Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý
[MINH HUỆ 23-12-2000]
Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.
Tiếp theo Phần 2
—
Nhạ Quỳnh Ba hỏi: “Tôn giả! Ngài nói rằng ban đầu tạo hắc nghiệp, vậy đó là chuyện gì?”
Milarepa nói: “Ban đầu tạo hắc nghiệp, chính là dùng chú thuật giết người và thuật tạo mưa đá gây ra ác nghiệp cực đại.”
Nhạ Quỳnh Ba lại hỏi: “Tôn giả! Ngài vì sao muốn tu luyện chú thuật?”
Milarepa trả lời: “Khi ta đang tu luyện ở một vùng Vô Thượng Quảng, có một ngày, thôn dân trên bình nguyên Gia Nga Trạch muốn mở một hội mừng, mời sư phụ của ta làm khách mời danh dự. Sư phụ liền đem ta đi cùng. Mọi người trong thôn đã chuẩn bị buổi tiệc cực kỳ thịnh soạn, hơn nữa còn dùng rượu ngon thượng hạng chiêu đãi sư phụ. Chà! Hôm đó rượu ngon của bọn họ quả thật là rất nhiều! Mọi người đều uống nhiệt tình, ta cũng uống một cách thoải mái đến quên cả bản thân, về sau, uống đến mức bụng trướng lên, đầu choáng váng, say mềm.
Sư phụ thấy ta đã say rồi, liền bảo ta cầm các thứ đồ cung dưỡng về chùa trước. Ta say ngà ngà, thân thể uể oải, tâm trạng vui vẻ vô ưu mà men theo con đường nhỏ trên sườn núi, trên đường ngã trái ngã phải, hai chân mềm oặt bước thấp thểnh đi về phía chùa. Trên đường đi ta chợt nghĩ đến người ca hát trong buổi tiệc, họ hát vô cùng êm tai, nghĩ ngợi miên man, cổ họng bản thân cũng cảm thấy ngứa ngáy, không kìm lòng được mà cũng hát to lên.
Giọng ca của ta vốn cũng có chút danh tiếng trong làng, hôm nay đã say, lại có hứng thú, giọng hát cũng rất vang, hơn nữa lời ca cũng hay, tinh thần như bay bổng trong hư không, hai chân bồng bềnh như bay, vừa đi vừa nhảy, vừa múa vừa ca, bất tri bất giác mà đã đến con đường về nhà rồi. Một mạch đến cổng, ta còn huơ tay múa chân ca hát. Khi đó mẫu thân ta đang sao lúa mì, nghe thấy âm thanh thì vô cùng lấy làm lạ, lầu bầu nói: ‘Giọng hát của người này, hình như là giọng hát của con trai ta! Nhưng trên thế giới không có người nào có thể khổ hơn mẹ con chúng ta nữa, con của ta sẽ không hát với tâm trạng vui vẻ như vậy đâu!’ Mẫu thân vừa ngạc nhiên vừa hoài nghi, trong tâm không tin, liền chạy tới cửa sổ ngó một cái. Nhìn thấy đúng là ta, bà tức giận đến run người, tay phải lập tức lấy kẹp gắp than vứt xuống đất, tay trái cầm gậy xúc lúa mì quăng xuống đất, cũng mặc kệ cho lúa mì bị đốt cháy. Tay phải lấy một cái gậy, tay trái nắm một nắm tro bếp, rồi từ trên cầu thang chạy xuống, chạy đến ngoài cửa, tay trái cầm nắm tro vãi cả vào mặt ta, cầm gậy đánh tới tấp vào đầu ta, quát lớn rằng: ‘Mật Lặc Tưởng Thái ơi! Chàng xem đứa con trai này của chàng đi! Đời sau của chàng tuyệt hậu rồi! Chàng hãy nhìn số phận của mẫu tử chúng ta đi!’
Bà vừa kêu vừa khóc, giận đến mức té xỉu xuống đất. Lúc này, Tỳ Đạt, em gái ta, cũng chạy từ trong nhà ra, vừa khóc vừa nói: ‘Đại ca! Huynh suy nghĩ một chút đi! Huynh xem mẫu thân đã thành ra nông nỗi gì rồi!’
Ta đột nhiên gặp phải một cơn thịnh nộ như vậy, mơ mơ màng màng; nghe lời em gái nói, mới hồi tỉnh lại. Xấu hổ và bi phẫn một hồi, nội tâm ta đau đớn và day dứt sâu sắc, nước mắt không ngừng tuôn. Ta và em gái vừa khóc vừa nắm tay mẫu thân, lay thân thể của mẫu thân, gọi mẫu thân tỉnh dậy. Một hồi lâu mẫu thân mới tỉnh lại, hai mắt bà rưng rưng nước mắt nhìn ta nói: ‘Con à! Trên thế giới này còn có người khổ hơn mẫu tử ta sao? Con vẫn còn hát ca với tâm trạng sung sướng như này sao? Con chỉ cần đem mẫu thân của con – cái bà già này – ra mà nhìn xem, con muốn khóc cũng không khóc được!’
Mẫu thân ta nói xong lại gào khóc, ta và em gái cũng khóc lớn theo mẹ. Sau đó, ta nén đau thương, dứt khoát nói với mẫu thân: ‘Mẫu thân à, người đừng đau lòng như thế nữa, lời của người hoàn toàn đúng, con bây giờ hạ quyết tâm. Mẫu thân, nếu như có nguyện vọng nào, bất luận muốn con làm gì, con nhất định sẽ làm được!’
