Bài viết do Tần Sơn chỉnh lý

[MINH HUỆ 4-7-2016]

Lý Lâm Phủ tật đố người hiền, “miệng mật lòng gươm”, cuối cùng thân tử gia diệt

Lòng dạ của Lý Lâm Phủ cực kỳ thâm sâu, ai cũng khó mà chạm thấu suy nghĩ của ông ta; ông ta giỏi nịnh hót trước mặt, nhưng lại âm thầm hãm hại, xưa nay chưa bao giờ để lộ tâm tư. Hễ ai có quan hệ thân mật với Đường Huyền Tông, khi địa vị quyền thế lên gần tới hắn, thì hắn nghĩ muôn phương ngàn kế trừ khử

Năm Khai Nguyên thứ 214 (năm 736), Đường Huyền Tông muốn thực phong cho Sóc Phương Tiết độ sứ Ngưu Tiên Khách, còn cho ông ấy đảm nhận luôn chức Thượng thư. Trương Cửu Linh cho rằng học thức của Ngưu Tiên Khách không cao, gắng sức khuyên ngăn, làm cho Huyền Tông không vui. Lý Lâm Phủ nói riêng: “Chỉ cần tài giỏi sáng suốt, đâu nhất thiết phải xuất sắc về kinh luân. Thiên tử dùng người, có gì là không được.” Đường Huyền Tông sau đó lấy lý do kết bè đảng giáng chức tể tướng của Trương Cửu Linh, Bùi Diệu Khanh, lại phong chức ấy cho Lý Lâm Phủ, Ngưu Tiên Khách. Lý Lâm Phủ được trao chức Trung thư lệnh, điện Tập Hiền đại học sỹ, sửa lịch sử. Sau này, quan Giám sát Ngự sử Châu Tử Lượng tấu lên rằng Ngưu Tiên Khách không có tài làm tể tướng, bị Huyền Tông lệnh đánh tới chết. Lý Lâm Phủ lại nhân cơ hội, tấu rằng Châu Tử Lượng là Trương Cửu Linh tiến cử. Trương Cửu Linh lại bị giáng chức làm Trường sử Kinh Châu.

Lý Lâm Phủ lại khởi tâm nghi kỵ với Dương Thận có quyền thế ngày càng lớn. Ông ta tiến cử Vương Hồng làm Ngự sử Trung Thừa, coi ông ta là tâm phúc. Vương Hồng bị Dương Thận khinh bỉ nên oán hận trong tâm, dưới sự xúi giục của Lý Lâm Phủ đã bịa đặt vu khống, tấu rằng Dương Thận là hậu duệ đời thứ 5 của Tùy Dạng Đế, câu kết với thầy phép, bí mật tàng trữ sách tiên tri, mưu đồ khôi phục triều Tùy. Đường Huyền Tông phẫn nộ, lệnh tống Dương Thận vào ngục, lệnh cho ba ty hội thẩm. Lý Lâm Phủ còn dùng tang vật giả hãm hại, lệnh cho điện trung thị Ngự sử Lô Huyễn Tụ tấu là khám xét thấy trong nhà Dương Thận. Cuối cùng, Dương Thận và gia tộc bị xử tử. Năm Thiên Bảo thứ tám (năm 749), Thái thú Hàm Ninh là Triệu Phụng Chương đã phơi bày tội trạng của Lý Lâm Phủ gồm 20 tội lớn. Kết quả là tội trạng còn chưa đến được, Lý Lâm Phủ đã biết rõ, liền lệnh cho Ngự sử Đài bắt giữ, lấy tội “nói lời bịa đặt” mà đánh đến chết.

Sách “Tư trị Thông giám-Đường ký 31” ghi: Lý Lâm Phủ vi tướng, phàm tài vọng công nghiệp xuất kỷ hữu cập vi thượng sở, thế vị tương bức kỷ giả, tất bách kế khứ chi; vưu kỵ văn học chi sỹ, hoặc dương dữ chi thiện, đạm dĩ cam ngôn nhi âm hãm chi. Thế vị Lý Lâm Phủ “khẩu hữu mật, phúc hữu kiếm”. (Dịch đại ý là: Lý Lâm Phủ đảm nhận chức Tể tướng, đối với trăm quan trong triều, phàm là những người tài năng và công trạng ở trên mình mà nhận được sự ân sủng và tín nhiệm của Huyền Tông hoặc quan vị sắp vượt qua mình, thì nhất định muốn tìm cách trừ khử, nhất là ghét hận những nhân sỹ nào nhờ tài năng văn học mà được làm quan. Ông ta biểu hiện ra mặt thì nhân từ, lời lẽ dễ nghe, nhưng lại ngấm ngầm âm mưu hãm hại. Người đời đều gọi ông ta là “miệng có mật, dạ có gươm).

