Ban Biên tập Minh Huệ chỉnh lý
[MINH HUỆ 21-12-2000]
Từ trước tới nay vùng núi Himalaya vẫn luôn là vùng đất có nhiều người tu luyện, người dân ở đó có một cuộc sống chất phác, ai ai cũng giỏi múa hát, ngoài ra còn sùng bái Phật Pháp. Lúc bấy giờ có một người tu luyện tên là Milarepa (Mật Lặc Nhật Ba). Chúng Phật Bồ Tát phải tu nhiều đời nhiều kiếp mới thành, nhưng Milarepa lại chỉ cần một đời là thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy, sau này trở thành thủy tổ của Bạch giáo Tạng Mật.
Một hôm, Milarepa ở khu Trung Phúc Nhai Quật của địa phương Áp Long mà giảng Diệu Pháp Đại thừa. Trong Pháp hội có đại đệ tử Nhạ Quỳnh Ba (Retchung Dorje Drakpa), Tịch Quang Nhã Ba (Shiwa O Repa), Nhạn Thuyết Nhã Ba (Repa of Ngandzong), Phật Hộ Nhật Ba (Sangye Kyab Repa) của ông, cùng các nữ đệ tử như Hà Lai Tái Ban (Legse Bum), Tiên Đa Mã (Vajra of Shen), và còn rất nhiều các tín sỹ thí chủ nam nữ; ngoài ra còn có Trường Thọ Vương Không Hành Mẫu, còn có rất nhiều Không Hành Mẫu (Dakini) vốn đã thành tựu quả vị Hồng Quang, vốn dĩ dùng để chỉ người nữ tu vô thượng Mật Tông mà đắc được thành tựu. Sau này, danh từ này được dùng rộng dần, phàm là người nữ tu hành Mật Tông, thì đều gọi là Không Hành Mẫu. Không Hành Mẫu trong Mật Tông chiếm lĩnh vị trí cực kỳ trọng yếu, về trí huệ là bậc mẫu của tất cả các vị Phật, đồng thời đảm nhận việc hộ Pháp cho tất cả chư Phật, cùng các hành giả Du già (yoga).
Vào buổi tối trước ngày hôm đó, Nhạ Quỳnh Ba đã có một giấc mơ, trong đó ông cảm thấy dường như đã đến Ô Kim Không Hành Tịnh Thổ. Đó là một tòa thành lớn được xây dựng bằng ngọc đa bảo lưu ly, trong thành toàn là người mặc thiên y mỹ lệ, và những vị Không Hành nam nữ đeo châu báu. Họ đều gật đầu nhìn Nhạ Quỳnh Ba mỉm cười, nhưng không ai nói với ông lời nào. Đột nhiên một người nữ mặc quần áo đỏ chào hỏi ông một cách mật thiết: “Con đến lúc nào vậy? Hoan nghênh! Hoan nghênh!” Nhạ Quỳnh Ba ngẩng lên nhìn, thì hóa ra là Ba Nhiệt Mã (Bharima) vốn cùng học Pháp trước đây ở chỗ của thượng sư Đệ Bố Ba (Tepuhwa).
“Con đến thật đúng lúc, Bất Động Như Lai (Phật phương Đông trong các vị Phật ngũ phương) hiện đang thuyết pháp, nếu con muốn nghe giảng, ta có thể thay con đi thỉnh cầu Phật.”
Nhạ Quỳnh Ba hưng phấn nói: “Nhiều năm nay con vốn muốn được triều kiến Bất Động Như Lai (Buddha Mikyupa), hôm nay có thể trực tiếp nghe thuyết Pháp, thì đúng là cơ hội nghìn năm có một. Xin hãy giúp con đi thỉnh cầu ông ấy.”
