Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở Thượng Hải, Trung Quốc

[MINH HUỆ 24-02-2023] Ngày 4 tháng 6 năm 2022, ông Mã Quốc Bưu, một cư dân Thượng Hải, lau kính và làm việc nhà cho người mẹ 75 tuổi của mình, rồi căn dặn người nhà và rời xa nhà để tránh bị bắt một lần nữa vì kiên định đức tin của mình vào Pháp Luân Công.

Vào thời điểm đó, Thượng Hải vừa dỡ bỏ lệnh phong tỏa kéo dài một tháng do đại dịch COVID và mọi người phải quét mã sức khỏe trên điện thoại di động để có thể đi đến bất kỳ nơi nào. Không có điện thoại hay giấy tờ tùy thân, ông Mã không thể đi phương tiện công cộng, nhận phòng khách sạn hay thậm chí đi mua sắm. Thật khó để diễn tả nổi ông đã trải qua những ngày đầy gian nan và khổ sở như thế nào.

Trong 24 năm qua, ông Mã, cha mẹ và bà nội của ông đã bị chính quyền bức hại cả về thể xác lẫn tinh thần tới mức không thể tưởng tượng được chỉ bởi đức tin chung của họ vào Pháp Luân Công.

Ông Mã đã bị bắt 5 lần. Ông đã trải qua 2 năm trong trại lao động và 6 năm ngồi tù. Mẹ ông, bà Kim Nhuận Phương, đã bị bắt và giam giữ 5 lần. Bà bị kết án 4 năm tù và cũng bị giam 2 năm trong trại lao động cưỡng bức. Mẹ chồng và chồng bà không chịu nổi áp lực và lần lượt qua đời vào năm 2005 và 2013.

Người con trai bị bắt và tra tấn nhiều lần

Ông Mã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 6 năm 1999 ở tuổi 28. Tháng 5 năm 2000, ông Mã đi tới Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 14 tháng 5, ông bị đưa đến Trại tạm giam Hải Điến ở Bắc Kinh và bị giam ở đó 9 ngày. Sau đó ông bị đưa trở lại trại tạm giam Trường Ninh và bị giam thêm 15 ngày. Ông cũng bị đơn vị công tác sa thải sau khi được thả.

Tháng 1 năm 2001, ông Mã bị bắt và đưa tới một trung tâm tẩy não ở Trường Pháp luật Thanh Phố. Trong 3 tháng bị giam ở đó, ông kiên quyết luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công mỗi ngày, mặc dù bị đe dọa cưỡng bức lao động.

Mặc dù nhanh chóng được thả, nhưng vài tháng sau ông lại bị bắt và giam tại trại tạm giam Trường Ninh trong 30 ngày.

Tháng 12 năm 2002, ông Mã bị bắt một lần nữa tại nơi làm việc và bị đưa đến trại tạm giam Trường Ninh. Cảnh sát ra lệnh cho ông ký tên vào tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Ông từ chối tuân thủ và bị kết án 2 năm ở trong Trại Lao động Nam Số 3 Thượng Hải.

Sự tra tấn tàn bạo ở trong trại lao động

Trong trại lao động, ông Mã bị sốc điện vào các vùng kín bằng dùi cui điện. Ông phải chịu đựng cực hình “ghế hổ kiểu Thượng Hải”: ông bị cưỡng chế ngồi trên ghế đẩu, dựa lưng vào tường và xoạc chân ngang (180 độ) và bị nhiều tù nhân đấm dữ dội. Ông cũng bị cấm ngủ.

32cda620ffd361665278012c14ae3745.jpg

Tái hiện tra tấn: Sốc điện

Ông Mã đã chứng kiến cảnh tù nhân đánh đập học viên Pháp Luân Công khác dưới sự xúi giục của lính canh tù với lời hứa hẹn giảm án. Ở trong các buồng giam đều có các thiết bị ghi âm giám sát nên tù nhân đã bịt miệng các học viên bằng giẻ để ngăn họ la hét. Tháng 10 năm 2003, học viên Pháp Luân Công ông Lục Hạnh Quốc đã bị đánh đến chết trong hoàn cảnh như vậy, thế nhưng, không có tù nhân nào bị trừng phạt.

Bị kết án 6 năm tù

Ngày 22 tháng 2 năm 2008, cảnh sát xông vào nhà ông Mã và bắt giữ cha mẹ ông cùng hơn mười học viên khác đang tụ họp ở đó. Cảnh sát cũng tịch thu của gia đình ông 2 máy tính, 2 máy photocopy, 1 máy in, 1 máy ghi âm, 1 máy cán, 1 máy cắt giấy và một số đồng xu.

Ngày hôm đó ông Mã đang đi làm, nhưng ông cũng bị bắt và đánh đập dã man. Kính mắt của ông bị đánh rơi xuống và áo khoác bị lột ra. Hai tay ông bị trói quặt sau lưng bằng dây giày. Ngày hôm sau, cả ông và cha mẹ ông đều bị đưa đến trại tạm giam Gia Định và bị bắt giữ chính thức vào ngày 28 tháng 3.

