trong một ngày, những tình nguyện viên nghĩ rằng điều này là thiếu trách nhiệm và đã không tính. Tôi cảm thấy tồi tệ; tất cả là do tính cẩu thả, bất cẩn và xu hướng thích làm theo lối tắt của tôi.

Tôi nhanh chóng trả lời cho trang web, xin lỗi và giải thích rằng tôi thực sự đã giúp những người đó tam thoái. Cuối cùng, những con số xác thực không hợp lệ đó đã được chấp nhận và được tính. Hồi tưởng lại, tôi nhớ rằng tôi đã đến điểm du lịch vào buổi sáng và vội vã đi học vào buổi chiều. Mỗi ngày, tôi phải nhờ một học viên Hàn Quốc giúp tôi vào mục Tuidang (Thoái Đảng) của trang web Đại Kỷ Nguyên để làm tam thoái cho những người đã đồng ý thoái. Tôi tự hỏi, không biết trong tất cả những người tôi nhờ cô ấy nhập tên vào, có bao nhiêu người không được đăng ký thành công? Tôi thực sự cảm thấy hối tiếc.

Một lần khi đọc bài chia sẻ của một đồng tu. Bài chia sẻ ấy trích dẫn một đoạn trong bài “Tồn tại vì ai?” trong Tinh tấn yếu chỉ:

“Một sinh mệnh tại vấn đề tương quan trọng đại nếu có thể cân nhắc vấn đề mà không mang theo quan niệm nào cả, thế thì cá nhân đó thật sự có thể làm chủ chính mình, sự thanh tỉnh ấy là trí huệ mà khác với cái thông minh mà người ta thường nói. Nếu không thể như vậy, thì người đó đã bị quan niệm hậu thiên hoặc tư tưởng ngoại lai chi phối rồi, thậm chí vì nó mà cả đời phấn đấu, cho đến già vẫn không biết bản thân suốt đời làm gì. Tuy một đời không được gì cả nhưng lại dưới chi phối của quan niệm hậu thiên mà làm vô số việc sai lầm. Dẫn đến đời sau sẽ chiểu theo tất cả những sai lầm do mình làm mà hoàn trả nghiệp lực.”

“Sự thanh tỉnh ấy là trí huệ mà khác với cái thông minh mà người ta thường nói.”

Thật là một thanh âm chấn động, tôi đã minh bạch sự khác nhau giữa trí huệ và trí thông minh. Thể ngộ hiện tại của tôi là sự thanh tỉnh là trí huệ thực sự và rằng thông minh không phải là trí huệ và thậm chí có thể bị những người có ý định xấu lạm dụng. Trí huệ này cũng là thể hiện của chủ ý thức mạnh. Chúng ta nên biết mình đang làm gì, tự đưa ra quyết định, và điều quan trọng nhất là, tự tin rằng những gì chúng ta làm sẽ không để lại nuối tiếc.

Bây giờ là câu hỏi: Tại sao tôi chọn làm việc ở ngành truyền thông? Tôi luôn luôn nói với những học viên khác rằng tôi thực sự thích môi trường tu luyện mà tôi đang làm việc. Một ngày tôi nhận ra rằng thực ra tôi đang dựa vào ai đó để thúc đẩy tôi tu luyện, không phải kiểu như sự áp đặt của cha mẹ, mà là một kiểu khích lệ. Tôi thường luyện công với bạn tôi vào buổi trưa và buổi tối. Có lần khi bạn tôi đi công tác, ngay lập tức tôi buông lơi. Tôi quá lười biếng và thấy khó khăn khi bắt đầu luyện công. Nhưng khi luyện được, tôi lại tự mãn về chính mình. Tuy nhiên việc đó lại diễn ra vào lần sau khi tôi cố gắng bắt đầu luyện công. Có lần khi luyện công một mình, tôi không thể nào giữ được tâm thanh tĩnh, và cuối cùng tôi phải mở mắt ra trong suốt thời gian luyện công. Tại sao lại như thế? Có chuyện gì không đúng với tôi? Tôi đang luyện công cho ai? Tôi đang tu luyện cho ai?

Một hôm, tôi đến ăn tối ở nhà một người bạn và nói về việc tôi vất vả để kiểm soát cái tâm nhốn nháo của mình như thế nào. Mẹ của bạn tôi đã hỏi tôi: “Cháu đang tu luyện vì điều gì?” Tôi bị sốc! Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ về điều này.

Vì thế tôi nghĩ về nó: là để chữa bệnh khỏe người ư? Nhưng tôi chưa bao giờ bị bệnh. Là để làm người tốt ư? Nhưng tôi cũng không làm điều gì thực sự xấu. Để Trợ giúp Sư phụ trong thời kỳ Chính Pháp? Vâng, chính là như thế, nhưng ý tưởng ấy quá lớn khi đối chiếu với những công việc hàng ngày của tôi. Rồi tôi nghĩ: Đó là để đồng hóa với Đại Pháp!

