Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý

[MINH HUỆ 22-12-2000]

Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa. Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.

Tiếp theo Phần 1

Milarepa mỉm cười nói: “Được, để ta giảng cho các con!”

“Khi ta bảy tuổi, phụ thân mắc trọng bệnh, các y sinh đều bó tay hết cách, người bói toán cũng nói bệnh của phụ thân không còn hy vọng. Bạn bè đều biết phụ thân đã mắc bệnh trầm kha khó mà qua khỏi, bản thân phụ thân cũng biết rằng bệnh tình sắp không qua khỏi, liền quyết định trước khi lâm chung sẽ phân chia gia sản cho mẫu tử chúng ta.

Phụ thân cho mời cả người anh con bác và cô em gái Quỳnh Sát Ba Chính, bạn bè gần xa và cả hàng xóm về tụ tập trong nhà, lấy di chúc mà người đã chuẩn bị sẵn từ trước đọc một lượt trước mọi người. Trong di chúc có nói rõ ràng, toàn bộ tài sản đều do con trưởng thừa kế.

Đọc xong di chúc, phụ thân nói từ tốn: ‘Lần này bệnh của ta không còn hy vọng rồi. Con cái ta tuổi đều còn nhỏ, đành làm phiền cô bác và họ hàng bạn bè chiếu cố. Mặc dù ta không phải cự phú, nhưng cũng có một chút gia tài tương đối lớn. Trong nông trại của ta, ba loại bò dê ngựa đều có cả; điền địa thì chủ yếu là mảnh ruộng Nga Mã Tam Giác, các mảnh ruộng nhỏ khác nhiều đến mức không đếm được. Trong chuồng ngựa ở dưới lầu, có ngựa có dê, có lừa; trên lầu thì có đồ dùng, có đồ cổ bằng vàng bạc, có châu báu, còn có bông tai; có quần áo bằng tơ lụa, còn có nhà kho chứa lương thực ngũ cốc. Tóm lại, sản nghiệp của ta rất sung túc, không cần dựa vào người khác. Sau khi ta chết, sẽ đem một phần tài sản của ta để lo liệu hậu sự. Ngoài ra toàn bộ tài sản, cần thỉnh các vị đang có mặt, đặc biệt là cô và bác, giúp đỡ chiếu cố cho ba mẹ con. Đến khi Văn Hỉ trưởng thành, cưới vợ, thì sẽ xin cưới cô nương Kết Tái đã đính ước, phí tổn cho kết hôn thì nên tương xứng với thân phận của chúng ta. Đến lúc đó, tài sản của ta sẽ để cho Văn Hỉ thừa kế. Cuộc sống của mẫu tử họ họ, xin biểu huynh và biểu muội quan tâm chiếu cố, xin các vị hãy quan tâm, chớ để cho mẫu tử họ phải chịu khổ; sau khi ta chết đi, từ trong quan tài cũng sẽ dõi theo họ!’

Nói xong, phụ thân liền rời bỏ chúng ta mà đi.

Sau khi mai táng cho phụ thân xong, cả nhà chúng ta ngồi lại thương lượng, đều nhất trí quyết định, tất cả tài sản hoàn toàn quy về mẫu thân quản. Nhưng bá phụ và cô mẫu đều kiên quyết nói với mẫu thân: ‘Mặc dù chị là chí thân nhưng chúng ta còn thân tình hơn chị, chúng ta quyết không để mẹ con chị chịu khổ, cho nên muốn làm theo di chúc, chia đều toàn bộ tài sản đều do mỗi người chúng ta tự quản!’ Cậu và phụ thân của Kết Tái mặc dù đã nói rất nhiều lý do nên để cho mẫu thân quản, nhưng họ tuyệt nhiên không nghe. Thế là tài sản của con trai do người bác quản, tài sản của con gái do người cô quản, các tài sản khác thì cô và bác mỗi người chia một nửa.

Họ lại nói với mẫu tử chúng ta: ‘Từ nay trở đi, chúng ta sẽ chiếu cố cho các người!’ Nói xong câu này, thì tài sản của mẫu tử chúng ta bị tiêu tán toàn bộ.