Ba Nhiệt Mã mời Nhạ Quỳnh Ba một bữa tiệc ngon. Hai người họ cùng đến Pháp hội. Đó là một cung điện tráng lệ to lớn. Bất Động Như Lai ngồi ở vị trí trung tâm, trông rất trang nghiêm, con người không thể tưởng tượng được. Trong Pháp hội những thần nhân đại chúng ngồi nghe nhiều không thể đếm được. Nhạ Quỳnh Ba chưa bao giờ thấy được Pháp hội lớn và thù thắng như vậy, ông thấy cảnh tượng ấy, thì trong tâm có niềm vui và hưng phấn không nói lên lời. Ba Nhiệt Mã nói với Nhạ Quỳnh Ba: “Con hãy đợi một chút, để ta đi trước thay con thỉnh cầu với Thế tôn!” Được một lúc Bất Động Như Lai nhìn Nhạ Quỳnh Ba rồi mỉm cười, Nhạ Quỳnh Ba biết là đã được phép, Nhạ Quỳnh Ba hành lễ với Bất Động Như Lai, rồi ngồi trong hội nghe Pháp.
Hôm đó, Bất Động Như Lai nói về những việc và truyện ký của các chư Phật và Bồ Tát, đều là những câu chuyện khiến người ta xúc động. Cuối cùng, Bất Động Như Lai lại giảng về sự tích của ba vị thượng sư là Đế Lạc Ba (Tilopa), Na Nặc Ba (Naropa) và Mã Nhĩ Ba (Marpa). Nhạ Quỳnh Ba chưa bao giờ được nghe những lời giảng tường tận và xúc động lòng người như vậy.
Lúc sắp tan hội, Bất Động Như Lai nói với mọi người: “Trong tất cả các câu chuyện, thì hy hữu nhất, vĩ đại nhất, động lòng người nhất, phải kể đến chuyện của Milarepa, ngày mai các vị lại đến tôi sẽ tiếp tục kể!”
Nhạ Quỳnh Ba nghe thấy mấy người đàm luận: “Nếu như vẫn còn những truyện còn hi hữu và vĩ đại hơn nữa, thì đúng là không thể tưởng tượng được!” Một người khác nói: “Hôm nay, chúng ta nghe chuyện về những Phật và Bồ Tát này, họ đều là tu nhiều đời nhiều kiếp mà thành; nhưng Milarepa đã thành tựu được công đức tương đương với những Phật và Bồ Tát ấy chỉ trong một đời, do vậy nên càng hiếm hơn!” Lại có một người nói: “Những câu chuyện tu luyện hiếm có như vậy, nếu như mai một đi, thì thật đáng tiếc? Nếu như không vì lợi ích của chúng sinh mà thỉnh cầu thế tôn giảng thuyết, thì chẳng phải là tội lỗi của những người làm đệ tử chúng ta sao? Do vậy chúng ta nhất định phải khẩn thiết cầu xin, thỉnh cầu thượng sư Như Lai giảng các chuyện về tôn giả mới này được!”
Người đầu tiên hỏi: “Tôn giả Milarepa hiện giờ đang ở đâu?” “Tôn giả Milarepa à? Ông ấy không ở tịnh thổ Hiện Hỷ này (Ngonga, là mảnh đất tịnh thổ của Phật Đông Phương Bất Động), mà ở Thường Tịch Quang Thổ (Ogmin, chỉ mảnh đất tịnh thổ Báo Thân của Phổ Hiền Vương Như Lai)”, một người khác nói.
