Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trường Xuân, tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 11-5-2017] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!

Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp lâu năm. Tính đến nay đã 25 năm trôi qua kể từ ngày tôi tham gia khoá giảng Pháp lần thứ tư của Sư phụ tại Trường Xuân vào tháng 9 năm 1992.

Tiền duyên của tôi với Pháp Luân Đại Pháp

Tôi bắt đầu quan tâm đến khí công từ những năm 1970. Tôi đã thử học nhiều môn khác nhau, từ võ Thiếu Lâm đến Mật Tông, và cũng quy y Phật môn. Có bao nhiêu tiền tôi đều mang đi mua sách khí công, tôi còn thắp hương, cúng Phật, niệm chú, vẽ bùa. Ở tuổi 50, cơ thể tôi khá khoẻ mạnh, và cũng có được một vài công phu.

Có rất nhiều người luyện khí công tại công viên Thắng Lợi ở Trường Xuân. Một số người giới thiệu cho tôi về Pháp Luân Đại Pháp và nói rằng đó là một môn tu luyện Phật gia. Tôi không chú ý lắm, vì nghĩ rằng mình đã quy y Phật môn rồi.

Thời gian đó Sư phụ Lý Hồng Chí đưa một số học viên đến phía Đông Hầu Sơn trong công viên để luyện Pháp Luân Công, còn tôi đang dạy Mật Tông ở phía Đông Bắc Hầu Sơn. Tôi chỉ cách Sư phụ khoảng hai, ba mươi bước chân, nhưng lại hoàn toàn không biết gì, không nhìn thấy gì, quả thực là duyên chưa đến.

Một buổi sáng tháng 7 năm 1992, sau khi tập thể dục buổi sáng tôi bước ra phía ngoài công viên. Có vài người đang bán sách Pháp Luân Đại Pháp. Tôi đã mua cuốn sách cuối cùng, cuốn Pháp Luân Công Trung Quốc.

Tôi cầm sách về nhà đọc và hết sức kinh ngạc. “Ồ, đây mới là điều chân chính! Sao tôi không biết sớm hơn?” Tôi rất sung sướng và lập tức quyết định từ bỏ Mật Tông và nhất tâm tu luyện Pháp Luân Đại Pháp. Sau đó khoảng 80% những người theo tôi học Mật Tông cũng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi tới thăm một người bạn cũng đang luyện khí công. Khi bước lên cầu thang, tôi thấy có vài người đang đi xuống. Đi đầu là một người trông khá cao và tráng kiện. Tôi dừng ở góc cầu thang nhường đường cho họ. Khi họ đi qua tôi, người đàn ông đi đầu mỉm cười và vỗ nhẹ lên vai tôi.

“Người ấy là ai? Sao lại vỗ lên vai tôi?” Ngay sau khi người ấy đi qua, tôi đột nhiên nhớ ra đã nhìn thấy ảnh của người ấy trong cuốn Pháp Luân Công Trung Quốc. Bạn của tôi cũng đi theo sau người ấy. Tôi đi xuống cầu thang cùng họ tiễn người ấy. Lúc đó tâm trí tôi trống rỗng. Đến cuối ngày hôm đó tôi mới định thần lại được và nhận ra rằng tôi đã được gặp Sư phụ của Pháp Luân Đại Pháp.

Mối duyên của tôi với Sư phụ đã đến như vậy đó.

Bắt đầu tu luyện

Vài ngày sau đó, tôi tham gia khoá giảng Pháp Luân Đại Pháp lần thứ tư tổ chức tại hội trường của Tỉnh uỷ, diễn ra từ ngày 8 đến 17 tháng 9 năm 1992. Sư phụ giảng Pháp, còn các phụ đạo viên dạy chúng tôi các bài công pháp. Khi chúng tôi học các bài công pháp, Sư phụ đi quanh để chỉnh động tác và tịnh hoá thân thể cho chúng tôi.

Có một người phụ nữ tham gia khoá học. Bà ấy có một khối u lớn trong bụng, trông như đang mang thai 7, 8 tháng vậy. Tôi nghe nói bà đã đến gặp nhiều bác sĩ cả trong và ngoài nước, nhưng không ai có thể chữa khỏi. Bà ấy đã đến nhờ Sư phụ giúp.

