Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 26-03-2018] Tôi đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 12 năm. Ngày hôm nay, tôi muốn chia sẻ một chút thể hội của bản thân trong tu luyện Chính Pháp.

Gần đây, một đồng tu ở nhóm học Pháp của tôi bị ho trong thời gian dài khiến một đồng tu khác cảm thấy khó chịu và không muốn đến học Pháp nhóm nữa. Khoảng một tháng sau, đồng tu này qua đời vì nghiệp bệnh. Điều kỳ lạ, kể từ khi đồng tu kia rời đi, thì đồng tu đã từng bị ho dữ dội kia lại không còn bị ho nữa.

Sau khi chuyện này xảy ra, chúng tôi cảm thấy rất đau lòng cho sự ra đi của đồng tu. Tuy nhiên, chúng tôi cũng ngộ ra rằng khi nhìn thấy vấn đề của người khác, chúng ta cũng cần phải hướng nội. Có lẽ vấn đề xảy ra với các đồng tu khác là do quan niệm của chúng ta gây ra. Chúng ta càng chấp trước vào những điều đó, đồng tu càng có biểu hiện ra như vậy.

Hướng nội: Biểu hiện của tâm từ bi

Sự việc trên khiến tôi nhớ tới một sự việc tương tự mà tôi đã trải qua trước đó. Trong nhóm học Pháp của chúng tôi có một đồng tu giọng nói sang sảng, giọng vang như sấm. Thậm chí người ở lầu trên lầu dưới của tòa nhà cũng có thể nghe thấy tiếng nói của ông ấy. Bởi chúng tôi học Pháp vào buổi tối nên tôi thường xuyên phải nhắc ông hạ thấp giọng xuống để tránh làm phiền đến người khác và cũng đảm bảo cho sự an toàn của mọi người trong nhóm.

Mặc dù lần nào đồng tu này cũng gật đầu đồng ý và nói rằng ông sẽ chú ý đến việc này, nhưng sau đó giọng nói của ông vẫn vang lên như sấm. Sau đó, tôi đã có những suy nghĩ không tốt về ông: “Làm sao mà ông ấy lại ích kỷ và không để ý gì đến xung quanh thế nhỉ?” Bởi vì có suy nghĩ như vậy, nên thái độ của tôi khi nói chuyện với ông cũng thay đổi, trong tâm thấy phản cảm ông ấy.

Sư phụ giảng:

“Hiện nay ở lớp này có những người cảm thấy tự mình khá lắm, thái độ nói chuyện khác [thường]. Bản thân mình vốn là gì, thì ngay tại Phật giáo cũng là điều rất kỵ huý [không nói đến].” (Chuyển Pháp Luân)

Tôi nhận ra thái độ của mình không đúng và tôi phải hướng nội tìm trong bản thân mình. Kỳ thực, tôi mới chính là người muốn cải biến người khác, và khi không đạt được mục đích của bản thân, tâm tật đố và coi thường người khác của tôi lại tác quái. Làm sao tôi có thể bắt người khác làm theo tiêu chuẩn của mình và mong muốn họ thay đổi trong khi tôi lại không tu bản thân mình? Tôi nghĩ giọng nói to của đồng tu có lẽ chính là nhắm vào tâm tật đố của tôi. Tôi đã có thể bình tĩnh trở lại và nhắc nhở mình tu luyện bản thân. Thật kỳ diệu, sau đó, khi tôi gặp lại đồng tu đó, tôi không còn bị làm phiền bởi giọng nói to của ông ấy nữa, và dường như ông đã tiến bộ trong việc điều tiết giọng nói của mình. Từ trải nghiệm này, tôi ngộ ra rằng khi tôi tu tốt bản thân, các đồng tu ở xung quanh cũng cải biến. Một lần nữa, tôi thực sự được trải nghiệm sự kỳ diệu của tu luyện Đại Pháp.

Thực tế trong quá trình tu luyện thì việc hướng nội tìm khi gặp vấn đề khiến hoàn cảnh phát sinh biến hóa kỳ thực có rất nhiều. Tôi ngộ ra rằng ai đúng ai sai cũng không quan trọng, điều quan trọng là tôi cần quy chính lại những quan niệm người thường của mình. Đây là quá trình buông bỏ tự ngã, tự kỷ và biết đặt mình vào giác độ của người khác và xét vấn đề. Điều đó có nghĩa là tôi cần thấu hiểu người khác hơn, tập trung vào mặt tốt của họ, và trân quý họ hơn nữa. Tôi nghĩ đây chính là thể hiện của tâm từ bi.

Học viên trẻ tuổi cũng cần bước ra giảng chân tướng

Mẹ của tôi cũng là một học viên và chúng tôi đã từng có nhiều mâu thuẫn với nhau. Sau khi không ngừng học Pháp và hướng nội, chúng tôi đã có thể giúp đỡ và khích lệ lẫn nhau.

Một hôm, sau khi đi phân phát tài liệu giảng chân tướng về, mẹ kể với tôi rằng bà thấy một người vứt tài liệu xuống đất. Mặc dù bà đã nhặt chúng lên, nhưng bà vẫn rất lo lắng bởi vì đây là lần đầu tiên bà thấy có người vứt tài liệu. Bà nói rằng bà sẽ giảng chân tướng về Đại Pháp cho người đó nếu như có duyên gặp lại.

