Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại Lục

[MINH HUỆ 31-8-2018] Tôi đã tu luyện nhiều năm như vậy, không ngừng hướng nội tìm tâm chấp trước, cũng không ngừng tu bỏ các tâm chấp trước. Tuy nhiên có một loại tâm chấp trước ngoan cố, nghênh ngang lúc ẩn lúc hiện, thậm chí vẫn luôn chi phối tư tưởng của tôi, vậy mà tôi lại không cảm thấy được, nó đã trở thành tự nhiên mất rồi. Nó còn khó nhận biết hơn cả loại tâm tật đố vốn cũng đã trở thành tự nhiên. Đó chính là tâm kiêu ngạo, tự cho mình là giỏi giang, cao minh hơn người khác.

Khi bị loại tâm này chi phối sẽ có các biểu hiện như sau:

1. Tự cao tự đại, cho rằng người thường đều vô cùng tầm thường hoặc ngu ngốc.

2. Không phục ai cả, chuyên nhìn vào khuyết điểm của người khác mà không nhìn ra ưu điểm.

3. Không để người khác động đến mình, nếu có ai động chạm đến, thì đó là một việc xấu xa, cần phải trừng phạt, giáo huấn đối phương, dường như muốn đẩy đối phương vào chỗ chết. Trong thâm tâm chính là nghĩ rằng ta đúng đắn, xuất sắc như vậy, ngươi nhỏ bé tầm thường lại dám động đến ta, cần phải được giáo huấn, để ngươi gánh chịu hậu quả.

4. Trong gia đình, giữa vợ chồng với nhau cũng biểu hiện rất mạnh mẽ: Anh phải nghe tôi, tôi là người giỏi hơn, còn anh không biết gì cả. Luôn thấy người ta không thuận mắt, làm gì cũng không phù hợp với quan niệm của mình, làm gì cũng không tốt, coi mình mạnh hơn đối phương.

5. Trong công tác xã hội cũng thấy lãnh đạo của mình không thuận mắt, không có năng lực lãnh đạo, nhất định là nhờ nịnh nọt mà leo lên, không phục. Khi đồng nghiệp làm tốt công việc, chỉ coi đó là vận may mà thôi, không có gì là giỏi.

6. Khi làm vị trí lãnh đạo, tôi cảm thấy năng lực lãnh đạo của mình quả không tệ, càng tăng thêm cảm giác tự mãn. Còn nếu lãnh đạo không tốt, nhân viên không nghe lời, đó là vì nhân viên tố chất quá kém, quá vì tư lợi, lười biếng, lại muốn được trả nhiều tiền. Dù sao thì mình cũng không sai, đều do người khác không tốt.

7. Trong khi làm mọi việc đều bị chi phối bởi cái tâm cho rằng mình giỏi nhất. Khi giảng chân tướng, tôi tự coi mình là người có tài ăn nói, học cao hiểu rộng. Nếu đối phương không tiếp thu, đó là họ bị mê quá sâu, bị đầu độc quá sâu, không thể cứu được. Trong tu luyện, tôi thấy mình tu luyện thật tốt, tâm nào cũng có thể tìm ra, có thể hướng nội tìm. Con các đồng tu khác thực sự là không biết tu, không tìm ra được tâm chấp trước, ngộ tính thật kém.

8. Khi bản thân lười biếng trong tu luyện, tôi liền kiếm cớ, cho rằng ai cũng có những lúc tiêu trầm, không tinh tấn.

9. Không chịu thua thiệt. Tôi luôn nghĩ bản thân mình giỏi như vậy, sao có thể để người khác kém cỏi hơn mình thắng thế, không được, không để người khác chiếm lợi thế, trong tâm cảm thấy oán hận. Còn khi mình chiếm lợi được liền dương dương tự đắc, tự cho rằng mình giỏi giang, có bản sự, mình quả là mạnh hơn người khác, căn cơ của mình thật tốt, đức nhiều, phúc nhiều.

10. Khi tôi gặp mâu thuẫn, bị người khác đụng chạm đến, trong tâm cảm thấy khó chịu, tôi sẽ nói mình có tâm truy cầu lợi ích, tâm cầu danh, chấp trước vào tình, có tâm tranh đấu, chứ không hề nghĩ đến việc mình có tâm cao ngạo, tự cho mình giỏi hơn người khác.