Tôi ngồi phía sau hội trường và đứng dậy để xem Sư phụ chữa cho bà ấy. Tôi thấy Sư phụ chỉ vẫy tay từ trên xuống dưới nhẹ một cái, bụng bà ấy lập tức xẹp xuống. Chiếc quần thiếu chút nữa thì bị rơi xuống, mủ cùng với máu chảy xuống từ ống quần của bà.

Mọi người trong hội trường đều hết sức kinh ngạc, sau đó là tiếng vỗ tay vang dội. Thật là kỳ diệu. Trước đó tôi đã tiếp xúc với nhiều khí công sư, nhưng không ai làm được như vậy. Sư phụ thật là thần kỳ. Sau khi nghe Sư phụ giảng Pháp, tôi đã hiểu được rằng Pháp Luân Đại Pháp không phải là môn khí công thông thường.

Mặc dù tôi đã luyện khí công hơn 10 năm, nhưng không ai nói với tôi về việc đề cao tâm tính. Pháp Luân Đại Pháp là pháp môn đầu tiên dạy các học viên chú trọng vào việc đề cao tâm tính và tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Đó quả là con đường chân chính. Tôi đã tìm kiếm suốt nửa cuộc đời, cuối cùng cũng đã tìm ra, thật là đáng trân quý.

Về những sách khí công mà tôi sưu tầm trước đó, một số tôi đốt đi và một số thì bỏ đi. Vì tôi đã học khá nhiều kỹ thuật của các môn phái nên cũng mất một khoảng thời gian để từ bỏ chúng đi.

Luyện các bài công pháp

Tôi bắt đầu luyện các bài công pháp của Pháp Luân Đại Pháp vào mỗi buổi sáng tại một công viên trẻ em cách nhà tôi không xa. Một sớm mùa xuân năm 1993, Sư phụ đã tới điểm luyện công của chúng tôi. Sư phụ đã chọn địa điểm luyện công và tẩy tịnh môi trường luyện công cho chúng tôi. Tôi cảm thấy năng lượng mạnh mẽ khi luyện các bài công pháp.

Những người có tiền duyên với Đại Pháp dần dần đến tham gia luyện công. Điểm luyện công của chúng tôi nhanh chóng không còn đủ chỗ nữa. Phụ đạo viên nói với chúng tôi rằng Sư phụ đã chọn một địa điểm mới cho chúng tôi – một khu rừng cây nhỏ ở vị trí trung tâm của công viên trẻ em, nơi mà ai đi vào công viên cũng đi qua và nhìn thấy. Chúng tôi treo một băng rôn lớn ở đó, trông rất bắt mắt.

Lúc đầu, vì không hiểu sâu sắc ý nghĩa của tu luyện, nên chúng tôi chỉ chú trọng đến luyện các bài công pháp. Ngồi song bàn trong khi đả toạ là khảo nghiệm khó khăn nhất với mọi người. Một số người đổ mồ hôi khắp thân, một số thì động đậy không ngừng, còn một số thì nhăn nhó.

Để giúp chúng tôi ngồi song bàn đạt đúng tiêu chuẩn, Sư phụ đã chỉ cho chúng tôi nhiều cách, như buộc chân bằng dây thừng, đặt vật nặng lên chân, và duỗi cơ.

Tôi đã dùng cách buộc chân lại. Để tránh việc tự tháo dây, tôi nhờ vợ buộc tay tôi ra phía sau lưng. Tôi chịu đựng từng phút từng phút. Vợ tôi không muốn nhìn thấy tôi chịu đau đớn như vậy nên đã ra ngoài và để tôi ở nhà một mình. Tôi ngã từ trên ghế xuống suýt chút nữa thì bất tỉnh. Tôi thật sự mong muốn sớm đạt được tiêu chuẩn, kiên trì luyện tập cho đến khi có thể ngồi song bàn trong hai giờ đồng hồ. Quả thật muốn tiêu nghiệp, muốn đắc Đạo, muốn thành Thần, quả là không dễ dàng.

