Bài viết do Tần Sơn chỉnh lý
[MINH HUỆ 3-7-2016] Trong “Đình huấn cách ngôn“, Hoàng đế Khang Hy có nói: “Phàm là sống ở trên đời, cần phải có tấm lòng độ lượng. Thấy người khác có việc vui, thì nên vui mừng, khi thấy người có việc không vui, cần có lòng thông cảm, chia sẻ.” Kỳ thực tâm thái như vậy cũng rất tốt cho bản thân. Nếu như một người chỉ biết đố kỵ với thành công của người khác, cười trên nỗi đau của người khác, thì làm sao có thể làm việc chung với người khác? Chỉ có thể tự phá hỏng tâm thuật của mình mà thôi. Cổ nhân từng nói: “Khi thấy người khác đạt được gì đó, thì cũng như bản thân mình được; thấy người khác mất gì đó, cũng giống như bản thân mình mất.” Người có tâm thái như vậy, thì thượng thiên nhất định sẽ bảo vệ họ.
Khi sống hoặc làm việc cùng người khác, nếu vì người khác có phương diện nào đó giỏi hơn mình, mà sinh ra khó chịu trong lòng, có người còn đố kỵ sinh ra ác niệm hành ác hãm hại mưu hại người khác, vì đố kỵ mà sống thì hậu quả là rất nghiêm trọng, hại người hại mình, khi làm hại người khác thì cũng khiến cho bản thân mình đi xuống. Cổ nhân thường nói: “Trong mệnh có thì thế nào cũng có, mệnh không có thì chớ cưỡng cầu”. Người khác đắc được, mà bản thân không đắc được, thì không nên vì vậy mà để tâm rồi tức giận bất bình. Hãy nỗ lực tu dưỡng đạo đức, làm nhiều việc tốt, ắt sẽ có phúc báo, hà tất phải vì được mất lợi ích cá nhân mà tâm bất bình, làm việc ác. Lịch sử cho chúng ta biết rằng vì tật đố mà hành ác thì quả báo là rất thê thảm, hãy cùng tham khảo một số điển cố lịch sử có liên quan.
Bàng Quyên vì tật đố hại Tôn Tẫn, cuối cùng binh bại thân vong
Tôn Tẫn và Bàng Quyên từng cùng nhau học binh pháp. Từ sau khi Bàng Quyên phụng sự nước Ngụy, làm tướng quân cho Ngụy Huệ Vương, nhưng lại biết tài năng của mình không bằng Tôn Tẫn, thì bí mật mời Tôn Tẫn đến. Tôn Tẫn đến, Bàng Quyên sợ ông ấy tài năng hơn mình, nên ghét ông ấy, còn giả mượn tội danh cắt hai chân của Tôn Tẫn, và còn thích chữ lên mặt ông, muốn ông ẩn dật không dám xuất đầu lộ diện. Sứ thần nước Tề đến thành Đại Lương, Tôn Tẫn với thân phận phạm nhân tới gặp sứ giả nước Tề, thuyết phục người này. Sứ thần nước Tề cho rằng ông là nhân tài khó kiếm, nên bí mật dùng xe đưa ông quay lại nước Tề.
Sau này nước Ngụy đánh nước Triệu, tình thế nước Triệu nguy cấp, cầu cứu nước Tề. Tề Uy Vương định bổ nhiệm Tôn Tẫn làm chủ tướng, Tôn Tẫn khước từ nói: “Người đã từng chịu cực hình, không thể làm chủ tướng“. Thế là bổ nhiệm Điền Kỵ làm chủ tướng, Tôn Tẫn làm quân sư, ngồi trong trướng âm thầm bày mưu. Điền Kỵ định mang quân cứu viện đến thẳng nước Triệu, nhưng Tôn Tẫn nói: “Người muốn gỡ rối, không thể cứ nắm chặt tay mà kéo; người muốn khuyên giải đám đánh lộn, không thể nhảy vào mà đọ sức với họ. Nếu tóm được điểm yếu của kẻ đang tranh đấu, thì kẻ đó sẽ vì hình thế hạn chế, mà không thể không tự mình giải khai. Như hôm nay Ngụy Triệu hai nước đánh nhau, quân đội tinh nhuệ của nước Ngụy nhất định đang sức cùng lực kiệt ở nước Triệu, quân già yếu ở trong nước hết sức mỏi mệt. Ông chi bằng dẫn quân đội hỏa tốc thẳng tiến đến Đại Lương, chiếm lấy những con đường giao thông trọng yếu, đánh vào những chỗ mà nó còn đang để không, thì nước Ngụy chắc chắn sẽ bỏ nước Triệu mà rút binh về cứu nước mình. Như vậy, chúng ta nhất cử lưỡng đắc, vừa giải vây cho nước Triệu, vừa có thể làm cho nước Ngụy thất bại.” Điền Kỵ nghe theo Tôn Tẫn, quân Ngụy quả nhiên bỏ thành Hàm Đan nước Triệu để trở về, giao chiến ở Quế Lăng, quân Ngụy bị đánh cho đại bại. Đây chính là chiến dịch kinh điển trong lịch sử Trung Quốc: “Vây Ngụy cứu Triệu”.