Nhạ Quỳnh Ba nghe xong nghĩ: “Tôn giả hiện giờ rõ là ở Tây Tạng, vì sao nói là ở Thường Tịch Quang Thổ? Nhưng cho dù thế nào, những lời này của họ rõ ràng là nói với mình, mình nên thỉnh cầu Tôn giả giảng thuyết về tự truyện của Tôn giả mới đúng.” Đang nghĩ đến đây, Nhiệt Ba Mã kéo lấy tay của Nhạ Quỳnh Ba một cách nhẹ nhàng nói: “Con có hiểu không?” Lúc này, Nhạ Quỳnh Ba trong tâm càng rõ hơn, rồi bừng tỉnh từ trong mộng. Lúc đó trời đã nhanh sáng, Nhạ Quỳnh Ba trong tâm vô cùng vui mừng, nghĩ: “Đến Ô Kim Sát Thổ nghe Bất Động Như Lai thuyết pháp, tuy là đáng quý, nhưng được ở cùng với thượng sư, thì càng quý hơn nữa, càng khó gặp hơn. Lần này đến Ô Kim Sát Thổ nghe Pháp, là sức mạnh mà thượng sư gia trì. Người ở đó nói Tôn giả ở Thường Tịch Quang Thổ hoặc Hỉ Hiền Tịnh Thổ, mà chúng ta lại cho rằng Tôn giả là ở Tây Tạng. Kỳ thực, thân, khẩu, ý của thượng sư không có sai biệt gì với chư Phật mười phương, công đức sự nghiệp, là bất khả tự nghị. Mình vẫn luôn cho rằng Tôn giả chỉ ở Tây Tạng, thì không có gì khác với chúng ta, cũng sống cuộc sống của con người như vậy; đâu biết Tôn giả sớm đã thành Phật, Pháp thân ở khắp vũ trụ, hóa thân biến hóa lại càng là không tưởng tượng được. Nghiệp chướng của chúng ta rất nặng, do vậy thấy được thánh nhân cũng chỉ như thấy phàm phu, đúng là nói oan cho thánh giả! Giấc mộng tối hôm qua không phải là một giấc mộng tầm thường, là ám thị của Ba Nhiệt Mã và các vị Không Hành khác bảo ta hãy thỉnh Tôn giả giảng Pháp, ta nhất định phải đi thỉnh cầu Tôn giả giảng Pháp!” Nghĩ đến đây, trong tâm bỗng có một tín tâm lớn vô tỷ, bèn chắp tay trước ngược, thành tâm khẩn cầu thượng sư.
Đột nhiên, ánh quang minh hiện ra, cảnh tượng trang nghiêm của Ô Kim Sát Thổ lại hiện ra trước mắt. Có mấy vị Không Hành Mẫu trang phục hoa lệ, mỹ lệ tuyệt đỉnh, rực rỡ tươi sáng đi đến trước mặt Nhạ Quỳnh Ba. Trong đó có một vị Không Hành Mẫu nói: “Ngày mai sẽ giảng chuyện Milarepa, chúng ta hãy cùng đi nghe thôi!”
Lại có một vị Không Hành Mẫu khác hỏi: “Vị nào là người thỉnh Pháp vậy?”
Một vị Không Hành Mẫu vừa nhìn Nhạ Quỳnh Ba mỉm cười ra hiệu, vừa nói: “Đó đương nhiên là đại đệ tử của Tôn giả rồi!” Vài vị Không Hành Mẫu khác cũng mỉm cười với Nhạ Quỳnh Ba, họ đều nói: “Thỉnh cầu Tôn giả thuyết tự truyện, là chuyện về bản thân Ngài. Chúng ta không những mười phần muốn nghe về truyện ký của Tôn giả, đồng thời cũng cần giúp khẩn cầu Tôn giả, cầu xin Ngài mở lòng từ bi giảng cho chúng ta nghe; sau này chúng ta còn phải hoằng dương kinh truyện này, là việc có lợi cho đời sau!” Nói xong họ liền biến mất.
Nhạ Quỳnh Ba tỉnh dậy thì trời đã sáng. Ông nghĩ: “Đây rõ ràng là Trường Thọ Vương Không Hành Mẫu động viên ta đi thỉnh cầu Tôn giả!” Vì vậy hôm đó, Nhạ Quỳnh Ba rất vui mừng đến trước mặt thượng sư Milarepa, tham gia Pháp hội, sau khi cúi đầu vấn an xong, quỳ gối trước mặt Tôn giả, chắp tay trước ngực, hướng đến Tôn giả cầu đạo: “Thưa thượng sư! Trước đây vô lượng chư Phật, vì duyên cớ của chúng sinh, mà đặt ra 20 loại sự nghiệp, và rất nhiều không đếm được những cách để quảng độ chúng sinh. Họ hy vọng có truyện ký, lưu truyền cho thế gian, khiến cho tất cả được lợi ích, Phật Pháp cường thịnh. Hiện giờ, các thượng sư có thành tựu lớn như Đế Lạc Ba, Na Nặc Ba, Mã Nhĩ Ba đều tự nói truyện ký, có lợi rộng rãi, khiến các chúng đồ đều có thể thành tựu vô thượng Phật Đạo. Hiện giờ cũng xin thượng sư Ngài hãy từ bi vì các chúng đồ chúng con và các chúng sinh trong tương lai, giảng một chút về thân thế của Ngài và các sự tích mà Ngài trải qua trong đời ạ.”