Các học viên khác ở điểm luyện công cũng sẵn sàng chịu đau trong khi luyện công. Chúng tôi tăng thời gian luyện bài công pháp thứ hai từ 20 phút lên nửa giờ, rồi 40 phút, cuối cùng là 80 phút. Tôi thậm chí đã tăng thời gian luyện công của tôi lên gần 3 giờ đồng hồ.

Tôi đã rất tự hào vì bản thân có thể luyện công tinh tấn như vậy, nhưng khi tôi nói về điều đó, Sư phụ nghiêm túc nói với chúng tôi: “Bão luân như vậy, chẳng phải sẽ khiến những người khác bỏ đi hết sao? Nếu anh muốn bão luân như vậy, anh có thể làm thế ở nhà.”

Lúc đó chúng tôi mới nhận ra rằng chúng tôi cần quan tâm đến các học viên mới và hướng dẫn họ tu luyện. So với việc luyện công, học Pháp và tu tâm tính còn quan trọng hơn.

Chứng kiến những thần tích

Sau khi tham gia khoá học đầu tiên, tôi còn tham gia thêm bốn khoá học ở Trường Xuân và Cáp Nhĩ Tân từ tháng 9 năm 1992 đến tháng 8 năm 1994. Mỗi lần được nghe giảng, tôi lại có nhận thức sâu hơn về các Pháp lý.

Cũng có những khảo nghiệm. Tâm tính của tôi dần dần đề cao lên. Tôi đã chứng kiến rất nhiều điều kỳ diệu và cũng chứng kiến những khó khăn mà Sư phụ gặp trong khi truyền Pháp và cứu độ chúng sinh.

Trong khoá giảng Pháp Luân Đại Pháp lần thứ bảy tổ chức tại Trường Xuân vào tháng 5 năm 1994, có một học viên đã từng là đồng nghiệp của Sư phụ. Anh ấy đã kể cho chúng tôi về câu chuyện mà Sư phụ cũng giảng trong cuốn “Chuyển Pháp Luân”:

“Trước đó chúng tôi dạy tại trường Đại học Cát Lâm, có một học viên từ cổng chính Đại học Cát Lâm đi ra; đang dắt xe vừa đến giữa thì hai chiếc xe [ô-tô] đột ngột chạy tới kẹp ngay anh ta vào giữa, trông thấy thì như là đâm rồi; nhưng [vị này] không hề sợ. Thông thường chúng ta gặp những tình huống như thế này đều không sợ hãi; tại đúng tích tắc ấy, [hai chiếc] xe dừng lại, và không xảy ra vấn đề gì.”

Người học viên đó nói rằng anh ấy không biết chuyện gì đã xảy ra. Khi anh ấy quay đầu lại, anh nhìn thấy Sư phụ đang đứng nhìn anh từ cổng chính trường Đại học Cát Lâm. Sau khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, anh hiểu ra rằng chính Sư phụ đã giúp anh trả nghiệp.

Khi giảng Pháp tại một thành phố khác, Sư phụ cũng nói về một tai nạn xảy ra với ba học viên ở Trường Xuân. Tôi thực sự đã nhìn thấy chiếc xe Jeep chạy trốn sau khi đâm vào người học viên, và chiếc xe đạp ấy vẫn còn mắc ở đầu xe. Chiếc xe Jeep chạy nhanh đến nỗi có những tia lửa điện phát ra ở chỗ tiếp xúc giữa xe đạp và mặt đất, mặc dù lúc đó trời đang mưa và đường ướt.

Sau đó, chúng tôi nghe nói rằng người lái xe đó say rượu. Khi cảnh sát dừng xe anh ta lại, chiếc xe đạp vẫn còn mắc ở đầu xe. Ba người đó, gồm hai vợ chồng và cô con gái, là những học viên mới tham gia khoá giảng của Sư phụ. Mặc dù họ bị xe Jeep đâm, nhưng họ đều không bị thương gì cả. Sư phụ đã bảo hộ các học viên.