Mười ba năm sau, nước Ngụy và nước Triệu liên quân đánh nước Hàn, nước Hàn cấp báo với nước Tề. Tề Vương phái Điền Kỵ thống lĩnh quân đội đi cứu viện, tiến quân thẳng đến Đại Lương. Tướng Nguỵ Bàng Quyên khi nghe được tin này, dẫn quân rời nước Hàn về nước Ngụy, nhưng quân Tề đã vượt qua biên giới tiến nhanh về phía Tây. Tôn Tẫn nói với Điền Kỵ: “Quân Ngụy đang tiến đến ấy hung hãn dũng mãnh, coi thường quân Tề, quân Tề bị coi là nhát gan hèn nhát, người tướng lĩnh giỏi chỉ huy tác chiến, cần thuận theo xu thế này mà chỉ đạo. Trong Binh pháp nói: “Dùng quân đi gấp trăm dặm chiến đấu với quân địch, thì có thể bị mất thượng tướng; dùng quân đi gấp 50 dặm chiến đấu với địch, có thể mất một nửa binh sĩ bị rớt lại sau; lệnh cho quân đội sau khi vào địa phận nước Ngụy thì xây bếp mười vạn người nấu cơm, ngày thứ hai xây bếp 5 vạn người nấu cơm, ngày thứ 3 xây bếp 3 vạn người nấu cơm.” Bàng Quyên hành quân 3 ngày, hết sức vui mừng nói: “Ta vốn dĩ biết quân Tề nhát gan, vào địa phận nước ta mới 3 ngày, mà đã đào ngũ hơn một nửa!” Thế là bỏ lại bộ binh chỉ cho quân tinh nhuệ quần áo gọn nhẹ, ngày đêm đi gấp truy kích quân Tề. Tôn Tẫn đoán được hành trình của ông ta, ước lượng đêm hôm đó có thể đuổi đến Mã Lăng. Đường ở Mã Lăng nhỏ hẹp, hai bên lại đa phần là núi lớn hiểm trở, thích hợp để mai phục. Tôn Tẫn cho người dóc vỏ cây, lộ ra gỗ trắng, viết trên đó: “Bàng Quyên chết dưới gốc cây này.” Thế là lệnh cho hơn vạn quân giỏi bắn tên của quân Tề, mai phục ở hai bên đường Mã Lăng, giao hẹn nói: “Buổi tối khi thấy dưới gốc cây có lửa sáng, thì đồng loạt phóng tên.” Tối đó Bàng Quyên quả nhiên đuổi đến gốc cây đã bị dóc vỏ đó, thấy chữ viết trên gỗ trắng bèn đốt lửa đọc chữ viết trên đó. Chưa đọc hết chữ, phục binh quân Tề đã đồng loại phóng ra vạn tên, quân Ngụy đại loạn, không tiếp ứng được cho nhau. Bàng Quyên tự biết không còn cách nào, chắc chắn đại bại, bèn rút kiếm tự vẫn, trước khi chết còn nói: “Thế mà hóa ra lại tạo thành danh tiếng cho tên tiểu tử đó.” Quân Tề thừa thắng truy kích, đánh tan quân Ngụy, bắt thái tử Thân của nước Ngụy về nước, Tôn Tẫn cũng từ đó mà nổi danh thiên hạ.
Bàng Quyên không bằng Tôn Tẫn về tài năng quân sự, lại vì tâm tật đố, mà dùng thủ đoạn, làm hại bạn đồng môn, cắt hai chân của Tôn Tẫn, lại còn thích chữ lên mặt Tôn Tẫn, từ đó chúng ta có thể thấy được sự tàn độc nham hiểm của Bàng Quyên. Mà căn nguyên của việc Bàng Quyên làm tất cả những việc này, chính là tâm tật đố của ông ta, từ đố kỵ mà sinh ra hận, từ hận mà sinh ra ác niệm, vì ác niệm mà cuối cùng hành hung. Sau đó trong trận Mã Lăng và trận Quế Lăng, Tôn Tẫn đã phát huy hết tài năng quân sự của mình. Bàng Quyên thua Tôn Tẫn ở kế sách quân sự, binh bại thân vong. Vậy mà lúc sắp chết Bàng Quyên vẫn không tỉnh ngộ, đến chết vẫn còn so đo với Tôn Tẫn, còn lo Tôn Tẫn nổi danh thiên hạ, đến chết còn ôm tâm tật đố sâu nặng đến vậy. Có thể nói, ngoại trừ việc tài năng quân sự Bàng Quyên không bằng Tôn Tẫn, thì điều chủ yếu hại chết ông ta chính là tâm tật đố.
Trong sách “Tuân tử · bất cẩu“ nói: “Quân tử có tài năng, có thể khoan hồng đại lượng, có thể khiêm tốn chính đạo dẫn dắt người khác; nếu không có tài năng thì cung kính khiêm tốn thoái nhượng phụng dưỡng người khác cẩn thận. Tiểu nhân có tài năng, thì tự cao tự đại khinh thường làm nhục người khác; không có tài năng, thì đố kỵ oán hận phỉ báng đấu đá phá hoại người khác.” Câu chuyện lịch sử này về Bàng Quyên và Tôn Tẫn đã giải thích rõ sự đố kỵ của kẻ tiểu nhân cuối cùng hại người hại mình như thế nào, kết cục là bi thảm. Lấy lịch sử làm giáo huấn, từ câu chuyện này có thể thấy được, làm người cần làm một quân tử thản thản đãng đãng, chính đại quang minh. Không nên làm kẻ tiểu nhân nham hiểm, vì đố kỵ mà lén lút làm việc hại người.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/3/330756.html
Bản tiếng anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/8/159453.html
Đăng ngày 11-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.