Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc

[MINH HUỆ 27-02-2023] Gần đây Minghui.org đã xác nhận được rằng hai vợ chồng ở huyện Vũ Công, thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây đã bị chuyển đến hai nhà tù khác nhau của tỉnh để thụ án dài hạn vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Ngày 26 tháng 9 năm 2022, ông Vương Bình Sáng (47 tuổi) bị đưa vào Nhà tù Vị Nam để chấp hành bản án 9 năm tù và vợ ông là bà Triệu Tây Quyên (45 tuổi) bị đưa đến Nhà tù Nữ tỉnh Thiểm Tây vào tháng 1 năm 2023 để chấp hành bản án 7 năm tù.

359f4bd6e02d3ec2953b85d6e5b30315.jpg

Ông Vương Bình Sáng và bà Triệu Tây Quyên

Hai vợ chồng học viên đã bị bắt giữ vào ngày 5 tháng 6 năm 2020, vài tuần sau khi bị báo cảnh sát vì dán các nhãn dán có nội dung về Pháp Luân Công tại một trạm xe buýt. Họ đã bị Viện Kiểm sát quận Nhạn Tháp truy tố vào ngày 20 tháng 10 và ra hầu tòa tại Tòa án quận Nhạn Tháp vào ngày 4 tháng 12 năm 2020.

Hai vợ chồng học viên không nhận tội. Ông Vương đã tự bào chữa cho mình, nói rằng Pháp Luân Công dạy người học trở thành người thiện lương và biết suy nghĩ cho người khác. Cả ông và bà Triệu đều từ chối trả lời các câu hỏi khác, nhưng thẩm phán đã coi sự im lặng của họ tương đương với câu trả lời “Có” trước cáo buộc chống lại họ.

Ngày 16 tháng 12 năm 2021, thẩm phán đã kết án ông Vương 9 năm tù và phạt tiền phạt 30.000 nhân dân tệ; bà Triệu 7 năm tù và phạt tiền 20.000 nhân dân tệ. Cả hai đều đã kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Tây An, và cơ quan này đã ra phán quyết giữ nguyên bản án ban đầu của họ.

Bức hại trước đây đối với ông Vương

Kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu vào năm 1999, ông Vương bị lĩnh 2 án lao động và bị tra tấn không ngừng đến mức suýt mất mạng.

Ông Vương bị bắt lần đầu vào ngày 27 tháng 7 năm 2001 và bị thẩm vấn 1 ngày. Cảnh sát đã đánh vào đầu ông bằng gậy cao su khiến đầu ông sưng lên nghiêm trọng. Bàn chân của ông cũng sưng tấy và không thể xỏ vừa giày nữa. Hai ngày sau, ông bị đưa đến Trại tạm giam huyện Chu Chí và bị cưỡng chế lao động dệt thảm. Khi gia đình đến đón ông 40 ngày sau đó, họ đã bị tống tiền 5.000 nhân dân tệ. Trong thời gian ông Vương bị giam giữ, cảnh sát cũng đã lục soát nhà ông và tịch thu các sách Pháp Luân Công của ông.

Tháng 11 năm 2001, cảnh sát đã cố gắng bắt giữ ông Vương một lần nữa nhằm ngăn ông đến Bắc Kinh thỉnh nguyện. Mặc dù thoát khỏi vụ bắt giữ nhưng ông đã buộc phải sống xa nhà để khỏi bàn tay cảnh sát.

Tháng 1 năm 2002, ông Vương bị cảnh sát bắt tại thành phố Bảo Kê (cách huyện Vũ Công khoảng 90km). Ông bị đưa đến trại tạm giam huyện Vũ Công và thường xuyên bị thẩm vấn và đe dọa.

Ngày 22 tháng 3 năm 2002, ông Vương bị kết án 2 năm ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Tảo Tử Hà ở Bảo Kê. Công an cũng lục soát nhà và đe dọa gia đình ông.