Ngày 12 tháng 1 năm 2009, Tòa án quận Gia Định đã tổ chức một phiên tòa bí mật xét xử vụ án của gia đình họ. Tòa án đã chỉ định ba luật sư đại diện cho họ. Các luật sư này nhận tội cho họ.

Ông Mã bị kết án 6 năm tù ở Nhà tù Đề Lam Kiều và mẹ ông, bà Kim Nhuận Phương, 4 năm tù ở Nhà tù Nữ Thượng Hải. Cha của ông, ông Mã Đông Quyền, bị kết án 3 năm nhưng được chấp hành ngoại giam do sức khỏe yếu. Gia đình ông Mã đã kháng cáo, nhưng Tòa án Nhân dân Trung cấp Số 2 Thượng Hải đã ra phán quyết y án đối với họ vào ngày 26 tháng 2 năm 2009.

Lần bức hại gần đây nhất

Ngày 22 tháng 5 năm 2022, trong khi Thượng Hải vẫn đang bị phong tỏa, ông Mã đi ra ngoài để phát tài liệu thông tin về Pháp Luân Công, nhưng đã bị báo cảnh sát.

Thông qua camera giám sát đường phố, cảnh sát tìm thấy ông ấy và đột nhập vào nhà ông. Họ tịch thu máy in, máy tính, máy cắt giấy và tài liệu thông tin của ông. Do lệnh phong tỏa, trại giam địa phương từ chối tiếp nhận ông Mã và ông được tại ngoại trong ngày.

Ngày 4 tháng 6 năm 2022, ông Mã quyết định sống xa nhà để tránh bị bức hại. Ông để lại chứng minh thư và điện thoại di động ở nhà để tránh bị cảnh sát theo dõi.

Sau khi cảnh sát biết về việc đi trốn của ông, họ đã truy lùng ông khắp nơi, bao gồm cả nhà của người thân và bạn bè của ông ấy. Một lần, cảnh sát đã sách nhiễu những người họ hàng của ông Mã ngay sau khi mẹ ông, bà Kim, đến thăm họ. Lúc đó bà Kim mới biết mình bị theo dõi. Sau vụ việc đó, bà Kim không dám đi ra ngoài.

Người mẹ bị bức hại triền miên

Bà Kim đã nghỉ việc tại Nhà máy Sản xuất Phụ tùng máy móc Nhựa và Sợi nhuộm Thượng Hải. Bà từng mắc nhiều căn bệnh, bao gồm hội chứng Meniere, chứng đau nửa đầu và trầm cảm. Tất cả bệnh tật của bà đều biến mất ngay sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 3 năm 1996.

Kể từ khi cuộc bức hại xảy ra, bà Kim đã bị bắt 5 lần và bị tống giam 2 lần với tổng cộng 6 năm thụ án.

Bị tra tấn ở trong tù

Ngày 22 tháng 4 năm 2000, bà Kim bị bắt và giam giữ trong trại tạm giam Trường Ninh vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công ở trong công viên. Ngày 17 tháng 10 năm 2000, bà lại bị bắt và giam trong trại tạm giam Mẫn Hàng.

Sau khi được thả, bà Kim đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền tu luyện Pháp Luân Công. Ngày 15 tháng 12 năm 2000, bà bị bắt tại Bắc Kinh. Trong một trại giam ở Bắc Kinh, bà đã chứng kiến sự tàn bạo của lính canh tù và tiếng la hét thất thanh của các học viên do bị tra tấn đầy đau đớn. Sau đó, bà Kim bị đưa trở lại Thượng Hải và bị kết án phi pháp 2 năm lao động ở trong Trại Lao động Cưỡng bức Nữ Thượng Hải.

Ở trong trại lao động, bà Kim bị tra tấn bằng nhiều hình thức như đứng bất động trong nhiều giờ, chép tay nội quy của trại, đọc các bài viết dối trá, cấm ngủ và lao động cưỡng bức. Ở nhà, gia đình bà thường xuyên bị chính quyền sách nhiễu và sống trong sợ hãi.

Sau khi bà bị kết án 4 năm và thụ án trong Nhà tù Nữ Thượng Hải sau một vụ bắt giữ khác vào tháng 2 năm 2008, lính canh đã xúi giục các tù nhân bức hại bà và các học viên Pháp Luân Công bị bỏ tù khác một cách tàn bạo, với lời hứa hẹn giảm án. Các tù nhân đã cố gắng chuyển hóa bà Kim bằng mọi cách mà họ có thể nghĩ ra. Họ thường đá, đánh đập, chửi mắng bà, cũng như đập vào đầu bà một cuốn sách nặng.

