Bài viết từ một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 14-01-2023] Ông Lưu Vĩnh Sinh, một cựu kỹ sư thiết kế máy bay, đã bị bí mật kết án 3 năm tù vì phơi bày các trường hợp tử vong của học viên Pháp Luân Công trong Trung tâm Tẩy não Tân Tân ở thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên. Ông đã bị tra tấn dã man trong thời gian bị cầm tù từ năm 2012 đến 2015.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

Dưới đây là tường thuật về những tra tấn mà ông Lưu phải chịu đựng khi ở trong tù.

2023-1-14-mh-liuyongsheng.jpg

Ông Lưu Vĩnh Sinh

Ông Lưu, 57 tuổi, tốt nghiệp Khoa Máy bay của Đại học Hàng không Vũ trụ Nam Kinh với chuyên ngành thiết kế máy bay. Ông là một kỹ sư uy tín của Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc, Viện Nghiên cứu và Thiết kế Máy bay Thành Đô ở tỉnh Tứ Xuyên. Sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào tháng 7 năm 1999, ông Lưu bị bắt và đưa vào một trại lao động. Ở đó ông bị tra tấn bằng nhiều hình thức khác nhau như: cấm ngủ, sốc điện, trói hoặc “nướng” ở nhiệt độ cao.

2013-6-22-minghui-persecution-kuxing-01.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Sốc điện bằng dùi cui điện

Bị kết án vì vạch trần sự bức hại trong trung tâm tẩy não

Ít nhất 7 học viên Pháp Luân Công đã bị tra tấn đến chết ở trong Trung tâm Tẩy não Tân Tân kể từ khi cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu. Ông Tạ Đức Thanh (đã về hưu) đã qua đời vào ngày 29 tháng 4 năm 2014, sau chưa đầy 1 tháng bị giam ở trong trung tâm. Bà Vương Minh Dung (một y tá trưởng) đã tử vong vào ngày 7 tháng 9 năm 2011, trong vòng 10 ngày sau khi bị đưa tới trung tâm tẩy não.

Ngày 12 tháng 7 năm 2012, ông Lưu dán 2 tờ tài liệu chân tướng ở gần cổng của Trung tâm Tẩy não Tân Tân có nội dung phơi bày hai trường hợp tử vong ở trung tâm tẩy não của 2 học viên Pháp Luân Công nói trên. Cảnh sát từ Đồn Công an Hoa Kiều đã bắt ông Lưu sau khi nhận được chỉ điểm của người nào đó.

Ngày 9 tháng 5 năm 2013, chỉ 1 ngày sau khi ông Lưu bị đưa đến Trại tạm giam Tân Tân và bị kết án bí mật ba năm tù. Ông đã kháng cáo, nhưng phán quyết vẫn được giữ nguyên vào ngày 30 tháng 9. Tòa án Tân Tân đã ban bố lệnh chuyển ông đến một trại tạm giam vào ngày 15 tháng 10. Lúc đó, ông Lưu đã bị giam trong trại tạm giam Tân Tân được 1 năm 3 tháng 9 ngày. Ông bị đưa đến Nhà tù Ngũ Mã Bình vào ngày 23 tháng 10 năm 2013.

Bị tra tấn ở trong tù

Ngồi trên nền đất lạnh trong thời gian dài

Ông Lưu bị cưỡng chế mặc đồng phục tù nhân, lấy mẫu máu, cạo đầu và chụp ảnh khi vào tù.

Sau nhiều ngày vài tù nhân ra sức cưỡng chế ông Lưu viết “tam thư” cam kết từ bỏ Pháp Luân Công dưới sự xúi giục của lính canh. Khi ông từ chối, tù nhân bắt ông thức dậy vào lúc 6 giờ sáng và ngồi trên nền đất lạnh (thậm chí là cả nền đất ướt sũng) cho đến 22 giờ tối.

Ngày 3 tháng 12 năm 2013, Nhà tù Ngũ Mã Bình chuyển tới thành phố Lạc Sơn để sáp nhập với Nhà tù Sa Loan để tạo nên một cơ sở mới có tên là Nhà tù Gia Châu. Nơi này trở thành nhà tù trọng yếu của tỉnh, chuyên giam giữ các nam học viên Pháp Luân Đại Pháp.

Tại Nhà tù Gia Châu, ông Lưu và nhiều học viên khác gồm học viên Dương Tiểu Bình, Vương Nghĩa Chính, Đặng Khải Hưng, Triệu Bản Dũng và Diệp Kiến Quốc, liên tục bị phạt đứng hoặc ngồi hàng ngày trong thời tiết giá rét. Do ngồi lâu, mông của rất nhiều học viên bị sưng tấy và mưng mủ.

Bị đánh đập vì không viết “tam thư”

Ông Lưu từ chối viết “tam thư” tuyên bố từ bỏ đức tin của mình nên bị một tù nhân đấm hai phát vào má phải. Ông đứng dậy và hô hoán rằng mình đang bị hành hung. Chỉ lúc này người tù nhân mới dừng hành vị bạo lực đó lại.