Đường Huyền Tông từng buông rèm xem nhạc vũ ở Cần Chính lầu. Binh bộ thị lang Lư Huyến cho rằng Huyền Tông đã rời đi, nên quất roi cưỡi ngựa chầm chậm đi dưới lầu. Ông phong độ anh tuấn, được Huyền Tông khen ngợi hết lời. Lý Lâm Phủ biết được, lo lắng Lư Huyến được Huyền Tông trọng dụng, lệnh cho triệu con trai của Lư Huyến lại, nói rằng: “Phụ thân của ngươi có danh vọng, những nơi Giao Châu, Quảng Châu ở đạo Lĩnh Nam hiện nay đang thiếu viên quan có năng lực, bệ hạ có ý để phụ thân ngươi đi. Nếu như ông ấy không bằng lòng đến Lĩnh Nam, chắc chắn sẽ bị thiếu quan. Ta cho ngươi ra quyết định, chi bằng để ông ấy đến Đông Đô Lạc Dương làm thái tử tân khách, hoặc thái tử chiêm sự, đây cũng là chức quan thanh quý.” Lư Huyến quả nhiên không đồng ý đến Lĩnh Nam, bèn theo kiến nghị của Lý Lâm Phủ, chủ động đến Lạc Dương nhậm chức. Lý Lâm Phủ lại e trái với lòng dân, lệnh cho ông ấy làm Thứ sử Hoa Châu, không lâu sau lại tấu lên Huyền Tông, nói rằng Lư Huyến mắc bệnh không thể làm việc, giáng ông ấy xuống làm chiêm sự, ngang với viên ngoại.

Đường Huyền Tông từng hỏi Lý Lâm Phủ: “Nghiêm Đĩnh Chi hiện tại đang ở đâu, người này vẫn có thể dùng được.” Nghiêm Đĩnh Chi trước đây bị giáng chức khỏi triều đình, lúc này đang làm Thứ sử ở Giang Châu. Lý Lâm Phủ lo ông ấy sẽ lại được trọng dụng một lần nữa, bèn triệu kiến em của ông ấy là Nghiêm Tổn Chi, bảo rằng: “Bệ hạ vô cùng kính trọng anh trai của ngươi, sao không để anh ngươi tấu lên, cứ nói đã mắc bệnh phong, xin được về kinh chữa bệnh. Như thế ông ấy sẽ có thể trở về triều.” Nghiêm Đĩnh Chi không biết là kế, quả nhiên làm theo kiến nghị của ông ta, tấu trình lên Huyền Tông. Lý Lâm Phủ sau khi lấy tấu sớ của ông ấy, nói với Huyền Tông: “Nghiêm Đĩnh Chi đã làm việc nhiều năm, gần đây lại mắc bệnh phong, nên cho ông ấy một chức quan nhàn tản, để ông ấy yên tâm dưỡng bệnh.” Huyền Tông thở dài hồi lâu, lệnh cho Nghiêm Đĩnh Chi đến Lạc Dương nhận chức Chiêm sự.

Sau khi Lý Thích Chi được làm tể tướng thì tranh quyền với Lý Lâm Phủ, nhưng vì tính cách không cẩn thận, nên thường rơi vào bẫy của Lý Lâm Phủ. Lý Lâm Phủ từng nói với Lý Thích: “Hoa Sơn có mỏ vàng, khai thác có thể làm giàu cho quốc gia, Hoàng đế vẫn chưa biết.” Một hôm lên triều Lý Thích Chi bèn dâng tấu, tấu lên Huyền Tông rằng ở Hoa Sơn có vàng, Huyền Tông lại hỏi Lý Lâm Phủ. Lý Lâm Phủ tâu: “Thần đã biết từ lâu, nhưng Hoa Sơn là núi bản mệnh của bệ hạ, vương khí ở đó, không nên khai quật, vậy nên thần không đề cập đến.” Đường Huyền Tông cho rằng Lý Thích Chi nghĩ việc không chu toàn, tức giận nói với Lý Thích Chi: “Khanh sau này khi tấu gì, thì phải bàn bạc với Lý Lâm Phủ trước, đừng tự mình chủ trương.” Từ đó mà Lý Thích Chi dần dần bị xa lánh.