Vào những ngày nắng nóng, bà Kim cũng không được phép ngủ hoặc sử dụng quạt. Bà thường bị bắt ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong nhiều giờ đồng hồ. Bà chỉ có thể rửa mặt và tay mỗi ngày một lần chứ không không được phép tắm rửa. Bà bị ép ăn quá mức và ép uống các loại thuốc không rõ nguồn gốc. Bà ấy nói nếu không có niềm tin vững chắc vào Pháp lý Chân-Thiện-Nhẫn, có lẽ bà đã bị bức hại đến phát điên trong 4 năm bị giam cầm ở đó.

Sự bức hại tài chính

Tháng 3 năm 2022, bà Kim nhận được thông báo từ Trung tâm Quản lý Bảo hiểm Thành phố Thượng Hải, yêu cầu bà trả lại hơn 180.000 nhân dân tệ tiền phúc lợi hưu trí mà bà đã lĩnh trong 4 năm ngồi tù. Bà từ chối tuân theo.

Đến tháng 7 năm 2022, bà nhận được thông báo từ Trung tâm Bảo hiểm Xã hội Hoàng Phố rằng bắt đầu từ tháng 8, họ sẽ giữ lại 3.000 nhân dân tệ từ khoản chi trả lương hưu hàng tháng của bà để khấu trừ dần “khoản nợ” 180.000 nhân dân tệ của bà. Bà chỉ còn lại 1.420 nhân dân tệ mỗi tháng để trang trải chi phí sinh hoạt cơ bản.

Cách đây hai năm, vì bị bức hại cả về thể chất và tinh thần, bà Kim đã bị đột quỵ. Sự bức hại tài chính đã khiến sức khỏe của bà ngày càng sa sút và nửa người bên phải của bà bị liệt. Sau đó, nhờ sự kiên trì nỗ lực học luyện Pháp Luân Công, bà đã dần hồi phục.

Ngày 14 tháng 2 năm 2023, cảnh sát lại sách nhiễu bà Kim sau khi bà bị trình báo đưa tài liệu Pháp Luân Công cho các nhân viên ủy ban khu dân cư. Các sách Pháp Luân Công và tài liệu thông tin của bà cũng bị cảnh sát tịch thu.

Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, mẹ chồng của bà Kim đã luôn sống trong sợ hãi. Áp lực tinh thần đã ảnh hưởng đến sức khỏe của bà cụ và bà cụ đã qua đời vào tháng 1 năm 2005.

Cái chết của người cha

Sau khi con trai họ bị bắt vào năm 2002, cảnh sát đã lừa chồng của bà Kim là ông Mã Đông Quyền ký tên vào một bản cam kết, hứa rằng ông sẽ không đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công. Mặc dù cảnh sát tuyên bố sẽ thả con trai ông nếu ông ký tên, nhưng họ vẫn giam giữ con trai ông và kết án con trai ông 2 năm tù.

Tháng 2 năm 2008, sau khi bị bắt cùng vợ và con trai, ông Mã bị đột quỵ và không thể đi lại. Trong suốt 11 tháng bị giam giữ, lính canh tù đã không cung cấp bất kỳ điều trị y tế nào cho ông. Vì lý do sức khỏe, ông được tại ngoại và chấp hành ngoại giam 3 năm. Trong khi đưa ông về nhà, cảnh sát lại lục soát nhà ông và lấy đi chảo vệ tinh mà họ dùng để thu các chương trình truyền hình không bị kiểm duyệt từ các phương tiện truyền thông nước ngoài.

Ông Mã sống một mình với nỗi thống khổ và bi thương vô tận trong khi vợ và con trai ông đang bị cầm tù. Mặc dù vậy, ông vẫn bị cảnh sát giám sát chặt chẽ và sức khỏe của ông tiếp tục xấu đi.

Ngày 4 tháng 8 năm 2009, ông Mã lại bị bắt và đưa đến Trung tâm Tẩy não Thanh Phố.

Từ ngày 30 tháng 4 đến ngày 4 tháng 5 năm 2010, trong thời gian Triển lãm Thế giới tại Thượng Hải, ông bị giữ ở ủy ban khu phố từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối mỗi ngày. Ông bị cưỡng chế viết báo cáo tư tưởng và lao động không công bất chấp tình trạng sức khỏe.

Vào mùa xuân năm 2011, ông Mã bị tai nạn xe hơi nghiêm trọng. Chân của ông ấy bị gãy và một tấm thép được lắp vào người ông. Ông ấy được đưa đến một viện dưỡng lão và ông đã bị đột quỵ nhiều lần ở đó.

Khi vợ ông được thả vào năm 2012, ông đã ở trong tình trạng nghiêm trọng. Ông nằm liệt giường vào năm 2013 và qua đời vào ngày 13 tháng 12 năm 2013.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/24/457100.htm

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/3/15/207681.html

Đăng ngày 19-04-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share