Từ đó hễ mùa hè nóng bức, bá phụ bảo chúng ta đi làm ruộng; còn khi mùa đông rét buốt, cô mẫu kêu chúng ta dệt lông cừu; đồ ăn là những thứ dành cho chó; làm những việc của trâu ngựa; mặc những bộ quần áo lam lũ không thể tả; dây lưng thì dùng cỏ bện thành. Từ sáng tới tối, không có chút thời gian rảnh rỗi nào; làm việc quá độ khiến cho chân tay đều nứt nẻ, máu từ vết thương chảy ra ngoài… Quần áo mặc không đủ ấm; đồ ăn không đủ no; nước da đều trở nên xám xịt, người gầy đến mức chỉ còn lại da bọc xương. Ta còn nhớ trước kia trên búi tóc trên đầu ta có trang sức bằng vàng và ngọc, sau này những đồ trang sức bằng ngọc dần dần biến mất, chỉ còn lại dải dây thừng màu đen xám. Cuối cùng cả đầu toàn là chấy, trứng chấy làm tổ ở trong những mớ tóc rối bời! Những người thấy mẫu tử chúng ta, đều mắng chửi thậm tệ người bác và cô khắc nghiệt. Da mặt của bác và cô dày đến mức giống như da bò vậy, không có chút liêm sỉ nào, càng không để tâm đến những lời chế nhạo. Cho nên mẫu thân ta bèn gọi cô mẫu là Chiết Mẫu Đạo Đăng (quỷ mẫu lão hổ), không gọi là Quỳnh Sát Ba Chính nữa. Danh từ Quỷ mẫu lão hổ này đã trở nên phổ biến trong những người ở nông thôn. Lúc đó, người trong thôn đều nói với nhau rằng: ‘Cướp sản nghiệp của người khác, lại còn muốn chủ nhân trước kia làm chó canh cửa, thiên hạ quả thật có loại việc bất bình này ư!’

Khi phụ thân ta còn sống, cho dù là người có tiền hay không, đều chạy đến nhà chúng ta nịnh nọt xã giao. Hiện giờ bá phụ và cô mẫu cũng có tiền rồi, cuộc sống như là vương hầu, thì những người kia họ đều chạy đến chỗ của họ rồi. Thậm chí còn có rất nhiều người phê bình phụ thân của ta, nói rằng: ‘Thường nghe nói, len thượng phẩm mới có thể làm tơ; khi chồng có tiền, thì bà vợ còn khéo léo. Câu này nói thật là đúng! Ông xem! Trước kia khi phu quân của Bạch Trang Nghiêm Mẫu còn sống, bà ấy thật đúng là một nữ nhân hào phóng, hiện giờ bà ấy không còn chỗ dựa nữa, liền trở thành bần cùng như thế đấy.’

Ở Tây Tạng có câu tục ngữ rằng: ‘Người đảo một lần mốc, mười phương truyền thị phi’ Hoàn cảnh của chúng ta không tốt, vận số lận đận, người ta đối với chúng ta không những không thông cảm mà ngược lại còn càng ngày càng lạnh nhạt, những câu gièm pha cũng càng ngày càng nhiều.

Vì thương xót sự bất hạnh của ta, có lần cha mẹ của Kết Tái đưa cho ta một chút quần áo và giày để mặc, lại còn rất thông cảm và an ủi ta rằng: ‘Văn Hỉ! Con phải biết rằng, tài sản trên thế giới không phải là trường cửu bất biến, tài vật nơi thế gian đều vô thường như sương sớm, con không được đau buồn vì con không có tiền, tổ phụ của con trước kia chẳng phải cũng rất nghèo sao? Tương lai con cũng có thể kiếm tiền phát tài mà!’

Trong tâm ta vô cùng cảm kích họ.

“Mẫu thân ta có một mảnh ruộng là của hồi môn, gọi là Thiết Ba Tiền Quỳnh, cái tên gọi này mặc dù khó nghe, nhưng lại là một nơi canh tác rất tốt, thu hoạch rất khá. Mảnh ruộng này do cậu cả của ta canh tác, mỗi năm ngũ cốc thu hoạch được đều sinh lợi, nhiều năm qua đi số lợi tức tích luỹ được cũng không ít. Những ngày tháng gian khổ cũng qua đi từng ngày. Đến năm ta 15 tuổi, mẫu thân liền bán đi một nửa mảnh ruộng đó, thêm vào lợi tức từ ngũ cốc, liền dùng số tiền đó mua được rất nhiều thịt, rất nhiều lúa mì để làm bánh, rất nhiều mạch đen để làm rượu. Hành động này của mẫu thân đã khiến người trong thôn đều thấy lạ, thế là mọi người đều tự đoán mò: ‘Xem ra Bạch Trang Nghiêm Mẫu muốn chính thức mời khách để đòi lại gia sản rồi!’ Mẫu thân ta và cậu chuẩn bị mọi thứ xong, liền ở trong nhà của mình, trong phòng khách lớn, mượn thảm từ các nơi đến, trải ra thành từng hàng trong phòng khách; mời người bác và cô làm chủ khách, chiêu đãi họ hàng bạn bè, hàng xóm láng giềng, đặc biệt là những người có mặt lúc phụ thân ta lâm chung để lại di chúc khi xưa, đều mời đến. Mẫu thân ta đem thịt và thức ăn ngon nhất đem đến trước cô và bác, ở trước mặt tất cả những vị khách khác đều bày đầy những đồ ăn phong phú, mỗi người một bình rượu lớn, thật là một yến tiệc thịnh soạn!