Mẫu thân ta nói: ‘Ta muốn con trả thù những kẻ thù đáng hận mặc áo lông cừu (địa chủ) và cưỡi ngựa béo! Chúng ta thế cô lực yếu, biện pháp báo thù duy nhất chỉ có là dựa vào phép tru giết và chú thuật. Ta muốn con học tinh thông phép tru giết, chú thuật, phép tạo mưa đá, sau đó trở về, dùng chú thuật giết chín đời con cháu của cô bác con và những người hàng xóm đã đối xử tệ bạc với chúng ta! Đây là tâm nguyện duy nhất của ta, con có thể làm được không?’
Ta không do dự nói: ‘Con nhất định làm được, con xin mẫu thân nhanh chóng giúp con chuẩn bị lộ phí và đồ cung dưỡng cho thượng sư!’
Thế là mẹ ta bán đi một nửa thửa ruộng Thiết Ba Tiền Quỳnh, dùng số tiền này để mua một miếng đá quý tên là ‘Cự tinh quang’. Sau này bà lại mua thêm một con ngựa trắng có tên là ‘Sư tử không yên [ngựa]’ (Senge Submey), thêm một thùng thuốc nhuộm, một bộ da trâu để sau này cung dưỡng thượng sư và làm lộ phí đi đường. Rồi ta ở lại nhà trọ Nhược Cung Thác (Lhundup) ở Cống Đạt Hưởng (Gungthang) vài ngày để đợi bạn đồng hành.
Không lâu sau có năm thanh niên khá giả từ vùng Ngari Dol đến, họ đều muốn đến Vệ Tạng học Pháp và chú thuật. Ta rất vui khi gặp được cơ hội hiếm có như vậy, liền đề nghị kết bạn đồng hành cùng họ, họ cũng rất muốn có thêm bạn cùng đi, liền quyết định đồng hành cùng ta.
Ta liền đưa họ đến Cống Đạt Hưởng và ở nhà ta vài ngày. Mẫu thân nhiệt tình khoản đãi họ, trước khi chia tay mẫu thân ta nói với họ: ‘Các vị, Văn Hỷ của ta là một đứa trẻ chưa hiểu chuyện, bản thân không có chí tiến thủ, mong các vị thường xuyên khích lệ nó, bảo nó học chú thuật cho tốt, khi trở về ta nhất định báo đáp các vị!’
Họ đều đáp ứng thi thoảng sẽ chiếu cố ta, và xin mẫu thân yên tâm.
Thế là chúng ta lên đường, thuốc nhuộm và hành lý đều để trên ngựa, ngọc thì cất ở trong người. Mẫu thân tiễn chúng ta một đoạn đường rất xa, dọc đường uống rượu tiễn biệt chúng ta, lại dặn dò mấy vị bằng hữu kia hãy chiếu cố cho ta. Sau đó lại đặc biệt gọi một mình ta đến bên cạnh, nắm chặt lấy tay ta. Cảm giác biệt ly cứ chất đầy trong tim hai mẹ con chúng ta, làm nghẹn hơi thở của chúng ta, hai mẹ con trầm mặc nhìn nhau, muôn lời muốn nói trong lúc ấy lại không nói ra được. Mất rất nhiều sức lực, cuối cùng mẫu thân cũng phá tan bầu không khí im lặng: ‘Con à! Con hãy nghĩ đến sự hội ngộ của mẹ con ta! Cho dù thế nào con cũng phải nguyền rủa cái làng này đấy! Các bạn của con có mục đích học chú thuật khác với chúng ta, bọn họ chỉ muốn dựa vào chú thuật để nuôi sống bản thân! Nhưng con phải cố gắng tinh tấn nhé! Con à! Nếu con không thể nguyền rủa được cái làng này mà lại quay về, thì mẹ của con chắc sẽ chết trước mặt con đấy!’
Ta xúc động thề với mẫu thân rằng: ‘Mẫu thân, con mà học không thành công, con quyết không trở về! Xin người hãy yên tâm!’
Ta dần dần rút bàn tay bị nắm chặt ra, trở lại cùng các bạn, cáo biệt mẫu thân. Nhưng trong tâm ta không buông bỏ được mẫu thân, đi về trước mấy bước lại quay đầu lại nhìn, đi mấy bước lại quay đầu lại nhìn, nước mắt tuôn rơi. Mẫu thân dường như cũng không bỏ đi, cứ mãi đến lúc nhìn không rõ vẫn dõi theo hướng ta đi, ta rất muốn chạy lại để nhìn mẫu thân lần nữa. Lúc ấy trong nơi sâu thẳm trái tim, cứ cảm thấy phảng phất có lời nói với ta, đây là lần cuối cùng ly biệt giữa mẹ con chúng ta, từ sau lần này ta sẽ không được gặp mẫu thân nữa!
Mẫu thân cứ đợi mãi đến khi không nhìn thấy bóng dáng ta, mới khóc trở về nhà. Mấy hôm đó người trong làng đều biết con của Bạch Trang Nghiêm Mẫu đã đi học chú thuật rồi.
