Bài viết của Dương Trinh Tường, một học viên ở quận Kim Đường, tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-8-2015] Tôi bị bắt tại nhà vào ngày 23 tháng 12 năm 2003 và bị các cảnh sát ở Đồn cảnh sát Hoài Khẩu đưa tới trại tạm giam quận Kim Đường.

Một phụ nữ trẻ là học viên Pháp Luân Công, cô Mạnh Hiểu đến từ thành phố Nam Sung, cũng bị giam cùng buồng giam với tôi. Cô ấy rất gầy. Cô đã học đại học và là một quản đốc tại Công trường sắt thép Thành Đô. Cô bị buộc phải rời khỏi nhà để tránh sách nhiễu từ chính quyền vì cô tu luyện Pháp Luân Công. Cô bị bắt và bị giam giữ tại trại tạm giam này đã hơn mộttháng trước khi tôi đến.

Cô Mạnh bị đưa đi khỏi buồng giam khoảng lúc 7 giờ sáng hàng ngày và trở về sau 11 giờ đêm. Tôi có thể nói là cô ấy đã bị tra tấn. Cô tuyệt thực để phản đối việc giam giữ trái phép và từ chối từ bỏ đức tin của mình vào Pháp Luân Đại Pháp.

Khi tôi hỏi cô ấy chuyện gì đã xảy ra trong ngày, cô ấy nói với tôi: “Họ tiêm thuốc độc vào tôi và bức thực tôi. Lúc thì tôi bị đưa tới Bệnh viện Phân viện giáo dục cải tạo tỉnh Tứ Xuyên ở Thị trấn Thanh Giang, lúc thì tới Bệnh viện nhân dân số 1 quận Kim Đường.”

Cô Mạnh không quay lại phòng giam

Tôi biết vị giám đốc trại tạm giam này vì ông ấy cùng quê với tôi ở Hoài Khẩu. Do đó tôi đã hỏi ông ấy: “Xin anh hãy làm một việc tốt là thả cô ấy ra được không? Mạnh Hiểu đã bị giam giữ trong hơn một tháng tôi ở đây. Cô ấy không ăn uống gì cả.”

“Chúng tôi không được phép thả cô ấy” – vị giám đốc trả lời – “Cấp trên ở Phòng 610 thành phố Thành Đô ra lệnh cho chúng tôi để cô ấy chết.”

Ngày 20 tháng 1 năm 2004, vào ngày thứ 28 tôi bị giam giữ tại đó, cô Mạnh đã không quay trở lại phòng giam. Tôi rất lo lắng và thức trắng đêm. Tôi tự hỏi điều gì đã xảy ra với cô ấy.

Các lính canh trong trại tạm giam cũng như trưởng buồng giam tỏ ra căng thẳng vào sáng hôm sau. Một lính canh nói với tù nhân cùng phòng đưa hai bộ quần áo của cô Mạnh Hiểu. Anh ấy nói rằng quần áo đang mặc của cô ấy rất bẩn và cần phải thay để giặt. Tôi nói với họ rằng Mạnh Hiểu chỉ có 1 bộ quần áo mà cô ấy vẫn mặc, do vậy tôi đưa cho họ một bộ quần áo của tôi và hỏi có phải cô ấy đã bị giết không. Người trưởng nhóm tù bảo tôi không được nói những lời vớ vẩn như vậy.

Thoát chết để kể về vụ giết người

Tôi được cung cấp nhiều thức ăn vào trưa hôm đó, bữa ăn gồm có 3 món khai vị và một bát cơm.

Một lính canh túc trực luôn miệng giục tôi: “Bác gái ơi, ăn nhanh lên đi. Cảnh sát sẽ đến đón bác sớm đấy.”

Tôi chỉ có thể nghĩ rằng cô Mạnh chắc hẳn đã bị giết. Tôi đã rất tức giận, nhưng không dám nói điều gì. Tôi không thấy ngon miệng, nhưng họ liên tục thúc giục tôi ăn. Tôi thấy khó chịu trong người và miệng không còn cảm giác, vì vậy tôi không ăn nữa.

Một lính canh bảo tôi thu dọn đồ đạc và đợi ở cổng để xe cảnh sát đến đón. Điều lạ lùng là họ không yêu cầu tôi ký vào bất kỳ giấy tờ nào. Thông thường tôi phải ký vào đủ mọi loại giấy tờ khi tôi sắp bị xe cảnh sát đến đưa đi.

Các nhân viên của Đồn cảnh sát Hoài Khẩu đến khoảng lúc 5 giờ chiều. Tôi về đến nhà thì trời đã tối. Các cảnh sát liên tục nói với chồng tôi rằng tình trạng sức khỏe của tôi tốt khi họ đưa tôi về nhà.

Sáng hôm sau, đầu tôi sưng lên và miệng tôi khô nhưng bị chảy nước dãi. Tôi tới bệnh viện và bác sỹ nói rằng tôi đã bị chứng liệt mặt.

Khương Tăng Nghiêu, giám đốc trại tạm giam cùng một vài người khác đã đến gặp tôi vào ngày hôm sau. Khi ông ấy nhìn thấy tôi, mặt ông ấy tái nhợt với biểu hiện kỳ lạ. Tôi đã không hiểu tại sao ông ấy lại đến thăm tôi cũng như lý do ông ấy có biểu hiện như vậy.

Họ thường xuyên đến thăm tôi. Sau này tôi nhận ra rằng họ sợ tôi sẽ phơi bày vụ giết cô Mạnh. Tôi biết quá rõ sự hiểm ác của họ. Nhưng tôi đã rất sợ hãi và không phơi bày vụ giết người vào lúc đó. Hôm nay, cuối cùng tôi đã có đủ can đảm để lên tiếng phơi bày sự thật với mọi người.

Tôi hiểu lý do tại sao họ đã cho tôi một bữa ăn nhiều như vậy và bảo tôi rời khỏi trại tạm giam ngay lập tức. Họ sợ tôi sẽ nói với người khác về chuyện này. Họ đã bỏ thuốc độc vào thức ăn của tôi và cố gắng giết tôi. Tôi đã ăn rất ít, do vậy tôi đã không chết.

Các bài viết liên quan: Bị đánh đập tàn bạo, bị bức thức và bị tiêm thuốc độc – Cái chết của học viên Đại Pháp Mạnh Hiểu ở quận Thanh Bạch Giang, thành phố Thành Đô.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/8/15/314165.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/9/7/152428.html

Đăng ngày 27-09-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản

Share