Một người tàn tật có thể đứng dậy

Trong khi các học viên của một điểm luyện công chụp hình với Sư phụ trong hội trường, có một người ngoài 60 hoặc 70 tuổi, có vẻ là trí thức, ngồi trên xe lăn ở bên cạnh.

Sư phụ nhìn ông ấy rồi nói: “Hãy bỏ nạng và xe lăn đi.” Người đó từ từ đứng dậy, để chiếc xe lăn sang bên cạnh, rồi sau đó bỏ cả nạng đi. Ông ấy bước chân trái lên trước, rồi đến chân phải. Ông ấy đi quanh hội trường vài vòng. Ông hết sức ngạc nhiên và sung sướng, vừa cười vừa khóc.

Sau khi chụp ảnh cùng Sư phụ, ông ấy tự mình bước lên các bậc thang và ngồi nghe giảng Pháp. Chúng tôi được biết rằng ông là một kỹ sư cao cấp và đã bị liệt bốn năm nay. Nhiều người đã được chứng kiến thần tích và kinh ngạc trước uy lực thần kỳ của Đại Pháp.

Tôi nghĩ rằng người đàn ông ấy quả là ngộ tính tốt. Ông ấy tin vào lời Sư phụ, nên thần tích đã xuất hiện.

Hỗ trợ lớp giảng Pháp

Tôi tham gia hỗ trợ hậu cần cho các khoá học, công việc này cũng đầy khảo nghiệm tâm tính. Trong khoá giảng Pháp lần thứ bảy, rất nhiều người đến từ khu vực khác. Có các lớp ban ngày và lớp buổi tối. Vé đã bán hết, nhưng vẫn có thêm người đến và muốn mua vé.

Nhìn thấy mọi người lo lắng rằng không thể tham dự lớp học, các nhân viên khác và tôi đã nhường vé cho họ. Chúng tôi đứng sau tấm màn để nghe giảng Pháp, đồng thời cũng để đảm bảo không có gì can nhiễu tới việc Sư phụ giảng bài.

Trạm phụ đạo đã mang đến rất nhiều sách để chúng tôi bán. Sau các buổi học còn một số sách chưa được bán. Khi kiểm tra chéo con số bán hàng và số sách còn lại, chúng tôi phát hiện có một số sách bị thiếu. Chúng tôi đã bỏ tiền túi ra để bù cho số sách thiếu đó. Nhưng đáng ngạc nhiên là những cuốn sách bị thiếu hôm sau lại tìm thấy. Đây quả là một khảo nghiệm cho chúng tôi.

Nói về những trải nghiệm đã khiến tôi căng thẳng, đó là khoá học tại Cáp Nhĩ Tân vào đầu tháng 8 năm 1994. Khóa học được tổ chức tại một sân khúc côn cầu đang xây dựng.

Trong suốt khoá giảng chúng tôi gặp rất nhiều can nhiễu. Mắt của Sư phụ và các phụ đạo viên đến từ Trường Xuân đều đỏ. Sư phụ ho liên tục, còn cổ họng chúng tôi thì như bị thiêu đốt. Sư phụ nói rằng các vật chất xấu mà Ngài thanh trừ từ các không gian khác đã đi vào cổ họng Sư phụ.

Đó là vào kỳ nghỉ hè nên sinh viên đã trở về nhà. Để tiết kiệm chi phí, hiệp hội khí công địa phương đã tổ chức cho các học viên đến từ ngoài thị trấn nghỉ lại trong ký túc xá sinh viên. Sư phụ cũng đến đó ở. Trong suốt thời gian chúng tôi ở đó, điện nước đều hỏng, điều này chưa bao giờ xảy ra ở đây. Do đó có rất nhiều bất tiện bởi thời tiết mùa hè rất nóng.

Không chỉ vậy, xe buýt đưa chúng tôi từ ký túc xá đến sân vận động lại bị hỏng giữa đường, các phụ đạo viên phải xuống đẩy xe suốt quãng đường đến sân vận động.

