[MINH HUỆ 12-07-2013]

Sau khi đọc bài chia sẻ mới đây trên Minh Huệ có tiêu đề “Xóa bỏ gián cách giữa các học viên” tôi suy nghĩ nhiều về việc làm thế nào để buông bỏ tự ngã khi gặp mâu thuẫn. Trong bài chia sẻ dưới đây tôi muốn nói về vấn đề giải quyết xung đột và cùng nhau thăng tiến như một chỉnh thể.

Đối với một người dù là chủ trì một dự án hay điều phối các học viên ở địa phương, giải pháp cơ bản là phải học Pháp tốt và tu luyện tốt theo các Pháp lý.

Khi chúng ta thấy những thiếu sót của các học viên, chúng ta cần phải từ bi chỉ ra thiếu sót một cách thẳng thắn, thay vì bình luận một cách khiếm nhã hay chỉ trích sau lưng họ. Đây là một bước quan trọng trong việc xóa bỏ gián cách giữa các học viên.

Xóa bỏ gián cách

Theo kinh nghiệm của tôi, khi các học viên có thể nói thật lòng và chỉ ra những thiếu sót một cách trực tiếp (hoặc gặp riêng hoặc thảo luận nhóm), sẽ có ít hơn các vấn đề hoặc các gián cách giữa các học viên. Điều này có vẻ đúng đối với cả tu luyện cá nhân lẫn trong thời kỳ Chính Pháp.

Một lần, học viên A muốn làm một việc gì đó mà không liên quan trực tiếp đến việc giảng chân tướng, đồng thời cũng có các vấn đề liên quan đến an toàn. Khi anh ấy thảo luận với khoảng hơn chục học viên khác và đề nghị họ hỗ trợ, hầu hết trong số họ đều nghĩ rằng kế hoạch đó là không phù hợp, nhưng họ đã không nói bất cứ điều gì.

Tuy nhiên, có một học viên đã chỉ ra rằng kế hoạch là không thích hợp và đưa ra một số lý do. Mặc dù học viên A không bị thuyết phục vào lúc đó, sau một số thảo luận tiếp theo giữa hai người, anh ấy đã đồng ý. Hai người họ cũng đã hợp tác tốt với nhau sau đó. Đây là một ví dụ về việc khi mỗi học viên chúng ta có thể hướng nội dựa trên Pháp, các mâu thuẫn sẽ được giải quyết và không dẫn đến những rào cản giữa các học viên.

Có một sự việc khác mà kết quả không được tốt như vậy. Vài năm trước đây, một số học viên đã lập một điểm sản xuất tài liệu. Ban đầu nó hoạt động tốt và đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động giảng chân tướng ở khu vực đó. Sau đó, vì một số trong các học viên này trở nên quá chấp trước vào kết quả, cũng như muốn được các học viên khác ngưỡng mộ, họ trở nên tự cho mình là trung tâm và không còn nói chuyện chân thành.

Sự hiểu lầm giữa họ sau đó đã bị cựu thế lực lợi dụng trong không gian khác. Kết quả là họ trở nên không thể hợp tác với nhau được nữa. Một vài người trong số họ đã phải chịu những khổ nạn lớn, và một số thậm chí đã bị mất đi tính mạng. Đây là bài học nghiêm túc và chúng ta cần phải rút kinh nghiệm từ bài học này.

Thẳng thắn và nói thật lòng

Thẳng thắn không có nghĩa là nói một cách tùy ý hoặc vô trách nhiệm. Để nói thật lòng, chúng ta cần học Pháp tốt và nhìn nhận mọi việc dựa trên Pháp. Với những việc không phù hợp với Pháp, chúng ta có thể thảo luận chúng một cách ôn hòa và lý trí.

Mặc dù đôi khi trong thâm tâm chúng ta không thể giữ bình tĩnh, hoặc một học viên khác không chấp nhận ý kiến của chúng ta ngay lập tức, sau đó, chúng ta vẫn có thể hướng nội: Tại sao anh ấy lại đối xử với tôi như vậy? Liệu tôi thực sự có vấn đề hay không? Khi tất cả chúng ta hướng nội, sẽ không có bất kỳ gián cách nào giữa các học viên.