Tôn giả Milarepa nghe xong, từ tốn nói: “Nhạ Quỳnh Ba, việc của ta con đã biết rất nhiều rồi; nhưng con vẫn còn hỏi ta, vậy ta sẽ trả lời con.”
“Tổ hệ của ta là Quỳnh Ba (Khyungpo), tông họ là Giác Tái (Josay), lúc đầu ta tập hắc nghiệp, sau đó hành bạch nghiệp (‘hắc nghiệp’ tức ác nghiệp hoặc hành vi ác, ‘bạch nghiệp’ thức thiện nghiệp hoặc hành vi thiện), hiện giờ, hắc nghiệp bạch nghiệp đều không làm nữa; đã chấm dứt tất cả các tác nghiệp hữu vi, tương lai việc gì cũng không làm nữa. Những việc này, nếu nói tường tận, thì có nhiều việc có thể khiến người ta phải khóc thương, cũng có thể nhiều việc khiến người ta cười vui vẻ. Lời nói ra thì rất dài, có thể không nhất định giảng! Để lão già ta đây được nhàn tản mà nghỉ ngơi.”
“Thượng sư!” Nhạ Quỳnh Ba quỳ gối trên đất không dậy, tiếp tục khẩn cầu:
“Ngài lúc đầu tinh tấn tu Thiện Pháp như thế nào, cầu Phật Pháp như thế nào, rồi lại tu hành như thế nào, mới đạt được cảnh giới ‘Pháp tính tận địa’ như bây giờ? (chỉ cảnh giới tối cao tối hậu của tu hành). Xin Ngài hãy vì chúng con mà kể tường tận một chút. Tổ hệ Quỳnh Ba, tông họ Giác Tái của Ngài, nhưng tại sao họ của Ngài lại biến thành Mila (Mật Lặc)? Ngài vì sao lại phải trước tiên hành hắc nghiệp, sau đó lại tu Thiện Pháp? Các câu chuyện khiến người ta có thể khóc, có thể cười ấy, xin Ngài hãy kể cho chúng con nghe. Đây không chỉ là thỉnh cầu của một mình con, mà tất cả các huynh đệ Kim Cang, (tức là những người đồng đạo trong Kim Cang Thừa) và các thí chủ đều khát vọng muốn nghe, xin Ngài hãy từ bi kể!”
“Các con đã cầu xin như vậy, thì ta cũng chẳng có gì phải bí mật, ta sẽ giảng cho các con!” Tôn giả mỉm cười từ từ kể lại:
“Tổ tông Quỳnh Ba tộc của ta, cư ngụ ở thảo nguyên lớn phía Bắc. Tổ phụ gọi là Giác Tái, là một con trai của Hồng giáo Lạt Ma, ông là hành giả đắc được chân ngôn do bản tôn gia trì, có đại uy lực của chân ngôn chú thuật (mantra). Có một năm, ông đến hậu Tạng để lên núi, đến chỗ địa bàn quận Ba Xỉ (Chungpachi) ở phía Bắc của đất Tạng, thì trùng hợp là vùng đất này bị nạn quỷ ôn. Bởi vì uy lực chân ngôn của ông ấy cực lớn, nên đã tiêu diệt rất nhiều quỷ ôn, những người tín ngưỡng ngày càng nhiều, người địa phương xin Giác Tái Lạt Ma ở lại lâu dài nơi của họ. Thế là ông ấy ở lại đó, cuối cùng lạc tịch ở đó.
