Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 2-8-2018] Nếu một người tu luyện nhìn thấy biểu hiện không tốt của người khác, thì nhất định người đó có chấp trước cần tu bỏ. Nếu không chú ý, những chấp trước này sẽ đi theo họ như hình với bóng.

Sư phụ đã giảng:

“Tu luyện là tu nhân tâm, tu chính mình; khi có vấn đề, khi có mâu thuẫn, khi có khó khăn và bị đối xử bất công bằng, thì vẫn có thể hướng nội tìm trong bản thân mình, thế mới là tu luyện thật sự,” (Lời chúc gửi Pháp hội Đài Loan)

Nếu chính niệm của một học viên không mạnh, hoặc nếu bị những quan niệm khống chế, thì họ sẽ dần bị chấp trước vào những thứ của người thường. Gần đây, tôi nhận ra rằng vì các học viên tu luyện giữa người thường, Sư phụ sớm biết có một số người sẽ bị mê lạc, vì vậy Ngài đã thông qua người khác để khiến chúng ta chú ý, hướng nội và thực tu bản thân tốt hơn nữa.

Bất cứ điều gì chúng ta thấy, nghe, hoặc nghĩ, Sư phụ đều dùng người khác làm tấm gương phản ánh những quan niệm mà chúng ta chưa loại trừ, giúp chúng ta xác định gốc rễ của chúng và tu bỏ.

Có khoảng thời gian, tôi không biết cách thực tu bản thân hay hướng nội. Tôi luôn nhìn mọi người và sự việc xung quanh từ góc nhìn của một người thường, khiến tôi cảm thấy kém cỏi và khó chịu. Khi thấy biểu hiện của người khác, tôi không suy ngẫm về bản thân và hướng nội.

Sư phụ đã giảng:

“Là đệ tử Đại Pháp mà giảng, chư vị chính là không được lơi lỏng đối với tu luyện của bản thân mình, chính là phải tận dụng [hết thời gian] tu cho tốt chính mình, càng loạn càng có thể trong loạn mà tu chính mình, càng gặp ma nạn, càng gặp những chuyện không vừa ý thì khi ấy càng có thể xoay trở lại nhìn vấn đề: Đó đều là cung cấp bậc thang cho mình tu luyện, là bậc thang đề cao lên. Mọi người nói xem chẳng phải là như thế sao?” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp, Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)

Cuối cùng, tôi đã ngộ ra rằng việc được chứng kiến biểu hiện không tốt của người khác là để tôi thấy mình cũng có vấn đề tương tự. Sư phụ đã dùng hành vi của người khác để chỉ cho tôi và cho tôi thấy rõ cái tôi giả; những thứ hình thành hậu thiên. Nếu chúng ta có thể nhận ra và cầu xin Sư phụ gia trì, chúng ta có thể loại bỏ những quan niệm hậu thiên này bằng chính niệm. Bây giờ nhìn lại, tôi rất hối tiếc vì đã bỏ lỡ rất nhiều cơ hội tu bản thân.

Tấm gương tôi gặp tại nơi làm việc

Tôi là hiệu phó của một trường học và biểu hiện trong công việc của tôi rất tốt. Tôi cảm thấy rằng mình có khả năng trở thành lãnh đạo. Trong nhiều năm, tôi đã làm việc với một vài người có chức vị, tôi luôn nghĩ rằng khả năng của họ rất bình thường, và rằng họ không xứng làm lãnh đạo của tôi. Tâm đố kỵ khiến tôi cảm thấy mình tốt hơn họ. Tôi rất tự mãn và hiếu thắng. Tôi luôn phán xét ý kiến của họ và buộc họ phải chấp nhận những đề xuất của tôi. Chỉ sau đó tôi mới cảm thấy hài lòng.

Với vị lãnh đạo chính của tôi, năng lực tổng hợp của ông rất tốt, nhưng ông rất hiếu thắng. Ông cũng thích chỉ trích và coi thường người khác. Tôi đã làm việc với ông ấy hơn chục năm, cả hai thường tranh đấu với nhau. Và thậm chí đôi lúc chúng tôi còn sử dụng các thủ đoạn sau lưng nhau.

Tôi đã không xem khoảng thời gian làm việc cùng ông là an bài tỉ mỉ của Sư phụ để giúp tôi đề cao tâm tính, và tôi cũng không xem nó là cơ hội để suy ngẫm và thực tu bản thân.

Mãi cho đến gần đây, tôi mới bắt đầu nhận ra lý do thực sự: Sư phụ đã điều tôi đến làm việc cùng ông ấy. Ông ấy đã phản ánh từng quan niệm và chấp trước của tôi. Chính xác giống như cái tôi giả mang chứa đầy quan niệm hậu thiên. Là một học viên, tôi phải loại bỏ chấp trước của mình trong khi cảnh giác với cái tôi giả.

Tấm gương trong gia đình

Tôi có hai anh em trai, và tất cả chúng tôi đều thanh đạt trong sự nghiệp. Chúng tôi thích ganh đua so sánh với nhau về công việc. Cha tôi đã ngoài 70 tuổi, và ông cũng là một người rất có năng lực. Ông là viên chức xã trong nhiều năm và con cái chúng tôi đều được bồi dưỡng làm cán bộ cho chính quyền.

Ông rất tự hào và luôn coi thường người khác bằng giọng mỉa mai. Khi nói chuyện với mọi người, ông thường không nhìn vào mắt ai cả. Bất cứ khi nào tôi ở nhà, tôi thường cố gắng thuyết phục ông ấy rằng ý kiến của tôi là đúng; kết quả là cả ông và tôi đều không vui.

Gần đây, tôi đã phát hiện ra rằng Sư phụ đã an bài cho cha tôi làm tấm gương phản chiếu của mình, với mục đích phản ánh cái tâm ngạo mạn và những định kiến của chính tôi. Ngoài ra, việc người nhà thích khoe khoang và ngưỡng mộ quyền lực cũng là chấp trước của chính tôi. Tôi nhận ra những thiếu sót của mình và ngay lập tức xin Sư phụ gia trì. Sau đó tôi phát chính niệm để loại bỏ những quan niệm này.

Bây giờ mọi người nhận xét rằng cha tôi đã lịch sự và thân thiện hơn nhiều. Khi tôi về nhà và nói chuyện với ông, ông đã lắng nghe tôi, và chúng tôi không còn tranh luận với nhau nữa.

Tấm gương trong xã hội

Bên cạnh hoàn cảnh trong công việc và gia đình, còn có hoàn cảnh xã hội đã mang đến cho chúng ta cơ hội để thực tu bản thân bất cứ lúc nào. Biểu hiện của người khác cũng có thể phản ánh quan niệm của chúng ta, giúp chúng ta tu bỏ chúng và đề cao. Vì thế chúng ta phải luôn luôn hướng nội và tịnh hóa thân thể khi chúng ta bước trên con đường trở thành Thần.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/2/371346.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/15/171524.html

Đăng ngày 26-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share