Chúng ta hướng đến đường lớn Vệ Tạng để xuất phát, khi đến Nhã Cổ Thái (Yakde) của vùng Tạng Châu Ung (Tsangrong), ta bán thuốc nhuộm và ngựa cho nhà giàu ở địa phương, đổi lấy vàng mang theo bên thân. Vượt qua sông Tạng Bố (Tsang Po) chuyển hướng đến đất Vệ mà tiến. Đến vùng Nhữ Cổ ở Thác Hồng (Tuhnlok Rakha), gặp được rất nhiều hoà thượng của đất Vệ, ta hỏi thăm họ, đất Vệ có người nào tinh thông chú thuật, phép tru (giết) và phép làm mưa đá. Có một hoà thượng nói với ta, ở vùng Ba Thông (Yarlung) có một vị lạt ma có tên là Ung Đồng Đa Giáp (Yungton Trogyel), ông ta là hành giả chân ngôn đã đắc được thành tựu về chú thuật và phép tru (giết). Thế là chúng ta bèn khởi hành đến Ba Thông. Đến Ba Thông, dâng lễ lên lạt ma Ung Đồng Đa Giáp. Năm người học đi cùng, mỗi người hiến cho vị sư phụ này một phần cung dưỡng. Ta lấy vàng, ngọc và tất cả những thứ khác đều cung dưỡng cho ông, và quỳ trước ông nói rằng:
‘Không chỉ là những vàng, ngọc và tất cả những vật chất này đều cung dưỡng cho thượng sư, đến cả hết thảy thân, khẩu, ý của con cũng đều cung dưỡng cho ngài. Sư phụ à! Hàng xóm và họ hàng của con đã làm những việc cực kỳ tàn bạo có lỗi với nhà con, con muốn dùng chú thuật để trừng phạt họ, xin lão nhân gia truyền cho con chú thuật tốt nhất! Đồng thời cơm áo dùng trong khi con ở đây học pháp thì cũng nhờ vào lão nhân gia ban cho!’
Lạt ma nghe xong lời của ta, cười cười nói rằng: ‘Ta phải từ từ xem xem lời con nói có thật không!’
Thượng sư không hề dạy cho chúng ta chú thuật tinh thâm nhất, chỉ dạy một vài ác chú, và một số khẩu quyết và tu pháp. Một chút pháp này phải dùng thời gian một năm mới truyền thụ hết. Truyền hết những chú pháp này, bạn học của ta đều chuẩn bị trở về, lạt ma thưởng cho mỗi người một bộ áo lông cừu ở đất Vệ. Nhưng ta lại không hề tự tin, trong tâm thầm nghĩ, nếu như lấy những chú thuật này ra để báo thù, chỉ e không có chút hiệu lực nào, đem những chú thuật vô dụng này trở về, mẫu thân nhất định sẽ tự sát. Nghĩ một lát, bèn quyết định chưa về vội. Bạn học của ta nói với ta: ‘Văn Hỷ! Huynh không về ư?’
Ta nói: ‘Ta sao lại không muốn về chứ? Chỉ là chú thuật học chưa đến nơi đến chốn, không dám về.’
Năm người bọn họ đều nói: ‘Những khẩu quyết này cũng vô cùng tinh thâm rồi! Bản thân lạt ma cũng nói khẩu quyết tinh thâm hơn thế nữa thì không có! Chúng ta đều tự tin sau khi trở về quê nhà, danh dự và địa vị sẽ không thành vấn đề! Chẳng qua nếu huynh muốn ở lại tiếp tục, chúng ta cũng không phản đối, cứ theo ý của huynh thôi!’
Thế là năm người họ liền đến trước thượng sư lễ bái cáo biệt, lên đường trở về. Ta cũng lấy áo mà thượng sư thưởng cho đem mặc, tiễn bọn họ nửa ngày đường. Trên đường trở về nhà của thượng sư, trên đường nhặt lấy phân ngựa, nhặt được một bao to, đem bón cho mảnh ruộng tốt nhất của thượng sư. Lúc đó, thượng sư đang ở trong phòng nghỉ, nhìn thấy ta qua cửa sổ, ông liền nói với một vị đệ tử khác: ‘Đệ tử đến chỗ ta học pháp rất nhiều, nhưng không có ai tốt như Văn Hỷ, sau này chỉ e không còn đồ đệ nào tốt như cậu ta nữa! Sớm hôm nay cậu ta chưa từng đến chỗ ta cáo từ, là biểu thị cậu ấy vẫn còn muốn trở lại. Lúc cậu ta mới đến đã nói với ta, họ hàng và hàng xóm cậu ta có lỗi với nhà cậu ta, xin ta truyền cho chú thuật để báo thù. Cậu ta lại nói cung dưỡng cả thân, khẩu, ý cho ta; quả nhiên là người thật lòng. Nếu như lời cậu ta nói toàn là thật, vậy thì không truyền chú thuật cho cậu ta thì có phần quá đáng tiếc.’
Vị đồng học này liền đem những lời của thượng sư nói với ta, trong tâm ta rất vui mừng, biết rằng còn có chú thuật khác vẫn có thể truyền cho ta, liền vui vẻ chạy đến trước mặt thượng sư. Thượng sư nói: ‘Văn Hỷ! Con không về là có đạo lý gì?’
