Bài viết của đệ tử Đại Pháp ở Thiên Tân, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-9-2017]

Tôi năm nay 62 tuổi, bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ tháng 6 năm 1998. Tôi muốn chia sẻ về việc bản thân đề cao trong tu luyện thông qua quá trình học Pháp nhóm.

Tầm quan trọng của việc học Pháp nhóm

Học Pháp nhóm là một hình thức tu luyện mà Sư phụ đã lưu lại cho đệ tử Đại Pháp. Tôi tham gia học Pháp nhóm từ năm 2006 đến 2014, tận đến khi điểm học Pháp phải ngừng lại do người phụ trách bị bức hại.

Sau đó tôi đã tham gia ba nhóm học Pháp khác, nhưng lần lượt từng nhóm đều ngừng lại vì người phụ trách bị cảnh sát theo dõi, cũng có thể là do mâu thuẫn gia đình xảy ra khiến học viên chủ trì nhóm học không thể tiếp tục được nữa.

Tôi cố tìm một nhóm khác, nhưng ai cũng nói rằng không tìm được địa điểm nào cả. Do vậy, tôi phải học Pháp đơn độc một mình suốt cả năm. Tôi rất hay đọc các bài chia sẻ thể ngộ, nhưng khi không học Pháp nhóm, tôi thấy rất khó để theo kịp tiến trình Chính Pháp. Điều này giúp tôi nhận ra rằng việc tu luyện chỉ có thể đề cao nhanh chóng trong môi trường tập thể.

Trong một lần đả tọa nhập định hồi tháng 4 năm 2017, hai chữ “phối hợp” bỗng nhiên hiện ra trong tâm trí tôi. Tôi hiểu rằng đó chính là Sư phụ điểm hóa tôi cần phải phối hợp với các học viên khác để có thể giảng chân tướng cứu độ chúng sinh được tốt hơn.

Vài ngày sau, một học viên nói rằng hiện đang có một nhóm học Pháp chung, và hỏi tôi có muốn tham gia không. Có điều là điểm học này khá xa.

Tôi biết rằng đây chính là an bài của Sư phụ để giúp tôi tu luyện. Tôi bắt đầu tham gia vào nhóm hai lần một tuần. Tôi phải đi ba trạm xe buýt mới đến nơi nên tôi ra khỏi nhà lúc 6 giờ 40 sáng và đến nơi khoảng trước 9 giờ sáng. Sau khi học xong, tôi thường về đến nhà lúc khoảng 1 giờ trưa. Mặc dù tốn nhiều thời gian di chuyển, nhưng tôi rất vui vì lại có thể tham gia một nhóm học Pháp chung.

Tôi nói với những hành khách trên xe buýt hay những người đang chờ xe về vẻ đẹp của Đại Pháp và cuộc bức hại của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tôi cảm thấy thời gian trôi qua đầy ý nghĩa. Tôi đang tu luyện chính mình và đang cứu độ chúng sinh. Từ tận đáy lòng tôi vô cùng cảm kích trước sự an bài của Sư phụ.

Nhận ra thiếu sót của bản thân

Có vài học viên lớn tuổi hơn trong nhóm học Pháp bị mù chữ, nhưng trạng thái tu luyện của họ rất tốt. Mỗi ngày họ đều ra ngoài giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. Tôi thỉnh thoảng tham gia và chia sẻ kinh nghiệm với họ. Tôi cũng giúp họ đăng ký danh sách người thoái ĐCSTQ và các tổ chức liên đới lên hệ thống trên mạng.

Dù học Pháp nhóm có lợi ích rất to lớn, tôi đã phát hiện ra một vấn đề nghiêm trọng. Mọi người trong nhóm rất hay thêm chữ hay nuốt chữ khi đọc Pháp.

Vài học viên trong nhóm chưa bao giờ đến trường, một số người chỉ học vài lớp ban đêm. Một số phải dùng kính lúp để đọc vì đôi mắt của họ đã bị hủy khi bị tiêm một loại thuốc không rõ lúc bị giam trong nhà tù. Nhiều người trong số họ đọc rất chậm và thông thường chúng tôi mất khoảng 2 tiếng để đọc một bài giảng trong Chuyển Pháp Luân.