Lính canh của trại lao động không cho ông Vương ngủ, bắt ông đứng trong nhiều giờ, đánh đập ông và cưỡng bức ông lao động không công. Ông cũng bị buộc phải tham gia các khóa tẩy não thường xuyên.

Ngày 2 tháng 10 năm 2003, mặc dù ông Vương đã được trả tự do trước thời hạn, nhưng chính quyền vẫn không ngừng sách nhiễu ông.

Khi biết rằng ông Vương rời nhà đi làm ăn xa, cảnh sát địa phương đã sách nhiễu gia đình ông thêm hai lần nữa, vào tháng 5 năm 2004 và tháng 5 năm 2005.

Ngày 2 tháng 5 năm 2007, ông Vương bị bắt và bị đưa đến Trại tạm giữ huyện Vũ Công. Các sách Pháp Luân Công, băng ghi âm các bài giảng Pháp Luân Công, 1 điện thoại di động và 100 nhân dân tệ tiền mặt đã bị cảnh sát tịch thu. Cảnh sát đã thẩm vấn ông nhiều lần. Đồng thời, một ngày sau khi ông ấy bị bắt, cảnh sát đã theo dõi vợ ông trong lúc bà ấy đi ra ngoài.

Sau 20 ngày bị giam giữ, ông Vương lại bị kết án 2 năm trong Trại Lao động Cưỡng bức Tảo Tử Hà. Vương Sùng Dũng, giám đốc Trại tạm giữ huyện Vũ Công, đã đích thân đưa ông Vương tới trại lao động.

Trong lần chấp hành bản án lao động oan sai lần hai, ông Vương lại bị cấm ngủ, đánh đập và buộc phải đứng trong nhiều giờ. Ông cũng bị cưỡng bức lao động không công và bị tẩy não. Ông đã tuyệt thực để phản kháng và bị bức thực. Chỉ mới qua 50 ngày thụ án, ông đã lâm vào tình trạng nguy kịch vì bị bức hại. Lo sợ ông có thể chết ở trong trại, lãnh đạo trại đã ra lệnh cho gia đình đến đón ông.

Vài tuần sau khi bình phục, ông đã buộc phải sống xa nhà một lần nữa để tránh bị bức hại thêm nữa. Khi các nhân viên chính quyền phát hiện ra, họ đã đe dọa gia đình ông và theo dõi điện thoại của người nhà để tìm ra tung tích của ông. Cảnh sát cũng sách nhiễu gia đình trong những ngày lễ lớn hoặc ngày kỷ niệm liên quan đến Pháp Luân Công.

Tháng 6 năm 2008, khi em gái của ông Vương từ tỉnh Quảng Đông đến chơi, trưởng Phòng 610 huyện Vũ Công Hạ Huy Dĩ cho rằng ông Vương đã trở lại và ra lệnh cho cảnh sát lục soát nhà ông.

Ngày 16 tháng 9 năm 2009, cảnh sát lại đột nhập vào nhà ông Vương trong lúc chỉ có cha mẹ ông đang ở nhà. Cảnh sát đã lấy đi một cuốn sách Pháp Luân Đại Pháp, một bức ảnh của Nhà sáng lập Pháp Luân Công và một máy nghe nhạc mp3. Mẹ của ông Vương, bà Lưu Ngọc Liên, cũng tu luyện Pháp Luân Công, đã bị cưỡng chế viết tuyên bố từ bỏ đức tin của mình.

Ngày 8 tháng 11 năm 2009, bà Lưu bị bắt và bị ép tham gia một khóa tẩy não.

Cảnh sát đã đột kích nhà ông Vương thêm hai lần nữa, lần đầu tiên vào tháng 10 năm 2010 và sau đó vào ngày 12 tháng 5 năm 2015. Các sách Pháp Luân Đại Pháp của bà Lưu và một bức tranh có chủ đề Pháp Luân Công treo trên tường của bà đã bị lấy đi.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/27/457193.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/21/207760.html

Đăng ngày 23-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share