Ta cởi chiếc áo mà thượng sư thưởng cho ta, lại cung dưỡng cho ông, làm lễ đầy đủ, nói rằng: ‘Thượng sư lão nhân gia! Chú thím và hàng xóm của con, đã làm những chuyện rất có lỗi với ba mẹ con con! Bọn họ dựa vào thủ đoạn không chính đáng, đã chiếm lấy tài sản của chúng con, gây ra cho chúng con biết bao thống khổ. Chúng con không có sức để báo thù, cho nên mẫu thân bảo con đi học chú thuật; giả như chú thuật của con không tinh thì khi trở về nhà, mẫu thân con từng nói, bà nhất định sẽ tự sát trước mặt con! Cho nên con không thể trở về. Xin thượng sư thương xót, truyền cho con chú thuật thù thắng nhất ạ!’
Vừa nói, không ngăn nổi xúc động bèn khóc rống lên. Lạt ma hỏi ta: ‘Họ hàng và hàng xóm của con bắt nạt nhà con thế nào?’
Ta liền đem chuyện phụ thân Mật Lặc Tưởng Thái qua đời rồi cô mẫu và bá phụ chiếm lấy di sản và ngược đãi chúng ta thế nào, vừa khóc vừa nói, đã tường thuật chi tiết một lượt. Thượng sư nghe rồi, cũng không nhẫn được mà rơi nước mắt. Thượng sư nói: ‘Nếu như những lời con nói là thật, bọn họ quả thực quá đáng trách. Còn như người cầu chú thuật của ta, từ các nơi đến đều có; từ Nga Nhật Tam Châu (Ngari Korsum) đến cung dưỡng trăm nghìn vàng kim và ngọc ngà; từ Vệ Tạng đến cung dưỡng trăm nghìn nhung, bơ và thanh khoả; từ ba vùng Đa, Khang, Cống đến cung dưỡng rất nhiều trà và tơ điều; từ ba vùng Kháp, Tha, Khổng (Jyayul, Dakpo, Kongpo) đến cung dưỡng trên nghìn ngựa, bò, dê. Nhưng mà, dùng thân khẩu ý đến cung dưỡng thì chỉ có một mình con! Nhưng mà, ta không thể truyền thụ cho con chú thuật. Thế này! Ta hôm nay sẽ phái một người đi điều tra xem lời con nói có phải thật không đã!’
Trong các bạn học chúng ta, có một người Phi Mao Thối (Nub Khulung), chạy còn nhanh hơn cả ngựa, đứng dậy thì to lớn như một con voi. Thượng sư liền phái anh ta đến quê nhà ta điều tra. Chẳng đến mấy ngày, anh ta quay trở lại nói với thượng sư: ‘Sư phụ lão nhân gia! Những lời của Văn Hỷ đều không sai, xin ngài hãy truyền cho anh ta chú thuật tốt nhất!’
Thượng sư nói với ta: ‘Văn Hỷ! Đầu tiên nếu ta truyền cho con chú thuật, sợ con người ngây thơ như con sẽ hối hận; hiện giờ đã biết tất cả đều không phải là giả, ta sẽ truyền cho con chú thuật. Ta có hai mật pháp: một là ‘sát pháp hanh’, một cái là ‘huỷ pháp phi’; có một vị lạt ma tên là Cổ Dung Ba (Yonten Gyatso) công đức lớn như biển, sống tại làng Tây Khích (Khulung) ở Vệ Châu, ông ta tinh thông y dược, lại sở trường về chú thuật. Ông ta cũng có một mật chú, gọi là phép gọi mưa đá, chúng ta truyền thụ mật pháp của tự mình cho nhau rồi, liền trở thành bạn chi giao. Từ đó, phàm là những người đến chỗ ta học chú thuật, ta đều đưa sang chỗ ông ta; ông ta cũng đưa người học chú thuật bên đó sang chỗ ta. Lần này con cũng không ngoại lệ, sẽ bảo con trưởng của ta đưa con đi một chuyến!’
Sư phụ chuẩn bị đồ ăn cho ta, lại cho ta len dạ tốt của Vệ châu; còn cho ta một số lễ phẩm dùng để cung dưỡng cho sư phụ Cổ Dung Ba. Chúng ta đều đeo những thứ này trên lưng ngựa, hướng Tạng châu xuất phát.
Đến làng Tây Khích, hội kiến lạt ma Cổ Dung Ba, ta mang những lễ phẩm dâng lên cho ông ấy, sau đó lại đem những chuyện đau buồn và lý do cầu phép tru (giết) thuật lại tường tận một lượt, khẩn cầu lạt ma truyền cho ta chú pháp. Lạt ma nói: ‘Ung Đồng Đa Giáp lạt ma với ta là chỗ sinh tử chi giao, ông ấy đưa các người đến nhất định là có lý do rồi, ta đồng ý truyền thụ cho ngươi phép tru bí mật. Chẳng qua, bước đầu tiên các ngươi phải tìm nơi không ai nhìn thấy để xây một căn luyện pháp đường.’
Hai chúng ta bèn tìm nơi vắng vẻ ở dưới chân núi, xây dựng nên một luyện pháp đường sơ sài. Dùng một khối đá to như con bò để che giấu căn phòng.
Thượng sư vào trong luyện pháp đường, truyền thụ cho ta khẩu quyết bí mật của chú thuật.
Ta tu pháp ở trong đường được bảy ngày, lạt ma liền nói với ta: ‘Trước giờ, pháp tu này chỉ tu bảy ngày là đủ, nay ngươi cũng chỉ cần tu bảy ngày là đủ rồi!’