Lại đến một năm, vùng đất này có một con quỷ uy lực lớn mạnh đi khắp nơi tác quái hại người. Có một nhà, xưa nay không tín ngưỡng Giác Tái Lạt Ma; con quỷ này liền tác yêu tác quái ở nhà này, trâu ngựa con thì chết, con thì chạy, từng người một bị bệnh, ban ngày mà thấy ma, rất nhiều sự việc bất thường, ngày ngày xuất hiện. Cho dù là mời thầy thuốc nào cũng không trị được bệnh. Mời Lạt Ma nào đến hàng yêu, thì không chỉ không hàng yêu được, mà những người đến làm phép đều bị con quỷ này làm cho tơi bời. Cuối cùng khi không còn cách nào khác, có một người bạn đến gia đình đó nói: ‘Ồ! Các vị nên đi tìm Giác Tái Lạt Ma đi thôi! Người khác là không có tác dụng đâu!’
Người nhà đó nói: ‘Chỉ cần có thể trị được vết thương, thì mời ai cũng được! Phải rồi, hãy đi mời ông ấy đến đi.’ Thế là họ phái người đi mời Giác Tái Lạt Ma đến. Khi Giác Tái Lạt Ma chưa đến được lều vải của gia đình này, thì từ xa đã thấy con quỷ uy lực to lớn ấy. Con quỷ vừa nhìn thấy Lạt Ma, thì liền co chân chạy, Giác Tái Lạt Ma, thần uy nói lớn: ‘Quỷ kia, Quỳnh Ba Giác Tái ta chuyên môn uống máu của quỷ ma, rút gân của ma quỷ, có bản sự thì đứng lại, đừng chạy nữa!’
Nói rồi bay vút đuổi theo con quỷ. Con quỷ vừa nhìn thấy, thì sợ đến toàn thân run rẩy, nói lớn: ‘Thật đáng sợ! Đáng sợ! Mila! Mila!’ (Mila theo tiếng Tạng nghĩa là vẻ mặt sợ hãi khi nhìn thấy một người to lớn)
Giác Tái chạy đến chỗ con quỷ, con quỷ co rúm lại, không dám động đậy, nói run rẩy: ‘Lạt ma! Những nơi mà ngài đến, tôi đâu dám đến! Nơi này, ngài chưa từng đến, do vậy tôi mới dám đến, xin ngài tha mạng!’
Giác Tái Lạt Ma lệnh cho con quỷ phát thệ từ giờ không được hại người nữa. Con quỷ đành phải phát thệ trước Lạt Ma. Lạt Ma bèn thả nó đi. Về sau con quỷ lại phụ thể trên thân một người khác nói: ‘Mila! Mila! Người này lợi hại quá! Cả đời này ta chưa bao giờ sợ hãi đến thế, lợi hại quá! Mila! Mila!’
Do vậy mà danh tiếng của Giác Tái Lạt Ma lại càng lớn, mọi người lấy một tên hiệu cho ông, gọi là Mật Lặc Lạt Ma, để tỏ lòng thành kính tín ngưỡng. Dần dần Mila đã trở thành tông họ của gia đình này. Xưng hiệu Mila Lạt Ma, là từ đó mà ra. Con trai duy nhất của Giác Tái Quỳnh Ba có hai người con trai, con lớn tên là Mật Lặc Đa Đốn Sinh Cấp (Mila Dhoton Senge), Sinh Cấp lại có một đứa con duy nhất, gọi là Kim Cang Sư Tử (Mila Vajra Lion).
Nói về Kim Cang Sư Tử, trời sinh đánh bạc rất giỏi, nhất là thích đổ xúc sắc. Ông đổ xúc sắc rất giỏi, lần nào đổ cũng thắng. Có một năm, một tên bịp bợm lưu manh giang hồ, đến vùng Quận Ba Tẩy đó. Thuật đánh bạc của hắn còn tinh vi hơn, dựa vào đánh bạc mà thắng được rất nhiều tiền. Nghe nói Kim Cang Sư Tử thích đánh bạc, nên hẹn ông ta đổ xúc sắc.
Ngày đầu tiên, tên đánh bạc ấy vì muốn thăm dò kỹ xảo của Kim Cang Sư Tử, chỉ dùng một ít tiền đặt cọc, hơn nữa cố ý thua Kim Cang Sư Tử. Ngày hôm sau, tên bịp bợm này thi triển thân thủ, thắng bạc Kim Cang Sư Tử một cách dễ dàng. Kim Cang Sư Tử chưa bao giờ thảm bại như vậy, trong tâm hết sức không phục, muốn tiếp tục chơi với tên bịp bợm đó, nói với hắn: ‘Ngày mai, ta nhất định sẽ gỡ lại được hết số tiền đã thua! Ngươi có dám chơi tiếp với ta không?’