Vào ngày giảng Pháp thứ tám, có bốn người đàn ông khiêng một người bệnh nặng trên cáng và muốn xông vào lớp học. Chúng tôi ngăn họ lại vì Sư phụ đã giảng không đồng ý cho những người bệnh nặng vào lớp, vì Pháp Luân Đại Pháp là môn tu luyện chứ không phải trị bệnh. Những người đó tỏ ra tức giận vì không được vào.

Sau buổi học tôi nói với Sư phụ về chuyện này. Sư phụ nói người bệnh đó đã chết rồi và phần nguyên thần của anh ta đã rời đi.

Ngày hôm sau, cũng là ngày cuối cùng của khoá học, những người đó quay lại ngay khi Sư phụ vừa kết thúc bài giảng. Khi họ đi lên bục giảng, chúng tôi và Sư phụ đã quay vào hậu trường. Họ đã gây hỗn loạn trong sân vận động và nhiều người đã chứng kiến việc này.

Tôi nghe nói rằng bệnh nhân đó đến từ Cẩm Châu, tỉnh Liêu Ninh. Một học viên từ Trường Xuân đã giới thiệu cho họ tới lớp và nhờ Sư phụ chữa trị. Người học viên này đã nhờ Sư phụ chữa cho anh kia, nhưng Sư phụ từ chối. Người học viên này đã xé biểu tượng Pháp Luân trên áo của anh ta, ném xuống đất, và đe doạ Sư phụ: “Tôi sẽ không tu luyện nữa!” Sư phụ nghiêm nghị nhìn anh ta và nói: “Anh không xứng đáng!” Người này vẫn tỏ ra tức giận. Đây là người đã mang bệnh nhân tử vong đến gây náo loạn vào ngày cuối.

Sư phụ đã giảng:

“Trong quá trình truyền Pháp cũng có những chỗ không thuận lợi, can nhiễu đủ mọi phương diện cũng rất lớn.” (Chuyển Pháp Luân)

“Nguy nan lai tiền giá Pháp thuyền,
Ức vạn gian hiểm trùng trùng lan,
Chi ly phá toái tái càn khôn,
Nhất mộng vạn niên chung kháo ngạn.” (Khổ Độ – Hồng Ngâm)

“Chính Pháp truyền,
Nạn thượng gia nạn.
Vạn ma lan,
Hiểm trung hữu hiểm.” (Nạn Trung Bất Loạn – Hồng Ngâm)

Mặc dù Sư phụ không giải thích nhiều về chuyện này, nhưng chỉ Sư phụ mới biết những trận chiến với tà ác mà Ngài phải đối diện ở tầng người thường và ở các không gian khác trong khi truyền Pháp.

Môi trường tu luyện tại Trường Xuân

Trong hai năm tu luyện, tôi đã có được nhận thức sâu sắc hơn về Pháp. Nhiều học viên xung quanh tôi bắt đầu học thuộc Pháp, và chúng tôi chia sẻ với nhau kinh nghiệm về việc đó.

Sau khi đi giảng Pháp tại một số thành phố, Sư phụ đã quay trở lại Trường Xuân vào ngày 18 tháng 9 năm 1994. Tại giảng đường của trường Đại học Cát Lâm, Sư phụ đã giải Pháp cho các phụ đạo viên ở Trường Xuân. Phụ đạo viên của điểm luyện công chúng tôi đã nói với Sư phụ về việc chúng tôi học thuộc Pháp.

Cuối buổi Sư phụ đã giảng:

“Chư vị hãy mở đầu ở quê tôi, tổ chức một chút, chúng ta không thể chỉ luyện công tập thể, chúng ta hãy tìm và định ra thời gian tập thể cùng đến học Pháp. Từng chương từng mục, mọi người niệm đọc, thảo luận một chút. An bài thời gian học tập là cố định lại tựa như luyện công tập thể. Tôi nghĩ rằng làm như thế là tốt hơn, có tính nhắm thẳng, như vậy thì đối với tương lai chúng ta, khi gặp vấn đề thực tế thì có Pháp để có thể dựa vào. Chúng ta mở đầu, tại những trạm phụ đạo các nơi toàn quốc có thể có tác dụng dẫn đầu rất là tốt.” (Giảng Pháp cho các phụ đạo viên Pháp Luân Đại Pháp Trường Xuân [1994]– Pháp Luân Đại Pháp Nghĩa Giải)

Từ đó trở đi, hàng ngày sau khi luyện công buổi sáng chúng tôi bắt đầu học Pháp. Thời gian đó chúng tôi chủ yếu học cuốn Pháp Luân Công. Chúng tôi đã có những đề cao tâm tính rõ rệt trong quá trình nhận thức Pháp, và cũng hiểu ra được tầm quan trọng của đề cao tâm tính trong tu luyện.