Nhưng ta nói chỗ mà ta muốn tru (giết) ở rất xa, xin hãy để ta tu tiếp bảy ngày nữa! Đến ngày thứ 14, thượng sư lại nói với ta: ‘Tối hôm nay, ở bên cạnh Mạn Đà La (pháp đàn), sẽ có biểu hiện thành quả của phép tru (giết).’
Quả nhiên, khi trời tối, Hộ thệ Tam Muội Gia Thần (tiếng Phạn, Tam Muội Gia có nhiều nghĩa, chỗ này có nghĩa lời thề ‘không vượt qua’, chỉ thần hộ pháp của Mật giáo) trong tay cầm 35 cái đầu người và quả tim nói với ta: ‘Việc mà các người bảo ta làm chính là cái này!’
Sáng sớm ngày thứ 20, lạt ma lại tới nói với ta: ‘Thần hộ pháp nói với ta, người đáng giết, còn có hai người, còn muốn giết hay không?’
Ta thoả lòng nói: ‘Để bọn họ còn sống trên đời để chứng kiến, xem xem báo ứng của mình, xin hãy tha cho họ!’
Bởi vì như vậy, ta mới để cho cô mẫu và bá phụ còn sống mà chưa giết chết. Cuối cùng, chúng ta lại tu pháp cung dưỡng Hộ thệ Tam Muội Gia Thần, tiễn Hộ thệ Tam Muội Gia Thần trở về, tán phép giải đàn.
Lúc đó ở quê nhà ta Gia Nga Trạch, minh chứng sự linh nghiệm của chú thuật là gì? Vốn là hôm đó đúng vào ngày cưới của con trai cả của chú, đã mời đến rất nhiều khách khứa đến nhà ăn uống. Những người đó lúc trước giúp cô mẫu bá phụ bắt nạt chúng ta có hơn 30 người đều cùng đến nhà của chú để ăn mừng. Ngoài ra còn có một nhóm những người đồng tình với chúng ta cũng được mời đến, đang chầm chậm đi đến nhà của chú, mọi người vẫn còn đang bàn luận những chuyện không phải của chú thím. Có người nói: ‘Tục ngữ nói khách biến thành chủ, chủ biến thành cẩu nô. Lời này quả là đúng; những người ác này đúng là không muốn gặp, đã chiếm gia sản của Văn Hỷ lại còn ngược đãi mẹ con họ; Văn Hỷ đi học chú rồi, nếu như chú thuật không tới, báo ứng tam bảo sớm muộn gì cũng sẽ tới!’
Lúc đó cả nhà cô mẫu và bá phụ đều bận tiếp đãi khách, những người đến ăn mừng đều vui vẻ uống rượu. Một người trước kia từng làm công cho nhà ta lại làm giúp việc cho nhà chú, xuống lầu để lấy nước; bước xuống đến dưới lầu, nhìn thấy toàn mặt đất là bọ cạp lớn, rắn lớn và cua lớn bò lổm ngổm. Bọ cạp lớn dùng càng của chúng bám vào cột trụ của nhà, muốn cắt đứt cột trụ. Cô ta kinh sợ quá, thất thanh hét lớn chạy ra cổng.
Ngày hôm đó dưới lầu toàn là ngựa của khách khứa, trong đó một con ngựa muốn ăn hiếp một con ngựa cái, những con ngựa đực còn lại không phục, náo loạn cả lên, con ngựa cái hung hăng muốn đá con ngựa đực, nhưng không biết thế nào, đá một cái lại làm cho cột trụ đổ. Nói thì chậm mà lúc đó nhanh lắm, cả căn nhà ầm ầm đổ sụp xuống, chỗ nào cũng nghe thấy tiếng kêu khóc. Con của chú, tân lang và hơn ba mươi người khác tất cả đều bị đè chết. Cả mặt đất chỉ thấy căn nhà sụp đổ, bao phủ một lớp tro bụi dày; dưới gạch ngói vỡ vụn là một đống thi thể.
Lúc đó muội muội ta Tỳ Đạt đang ở gần đó nhìn thấy tình cảnh đó, lập tức chạy về nhà, vội vàng nói với mẫu thân: ‘Mẫu thân! Người nhìn xem? Nhà của bá phụ sập rồi, đã chết rất nhiều người!’
Mẫu thân không tin lắm, nhưng trong tâm lại mừng thầm, liền chạy vội ra xem. Nhìn thấy nhà của chú, chỉ còn lại đống gạch vụn, cả bầu trời là tro bụi bao phủ. Mẫu thân vừa kinh vừa mừng, vội vàng xé một miếng trên bộ quần áo lam lũ, buộc vội vào một cái gậy dài, vừa vẫy cái cờ vải rách vừa chạy ra ngoài, lớn tiếng hô lớn: ‘Mọi người nhìn xem! Ông trời ơi! Lạt ma ơi! Tam bảo ơi! Xin hãy nhận lấy cung dưỡng! Hàng xóm láng giềng ơi! Nói cho mọi người rằng! Mật Lặc Tưởng Thái chẳng phải là có con trai sao? Bạch Trang Nghiêm Mẫu ta mặc quần áo rách, ăn đồ ăn hỏng, nuôi con ta học chú thuật, mục đích chẳng phải là đạt được rồi sao? Các vị xem đi! Cô mẫu bá phụ đó từng thách thức người nhiều thì đánh một trận, người ít thì đi làm chú thuật với chúng ta đi. Các vị xem, hiện nay thế nào? Hiện giờ Văn Hỷ chỉ làm có một chút xíu chú thuật, mà còn lợi hại hơn cả đánh một trận lớn. Các người xem đi! Người ở bên trên, tài sản ở giữa, và súc vật ở dưới! Ta sống đến hôm nay chưa chết, có thể nhìn thấy con ta diễn ra một màn kịch, Bạch Trang Nghiêm Mẫu ta thật vui mừng muốn chết! Ha ha ha ha! Cả đời này của ta chưa bao giờ sướng thế này! Các vị xem đi! Các vị xem đi!’