‘Được thôi!’ Tên bịp bợm đáp lại một cách tỉnh bơ. Đến ngày thứ 3, ngày thứ 4, ngày thứ 5, tên bịp bợm kia không biết vì cố ý hay là vì vận khí không tốt, thua liền 3 ngày, đều thua bởi Kim Cang Sư Tử.
Thế là tên bịp bợm đề xuất tới Kim Cang Sư Tử một lời khiêu chiến có tính quyết định tối hậu: ‘Kim Cang Sư Tử! Mấy ngày qua ta liên tục thua, ta nghĩ ngày mai chúng ta hai bên đem hết tài sản, trâu, ngựa, ruộng vườn, lông cừu, tài vật và y phục, các loại đồ trang sức đều đem ra đặt cược, mời người trong thôn làm chứng, lập hợp đồng, làm một lần đọ sức cuối cùng, thắng thua đều không được hối hận, ngươi có đồng ý tranh cao thấp với ta một lần cuối cùng không?’
Kim Cang Sư Tử đồng ý mà không một chút do dự.
Ngày hôm sau, người trong thôn chứng kiến hai bên vây quanh xem hai bên đánh bạc, hai bên đều ném xúc xắc một cách cẩn trọng, cuối cùng Kim Cang Sư Tử thua tay trắng.
Như vậy, Kim Cang Sư Tử chỉ có thể rời bỏ quê hương gia tộc lưu lạc bên ngoài. Phụ thân Đa Đốn Sinh Cấp bèn đưa ông đến một nơi tên là Gia Nga Trạch (Kya Ngatsa), ổn định ở đó. Đa Đốn Sinh Cấp tinh thông chú thuật, có thể hàng yêu, lại giỏi trị bệnh, ông dùng đó để mưu sinh, thu nhập lại rất khá. Kim Cang Sư Tử cũng từ đó cải tà quy chính, đoạn tuyệt thói quen xấu đánh bạc, toàn tâm toàn ý làm ăn. Mùa đông, mang lông cừu đến phương Nam bán, mùa hạ, đến nông trường phương Bắc mua dê bò; ngoài ra lại còn làm một số kinh doanh nhỏ. Kết quả tất yếu là đã tích góp được một lượng tài sản lớn.
Kim Cang Sư Tử sau đó lại kết hôn với một cô gái xinh đẹp trong vùng, sinh được một người con trai, lấy tên là Mật Lặc Tưởng Thái. (Người này là phụ thân của tôn giả Milarepa)
Lúc này Đa Đốn Sinh Cấp đã rất già, vì bệnh mà mất. Kim Cang Sư Tử nhiều năm vất vả, mà dần dần giàu có lên, ông dùng rất nhiều tiền mua được một mảnh đất phì nhiêu màu mỡ hình tam giác, hơn nữa vì nó hình tam giác, nên được mệnh danh là Nga Mã Tam Giác điền (Fertile Triangle). Ngoài ra ông còn mua một căn nhà lớn ở gần đó.
Khi Mật Lặc Tưởng Thái được 20 tuổi, thì kết hôn với Bạch Trang Nghiêm Mẫu (là mẫu thân của tôn giả Milarepa). Bạch Trang Nghiêm Mẫu (Nyangtsha Kargyen) là con gái của một vị phú hào địa phương, thông minh tài giỏi. Cả nhà sống trong hoàn cảnh giàu có mỹ mãn, sống những ngày vui vẻ.
Qua một thời gian, bên cạnh mảnh ruộng hình tam giác, họ lại xây một tòa nhà lớn ba tầng, bên cạnh nhà lại xây một nhà kho và phòng bếp. Mảnh ruộng tam giác lấy tên từ hình dạng, căn nhà này cũng vậy, có bốn cây cột trụ lớn và tám cái đòn dông, nên gọi nó là ‘tứ trụ bát lương thất’.
