Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-8-2018] Cuối năm 2017, một học viên trong vùng của tôi đã qua đời vì nghiệp bệnh. Tính từ ngày nhận được chẩn đoán bị ung thư vú đến ngày cô qua đời chỉ vỏn vẹn có hai năm.

Các học viên đã học Pháp, chia sẻ thể ngộ và phát chính niệm cùng cô. Khi phát chính niệm, một học viên nhìn thấy cô đã gần như bình phục, ngoại trừ một khối u nhỏ có kích thước bằng đầu ngón tay.

Các học viên đã khuyên cô nên hướng nội, đặc biệt là có thể có gì đó không phù hợp với Pháp trong lần bị giam giữ trước kia của cô. Bên cạnh đó, gần đây sau khi được trả tự do, tại sao cô vẫn đến một trung tâm tẩy não do Phòng 610 thiết lập để “chuyển hoá” các học viên?

Cô cho biết mình đã viết “nghiêm chính thanh minh”, và cô đang “chuyển hoá” các đồng tu bằng nguyên lý Chân–Thiện–Nhẫn và rằng không có gì sai trong cách cô xử lý vấn đề cả. Một số học viên đã đồng ý với nhận định trên của cô.

Có một học viên chia sẻ đã ngộ được điểm hóa của Sư phụ rằng đồng tu kia xuất hiện giả tướng nghiệp bệnh (ung thu vú) là do chính trường năng lượng không thuần chính trong nhóm của chúng tôi tạo thành. Vì vậy đây là vấn đề của chỉnh thể địa khu chúng tôi chứ không phải vấn đề của cô ấy – và chúng tôi nên giúp cô ấy thay vì bảo cô ấy nên hướng nội.

Tuy nhiên, khi học viên này đang “chuyển hoá” những người khác – ngay cả khi cô nghĩ rằng việc đó “phù hợp với tiêu chuẩn của Pháp”, thì nó vẫn là một lỗi sai cơ bản. Điều này phù hợp với điều mà nhà tù và các quan chức của trại lao động muốn đạt được.

Do đó, khi thừa nhận kiểu “chuyển hoá” như vậy, thì người này đã thực sự đứng về phía tà ác thay vì chiểu theo Sư phụ. Mặc dù cô ấy đã gửi bản Nghiêm chính thanh minh và cũng đang làm các hạng mục khác, nhưng cô vẫn không được xem là một học viên Đại Pháp, vì cựu thế lực vẫn đang thao túng cô.

Sư phụ sẽ không từ bỏ bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng liệu cựu thế lực có buông tha cho chúng ta không? Cựu thế lực không dám bức hại chúng ta khi chúng ta tuân thủ chặt chẽ tiêu chuẩn của một học viên Đại Pháp. Tuy nhiên, làm các hạng mục Đại Pháp không nhất thiết có nghĩa là sinh mạng của chúng ta được bảo đảm. Khi chúng ta có các chấp trước căn bản, và không thể nhận ra được các lỗi sai căn bản, cựu thế lực có thể dễ dàng tìm được lý do, và sẽ rất khó để Sư phụ có thể giúp chúng ta.

Sai lầm khi chấp nhận “chuyển hoá”

Khi thấy các học viên được thả ra sau khi viết cam kết từ bỏ việc tu luyện, những học viên khác thường lo lắng, bảo họ viết “Nghiêm chính thanh minh” và trở lại tu luyện Đại Pháp.

Một số nhận thức Pháp của các học viên bị giam giữ không được rõ ràng. Vì vậy, những quan niệm người thường có thể nổi lên, khiến họ đồng ý với những người “chuyển hoá” họ, và họ thậm chí còn có thể đồng ý “chuyển hoá” người khác. Vì họ thường “đoạn chương thủ nghĩa” lời của Sư phụ, những học viên nói chuyện với họ đều bị rối trí và ngừng tu luyện.

Sau khi được thả ra, những học viên này có thể sẽ không tinh tấn học Pháp và không thể nhận ra chỗ sai của mình. Khi những người khác nhắc họ viết Nghiêm chính thanh minh, họ đã viết mà không hoàn toàn nhận ra những sai lầm của mình trước đây. Thay vì ổn định tinh thần và học Pháp, họ thường vội vã để bắt kịp Chính Pháp, hăng hái làm các hạng mục để bù đắp lại những tổn thất mà họ đã gây ra khi còn ở trong tù.

Những học viên này đã không nghĩ xem nguyên do gì dẫn đến việc họ bị “chuyển hoá” khi còn bị giam giữ, hay chấp trước nào đã khiến họ tin vào những lời tuyên truyền phỉ báng. Họ cũng không nhận ra rằng những cam kết mà họ ký là tội chống lại Sư phụ và Đại Pháp. Qua việc viết hay ký những văn bản đó, họ đã phản bội Sư phụ và Đại Pháp. Một học viên được hưởng lợi rất nhiều từ Đại Pháp nhưng lại mất tín tâm vào Sư phụ và Pháp khi bị giam giữ. Nếu một học viên như vậy không thể nhận ra tính nghiêm trọng, thì sao họ có thể thực sự sửa chữa sai lầm của mình và quay trở lại làm một học viên Đại Pháp thuần chính?