Khi các vị khách đã ngồi yên vị rồi, mẫu thân liền đứng trước mọi người trịnh trọng nói: ‘Các vị, hôm nay ta chuẩn bị một chút rượu nhạt và mấy món sơ sài mời các vị tới, chỉ là biểu đạt một chút ý tứ của ta.’

‘Hôm nay mặc dù là sinh nhật của con trai ta, kỳ thực chẳng qua cũng chỉ là lấy danh nghĩa, ta muốn có đôi lời muốn nói với mọi người: Phu quân ta là Mật Lặc Tưởng Thái lúc qua đời đã để lại di chúc, các vị lão nhân gia và cô bác đang ngồi đây, đều biết được rất rõ ràng, hiện giờ ta muốn mời các vị đang ngồi đây nghe lại một lần di chúc này.’

Thế là cậu của ta đứng dậy, đọc to một lượt di chúc của phụ thân, tất cả khách đến dự đều không thốt một lời nào.

Mẫu thân nói tiếp: ‘Hiện giờ, Văn Hỉ đã trưởng thành, đã đến tuổi thành thân, tuân theo di chúc của phụ thân là Mật Lặc Tưởng Thái, hiện giờ nên dùng lễ vật tương xứng với thân phận của chúng ta, để đón rước cô nương Kết Tái về; Văn Hỉ cũng phải theo di chúc thừa kế gia sản của chúng ta. Còn về di chúc vừa mới đọc qua, các vị lúc trước khi Mật Lặc Tưởng Thái nguy kịch đã tận mắt chứng kiến, không cần ta nhắc lại nữa. Hôm nay, xin mời cô và bác mang tài sản đã thay mặt bảo quản giao lại cho chúng ta. Bao nhiêu năm nay, được sự chiếu cố của cô bác cũng như các vị thân hữu, chúng ta vô cùng cảm tạ!’

“‘Hả! Các người vẫn còn tài sản!’ Cô mẫu và bá phụ đồng thanh quát lớn: ‘Tài sản của các người ở chỗ nào?’

Bình thường bá phụ và cô mẫu cho dù là chuyện gì thì ý kiến cũng luôn không nhất trí, nhưng khi chiếm đoạt tài vật của người khác thì lại liên hợp lại. Họ nói một cách nhất trí: ‘Hả! Các người vẫn còn tài sản? Tài sản của các người ở chỗ nào? Khi Mật Lặc Tưởng Thái còn trẻ, đã mượn của chúng ta rất nhiều ruộng, vàng, ngọc, ngựa, bò và dê! Vì ông ta chết rồi, nên những thứ này đương nhiên là phải trả lại cho chúng ta. Tài sản của các người đến một mạt vàng, một bó lúa mạch, một chút bơ, một bộ quần áo rách, một con gia súc già, cũng chẳng thấy! Hừ! Bây giờ mà còn tới nói chuyện mộng mơ! Di chúc của các người ai viết thay cho các người? Bọn ta nuôi mẹ con các người đến hôm nay đã quá đủ rồi! Tục ngữ nói rất hay, lấy oán trả ân chính là các người!’

Họ vừa nói vừa rít, răng nghiến kèn kẹt, từ chỗ ngồi lập tức nhảy dựng lên, lấy chân đạp xuống đất một cái, quát lớn: ‘Này! Các người đã hiểu chưa? Căn phòng này là của bọn ta, các người mau chóng cuốn xéo!’

Nói đoạn họ bèn lấy roi ngựa đến đánh mẹ ta, dùng ống tay áo tát vào ta và em gái Tỳ Đạt. Mẹ thống thiết trên mặt đất, khóc lớn tiếng: “‘Mật Lặc Tưởng Thái à! Ngài có thấy mẫu tử ta không? Ngài nói sẽ dõi theo từ trong quan tài, bây Ngài đã thấy chưa?’

Ta và em gái cùng mẫu thân chụm lại một nơi, ba người khóc đến chết đi sống lại. Cậu cả nhìn thấy bác có rất nhiều người trợ uy, cho nên cũng chỉ đành nuốt cơn giận. Có một số người khách nói: ‘Ài! Mẫu tử họ thật là đáng thương!’ và thương tâm vì sự bất hạnh của chúng ta mà rớt nước mắt, nhưng cũng chỉ có thể than thở âm thầm mà thôi.