Tuy nhiên, những cú đấm đã làm ông Lưu đau nhức mỗi khi nhai.

Không được mặc quần áo ấm

Thời tiết của tháng 11 năm 2013 vô cùng lạnh giá. Lính canh Công Kính Phu đã ra lệnh cho một tù nhân lột bỏ quần áo ấm của ông Lưu. Vì mỗi ngày ông Lưu đều phải ngồi trên nền đất lạnh, thêm vào đó Nhà tù Ngũ Mã Bình lại được xây dựng trên ở trên một ngọn đồi, nên mỗi khi có gió thổi là toàn thân ông Lưu lại run rẩy.

Đầu tháng 1 năm 2014, tù nhân của Nhà tù Gia Châu đã bắt các học viên Pháp Luân Công cởi bỏ quần áo của họ và chỉ được mặc hai hoặc ba lớp quần áo mỏng, rồi phải đứng ở cửa mỗi khi có gió thổi. Những cơn gió lạnh buốt làm cho vùng lưng dưới của ông Lưu bị đau nhức. Ông không thể cúi người xuống sau khi bị đứng như vậy trong thời gian dài.

Bị bắt đứng dù đang chóng mặt

Trong tháng 1 năm 2014, lính canh tù của Nhà tù Gia Châu ra lệnh cho các học viên đứng úp mặt vào tường cao trong khoảng thời gian từ 6 giờ sáng đến 10 giờ tối mỗi ngày.

Một hôm, do phải đứng lâu và thời tiết thay đổi, ông Lưu cảm thấy khó chịu ở vùng bụng và đột ngột ngất xỉu. Sau khi ông tỉnh lại, các tù nhân khác nói rằng mặt ông tái nhợt. Ông Lưu lại ngất đi, nhưng vẫn phải tiếp tục đứng sau khi tỉnh lại.

Các tù nhân nói với ông Lưu rằng vai của ông bị biến dạng, vai bên này cao hơn vai bên kia do đứng lâu suốt một thời gian dài. Vai của một học viên khác cũng bị biến dạng như vậy do bị tra tấn tương tự.

Cấm ngủ trong thời gian dài

Từ ngày 29 tháng 1 đến ngày 16 tháng 2 năm 2014, ông Lưu chỉ được phép ngủ 2 tiếng mỗi ngày (từ 22 giờ đến nửa đêm) do từ chối viết “tam thư”. Thậm chí có khi còn được ngủ ít hơn 2 tiếng. Ông phải đứng hơn 20 tiếng mỗi ngày dưới sự giám sát của 2 tù nhân. Nếu ông ngủ gật, tù nhân sẽ tra tấn ông cho đến khi nào ông tỉnh mới thôi.

Một tù nhân còn dội nước lạnh vào gáy khi ông cảm thấy buồn ngủ. Ông bị các tù nhân tra tấn trong suốt 17 ngày.

Do thiếu ngủ trầm trọng, đầu óc ông Lưu trở nên mơ hồ và ông chỉ chực ngất đi. Hai tù nhân giám sát sẽ nâng người ông dậy và ép ông tiếp tục đứng thẳng. Bất chấp cơ thể yếu ớt của ông, lính canh vẫn sốc điện ông bằng dùi cui điện.

Sốc điện bằng dùi cui điện

Ngày 10 tháng 7 năm 2014, lính canh Thiệu Lăng đã sốc điện vào tay ông Lưu và đe dọa sẽ kéo dài thời hạn của ông. Một giám thị tên là Đường Hiền Đức cũng đấm hai phát vào người ông và bảo ông “tự kiểm điểm”. Tự xem lại mình ở đây ngụ ý là ông Lưu phải mặc đồng phục tù nhân có chữ “tự kiểm điểm” trên đó.

Ông Lưu bị buộc phải đứng nghiêm mỗi ngày từ ngày 10 đến ngày 19 tháng 7 năm 2014. Nếu không, ông sẽ bị đá vào người, bị bắt đứng dưới trời nắng gắt, hoặc đứng cho đến 11 giờ đêm và lúc 5 giờ sáng sau khi thức dậy. Tù nhân còn bỏ đói ông và không cho phép ông tắm rửa. Ông cũng bị cưỡng bức lao động khổ sai. Nếu từ chối, ông sẽ bị sốc bằng dùi cui điện.

2010-6-5-minghui-persecution-194948-3.jpg

Tái hiện cảnh tra tấn: Bị sốc điện bằng dùi cui điện

Lao động cường độ cao

Ông Lưu bị chuyển đến “đội nghiêm quản” (quản lý nghiêm ngặt) vào ngày 28 tháng 3 năm 2014. Trong mười ngày tiếp theo, ông bị buộc phải làm việc vào ban ngày và đứng vào ban đêm cho đến 22 giờ.

2016-8-10-minghui-beijing-lili-13.jpgTranh vẽ minh họa: Lao động khổ sai ở trong nhà tù

Ông Lưu phải tham gia sản xuất cuộn dây điện. Dù siêng năng đến đâu, ông ấy cũng không thể hoàn thành khối lượng công việc hết sức nặng nề, và phải “tự kiểm điểm” mỗi ngày bằng cách đứng đến 22 giờ đêm. Ông phải thực hiện “tự kiểm điểm” như vậy trong gần 8 tháng.