Một số học viên không thể chịu đựng nổi khi họ bị giam giữ, vì thế đã viết những cam kết này. Trong tâm, họ biết mình đã làm sai và rằng họ đã đi theo an bài của cựu thế lực. Một vài học viên trong số này có thể nghiêm túc học Pháp và nỗ lực phó xuất cho Chính Pháp nhưng một số lại không thể ngộ được Pháp tốt trong thời gian dài vì tâm sợ hãi, nên không thể bước ra. Một số thậm chí nghĩ rằng họ đã giúp các học viên bớt phải chịu tra tấn. Đây thật ra là một loại hành vi giảo hoạt biến dị trong tư duy văn hóa Đảng. Sau nhiều năm tu luyện, một số học viên vẫn không nhận ra rằng việc “chuyển hoá” giả như vậy là hình thức đầu hàng cựu thế lực và tà ngộ. Việc “chuyển hoá” này thường cũng dẫn đến việc gây hại cho các học viên kiên định khác.

Với tư tưởng như vậy, mục đích của việc tiếp tục tu luyện là gì? Một lý do có thể là để giải quyết vấn đề nghiệp bệnh, lý do khác nữa có thể đơn giản chỉ là thuận theo người khác quay lại tu luyện. Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều cần phải hướng nội, buông bỏ các chấp trước và thật sự hiểu được mục đích của tu luyện.

Nếu một người không thể ngộ ra được nguyên do căn bản tại sao “chuyển hoá” lại là sai, thì cho dù họ có làm nhiều đến thế nào đi chăng nữa thì nó cũng chỉ là hời hợt. Cựu thế lực kia sẽ không ngừng can nhiễu họ và học viên này có thể phải đối diện với một tình huống rất nguy hiểm.

Chìm đắm trong cái tình

Một số học viên ngộ được rằng họ đã sai khi tham gia “chuyển hoá” các học viên. Họ biết rằng mình đã trợ giúp tà ác hủy hoại chính tín của các học viên vào Sư phụ và Đại Pháp. Những học viên này có thể đề cao trong Pháp và trở nên tinh tấn.

Tuy nhiên một số học viên vẫn tiếp tục chìm đắm trong cái tình của con người. Một mặt thì là đang làm các hạng mục Đại Pháp nhưng mặt khác họ vẫn tiếp tục nghĩ về những tổn thất về vật chất và tinh thần mà họ mang đến cho gia đình họ. Kết quả là, một số bắt đầu tham gia vào việc bán hàng đa cấp, hoặc mua bán cổ phiếu. Hành vi này đã đi ngược lại các nguyên lý của Đại Pháp, những người này đã phá hoại và gây tổn thất cho Pháp. Một số đã không nhận ra sai lầm của mình mãi cho đến khi họ mất rất nhiều tiền hay phá sản.

Một số học viên hám lợi khi tham gia bán hàng đa cấp hay mua bán chứng khoán. Họ hài lòng với khoản lợi nhuận mà họ kiếm được trong những hoạt động này. Một số dự định tìm kiếm công việc khác sau khi nghỉ hưu để kiếm thêm nhiều tiền cho gia đình và con cái của họ. Đó không phải là chấp trước vào tình sao? Nếu họ không tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, thì thọ mệnh của những học viên này có thể đã kết thúc từ lâu. Sư phụ đã phải chịu đựng rất nhiều để kéo dài đường đời cho chúng ta, là để chúng ta tu luyện, chứ không phải để chúng ta kiếm tiền cho gia đình. Khi những học viên này không biết trân quý những cơ hội này, thì nó có thể dẫn đến nghiệp bệnh hoặc thậm chí qua đời.

Các học viên trẻ bắt đầu tu luyện trước khi cuộc bức hại diễn ra vào năm 1999 hiện đều đã trưởng thành. Vì chấp trước vào tình, một số bậc phụ huynh không biết cách cân bằng giữa việc tu luyện và giáo dục con cái. Điều này dẫn đến những vấn đề khác nhau cho con cái họ, và giờ đây chúng quay ngược lại quấy nhiễu việc tu luyện của họ. Vì thế chúng ta cần phải tập trung vào việc tu luyện để giúp cân bằng gia đình mình.

Sắc dục

Vấn đề sắc dục xảy ra đối với tất cả các học viên. Trong trường hợp này, chúng tôi chỉ tập trung vào những học viên từng bị “chuyển hoá.”