11. Trong khi cứu người, nếu gặp cản trở, tôi sẽ không muốn làm: Con người thật xấu, mình muốn tốt cho họ mà họ không biết cảm tạ mà còn lấy oán trả ơn, nói những lời khó nghe, tỏ thái độ, thậm chí còn báo với công an. Lẽ ra họ phải đội ơn mình mới đúng, lẽ ra phải cúi rạp xuống đất tạ ơn, chúng ta cứu họ như vậy, quả là một việc làm tốt đẹp. Họ không hiểu mà cảm ơn, không thấy được sự vĩ đại của chúng ta, thật quá hồ đồ, mê quá sâu rồi. Tôi là người thông minh trí tuệ, có thể nhận thức được sự tốt đẹp của Đại Pháp, còn họ mãi mãi không theo kịp.

Thế nhưng, là một người tu luyện mà thường xuyên hướng ngoại nhìn như vậy, quả thực đã quên mất mình tới đây để làm gì. Chúng ta tới đây để hưởng thụ sự tâng bốc tán dương của người khác chăng? Tới để người khác ngoan ngoãn phục tùng sao?

Thấy người khác ngưỡng mộ liền cảm thấy cao hứng, kiêu ngạo, còn khi người khác không xem trọng mình, thậm chí ức hiếp mình, liền thấy không vui.

Nếu như ai cũng không dám chọc giận bạn, mọi người đều nịnh nọt gian trá, không gây mâu thuẫn với bạn, thì bạn có thể tu lên được không? Những chấp trước kia có thể được phơi bày ra không?

Lẽ ra khi tâm chấp trước bị động đến thì nên thấy vui, vậy mà lại luôn dùng quan niệm người thường mà đối đãi, cảm thấy oán hận người động chạm đến tâm chấp trước của mình. Như vậy là người tu luyện hay là người thường? Nếu nhìn từ góc độ người tu luyện, không nên oán hận người “ức hiếp” mình. Nếu không có họ, tâm chấp trước của mình sẽ vẫn bị che giấu, không thể tu được.

Ngoài ra tôi cũng không sắp xếp cho đúng mối quan hệ giữa bản thân với chúng sinh và với đồng tu. Tôi luôn coi mình là trung tâm, đặt mình lên cao, muốn quản người khác, để làm thỏa mãn cảm giác mình giỏi giang hơn và mình có thể điều khiển người khác. Loại tâm kiêu ngạo đó khiến tôi luôn cảm thấy tức giận khi gặp những người vô lễ và ngang tàng. Tại sao vậy? Vì họ trực tiếp thách thức “quyền uy” và “địa vị” của tôi. Thế nhưng khi hướng nội tìm tâm chấp trước, tôi chỉ coi đây là tâm cầu danh cầu lợi, không hề nghĩ đến đây là tâm kiêu ngạo.

Ở bề mặt thì xung đột bắt nguồn từ lợi ích hoặc lời nói không đúng mực, chạm đến danh, lợi. Nhưng tại sao tôi lại tức giận đến như vậy? Nếu chỉ vì một chút danh, một chút lợi thì không thể khiến tôi tức giận đến như vậy. Chẳng lẽ là vì đối phương không lễ phép, không hiểu chuyện mà tức giận sao? Người ta không biết cách đối xử thì cũng không liên quan lắm đến mình, cũng không thể dẫn đến tức giận như vậy.

Trong gia đình, nếu những người bề dưới không nghe lời, tỏ thái độ vô lễ, tôi cũng không thể chịu được.

Như vậy với người trong gia đình, chỉ vì một chút thể diện mà tôi nổi giận lôi đình như vậy ư? Lại càng không phải vì lợi ích. Kỳ thực là tâm kiêu ngạo của tôi đã bị động chạm, cái tâm này không muốn cho ai động đến một chút nào.

Một số người lại thích tranh đấu, tại sao lại thích tranh đấu? Chỉ vì lợi ích, vì danh tiếng chăng? Không hẳn như vậy. Người trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đấu đá không ngừng, đến mức liều mạng, họ đều không ngu ngốc đến mức vì danh lợi mà liều mạng phải không? Kỳ thực là vì quyền lực, địa vị, bản chất là tâm kiêu ngạo đã khởi tác dụng – mình thật vĩ đại, quang minh, đúng đắn biết bao, mình cao minh hơn người khác, người khác đều phải cúi đầu quy phục.

Cựu thế lựctà linh cộng sản, chẳng phải là ngạo mạn đến cực điểm ư? Tâm này nếu không bỏ còn có thể gây tự tâm sinh ma. Cũng may là bây giờ tôi đã nhận thức ra được, nhất định phải bài trừ nó, nếu không sẽ gây hại cho cả bản thân mình và người khác.

Thiển ngộ của cá nhân, xin được chia sẻ cùng các đồng tu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/31/373142.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/15/171913.html

Đăng ngày 27-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share