Tôi chú ý đến những lỗi mọi người gặp và chỉ ra ngay lúc đó. Tuy nhiên, tôi không thấy bất kỳ sự giảm bớt nào những lỗi mắc phải khi đọc Pháp của họ, vì vậy tôi đã in ra một số bài báo trên trang web Minh Huệ để giải quyết vấn đề này và chia sẻ với các học viên.

Tình hình vẫn không cải thiện sau một thời gian dài, và tôi bắt đầu thấy lo lắng. Tôi nghĩ: “Còn mình thì sao? Nhóm này mang năng lượng không thuần tịnh – liệu nó có ảnh hưởng đến mình? ” Tôi đã vượt qua vấn đề này mười năm trước và giờ đây tôi có thể đọc Chuyển Pháp Luân rất lưu loát.

Tôi cảm thấy dường như tôi bị kéo xuống bởi một số người trong nhóm, và nghĩ rằng đến đó ít hơn để khỏi bị ảnh hưởng bởi họ.

Khi hướng nội, tôi nhớ đến một đoạn Pháp của Sư phụ:

“Phương thức tu luyện mà tôi lưu lại cho đệ tử Đại Pháp là sự bảo đảm cho đệ tử có thể thật sự đề cao lên, ví như tôi bảo chư vị đến công viên và mọi người luyện công tập thể sẽ hình thành một hoàn cảnh, hoàn cảnh ấy là biện pháp tốt nhất để cải biến bề mặt con người. Đệ tử Đại Pháp trong hoàn cảnh ấy với hành vi hình thành ở cảnh giới cao, kể cả từng lời nói từng hành động là có thể khiến người ta nhận thức chỗ thiếu sót của bản thân, có thể khiến người ta tìm được chỗ còn kém hơn, có thể cảm động con người, có thể dung luyện hành vi của người ta, có thể khiến người ta đề cao nhanh hơn, do đó các học viên mới hoặc đệ tử tự học nhất định phải đến luyện công ở điểm luyện công.” (Hoàn Cảnh, Tinh tấn yếu chỉ)

Học Pháp nhóm, luyện công tập thể, và chia sẻ thể ngộ trong Pháp hội là những hình thức tu luyện mà Sư phụ đã nói đến, chúng có thể giúp học viên đề cao nhanh nhất. Tôi đã hiểu được rằng, nó không chỉ là hình thức, mà còn là môi trường để tu luyện thực sự và tìm ra thiếu sót của mình.

Tôi đã phàn nàn về những người khác đọc chậm và sai bởi vì tôi có thể đọc nhanh và lưu loát. Tôi nghĩ rằng tôi hoàn hảo. Thêm vào đó, khi tôi chỉnh cho người khác, giọng điệu tôi cay nghiệt, không nhẫn và thiếu từ bi. Tôi thậm chí còn đề nghị một học viên lớn tuổi đọc quá chậm nên nhường cho người kế tiếp đọc đoạn dài hơn.

Tôi nhận ra tôi đã chấp vào “cái tôi” và không thể buông bản ngã hậu thiên xuống được. Tôi phớt lờ cảm thụ của người khác và chỉ quan tâm đến những thiệt hại của bản thân. Tôi lo rằng thời gian của tôi bị lãng phí và sự tu luyện của tôi không đề cao được. Những đồng tu khác chính là tấm gương mà tôi có thể soi thấy thiếu sót của chính mình.

Tôi nhận ra là nên nhìn vào ưu điểm của người khác và chấp nhận khuyết điểm của họ một cách nhẹ nhàng. Tôi nên nghiêm khắc với chính bản thân mình và khoan dung với người khác. Nếu tôi chỉ biết lo cho nhu cầu bản thân mà không quan tâm đến suy nghĩ của người khác, tôi sẽ không buông bỏ chấp trước vào bản thân được.

Sau khi nhận ra thiếu sót của mình, tôi đã xin lỗi đồng tu mù chữ lớn tuổi kia và nói: “Tôi có nhiều thiếu sót quá. Hãy cùng nhau học hỏi và tu luyện tinh tấn nhé.” Bà rất vui và đồng ý ngay.

Quá trình giúp đỡ học viên khác là một quá trình đề cao của chính tôi. Khi tâm tính đề cao, thái độ tôi đã thay đổi và tôi không còn phàn nàn về những người khác nữa. Tôi trở nên kiên nhẫn hơn và giọng điệu của tôi hòa ái hơn. Những người khác trong nhóm cũng đề cao tâm tính như tôi. Giờ đây tôi hiếm khi nghe thấy bất kỳ ai thêm chữ hay nuốt chữ trong khi học Pháp.

