Bài viết của phóng viên Minh Huệ từ tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 2-6-2015] Khi làn sóng đòi bồi thường thông qua hệ thống pháp luật của các học viên Pháp Luân Công khắp Trung Quốc – những người bị giam giữ phi pháp và tra tấn vì đức tin của mình – tiếp tục lớn mạnh, thì tại tỉnh Cam Túc, nhiều nhà chức trách vẫn đang tham gia bức hại đã cố gắng trả đũa các học viên.

Ngày 30 tháng 5 năm 2015, các nhân viên Đội An ninh Nội địa của phòng cảnh sát địa phương đã bắt giữ năm học viên Pháp Luân Công trong hai vụ riêng rẽ tại Bưu điện thành phố Kim Xương.

Các học viên đang cố gắng gửi đơn khiếu nại hình sự tới Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao và Tòa án Tối cao.

Ở Trung Quốc, nguyên đơn có thể đệ đơn khiếu nại hình sự và trong những tuần gần đây, các học viên Pháp Luân Công trên khắp Trung Quốc đã đệ đơn cáo buộc cựu độc tài Giang Trạch Dân, người đã phát động cuộc đàn áp Pháp Luân Công tàn bạo cách đây 16 năm.

Bị bắt giữ trong khi gửi đơn khiếu nại hình sự

Ba học viên – Phiền Vĩnh Thành, bà Vương Trạch Phương và Vương Vĩnh Phương – đã bị bắt tại Bưu điện thành phố Kim Xương vào giữa buổi sáng ngày 30 tháng 5. Cảnh sát đã tịch thu bản cáo trạng mà họ đang định gửi.

Cuối ngày hôm đó, hai cha con ông Uông Ngọc Khang và Uông Lập Phong, cũng bị các nhân viên kia bắt giữ tại bưu điện. Bản cáo trạng của họ cũng bị tịch thu.

Ông Uông Ngọc Khang và ông Phiền Vĩnh Thành đã được thả. Bà Vương Trạch Phương và ông Vương Vĩnh Phương bị giam giữ hành chính 15 ngày. Ông Uông Lập Phong hiện vẫn chưa rõ đang ở đâu.

Liên tục bức hại

Ông Uông Lập Phong, 53 tuổi, mới được thả gần đây sau bản án tù chín năm vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông cũng phải gánh chịu tổn thất về tài chính ước tính 30.000 nhân dân tệ (4.800 đô-la Mỹ) vì bị bức hại. Ông chủ cũ của ông tại Công ty mỏ dầu Ngọc Môn đã từ chối để ông quay lại làm việc sau khi được thả.

Bà Vương Trạch Phương, 53 tuổi, bị cầm tù phi pháp tổng cộng tám năm và bị giam giữ sáu lần vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công. Nhà của bà đã bị lục soát tám lần.

Chồng của bà Vương, ông Trương Duyên Vinh, đã qua đời do tra tấn sau khi bị cầm tù 12 năm và giam giữ hai năm trong trại lao động, tất cả đều là vì tu luyện Pháp Luân Công. Tổng thiệt hại về tài chính của họ ít nhất là 110.000 nhân dân tệ (17.700 đô-la Mỹ).

Mẹ chồng 75 tuổi của bà Vương Trạch Phương, bà Tôn Thành Lan, bị giam giữ ba lần vì tu luyện Pháp Luân Công. Bà cũng bị xử phạt và bị giam trong trung tâm tẩy não ba tháng.

Luật pháp

Các học viên Pháp Luân Công đều được hưởng nhân quyền cơ bản để nộp đơn kiện thủ phạm chính của cuộc đàn áp, cựu lãnh đạo Trung Quốc Giang Trạch Dân.

“Ý kiến Cải cách Hệ thống” do Tòa án Nhân dân Tối cao ban hành vào ngày 1 tháng 5 năm 2015 đã tuyên bố: “Để đảm bảo quyền lợi của đương sự, và giải quyết hiệu quả các vấn đề như [vấn đề] ‘khó khăn khi đệ đơn’ của phần lớn người dân, [vấn đề] cải cách của hệ thống tòa án, [vấn đề] chuyển đổi chế độ xét duyệt đơn kiện thành chế độ đăng ký [đơn kiện]… tòa án phải tiếp nhận vụ việc theo pháp luật, không đơn vị hay cá nhân nào có thể dùng bất kì lý do nào để cản trở tòa án tiếp nhận vụ việc.“

Phòng cảnh sát tại Kim Xương đã cố tình xem thường pháp luật khi tước bỏ quyền kiện tụng và tự do ngôn luận của các công dân.

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang Trạch Dân đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự để truy tố nhà cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/6/2/310325.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/6/6/150931.html

Đăng ngày 31-07-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share