Cơn giận của bá phụ và cô mẫu vẫn còn chưa phát tiết hết, dứt khoát xấu hổ quá hoá giận, hướng đến mẫu tử chúng ta hung dữ mắng chửi điên cuồng: ‘Hừ! Các người muốn chúng ta trả tài sản chứ gì? Khá lắm, tài sản là của các người đấy, chỉ là không muốn trả lại các người, các người có cách nào lấy về không? Chúng ta cao hứng thì dùng để uống rượu mời khách, cũng không can dự việc của các người!’

Bá phụ và cô mẫu cười mỉa mai chúng ta một cách thô lỗ khinh bỉ: ‘Có bản sự thì cứ tìm mấy người tới đánh một trận, cướp lấy tài sản đi! Không có bản sự tìm người thì đi niệm chú thôi!’ Nói xong, liền dẫn theo bạn bè của họ ra về thẳng.

Bi thương cực độ khiến cho mẫu thân đáng thương khóc nức nở không ngừng. Trong phòng lớn, chỉ còn lại mẫu tử cũng ta cùng một vài vị bằng hữu. Cô nương Kết Tái cùng phụ thân và huynh trưởng cô ấy hảo tâm an ủi chúng ta; mọi người muốn tặng một số thứ để cứu trợ hoàn cảnh bần cùng của chúng ta. Cậu thì chủ trương bảo chúng ta đi học một nghề thủ công, mẫu thân và em gái có thể giúp cậu làm ruộng; cậu càng cương quyết muốn chúng ta làm được một số việc cho người cô và bác thấy người nhà Mật Lặc Tưởng Thái không phải là yếu đuối vô năng, dễ bị bắt nạt.

Mẫu thân đè nén nỗi đau thương vô hạn, lau khô dòng lệ, bi phẫn kiên quyết nói: ‘Ta mặc dù không có sức lấy lại tài sản của mình, nhưng tuyệt không thể dựa vào người khác bố thí để nuôi con của mình được, bây giờ dù bác và cô sẽ giao lại một phần tài sản cho chúng ta, ta cũng quyết không cần; nhưng Văn Hỉ cho dù thế nào cũng nhất định phải học lấy một nghề thủ công. Ta và con gái ta, trước khi chưa báo đáp ơn dày của cô và bác, thì chính là làm nha đầu người hầu cho người ta cũng đều cam tâm tình nguyện! Chúng ta sẽ làm cho họ xem!’

Mẫu thân lại nói với cậu: ‘Chúng ta muốn làm ruộng với cậu!’

Mọi người thấy ý kiến của mẫu thân kiên quyết, không có lời gì để nói cả, đành theo ý của mẫu thân mà làm.

Ở nơi Vô Thượng Quảng ở Ninh Sát, có một vị lạt ma Hồng giáo chuyên tu Bát Long Pháp (Lạt ma Hồng giáo – Hồng giáo là Phật giáo thời kỳ sớm nhất tại Tây Tạng, tiếng Tạng Ninh Mã Ba Nguyên nên dịch thành Cựu giáo, các lạt ma đều mặc trang phục màu đỏ, cho nên tục gọi là Hồng giáo), rất được thôn dân địa phương tín ngưỡng, Pháp sự rất bận rộn. Mẫu thân bảo ta tới chỗ vị Lạt ma Hồng giáo này học tập. Khi chuẩn bị rời nhà đi, còn có ba người họ hàng đến tiễn ta. Trong đoạn thời gian này, cha mẹ của Kết Tái thường xuyên bảo Kết Tái đem đồ ăn, củi và dầu đốt v.v. đưa tới chỗ ta đọc sách. Lúc mẫu thân và em gái không tìm được công việc, thì cậu cũng cung cấp cho chúng ta chút đồ ăn; ông vì không muốn để cho mẫu thân phải đi xin cơm nên đi khắp nơi tìm cách tìm việc cho mẫu thân. Trong khả năng của mình, ông đã tận hết sức vì ba mẹ con chúng ta. Em gái đôi lúc thay người lo toan, có lúc cũng thay người quét dọn xưởng làm chút việc vặt, nghĩ hết cách để lo chuyện cơm áo. Nhưng ăn uống vẫn rất khổ, mặc thì vẫn rất lam lũ, ngoài sự đau thương ra thì không có chút vui vẻ nào.”

Khi Milarepa tôn giả nói tới chỗ này, những người nghe Pháp đều cảm thấy đau buồn rơi lệ, sinh khởi tâm bi quan; các đệ tử ngồi kín nghe Pháp đều yên lặng và sụt sịt than thở.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2000/12/22/5700.html

Đăng ngày 27-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share