Dương Quốc Trung sau này đắc thế, Lý Lâm Phủ lại thừa dịp muốn trừ bỏ Dương Quốc Trung. Đường Huyền Tông khi đó càng tín nhiệm Dương Quốc Trung, Lý Lâm Phủ biết được, ghen tức tới mức sinh bệnh, sau đó bệnh tình trầm trọng, rất nhanh đã vì bệnh mà chết. Năm Thiên Bảo thứ 13 (năm 753), Dương Quốc Trung và An Lộc Sơn hợp mưu, vu cáo Lý Lâm Phủ và phản tướng A Bố Tư nhận nhau là cha con, đồng mưu tạo phản. An Lộc Sơn còn phái hàng tướng của bộ lạc A Bố Tư vào triều làm chứng. Đường Huyền Tông lệnh cho các quan xét xử. Con rể của Lý Lâm Phủ là Dương Tề Tuyên lo bản thân mình bị dính líu, nên hùa theo Dương Quốc Trung, đứng ra xác nhận. Lúc đó, Lý Lâm Phủ vẫn chưa được mai táng, đã bị tước bỏ chức quan, tịch thu hết gia sản. Các con bị gạch tên lưu đày ở Lĩnh Nam, Quý Châu, trong các bè đảng thì có hơn 50 người bị cách chức hoặc giáng chức. Đường Huyền Tông còn ra lệnh mở quan tài của Lý Lâm Phủ, móc ra viên ngọc ngậm trong miệng, lột bỏ triều phục, dùng quan tài nhỏ và an táng theo nghi lễ thứ dân.

Sự đố kỵ với người hiền tài của Lý Lâm Phủ có thể nói là đã đến cực độ, những viên quan bị giáng chức, mất chức hay bị giết vì ông ta là rất nhiều. “Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo“, kết cục của Lý Lâm Phủ thực sự cho thấy câu này không sai. Đi đến cuối cuộc đời Lý Lâm Phủ có thể chẳng ngờ rằng, cuộc đời mình lại hạ màn một cách thê lương bi thảm như vậy, đúng là thiện ác đầu đuôi có báo. Tâm đố kỵ của Lý Lâm Phủ, “miệng mật, bụng gươm”, cũng để lại tiếng xấu trong lịch sử Trung Quốc, tâm đố kỵ quả thật là hại người không ít.

Trong “Chu tử trị gia cách ngôn“ có câu: “Thấy người có niềm vui, không thể sinh tâm tật đố, thấy người có hoạn nạn, không thể sinh tâm vui mừng.” Lấy lịch sử làm lời răn dạy, có thể thấy tâm tật đố là không thể không bỏ, bởi vì ác quả sinh ra từ tâm tật đố là rất lớn. Người có chức quyền càng cao, thì ác quả của việc làm do tâm đố kỵ càng lớn, ảnh hưởng càng ác liệt, hại người rồi cuối cùng hại mình, kết cục của loại người này cũng là quá rõ ràng.

Kết luận

Tâm tật đố hại người hại mình. Lịch sử đã nhiều lần bảo chúng ta lấy đó làm gương, làm người phải trừ bỏ tâm tật đố, đường đường chính chính, chính đại quang minh, trời tất giúp đỡ người thiện. Những kẻ ác hơn cầm thú, cậy quyền làm bậy, hãm hại người khác sẽ không thể có kết cục tốt. Lấy tâm thái bình hòa mà thiện đãi người khác, không vì được mất trong một lúc mà mất đi lý trí làm việc ác, thì cuộc đời như vậy sẽ êm đềm thành công.

Các tài liệu tham khảo:

  1. Khang Hy hoàng đế Ái Tân Giác La. Huyền Diệp “Đình huấn cách ngôn”, Thanh
  2. Tư Mã Thiên (Sử ký. quyển 65. Tôn tử Ngô khởi Liệt truyện“, Tây Hán
  3. Lưu Húc Đẳng “Cựu Đường thư, Lý Lâm Phủ truyện”, Bắc Tống
  4. Chu Bá Lư: Chu tử trị gia cách ngôn“, cuối Minh đầu Thanh.

Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/7/4/330852.html

Đăng ngày 13-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share