Vâng, đó là để tôi đồng hóa với Đại Pháp và nó không đơn giản là nghe theo lời mẹ hoặc tu luyện với bạn bè cho vui hoặc để được nghe người khác khen ngợi. Trong tu luyện Pháp Luân Đại Pháp tôi tu luyện cả tâm lẫn thân. Luyện công là để chuyển hóa bản thể. Đó là lí do tại sao tôi phải thực hiện điều này. Tôi luyện công cho chính mình, không vì mục đích hoàn thành bài tập được ai đó giao cho. Những bài công Pháp mà Sư phụ dạy là để thanh lý bản thân, tịnh hóa thân thể và chính lại bất kỳ trạng thái không đúng đắn nào. Nó không phải là để cho tôi có một giờ rảnh rỗi để nghĩ về những việc vô dụng, thả cho tâm trí đi lang thang hoặc để làm cho bản thân mệt mỏi và phải nghỉ ngơi sau đó.

Tôi thậm chí không nhận ra rằng đây là những Pháp lý vô cùng căn bản. Tôi cảm thấy rằng tiến trình Chính Pháp đang tiến đến một giai đoạn mới, với việc càng có nhiều học viên có thể đối mặt một cách có lý trí với những khó khăn và khổ nạn, để xem họ có chiểu theo Pháp hay không, và nếu không, thì là để kịp thời chính lại họ. Nhiều học viên có thể nắm bắt thậm chí cả những ý niệm bất hảo nhỏ nhất, từ đó họ có thể thanh lý những chấp trước của họ một cách tinh tấn.

Tôi đã cố gắng bào chữa cho chính bản thân mình vô số lần, nói rằng: “Mình hiểu Pháp lý, chỉ là mình chỉ không thể thực hiện được thôi.” Suy nghĩ sâu hơn, tôi nhận ra rằng, tôi chỉ hiểu Pháp lý bằng tiếng Hán trên bề mặt, mà không thể áp dụng vào cuộc sống hàng ngày. Tôi đã tự hỏi mình: “Pháp thực sự có ý nghĩa gì? Hành vi của mình có phù hợp với Pháp không? Vì sao mình không thể thực hiện được việc đó? Mình đã tự hãm bản thân ở chỗ nào? Vì sao việc mình đang làm lại đi ngược với Pháp lý? Điều gì đã khiến mình không chiểu theo Pháp của Sư phụ?”

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ thể ngộ gần đây của tôi về tâm từ bi. Thiếu từ bi sẽ biểu hiện ra tật đố, bất tôn trọng, một cảm giác bất công, và ý niệm bất hảo về người khác. Người ta thường nói rằng cảnh tùy tâm chuyển. Khi tôi học Pháp, tôi nhận ra điều này trong Pháp Luân Công:

“Chúng ta cần có một trái tim từ bi, đối đãi với bất kể việc gì thì cũng mang một trái tim từ thiện, thì sẽ không dễ xuất hiện vấn đề. Đối với lợi ích cá nhân thì hãy coi nhẹ nhàng hơn, tâm địa thiện lương hơn, chư vị làm việc gì cũng đều sẽ chịu chế ước của nó, cho nên chư vị không thể làm ra những việc xấu. Nếu không tin thì chư vị hãy coi thử, chư vị nếu lúc nào cũng mang thái độ khó đăm đăm, toàn là tranh giành đấu đá, thì việc tốt có ở ngay trước mặt thì cũng sẽ làm thành việc xấu.”

Bạn có thể nhận thấy điều này, khi con người ta nóng giận hoặc đấu đá với người khác, cử động của họ dường như rất cứng nhắc, họ không thể tập trung, và họ cũng không thể chú ý đến chi tiết. Tôi nhận ra rằng khi tôi tức giận, tất cả những gì tôi có thể tập trung vào là cơn giận và sự bất công. Tôi không thể chú ý đến tiểu tiết hoặc thậm chí không chú ý đến tất cả mọi thứ chung quanh. Tôi chỉ muốn mau chóng chấm dứt những việc mà tôi phải làm – không hề có sự chân thành – và sau đó gấp rút chuyển qua việc khác. Sự vội vàng hóa ra lại dẫn đến sự lãng phí. Ngược lại, khi tôi từ bi, tôi cân nhắc đến người khác trước, và có thể thanh tĩnh và nhanh chóng tìm ra giải pháp, mà không phạm lỗi. Tôi có thể cảm nhận rằng Sư phụ đang giúp tôi và ban cho tôi trí huệ. Tôi gợi ý bạn nên đọc hoặc nghe Tuần báo Minh Huệ mỗi khi bạn cảm thấy lo lắng.

Tôi hy vọng mọi người đều thanh tĩnh, từ bi và thuần tịnh.

Cám ơn Sư phụ từ bi vĩ đại! Cám ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ được trình bày trong Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/11/13/377034.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/11/15/173257.html

Đăng ngày 05-12-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share