Bài viết của phóng viên Minh Huệ ở tỉnh Cam Túc, Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-02-2023]

Tên: Cao Cát Ngân (高吉银)
Giới tính: Nam
Tuổi: 50
Thành phố: Kim Xuyên
Tỉnh: Cam Túc
Nghề nghiệp: Chủ cửa hàng
Ngày mất: Ngày 29 tháng 12 năm 2022
Ngày xảy ra vụ bắt giữ cuối cùng: Ngày 9 tháng 5 năm 2012
Nơi giam giữ cuối cùng: Trại tạm giữ Kim Xuyên

Sau nhiều năm bị giam giữ và sách nhiễu vì kiên định đức tin vào Pháp Luân Công, ông Cao Cát Ngân đã qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2022, ở tuổi 50. Thậm chí một tháng sau khi ông qua đời, cảnh sát vẫn còn gọi điện cho gia đình ông và hỏi họ có ở lại ở nhà hoặc đi ra ngoài để nói với mọi người về Pháp Luân Công hay không.

Ông Cao là cư dân thành phố Kim Xuyên, tỉnh Cam Túc. Ông cùng vợ là bà Vương Ngọc Hồng bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào ngày 29 tháng 12 năm 2022. Sau khi chính quyền cộng sản Trung Quốc bắt đầu cuộc bức hại vào năm 1999, bởi từ chối từ bỏ pháp môn tu luyện cổ xưa này, họ đã nhiều lần bị chính quyền bắt, giam giữ, tra tấn và sách nhiễu.

Án tù

Ông Cao và bà Vương đã bị bắt ngay bên ngoài cửa hàng thuộc sở hữu gia đình vào tối ngày 15 tháng 10 năm 2004. Cảnh sát đã đánh và đá họ tàn nhẫn ngay trước mặt cậu con trai 5 tuổi của họ. Cậu bé bị bỏ lại ở nhà một mình trong nhiều ngày trước khi một người họ hàng đến đón cháu.

Tháng 3 năm 2005, Tòa án quận Kim Xuyên đã kết án ông Cao 5 năm và bà Vương 3 năm tù.

Ông Cao bị chuyển đến Nhà tù Lan Châu vào ngày 20 tháng 7 năm 2005. Ngay trong ngày hôm đó, lính canh tù đã xúi giục 8 tù nhân đánh đập ông vì ông từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Họ đã đánh gãy một xương sườn của ông và cơn đau dày vò ông suốt 3 tháng sau đó.

Ngày 30 tháng 12 năm 2005, ông Cao bị chuyển đến Nhà tù Vũ Uy, và sau đó đến Nhà tù Tửu Tuyền vào ngày hôm sau. Lính canh của Nhà tù Tửu Tuyền đã cấm ông ngủ, cưỡng chế ông xem các video phỉ báng Pháp Luân Công và ra lệnh cho tù nhân đánh ông.

Cách thức đánh đập của tù nhân khiến ông Cao bị nội thương và không có biển hiện gì ra bên ngoài. Mặc dù chỉ ngoài 30, nhưng tóc của ông đã ngả bạc, bị mất ngủ và phản ứng chậm chạp. Các ngón tay ông ấy bị tê bì và ông bị đau dai dẳng ở cổ.

Về phía bà Vương, bà bị biệt giam khi thụ án trong Nhà tù Nữ Lan Châu vì từ chối viết tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Cửa sổ phòng biệt giam không có kính, và từng cơn gió lạnh đến mức đóng băng thổi vào khiến bà run rẩy, đặc biệt là khi bà bị buộc phải ngồi khom lưng trên một chiếc ghế kim loại với hai tay bị còng vào chân băng ghế. Bà không được phép sử dụng nhà vệ sinh ngay cả khi đang trong kỳ kinh nguyệt, và quần của bà thấm đẫm máu.

Khi bà Vương nhập viện vào tháng 11 năm 2005, bác sỹ phát hiện bà mắc bệnh lao. Mức độ huyết sắc tố của bà chỉ bằng một nửa so với mức bình thường. Bác sỹ nói nếu đến viện muộn hơn một chút, bà có thể đã không qua khỏi.