Tu bỏ tâm ích kỷ

Bởi nhiều học viên lớn tuổi trong nhóm học Pháp chúng tôi đều mù chữ, họ không thể nào tự mình xây dựng điểm sản xuất tài liệu và phải dựa vào những điểm tài liệu lớn để có thể lấy được tài liệu thông tin Đại Pháp. Một ngày nọ, một học viên nói: “Nếu như chúng ta có thể tự tạo lập điểm tài liệu thì chúng ta sẽ không làm gánh nặng thêm cho các điểm tài liệu khác.” Tôi bảo với bà ấy rằng tôi không thể sản xuất số lượng lớn đáp ứng nhu cầu của bà ấy được, khi mà tôi cũng có việc khác cần làm.

Tôi rất ngạc nhiên là sau đó bà ngừng không lấy hàng ở điểm tài liệu lớn như thường lệ nữa, bắt đầu chuyển sang lấy tài liệu từ chỗ tôi. Tôi không nghĩ rằng mình có thể đáp ứng nổi nhu cầu của bà, và nhiều học viên khác cũng bắt đầu đề nghị tôi cung cấp tài liệu cho họ. Tôi thấy không kham nổi nhu cầu đó và bắt đầu phàn nàn.

Tôi muốn bỏ không làm tài liệu cho người khác nữa bởi vì tôi cảm thấy chịu đựng không nổi và sợ ảnh hưởng đến tu luyện cá nhân. Tâm ích kỷ của tôi đã nổi lên.

Đặc tính của vũ trụ cũ là vị tư ích kỷ, trong khi đó vũ trụ mới là vị tha và không chấp trước vào bản thân. Tôi là một đệ tử Đại Pháp, một lạp tử của Pháp. Tôi sẽ tiến nhập vũ trụ mới, nên tôi phải tu luyện theo tiêu chuẩn của Đại Pháp, trở nên vô tư và vị tha.

Những học viên khác muốn nhiều tài liệu là vì để cứu nhiều người hơn. Họ đều vị tha và không đi giảng chân tướng vì lợi ích của chính họ, nhưng họ lại không thể tự làm tài liệu được.

Một học viên khác là giáo sư đại học, nhưng ông ta đã bị bức hại nghiêm trọng và đọc rất khó khăn, nên chỉ có thể làm tài liệu một mình. Những người chúng tôi ai có khả năng đều cố hết sức để giúp người khác yếu hơn vì tất cả chúng ta đều cố gắng trợ Sư chính Pháp.

Sư phụ giảng:

“Đặc biệt là nội bộ các đệ tử Đại Pháp chúng ta; khi chúng ta đối ngoại giảng rõ chân tướng, thì mọi người đều thấy rằng cần lấy từ bi đối đãi chúng sinh; giữa các đệ tử Đại Pháp chúng ta [lại càng] không thể không từ bi. Chư vị là đệ tử đồng môn, mọi người đều đang tận tâm tận lực vì Chính Pháp vũ trụ, do vậy khi [quan hệ] với nhau cũng cần phối hợp cho tốt; không được lạm dụng tâm người thường để coi xét vấn đề; [quan hệ] với nhau có mang theo tâm người thường mà nảy sinh [sự việc gì] thì cũng không nên phát sinh mâu thuẫn và đấu tranh. Những sự việc ấy đều nên có biểu hiện khoan dung, lương thiện, [và] hoà hảo của các đệ tử Đại Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2002)

Chúng ta phải giúp đỡ đồng tu để hoàn thành nhiệm vụ vĩ đại trợ Sư chính Pháp và cứu độ chúng sinh, nên tôi đã quyết định làm nhiều hơn cho những học viên khác. Tôi biết họ đều trân quý tài nguyên Đại Pháp và sẽ không lãng phí bất kỳ một tài liệu nào.

Nhóm học Pháp của chúng tôi giờ đây làm rất tốt khi chúng tôi cùng nhau hợp tác.

Tôi tin rằng đều là nhờ sự từ bi của Sư phụ gia hộ mà chúng tôi có thể hướng nội tìm khi mâu thuẫn xảy ra. Chúng tôi cố gắng tu luyện tâm tính và tu bỏ những tư tưởng ích kỷ của cựu vũ trụ bên trong mỗi người.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/9/24/354098.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/24/166157.html

Đăng ngày 5-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share