Sau một thời gian, ông Lưu bị chuyển sang một đội khác và bị tách khỏi các học viên khác. Ông ấy vẫn không thể hoàn thành công việc được giao hàng ngày vì chưa hồi phục sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần. Một lính canh yêu cầu ông mỗi ngày phải kiểm điểm bản thân sau khi kết thúc công việc của mình. Sự việc này kéo dài hơn 1 tháng trước khi ông ấy được chuyển trở lại đội ban đầu.

Vào ngày 14 tháng 12 năm 2014 (9 tháng kể từ khi ông Lưu phải “tự kiểm điểm” mỗi ngày sau khi công việc kết thúc), ông đã thắc mắc với lính canh Chu Niệm Bình về khối lượng công việc quá tải. Chu liền đánh đập ông khiến miệng ông chảy máu. Ông Lưu sau đó đã nói với âm lượng lớn, khuyên Chu không nên bức hại các học viên Pháp Luân Công. Đáp lại, Chu đã chỉ đạo tù nhân Hồ Thế Cương bắt ông Lưu đứng úp mặt vào tường ở xưởng sản xuất cho đến hết ngày làm việc.

Tối hôm đó, ông Lưu đã tuyệt thực để phản đối việc Chu hành hung ông. Lính canh Đỗ Khôn đã ra lệnh cho một số tù nhân bức thực ông ấy. Sau đó ông Lưu tiếp tục tuyệt thực 3 ngày, trong thời gian đó, lính canh Khâu Bằng đã cố gắng bắt ông ấy xem các video phỉ báng Pháp Luân Công, nhưng bất thành.

Một ngày làm việc thông thường kéo dài ít nhất 10 tiếng rưỡi. Mặc dù thứ Ba được ấn định là ngày nghỉ, nhưng lính canh vẫn bắt mọi người phải làm việc vào ngày hôm đó, còn trên bảng chấm công lính canh vẫn tích vào ô “được nghỉ”. Tù nhân bị yêu cầu ký tên vào bảng chấm công, nhưng ông Lưu không làm theo. Lính canh đe dọa sẽ chuyển ông đến đội quản lý nghiêm ngặt, nhưng ông vẫn kiên quyết từ chối.

Ngày 14 tháng 5 năm 2015, phó chỉ đạo viên Vương Ức Quân ra sức ép ông Lưu tự kiểm điểm. Ông Lưu phản đối bằng cách tuyệt thực trong 3 ngày. Trong thời gian ông tuyệt thực, Dương Hy Lâm của ban giáo dục nhà tù đã bắt ông phải ký tên vào bảng chấm công, nhưng ông vẫn tiếp tục từ chối.

Ông Lưu bị cưỡng bức lao động trong gần 1 năm 3 tháng (từ ngày 28 tháng 3 năm 2014 đến ngày 24 tháng 6 năm 2015). Lao động đã khiến thị lực của ông ấy ngày càng giảm sút. Đội của ông ấy được giao sản xuất một sản phẩm mới, nhưng vì không quen việc nên không thể hoàn thành công việc được giao. Ngày 25 tháng 6 năm 2015, một lính canh bảo ông Lưu phải đứng để tự kiểm điểm. Ông từ chối và bị đưa đến đội quản lý nghiêm ngặt ngay trong đêm hôm đó vì “không nghe lời” lính canh.

Bị quản lý nghiêm ngặt

Khi bị đưa vào “Đội quản lý nghiêm ngặt”, ông Lưu bị bắt phải tuân theo mọi mệnh lệnh đưa ra. Ông phải mặc đồng phục có ghi dòng chữ “nghiêm quản” và học thuộc nội quy của nhà tù. Ông bị bắt ngồi trên mặt đất, đứng quay mặt vào tường hoặc phơi mình dưới ánh mặt trời thiêu đốt phần lớn thời gian trong ngày. Ông ấy thường xuyên bị thiếu ngủ và chỉ được phép dùng bữa trong khoảng thời gian tính bằng giây. Ông không được phép nói chuyện với các học viên khác hoặc tập bất kỳ động tác nào của Pháp Luân Công. Sự quản lý nghiêm ngặt này kéo dài từ ngày 25 tháng 6 đến 12 tháng 7 năm 2015, ngày ông được trả tự do.

Khi gia đình ông Lưu đến đón ông, họ thấy da mặt, tay và chân của ông đen sạm lại do thường xuyên bị phơi dưới nắng nóng. Người thân của ông đã bật khóc vì quá thương tâm khi nhìn thấy vóc dáng tiều tụy và mái đầu bạc trắng của ông.

Bài liên quan:

Một kỹ sư hàng không đang đối mặt với việc thường xuyên bị sách nhiễu vì kiên định với tín ngưỡng của mình

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/14/454856.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/30/207126.html

Đăng ngày 28-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share