Sau 3 tuần nằm viện, bà Vương bị đưa trở lại nhà tù và lính canh tổ chức các cuộc họp để phê bình bà và bắt bà phải đứng trong nhiều giờ đồng hồ. Sự ngược đãi này đã khiến bệnh tình của bà xấu đi và lại phải nhập viện. Bác sỹ chẩn đoán bà vị viêm màng phổi và dính màng phổi. Bác sỹ không gây mê cho bà trong khi phẫu thuật, khiến bà đau đớn đến tê tâm liệt phế. Một chiếc ống được cắm vào phần ngực của bà trong 50 ngày để dịch chảy ra ngoài.

Cho rằng bà sẽ sớm tử vong, nhà tù đã thả bà vào ngày 15 tháng 2 năm 2007. Sau đó bà khôi phục tu luyện Pháp Luân Công và hồi phục sức khỏe.

Sách nhiễu triền miên

Sau khi được thả, hai vợ chồng tiếp tục đối mặt với sự sách nhiễu liên tục từ phía chính quyền. Ngày 9 tháng 5 năm 2012, họ lại bị bắt và bị thẩm vấn tại Đồn Công an đường Kim Xuyên cho đến nửa đêm. Ông Cao bị đưa đến Trại tạm giữ Kim Xuyên và bị giam ở đó 15 ngày, còn bà Vương bị giam ở Trại tạm giữ huyện Vĩnh Xương trong 10 ngày.

Một ngày của năm 2017, một số thanh niên đã tiếp cận ông Cao khi ông đang trên đường từ cửa hàng về nhà lúc 6 giờ sáng. Một người đã bóp cổ ông, đẩy ông vào một chiếc ô tô màu trắng gần đó và đưa ông đến Đồn Công an đường Kim Xuyên.

Vào lúc 8 giờ sáng, một số cảnh sát có mặt tại nhà ông Cao, một trong số họ có gắn máy quay video trên vai. Họ cố gắng mở cửa bằng chiếc chìa khóa mà họ đã giật được từ ông Cao. Sau khi vợ ông khóa cửa từ bên trong, cảnh sát đã gọi một thợ khóa đến và cố gắng đột nhập vào trong.

Chứng kiến cảnh cha mẹ mình bị bắt nhiều lần, cậu con trai 17 tuổi của cặp vợ chồng này chạy đến cửa sổ căn hộ ở tầng 5 và hô hoán hàng xóm đến giúp đỡ. Chỉ khi đó cảnh sát mới rời đi.

Ngày 20 tháng 9 năm 2021, khi ông Cao đang ngủ trưa thì tiếng động phát ra ở gần cửa sổ khiến ông tỉnh giấc. Ông đứng dậy và thấy một bàn tay thò vào bên trong để kéo rèm lên.

Ông nhìn ra ngoài cửa sổ và thấy hai người đàn ông đang đứng trong thang máy, một trong số họ đang chụp ảnh bên trong căn hộ. Cùng lúc đó, một số người đã gõ cửa nhà ông ấy và quát tháo: “Cao Cát Ngân, chúng tôi là người của ủy ban. Mau mở cửa! Chúng tôi biết ông đang ở nhà!“

Do bị bức hại trong thời gian dài, ông Cao bắt đầu xuất hiện những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Ông trở nên tiều tụy và qua đời vào ngày 29 tháng 12 năm 2022.

Cảnh sát vẫn tiếp tục sách nhiễu gia đình ông sau khi ông qua đời. Họ gọi điện vào số của ông (trước khi vợ ông ấy hủy dịch vụ điện thoại của ông) vào ngày 30 tháng 1 năm 2023 và hỏi ông có ở nhà không. Khi vợ ông nói với cảnh sát rằng ông ấy đã qua đời, họ hỏi bà là khi nào. Bà lên án cảnh sát vì hành vi sách này.

Hàng xóm của gia đình sau đó nói với bà Vương rằng vài ngày trước cảnh sát đã đến khi bà đang đi ra ngoài. “Họ đập cửa nhà cô như điên. Rõ ràng là họ đến không có ý tốt gì rồi!”

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/2/19/456926.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/2/23/207437.html

Đăng ngày 04-03-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share