Mặc dù mẹ tôi là người đi phân phát tài liệu, nhưng tôi cũng cần hướng nội bởi vì tôi là người sản xuất ra chúng.

Khi hướng nội, tôi nhận ra rằng tài liệu mà tôi in có một số lỗi sai, điều đó chứng tỏ rằng tôi đã buông lơi trong tu luyện và không chuyên tâm trong khâu chuẩn bị. Tuy nhiên, tôi lại không muốn lãng phí chỗ tài liệu đó, vì vậy tôi đã đưa chúng cho mẹ. Tôi nghĩ rằng mẹ tôi thường giảng chân tướng trước khi phân phát tài liệu nên sẽ không có vấn đề gì. Còn những tài liệu tốt thì tôi dùng để gửi qua đường bưu điện vì tôi cho rằng ấn tượng đầu tiên là rất quan trọng, khi người nhận có ấn tượng tốt, họ sẽ đọc chúng.

Đây là một suy nghĩ rất ích kỷ và cần phải loại bỏ. Hơn nữa, tài liệu giảng chân tướng là một sinh mệnh ở không gian khác nên cũng cần được chúng ta trân quý, không được tùy ý lãng phí, chỉ có tâm thái nghiêm chỉnh mới có thể làm tốt được. Thực ra, sản xuất tư liệu giảng chân tướng xem ra có vẻ đơn giản, nhưng nó còn vượt trên cả kỹ thuật của người thường. Nó là một quá trình chứng thực Pháp và yêu cầu chúng ta phải đối đãi bằng chính niệm.

Thỉnh thoảng, tôi và mẹ cùng đi ra ngoài giảng chân tướng. Thấy tôi còn trẻ, có người nói với tôi: “Tôi nghĩ chỉ có người già mới tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.“ Tôi giải thích với họ rằng người tu luyện Pháp Luân Đại Pháp bao gồm tất cả các lứa tuổi và thành phần trong xã hội, trong đó có sinh viên đại học, giáo sư, tiến sỹ, và thậm chí cả trẻ em nữa. Sau khi nghe tôi nói, họ cũng dễ dàng tiếp nhận chân tướng hơn. Tôi và mẹ ngộ ra rằng những học viên trẻ tuổi cũng cần bước ra chứng thực Pháp và giảng thanh chân tướng.

Giảng chân tướng xuất ra từ nội tâm

Sau đó không lâu, tôi gặp một vấn đề. Tôi thuộc thế hệ sinh vào những năm 1980, nhưng vì tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nên trông tôi như mới ngoài 20 tuổi, thậm chí còn trẻ hơn. Trong một số bài chia sẻ tâm đắc thể hội, các đồng tu đã dùng tuổi thật của mình để chứng thực Pháp. Nhưng vì trong tâm của tôi có chướng ngại nên tôi đã không làm được như vậy.

Một lần, khi tôi giảng chân tướng cho một đồng nghiệp lớn tuổi hơn về Đại Pháp, chị đã hỏi tuổi của tôi. Nghĩ rằng chị ấy là đồng nghiệp nên tôi đã nói tuổi của mình cho chị. Chị rất ngạc nhiên và hỏi rằng tôi đã lập gia đình chưa. Khi nghe nói tôi chưa có bạn trai, chị không lý giải được và đã hỏi tôi lý do tại sao. Tôi thấy hối hận vì đã nói tuổi của mình cho chị và chỉ trả lời qua loa cho xong chuyện.

Rút kinh nghiệm từ chuyện đó, tôi đã trở nên do dự và thường tránh nói về tuổi của mình cho người khác, thỉnh thoảng tôi chỉ mỉm cười cho qua. Sau đó, tôi nhận ra rằng đó là biểu hiện của tâm sợ hãi, tuy nhiên, tôi vẫn chưa tìm được biện pháp nào tốt hơn.

Gần đây, tôi ngộ ra rằng tâm sợ hãi, bảo vệ bản thân quá mức, và tâm phòng bị chính là một loại tư tưởng biến dị của văn hóa đảng. Một hôm, khi tôi giảng chân tướng cho một tài xế taxi, anh đã hỏi tuổi của tôi. Theo thói quen, tôi đã lập tức từ chối trả lời câu hỏi đó, nhưng sau đó tôi nhận ra làm vậy là không đúng nên tôi đã thẳng thắn nói tuổi của mình cho anh. Anh nói rằng trông tôi trẻ hơn tuổi rất nhiều. Tôi nói rằng đó là nhờ tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Một lần, một đồng tu chia sẻ với tôi rằng khi những người xung quanh nghe cô giảng chân tướng, họ rất tin tưởng cô bởi vì họ cảm thấy ở cô toát ra một sự trang nghiêm và thần thánh. Nghĩ lại những lời chia sẻ đó, tôi tự nhận thấy rằng tâm thái của tôi vẫn chưa đạt đến cảnh giới này. Thực ra, chân tướng không chỉ được thể hiện bằng lời nói và hành động của chúng ta, mà còn xuất phát từ nội tâm của chúng ta nữa.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/3/26/363356.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/1/171730.html

Đăng ngày 03-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share