Hai tháng sau, vào ngày 20 tháng 11 năm 1994, các học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trường Xuân lần đầu tiên đã tổ chức Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm tu luyện tại giảng đường của Đại học Cát Lâm.

Pháp hội tổ chức rất trang nghiêm và thần thánh. Mặc dù đã cuối tháng 11 và bắt đầu mùa đông, nhưng hôm đó thời tiết rất ấm áp, bầu trời trong sáng. Những học viên đã khai mở thiên mục nhìn thấy rất nhiều chư Thần cùng tới dự Pháp hội. Một số học viên còn quay phim được cảnh từng đám ánh sáng lần lượt bay vào trong giảng đường, trên đầu các học viên. Rất nhiều học viên đã từng xem đoạn video đó.

Sư phụ đã giảng điều này trong “Giảng Pháp tại Quảng Châu với một số trạm trưởng trạm phụ đạo toàn quốc [1994] – Pháp Luân Đại Pháp nghĩa giải”:

“Trường Xuân đã làm băng thu hình, học viên trao đổi hết sức sinh động, học viên tới nghe cũng rất phấn khích, có những người khóc. Vì buổi họp diễn ra rất sinh động, bầu không khí rất tốt, mọi người cũng rất vui. Giống như điều mà chư vị [có người] vừa nói [rằng] ở trong trường này, chỉ thiếu đích thân tôi tại đó thôi, chứ cái gì cũng không thiếu; giống như tôi mở lớp vậy, trường ấy mạnh mẽ phi thường. Có thể nói đó là tập kết của Pháp Luân Công, đồng dạng như Pháp hội, do đó hiệu quả vô cùng tốt đẹp. Tương lai học viên phát triển đông lên rồi, học viên có thể làm như thế, trao đổi tâm đắc thể hội. Thông qua học Pháp, điều đó hết sức [có tính] giáo dục người ta, bản thân học viên sau khi học công thì có những thu hoạch nào đó, từ một số phương diện mà xét thì còn sinh động hơn chúng ta nói ở đây.”

Có khoảng 12 học viên đã chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, Pháp hội kéo dài hơn 5 giờ đồng hồ. Tôi cảm thấy rất vui và không ngừng rơi lệ. Chỉ trong hai năm rưỡi từ khi Sư phụ bắt đầu truyền Pháp, số lượng người tu luyện đã tăng nhanh đến mức khó tin.

Cuốn Chuyển Pháp Luân đã được xuất bản vào đầu năm 1995. Các học viên gửi sách đến từ Bắc Kinh, và chúng tôi tới ga xe lửa để nhận sách. Đôi khi chúng tôi lái xe tải đến các thành phố lân cận để nhận sách. Trách nhiệm của chúng tôi là giúp các học viên có được sách để họ có thể học Pháp. Có những lúc trời mưa hoặc chúng tôi gặp khó khăn khi vận chuyển sách, nhưng Sư phụ đều bảo hộ cho chúng tôi và sách được an toàn.

Sau khi sách Chuyển Pháp Luân xuất bản, Sư phụ ra nước ngoài để giảng Pháp. Các trạm phụ đạo tổ chức các học viên học Pháp và luyện công tập thể.

Do vẫn còn những chấp trước người thường rất mạnh, chúng tôi đã có rất nhiều mâu thuẫn. Mâu thuẫn giữa các phụ đạo viên tại Trường Xuân lên tới đỉnh điểm vào mùa hè năm 1997. Chúng tôi ngóng trông Sư phụ trở về và giải quyết vấn đề của chúng tôi.

