Bài viết của các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Israel

[MINH HUỆ 21-9-2018] Ông David Matas, luật sư nhân quyền quốc tế nổi tiếng về việc đưa các tội phạm Đức Quốc xã ra công lý, đã tham dự Hội nghị Toàn cầu lần thứ 24 về Luật Y khoa và Đạo đức Sinh học tại Đại học Tel Aviv ở Israel vào tháng 9.

Hội nghị này được tổ chức tại Khách sạn Dan ở Tel Aviv từ ngày 2 đến ngày 6 tháng 9 năm 2018. Ông Matas đã trình bày một tấm áp phích về chủ đề cưỡng bức thu hoạch nội tạng do nhà nước hậu thuẫn ở Trung Quốc, chủ yếu nhắm vào các học viên Pháp Luân Công cũng như các tù nhân lương tâm khác.

Ông Matas và Cựu Quốc vụ khanh Canada David Kilgour đã tham gia điều tra về chủ đề này trong hơn một thập kỷ. Hai ông đã công bố phát hiện của mình, trong đó khẳng định rằng tội ác thu hoạch nội tạng đã và đang diễn ra ở Trung Quốc. Sau đó, hai ông cùng với nhà báo điều tra Ethan Gutmann đưa ra bản cập nhật cho báo cáo điều tra ban đầu.

Trong chuyến thăm Israel, ông Matas còn gặp một vị giám đốc trong Bộ Y tế và một số đại diện của hệ thống chăm sóc sức khỏe, cũng như đại diện của các tổ chức pháp luật và nhân quyền. Ông cũng đã gặp các giảng viên tại Khoa Khoa học Y tế, Đại học Ben-Gurion vùng Negev và giảng dạy cho các sinh viên y khoa.

Ông Matas đã truyền đạt những thông điệp cơ bản sau đây:

1. Cần ngăn chặn việc du lịch tới Trung Quốc để ghép tạng – Ở Israel vấn đề này đã được quy định vào năm 2008 khi Luật Cấy ghép Tạng của Israel (Đạo luật Cấy ghép Nội tạng) được ban hành khi bằng chứng đáng báo động [về những người nhận tạng có nguồn gốc đáng ngờ ở Trung Quốc] đã được công khai.

2. Để không tiếp tay cho tội ác này và tẩy chay các bác sỹ đã tham gia cưỡng bức thu hoạch nội tạng khỏi cộng đồng y khoa, các bệnh viện và trường đại học không nên tham gia vào những tội ác này trong khi hợp tác về ghép tạng với các đối tác của họ ở Trung Quốc. Điều đó có nghĩa là không tham dự các hội nghị về cấy ghép ở Trung Quốc, không cho phép bác sỹ phẫu thuật ghép tạng ở Trung Quốc trình bày nghiên cứu của họ tại các hội thảo ở nước ngoài, và không cho phép họ được đào tạo ở các quốc gia bên ngoài Trung Quốc.

Hội nghị Đạo đức Sinh học tại Đại học Tel Aviv

Tấm áp phích của ông Matas về chủ đề thu hoạch nội tạng của chính quyền cộng sản Trung Quốc – mà nạn nhân chủ yếu là các tù nhân lương tâm, trong số đó hầu hết là các học viên Pháp Luân Công – được khách tham dự hội nghị rất quan tâm. Nhiều người đã dành thời gian rất lâu để tìm hiểu về tấm áp phích, trong khi những người khác chụp ảnh để đọc sau.

80e82090f1b3442bf2753f7babafbd23.jpg

Tấm áp phích của ông Matas, về thông lệ cưỡng bức thu hoạch nội tạng phi đạo đức của chính quyền cộng sản Trung Quốc ở quốc gia này, trình bày tại Hội nghị Toàn cầu lần thứ 24 về Luật Y học và Đạo đức Sinh học tại Đại học Tel Aviv.

Một số người nán lại và đặt câu hỏi. Trong đó, hai câu hỏi phổ biến nhất là: Bằng chứng của nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc là gì? Vấn nạn này hiện vẫn đang diễn ra sao?