Bà vừa vẫy cờ, vừa kêu la, vừa chạy, đúng là vui sướng cực kỳ. Cô mẫu bá phụ và toàn dân làng đều nghe thấy, trong đó có người nói: ‘Những lời bà này nói đúng là đáng sợ!’
Một người khác nói: ‘Đúng thì là đúng, chỉ là nói hơi quá một chút!’
Người ta nghe nói ta dùng chú thuật giết chết nhiều người thế, mọi người đều tập hợp lại nói: ‘Bà này đã gây ra chuyện lớn như vậy, lại còn vui sướng đến khắp nơi kêu la, chúng ta nhất định moi hết ruột gan bà ấy ra!’
Có người già khuyên can: ‘Cứ cho là giết bà ấy đi, thì có tác dụng gì đây? Như vậy chẳng phải khiến con trai bà ta càng hận chúng ta, lại làm chú thêm nhiều người chết nữa mà thôi. Chúng ta cần nghĩ cách giết Văn Hỷ đi, rồi mới giết bà ta, như vậy sẽ không có vấn đề!’
Như vậy họ không tính chuyện giết mẫu thân ta. Nhưng bá phụ nghe xong liền nói: ‘Con trai ta cũng chết rồi, con gái cũng chết rồi, ta cũng phải liều mạng với bà ta, không muốn sống nữa!’
Vừa nói liền muốn chạy ra giết mẫu thân ta. Mọi người vội ngăn ông ấy lại nói: ‘Đều là tại ông, nên mới xảy ra chuyện này; Hiện giờ, Văn Hỷ vẫn còn sống, nếu như bây giờ ông giết chết Bạch Trang Nghiêm Mẫu, Văn Hỷ lại làm chú thuật nữa thì chúng ta sẽ không sống nổi. Nếu như ông không nghe chúng ta, chúng ta trước hết sẽ giết ông!’
Như vậy mới can được bá phụ. Người làng liền bàn bạc phái người đi giết ta. Cậu của ta đến chỗ mẫu thân nói: ‘Hôm qua những lời chị nói và những việc chị làm, khiến cho người làng mọi người đều muốn giết chết chị và con trai chị, chị có cách phòng bị chưa vậy? Ài! Làm một lần chú thuật là đủ rồi! Hà tất phải gây công phẫn!’
Mẫu thân nói: ‘Ài! Cậu vẫn không hiểu chúng ta sao? Những việc này ta cũng biết rõ là thế, ta chỉ là báo thù những người đã đoạt lấy tài sản của chúng ta, thì mới gieo hạt giống ác này! Oan cừu này dùng thước cũng không thể đo đếm cho rõ được!’
Không nói lời nào nữa, mẫu thân chỉ khóc lóc. Cậu thở dài nói: ‘Lời chị nói đương nhiên cũng đúng, nhưng mà, chỉ e những người muốn giết chị sắp tới, chị hãy cứ khoá cửa lại!’
Mẫu thân liền khoá kỹ cửa lại, ở trong phòng nghĩ tới nghĩ lui, vô cùng bất an. Người hầu nữ trước kia của chúng ta, bởi vì thương xót mẫu thân ta, liền lén lút chạy tới chỗ mẫu thân nói: ‘Bọn họ hiện giờ không muốn hại bà, họ muốn hại thiếu gia, bà hãy mau chóng báo cho cậu ấy, để cậu ấy cẩn thận một chút mới tốt!’
Mẫu thân nghe lời cô ấy rồi mới tạm thời yên tâm.
Mẫu thân lại đem mảnh ruộng Thiết Ba Tiền Quỳnh bán đi một nửa, tổng cộng bán được bảy lượng vàng. Muốn đưa số tiền này cho ta, lại không tiện bảo người trong làng đưa. Cuối cùng đang lúc nghĩ tự mình đưa, thì vừa khéo có một hành giả Yoga ở đất Vệ đến Nepal bái núi, đi đến chỗ làng ta, cầm bát đi hoá duyên. Mẫu thân hỏi cho rõ ràng lai lịch của ông ta xong, cảm thấy ông ta rất thích hợp để làm sứ giả đưa tin; thế là mẫu thân nói với ông ta: ‘Sư phụ! Mời ông lưu lại chỗ này năm sáu ngày; con trai ta hiện giờ đang ở đất Vệ Tạng học pháp, ta muốn viết một phong thư cho nó, muốn nhờ sư phụ mang giúp cho.’
Vị hành giả Yoga nhận lời, mẫu thân liền chiêu đãi ông ấy mấy ngày.