Lần này khi Sư phụ trở về, Ngài gặp một số học viên. Hôm đó trời nhiều mây và có mưa rào, nhưng cơn mưa dừng ngay khi Sư phụ vừa đến. Tất cả chúng tôi bắt tay Sư phụ. Tay Sư phụ rất mềm và ấm. Năng lượng của Ngài như luồng điện chạy qua cơ thể tôi. Vào lúc ấy, mọi than phiền và xáo trộn trong tôi đều tan biến. Tôi quên mất những câu hỏi mà mình muốn hỏi.

Có lẽ mọi người đều có cùng trải nghiệm như vậy, nên không có ai đề cập đến sự việc mâu thuẫn nữa. Chúng tôi ngồi quanh Sư phụ và nghe giảng Pháp. Chúng tôi cùng chụp một tấm ảnh với Sư phụ. Mọi người đều cảm nhận được sự từ bi vô hạn của Sư phụ.

Vào thời gian đó, Sư phụ có công bố nhiều kinh văn mà sau đó được in trong cuốn Tinh Tấn Yếu Chỉ. Đó là một lời cảnh tỉnh mạnh mẽ đối với chúng tôi và đã chính lại những vấn đề chung mà các học viên thường gặp phải trong tu luyện.

Tháng 5 năm 1997, các học viên ở Trường Xuân tổ chức một triển lãm tranh tại Sân vận động thể thao Nam Lĩnh để kỷ niệm 5 năm ngày Sư phụ truyền Đại Pháp ra công chúng. Người dân ở khắp cả nước đã tới xem, đây là buổi triển lãm lớn để giới thiệu Đại Pháp cho mọi người. Nhiều người đã bắt đầu tu luyện Đại Pháp sau khi xem triển lãm.

Khi chúng tôi đặt tâm vào việc chuẩn bị cho buổi triển lãm, mâu thuẫn giữa chúng tôi đã dịu xuống. Chúng tôi hiểu rằng đây là cơ hội mà Sư phụ cấp cho chúng tôi để đề cao chỉnh thể. Lần sau đó khi quay về Trường Xuân, Sư phụ đã khen cuộc triển lãm và đã nói rằng: “Công đức vô lượng! Công đức vô lượng!”

Lần giảng Pháp cuối cùng của Sư phụ tại Trung Quốc trước khi cuộc đàn áp xảy ra

Khoảng một năm sau, vào ngày 26 tháng 7 năm 1998, chúng tôi được thông báo về cuộc họp các phụ đạo viên. Người điều phối nhờ tôi đi lấy những lẵng hoa mà anh ấy đặt ở một cửa hàng. Có hơn 10 lẵng hoa cỡ lớn. Mặc dù trưa hôm đó có tổ chức lễ cưới của con trai anh ấy, nhưng tôi ngay lập tức hiểu rằng đó không phải dành cho đám cưới, mà chính là Sư phụ đã trở về.

Tôi nhận hoa và tham dự lễ cưới. Chiều hôm đó, tôi đi đến khách sạn nơi tổ chức buổi gặp mặt. Có hơn 700 phụ đạo viên từ Trường Xuân đến tham gia cuộc họp. Chúng tôi ngồi đó, yên lặng chờ Sư phụ tới.

Vào đầu tháng đó, một đài truyền hình ở Bắc Kinh đã phát chương trình bôi nhọ nhắm vào Pháp Luân Đại Pháp, gây tổn hại đến danh dự của Đại Pháp trong xã hội. Chúng tôi đều cảm thấy áp lực đến từ môi trường xung quanh. Sư phụ giảng trong năm giờ đồng hồ. Người chỉ dẫn chúng tôi nhìn sự việc một cách tích cực và nhắm thẳng vào những thiếu sót trong quá trình tu luyện. Sư phụ cũng dặn chúng tôi học kỹ Chuyển Pháp Luân.