Ông Matas đã trả lời bằng cách giải thích rằng những kết luận của họ dựa trên số lượng ca cấy ghép, chứng cứ được thu thập và tổng hợp từ các báo cáo do các trung tâm y tế ở Trung Quốc công bố. Hiện không có lời giải thích hợp lý nào khác về nguồn tạng sử dụng cho số lượng rất lớn các ca cấy ghép được thực hiện ở Trung Quốc. Nó cao hơn nhiều so với số liệu mà chính phủ Trung Quốc cung cấp về bất kỳ nguồn tạng có thể nào khác, chẳng hạn như tù nhân tử hình hay những người hiến tạng tự nguyện.

Theo ông Matas, bằng chứng về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng đang diễn ra là sự khác biệt rất lớn về số lượng. Chính phủ Trung Quốc cứ vài năm lại thay đổi phiên bản báo cáo liên quan đến nguồn tạng và phủ nhận khiếu nại về việc thu hoạch nội tạng từ những người còn sống và khỏe mạnh, chủ yếu là tù nhân lương tâm – trong đó, nhóm đông nhất là các học viên Pháp Luân Công – nhưng không thể giải thích sự chênh lệch rất lớn về số liệu giữa nguồn tạng hợp pháp tiềm năng và số ca cấy ghép thực tế đang diễn ra. Ông Matas cũng khẳng định rằng “[ở Trung Quốc] không có cơ chế nào có thể đảm bảo rằng sẽ không có sự ngược đãi, thậm chí kể cả ngày nay.”

Một nhân viên bảo hiểm y tế ở một nước Châu Á nói rằng anh thường xuyên đến Trung Quốc và gặp các bác sỹ phẫu thuật cấy ghép để thu thập bằng chứng về các trường hợp bảo hiểm mà anh đã tham gia. Ban đầu, anh không tin rằng thông lệ cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc do chính nhà nước này quản lý, nhưng sau cuộc thảo luận hồi lâu với ông Matas, sự hoài nghi của anh dường như đã bị lay chuyển.

Một luật sư đến từ một nước Châu Á khác đang làm việc với tư cách một nhà ngoại giao đã quan tâm đến chủ đề này và trò chuyện với ông Matas một lúc lâu. Bà cho biết bà sẽ thông báo với chính phủ của bà về nạn thu hoạch nội tạng và cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.

70df1b9a576b47f262d593b5a06f535a.jpg

Hai phụ nữ đọc tấm áp phích của ông Matas về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng.

Khoa Khoa học Sức khỏe, Đại học Ben-Gurion vùng Negev

Ông David Matas đã nỗ lực không mệt mỏi để truyền tải thông điệp của mình về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc tới các cộng đồng y tế quốc tế và các học giả trong lĩnh vực y khoa.

Nhiều người tại Đại học Ben-Gurion vùng Negev hóa ra đã biết đến chủ đề này và muốn tìm hiểu về nó sâu hơn. Họ mong muốn truyền đạt thông điệp tới các quan chức cấp cao trong lĩnh vực điều dưỡng và cấy ghép của Bộ Y tế.

Khoảng 30 sinh viên y khoa nước ngoài (bao gồm Hoa Kỳ, Canada, và Úc) và giảng viên cao cấp đã xem bộ phim “Diệt chủng Y khoa” dài 22 phút và nghe bài giảng khái quát của ông Matas về các cuộc điều tra của ông cùng ông David Kilgour và ông Ethan Gutmann về vấn đề thu hoạch nội tạng do nhà nước quản lý ở Trung Quốc, và hệ lụy của nó đối với các quốc gia khác.

171ecdac7019dee379328a4447da33b1.jpg

Sinh viên y khoa xem bộ phim “Diệt chủng Y khoa” và nghe luật sư nhân quyền David Matas trình bày về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc, do chính chính quyền nước này thực hiện


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/21/171979.html

Đăng ngày 27-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share