Buổi tối hôm đó, mẫu thân châm đèn, quỳ trước Thần phát nguyện nói: ‘Tâm nguyện của con nếu được hiện thực, xin cho ngọn đèn này không bị dập tắt; nếu tâm nguyện con không thể như ý, xin hãy lập tức dập tắt; cầu xin tổ tiên của Văn Hỷ, thần hộ pháp khai thị.’ Sau khi phát nguyện, ngọn đèn suốt đêm không tắt, bởi vậy mẫu thân tin rằng dự định nhất định có thể thành công. Thế là ngày thứ hai bà liền nói với hành giả đi lên núi: ‘Sư phụ, người đi bái núi thì quần áo và giày đều rất cần, quần áo của ông hãy để ta sửa sang, ngoài ra ta còn tặng ông một đôi đế giày nữa!’
Nói xong liền đưa cho ông ấy một miếng da vừa dài vừa lớn làm đế giày, lấy chiếc áo cũ kỹ xuống dùng vải vá xong xuôi rồi. Ở chỗ áo lót, để bảy miếng vàng, cất giấu ở bên trong, dùng vải đen che kín lại, trong miếng vải đen lại dùng vải thô màu trắng, khâu thành sáu ngôi sao nhỏ, lại dùng vải che những ngôi sao nhỏ này, lại không để cho hành giả biết được. Ngoài ra còn tặng cho vị hành giả rất nhiều lễ vật, trên phong thư có một dấu ấn, rồi giao phong thư cho hành giả, để ông ấy mang đi.
Lúc này trong tâm mẫu thân thầm nghĩ: ‘Hiện giờ trong những người trong làng, không biết có chú ý gì không, phải dùng biện pháp này để doạ họ một trận.’ Bèn nói với em gái Tỳ Đạt: ‘Hôm qua vị hành giả kia có mang về thư của anh con.’ Tỳ Đạt liền đi khắp nơi nói với mọi người, để mọi người biết rằng ta có thư gửi về nhà. Mẫu thân phỏng theo khẩu ngữ của ta viết một bức thư giả, trong thư nói: ‘Kính gửi mẫu thân, chú tru giết có hiệu lực, lòng con rất vui mừng. Nếu dân làng có kẻ nào vô lễ với mẫu thân và Tỳ muội, thì xin hãy cho biết danh tính gia tộc, để tiện phát chú. Con dùng chú thuật lấy tính mạng người ta dễ như trở bàn tay, tru diệt cửu tộc, diệt tận gốc rễ, như lấy đồ trong túi vậy. Nếu dân làng toàn bộ bất lương, xin người và Tỳ muội rời xa khỏi chỗ ấy. Con từ khi xa quê, không có đồng nào, mà nay tài sản đầy khố, dùng mãi không hết, con Văn Hỷ bái thượng.’
Lại in lên một cái ấn giả, đầu tiên để cho những người thân quen với cô mẫu bá phụ xem, sau đó đem thư đến để ở chỗ của cậu. Cứ như vậy, bọn họ lại càng thay đổi kế hoạch không dám nghĩ đến việc sát hại chúng ta nữa; cũng do sức mạnh của bức thư này, dân làng cũng yêu cầu chú giao lại mảnh ruộng Nga Mã Tam Giác cho mẫu thân.
Lại nói về vị hành giả lên núi kia, nghe nói ta sống ở suối Tây Đoan, bèn đến suối Tây Đoan tìm ta. Thuật lại một lượt rõ ràng chi tiết về mẫu thân và em gái và tình hình trong làng; rồi lại trao bức thư của mẫu thân cho ta. Ta lấy bức thư đến chỗ không người mở ra xem, trong thư viết rằng: ‘Văn nhi, mẫu thân rất khoẻ, không phải nhớ nhung. Ta có đứa con như thế này cũng không đáng tiếc; Phụ thân Mật Lặc Tưởng Thái ở dưới suối vàng, cũng có thể ngậm cười rồi. Con phát chú kết quả làm đè chết 35 người kẻ thù. Dân làng kế bên muốn mật phái thích khách, âm mưu giết con, sau đó là đến ta, cho nên phải thường xuyên cảnh giác. Bọn họ vẫn ôm tâm báo thù, sẽ không tha thứ, nên làm mưa đá cao chín tầng, phá huỷ mùa màng của họ, ấy là mong muốn của mẹ. Nếu học phí đã hết, thì có thể ở núi phía Bắc, nơi sâu thẳm mây đen, sáu ngôi sao phát quang, có bảy hộ họ hàng nhà ta, lấy chúng ra. Nếu con không biết chỗ ở của họ hàng, thì chỗ sơn thôn ở chỗ nào, từ đó tìm trên thân của hành giả sẽ thấy. Trong sơn thôn này, chỉ có một mình hành giả sinh sống, không cần ông ta tìm. Mẫu thân: Bạch Trang Nghiêm.’
Ta đọc xong thư, không hiểu trong thư viết là ý gì, nghĩ đến quê nhà, nghĩ đến mẫu thân. Sơn thôn và họ hàng mà trong thư viết cũng không rõ, học phí cần dùng để cung dưỡng cũng không lấy được, không ngăn được nước mắt cứ tuôn rơi. Khóc một trận, lau khô nước mắt, đến chỗ hành giả nói: ‘Nghe nói ngài biết chỗ sơn thôn mà họ hàng ta ở, xin ngài nói với ta được không?’