Đó là lần cuối cùng Sư phụ giảng Pháp tại Trung Quốc trước khi cuộc đàn áp xảy ra. Thời điểm đó tôi không hiểu được hết những lời Sư phụ giảng. Khi cuộc đàn áp đột ngột bắt đầu, tôi mới hiểu tại sao Sư phụ nhấn mạnh việc học Pháp. Chỉ có học Pháp tốt chúng ta mới có thể chịu đựng và vượt qua cuộc bức hại tàn khốc này. Sư phụ đã giảng cho chúng ta tất cả.

Sự bảo hộ của Sư phụ

Khi cuộc đàn áp bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, mỗi học viên đều đối mặt với cuộc khảo nghiệm khó khăn nhất.

Có bảy nhân viên cảnh sát đã tới nhà tôi. Họ đứng ở cửa nhưng không dám xông vào. Một người nói với tôi: “Chúng tôi biết ông có võ. Đừng dùng võ để chống lại chúng tôi. Hãy về đồn cảnh sát để nói chuyện.”

Hoá ra có người đã báo cảnh sát về việc tôi đi phân phát các tài liệu Đại Pháp. Tôi có rất nhiều tài liệu trong nhà. Tôi nói với cảnh sát rằng tôi sẽ đi cùng họ với điều kiện họ không được mang gì ra khỏi nhà tôi. Họ đồng ý. Nhưng tôi đã bị lừa. Khi tôi tới đồn cảnh sát, một nhóm khác đã đến nhà tôi và tịch thu tất cả tài liệu liên quan đến Đại Pháp.

Cách đây vài năm tôi lại bị bắt giữ. Cảnh sát cũng tịch thu tài liệu trong nhà tôi và tìm cách tuyên án phạt đối với tôi, nhưng dưới sự bảo hộ của Sư phụ, tôi đã sớm được trở về nhà.

Một lần tôi bị xe ô tô đụng và trật khớp tay. Người tài xế muốn đưa tôi tới bệnh viện. Tôi từ chối và nói với anh ấy rằng tôi không sao, vì tôi là người tu luyện Đại Pháp. Tôi để anh ấy đi. Anh ấy rất biết ơn. Mặc dù tay tôi bị thương và đến đêm tôi không thể ngủ được, tôi vẫn tiếp tục luyện công. Tay của tôi đã hồi phục trong một tháng.

Trong cuộc đàn áp, tà ác tìm mọi cơ hội để bức hại tôi. Nếu không có sự bảo hộ của Sư phụ, tôi không biết chuyện gì sẽ xảy đến với tôi.

Tôi nghe theo Sư phụ và tinh tấn trong việc học Pháp luyện công. Tôi vận hành một xưởng sản xuất tài liệu và làm rất nhiều tài liệu để cung cấp cho các đồng tu. Chúng sinh đang mong ngóng được đắc cứu! Tôi biết rằng mọi thứ chúng ta có là do Sư phụ ban cho, và là để dùng cho chứng thực Pháp.

Chúng tôi tiếp tục truyền thống kỷ niệm ngày 13 tháng 5 hàng năm để bày tỏ lòng biết ơn đến Sư phụ. Chúng tôi không thể tổ chức diễu hành hay mít-tinh, nên chúng tôi mua bánh và hoa quả và tổ chức kỷ niệm tại nhà. Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm tu luyện, và những học viên lâu năm nhớ lại những ngày trân quý bên cạnh Sư phụ. Qua đó chính niệm của chúng tôi được tăng thêm.

Kết luận

Thời gian trôi qua rất nhanh. Đã 25 năm kể từ ngày Sư phụ đưa Đại Pháp ra hồng truyền cho thế gian. Tôi rất tự hào rằng mình cũng đã tu luyện Đại Pháp được 25 năm.

Đã 20 năm từ lần cuối tôi được trực tiếp nghe Sư phụ giảng Pháp. Ở tuổi gần 80, tôi rất nhớ Sư phụ! Tôi khát khao mong ngóng ngày Sư phụ có thể trở lại Trường Xuân.

Con xin cảm tạ Sư phụ! Xin cảm ơn các bạn đồng tu!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/5/11/【庆祝513】随师走过二十五年-346776.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/5/26/164008.html

Đăng ngày 24-7-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share