Nếu chúng ta chỉ chọn việc chờ đợi cho tới khi tâm chúng ta dịu xuống, hoàn cảnh phù hợp để nói về vấn đề có thể thay đổi, hoặc chúng ta có thể chỉ lựa chọn là không đề cập đến nó nữa vì lý do này khác. Vì khuynh hướng này là để che đậy những bất bình tiếp tục tích lũy, và đặc biệt là khi chúng ta có các quan niệm con người, nó sẽ dẫn đến các gián cách giữa những học viên. Có nhiều bài học về phương diện này.

Tôi từng gặp một số vấn đề với một học viên. Tôi bị động tâm và đã chỉ trích cô ấy. Sau đó, tôi nhận ra rằng tôi đã có một thái độ thực sự xấu. Ngay khi gặp lại cô ấy, tôi đã chân thành xin lỗi cô ấy về thái độ của mình. Cô ấy đã chấp nhận lời xin lỗi của tôi và nói rằng mặc dù cô ấy không thể chấp nhận những lời gay gắt của tôi lúc đó, cô ấy đã đánh giá cao sự thẳng thắn của tôi. Nhiều năm trôi qua và chúng tôi bây giờ vẫn hợp tác với nhau rất tốt. Tôi không nói rằng mỗi học viên phải làm theo cách này. Nhưng chân thành và thẳng thắn sẽ giúp chúng ta về lâu về dài.

Khoan dung không có nghĩa là khoan nhượng một cách mù quáng

Các học viên chúng ta cần phải khoan dung với nhau. Điều này đặc biệt đúng vì mỗi người chúng ta có tư chất và kỹ năng khác nhau. Một số học viên có thể giỏi viết hoặc vẽ, nhưng họ có thể kém về giảng chân tướng trực diện. Một số học viên có thể giỏi về giảng chân tướng, nhưng họ có thể không xử lý được những việc đòi hỏi phải phối hợp. Chúng ta cần khoan dung với nhau và tận dụng sở trường của mỗi người. Khi buông bỏ tự ngã, chúng ta sẽ làm việc với nhau được tốt và bổ sung cho những yếu điểm của nhau. Bằng cách này, những việc chúng ta làm sẽ trở nên dễ dàng hơn và kỳ tích sẽ xuất hiện.

Thời Trung Quốc cổ đại, con người chú trọng việc làm một người ngay thẳng có nguyên tắc Đó là, khi gặp mâu thuẫn, chúng ta phải nói ra thay vì nhượng bộ một cách mù quáng để tránh mâu thuẫn.

Tôi đã thấy những tình huống đó, khi một học viên có thiếu sót, nhưng người điều phối không chỉ ra với lý do là người học viên đó đã hy sinh rất nhiều và thực hiện tốt ở những khía cạnh khác. Nhưng khi việc này tiếp tục, người học viên đó có thể càng ngày càng gặp phải  nhiều vấn đề hơn, khiến anh ấy khó chấp nhận ý kiến của những người khác. Tình huống như vậy có thể tạo ra khổ nạn to lớn cho một học viên mà đôi khi có thể dẫn đến bị bắt hoặc thậm chí là bị sát hại.

Đây là một thái cực chúng ta cần phải tránh. Mặc dù những việc xảy ra trên con đường tu luyện là có liên quan trực tiếp đến người học viên đó, chúng cũng tạo ra một môi trường để các học viên liên quan hướng nội và chia sẻ. Khi nhận ra vấn đề của những người khác, chúng ta nên coi chúng như một cơ hội để đề cao chỉnh thể. Bằng cách này, tất cả chúng ta đều được hưởng lợi từ việc đó.

Tôi muốn kết thúc bài chia sẻ của mình bằng những lời giảng của Sư phụ trong bài “Giảng Pháp tại thành phố Los Angeles”:

“Đệ tử Đại Pháp từ ngày bắt đầu tu luyện, một đời này của chư vị đã được an bài lại mới rồi. Cũng nói, đời này của chư vị đã là một đời của người tu luyện, việc gì cũng đều không ngẫu nhiên nữa, cũng sẽ không xuất hiện những việc ngẫu nhiên; hết thảy những gì trên đường đời con người với sự đề cao và tu luyện của chư vị là có quan hệ trực tiếp.”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/7/4/坦荡直言天地宽-间隔不生矛盾散-276202.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/7/13/141045.html

Đăng ngày 30-07-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share