Hành giả nói: ‘Ta chỉ nghe nói vùng Cống Đắc Kháng ở dưới chân núi Himalaya có họ hàng của ngươi!’ Ta hỏi ông ấy: ‘Ngài còn biết chỗ nào khác không? Xin hỏi quê nhà của ngài ở chỗ nào?’ Hành giả nói: ‘Trừ sơn thôn ra, ta còn biết rất nhiều, nhưng mà họ hàng ngươi sống ở chỗ nào ta lại không biết; ta là người đất Vệ!’ Ta nói: ‘Vậy xin ngài đợi một lát, ta sẽ quay lại!’
Ta liền đem thư đến hỏi thượng sư, nói qua một lượt về tình hình đã xảy ra. Thượng sư nói: ‘Cơn giận của mẹ con quả là không nhỏ! Đã giết nhiều người thế vẫn chưa đủ, còn muốn làm mưa đá!’ Lại hỏi tiếp: ‘Họ hàng của con ở chỗ nào ở phương Bắc?’ Ta trả lời: ‘Con từ trước tới giờ chưa nghe nói ở phương Bắc có họ hàng gì cả, nhưng trong thư lại viết rõ ràng như thế; con hỏi vị hành giả lên núi kia, ông ta cũng nói không biết, rốt cuộc là chuyện gì chứ?’
Lúc ấy, sư mẫu Trí Huệ Không Hành cũng ở đó, xem thư xong liền nói: ‘Con bảo vị hành giả kia đến đây!’ Sư mẫu bèn châm một bồn lửa lớn, mời hành giả sưởi ấm và uống rượu. Sư mẫu chỉ thiên vẽ địa, nói đông nói tây, thuận tiện bèn từ phía sau của hành giả, cởi lớp áo của ông ta xuống, khoác lên thân của mình nói: ‘Mặc bộ quần áo cũ rách này đi bái sơn, phúc khí nhất định sẽ tới.’ Vừa nói, liền bước đông bước tây đi lên lầu. Sư mẫu rạch bên trong của y phục, lấy ra được vàng xong, lại vá trở lại, trả lại bộ y phục cho hành giả, chiêu đãi ông ta ăn cơm, giữ lại qua đêm.
Sư mẫu nói với ta: ‘Văn Hỷ! Văn Hỷ! Đến chỗ thượng sư coi!’ Ta và sư mẫu cùng đến chỗ thượng sư, sư mẫu đưa cho ta bảy lượng vàng. Ta rất kinh ngạc hỏi: ‘Chỗ vàng này từ đâu ra vậy?’
Sư mẫu nói: ‘Mẫu thân ngươi thật thông minh! Đã giấu rất kỹ bảy lượng vàng này trên thân của hành giả! Trong thư viết, thôn sơn ở hướng Bắc, chính là chỗ mà mặt trời không chiếu tới, mà lớp trong của y phục hành giả, chẳng phải là mặt trời không chiếu tới sao? Mây đen nghĩa là dùng vải đen che lại; sáu ngôi sao sáng, chính là dùng chỉ trắng khâu lại sáu chỗ; bảy nhà họ hàng ở dưới đấy, chính nghĩa là bảy lượng vàng; nếu không tìm được, thì phải biết trong sơn thôn này chỉ có hành giả sống ở bên trong, không cần hỏi người khác; đó chính là nói vàng ở trên thân của hành giả, không cần tìm người khác sao!’
Sư phụ ngẩng mặt lên trời cười ha ha, nói rằng: ‘Người ta đều nói phụ nữ các người thông minh, lời này quả không sai!’
Ta cho hành giả một đồng vàng, hành giả thật vui sướng quá đi. Sau đó ta đã cung dưỡng cho sư mẫu bảy đồng vàng, cung dưỡng sư phụ ba lượng vàng. Lại nói với sư phụ: ‘Mẫu thân con còn muốn con làm mưa đá, xin sư phụ hãy dạy con phép làm mưa đá bí mật nhất ạ!’
Sư phụ nói: ‘Con muốn học phép làm mưa đá, thì lại phải đến chỗ Ung Đồng Đa Giáp thượng nhân mà cầu xin!’
Thế là sư phụ đã viết thư và đưa cho ta một số thổ sản để ta mang đi Ba Thông. Sau khi bái kiến thượng sư, lại cung dưỡng ba lượng vàng, lại giao bức thư và cung dưỡng thổ sản, kể lại tỉ mỉ nguyên do muốn học phép làm mưa đá. Thượng sư hỏi: ‘Chú thuật có thành công không?’ Ta nói: ‘Chú thuật thành công rồi, giết được 35 người; con lại nhận được thư từ mẫu thân bảo tới học làm mưa đá, cho nên muốn thỉnh thượng sư dạy cho con!’ Thượng sư nói: ‘Được! Sẽ thoả mãn tâm nguyện của con!’ liền đem phép làm mưa đá truyền cho ta. Ta lại tu ở trong luyện pháp đường được bảy ngày. Đến ngày thứ bảy, từ khe đá ở trong núi xuất ra một đám mây đen, điện quang lấp loáng, tiếng sấm rầm rầm, cả bầu trời như thể sắp có bão tới vậy. Ta biết rằng bản lĩnh của mình đã có thể chỉ huy mưa đá rồi.“
(Còn tiếp)
Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2000/12/23/5786.html
Đăng ngày 29-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.