Sau khi được thả ra khỏi tù, một số học viên nghĩ rằng vợ/chồng mình đã phải chịu đựng rất nhiều, và muốn bù đắp lại cho họ. Một số không thể buông bỏ tình, viện cớ là để phù hợp với người thường, và ôm giữ tâm sắc dục. Sợ bạn đời của mình ngoại tình, một số học viên nữ tóc đã điểm bạc thậm chí vẫn còn có sinh hoạt vợ chồng.

Sư phụ giảng:

“Pháp môn này của chúng tôi, [đối với] bộ phận tu luyện này nơi người thường, yêu cầu là tu luyện tại xã hội người thường, [cần] duy trì đến mức độ tối đa sao cho giống với người thường; không để chư vị thật sự mất đi bất kể thứ gì nơi lợi ích vật chất. Chư vị làm quan chức to đến mấy cũng không ngại, chư vị có nhiều tiền tài đến mấy cũng không ngại; [điều] then chốt là ở chỗ chư vị có thể vứt bỏ cái tâm kia không.” (Chuyển Pháp Luân)

Khi chúng ta thật sự loại bỏ tâm sắc dục, thì vợ/chồng của chúng ta sẽ không bỏ chúng ta vì điều đó.

Tình và dục tuyệt đối không phải là toàn bộ trong sinh hoạt vợ chồng. Có những thứ cao thượng hơn, chẳng hạn như ân nghĩa và trách nhiệm.

Một số học viên có các mối quan hệ nam nữ không đứng đắn ngoài hôn nhân và thậm chí còn ly dị, sau đó lại tái hôn. Đây không phải là điều mà một đệ tử Đại Pháp nên làm, và thậm chí cả người thường còn xem đây là hành vi đáng khinh.

Không lạm dụng tài nguyên Đại Pháp

Trong nhiều năm qua, cuộc bức hại leo thang khiến các đệ tử Đại Pháp bị sách nhiễu và giam cầm. Họ không có được cuộc sống và thu nhập bình thường, nên đã chấp nhận hỗ trợ từ những học viên khác và chuyên tâm làm các việc Đại Pháp. Họ phó xuất qua việc lập các điểm sản xuất tài liệu. Điều đó thật xuất sắc vì mặc dù họ không thể trở về nhà, nhưng họ vẫn có thể chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh.

Nhưng thời gian trôi qua, một số học viên vì cám dỗ vật chất đã trở nên tham lam. Tiền làm tài liệu đôi khi bị họ hay người thân của họ lạm dụng. Các học viên khác đã giúp chỉ ra điều này, và Sư phụ cũng đã điểm hoá rất nhiều cho họ. Nhưng những học viên này đã không bồi hoàn khoản tiền và điều này dẫn đến việc họ bị cựu thế lực bức hại.

Trở thành các học viên chân chính

Khi các học viên bị “chuyển hoá” trong khi bị giam giữ, họ đã viết các cam kết và đọc các bài báo phỉ báng Sư phụ. Thân thể của họ ở trong các không gian khác có thể chứa đầy những vật chất xấu, khiến chủ nguyên thần bị ảnh hưởng. Nếu những học viên như vậy không loại bỏ những vật chất đó đi mà chỉ viết một bản Nghiêm chính thanh minh để trở lại tu luyện, thì can nhiễu kia có thể vẫn tiếp tục.

Các học viên nên liên tục thanh lý trường không gian của mình qua việc học Pháp, đề cao tâm tính và phát chính niệm. Chỉ khi chính lại và tẩy tịnh bản thân, chúng ta mới có thể chân chính hoàn thành sứ mệnh của mình, mới có thể không bị cựu thế lực sách nhiễu bức hại.

Bất cứ ai từng bị “chuyển hoá” đều cần phải nhận ra những lỗi sai mà họ đã phạm phải. Họ nên hướng nội, tiếp nhận lời khuyên của các học viên khác, tìm ra những chấp trước dẫn đến việc mình bị “chuyển hoá”, và loại bỏ bất cứ điều gì ảnh hưởng đến việc tu luyện của họ.

Một số học viên tìm ra chấp trước của mình nhưng không thể loại bỏ được chúng trong thời gian dài. Họ thậm chí cho rằng những chấp trước đó là can nhiễu, muốn phát chính niệm diệt trừ, thậm chí còn nhờ đồng tu hỗ trợ diệt trừ. Đây là hướng ngoại mà cầu! Đây không phải là tu bản thân mình. Tình huống như vậy phát chính niệm có tác dụng sao?

Vì vậy, các học viên cần thường xuyên hướng nội vô điều kiện, tìm những phương diện của bản thân còn chưa phù hợp với Pháp. Qua việc nghiêm túc tu chính lại những hành vi không phù hợp với Pháp, họ mới thực sự trở thành một học viên chân chính.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, có điểm nào không phù hợp với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/20/372664.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/16/171915.html

Đăng ngày 30-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share