Lúc này, những người thân của Đa Đốn Sinh Cấp, ở quê nhà nghe nói Kim Cang Sư Tử ở Gia Nga Trạch vô cùng giàu có, hết sức may mắn, thế là người anh con bác của Mật Lặc Tưởng Thái là Ung Trọng Tưởng Thái (Yungdrung Gyaltshen) và em gái Quỳnh Sát Ba Chính (Khyung-Tsha Peydon) cũng chuyển nhà đến Gia Nga Trạch. Mật Lặc Tưởng Thái hết sức yêu quý những người thân thích của mình, hết sức giúp đỡ họ, cho họ mượn tiền, dạy họ cách làm ăn. Chẳng bao lâu, họ cũng trở nên giàu có.
Thời gian trôi thật nhanh, trải qua vài năm, Bạch Trang Nghiêm Mẫu mang thai. Lần này Mật Lặc Tưởng Thái lại mua rất nhiều hàng hóa từ phương Nam, đến nông trường thảo nguyên phương Bắc để mua bán.
Ngày 25 tháng 8 mùa thu năm đó (tức năm 1052 TCN) là ngày tốt, mẫu thân ta Bạch Trang Nghiêm Mẫu đã sinh ra ta. Mẫu thân ta lập tức sai người đưa tin cho phụ thân ta Mật Lặc Tưởng Thái, trong thư viết: ‘Ta đã sinh con trai, chàng hãy mau chóng quay về, đặt tên cho con và chuẩn bị mở tiệc ăn mừng với người thân bạn bè. Ngày mùa thu hoạch cũng đã gần, mong chờ người trở về.’
Người đưa thư cũng nhanh chóng đưa thư đến nơi. Đồng thời người đưa thư cũng kể tường tận về đứa bé và sự tình trong nhà, thúc giục phụ thân ta hãy sớm trở về để chọn tên cho ta và khánh chúc. Trong tâm phụ thân ta vui vẻ vô cùng, cười và nói: ‘Thật tốt quá! Thật tốt quá! Tên đứa bé đã được chọn rồi, họ Mila chúng ta, mỗi thế hệ chỉ sinh được một người con trai, nay ta thấy sinh được con trai, thật đúng là vui mừng quá đỗi, vậy thì gọi nó là Vấn Hỷ đi!’
Thế là, phụ thân ta vội vàng kết thúc việc mua bán rồi về nhà, lấy tên cho ta là Vấn Hỷ. Sau đó, ta lớn lên, thích ca hát, những người nghe thấy ta ca hát, không ai là không thích giọng của ta, do vậy mọi người đều nói: ‘Vấn Hỷ, nghe thấy là đã vui, cái tên này chọn thật là rất chuẩn!’
Khi ta 4 tuổi, mẫu thân ta lại sinh một em gái. Mẫu thân ta từng nói trước, nếu như là con trai, thì lấy tên là Cống Mạc, nếu là con gái thì gọi là Tỳ Đạt. Vì sinh con gái nên đặt là Tỳ Đạt (Peta Gonkyi). Ta còn nhớ, khi em gái ta và ta còn nhỏ, thì đều được mặc những tơ lụa đẹp nhất, trên tóc đeo rất nhiều châu báu; những người ra vào trong nhà, đều là người có tiền có thế, người hầu có rất nhiều.
Lúc đó người trong thôn Gia Nga Trạch thường nói: ‘Kẻ lang thang đến từ phương xa này, hiện giờ xa hoa như thế, bên ngoài thì có trâu ngựa, điền trạch, bên trong thì lương thực tài phú, ăn không hết, mặc không hết, đúng là may mắn!’ Mọi người đều ngưỡng mộ và đều đố kỵ với gia đình ta. Nhưng, ngày tháng tốt đẹp chẳng được lâu, sống mĩ mãn như vậy được không lâu, thì phụ thân ta qua đời.”
Nhạ Quỳnh Ba lại hỏi: “Thượng sư! Sau khi phụ thân Ngài qua đời, có phải Ngài rất thống khổ? Nghe nói những gì Ngài gặp phải là khốn khổ nhất, Ngài có thể giảng cho chúng con nghe không?“
Xem tiếp Phần 2
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2000/12/21/5699.html
Đăng ngày 26-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.