Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-01-2023] Từng bị cầm tù oan sai 12 năm vì tu luyện Pháp Luân Công, một cư dân Bắc Kinh lại đang phải đối mặt với truy tố vì kiên định đức tin của mình.

Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.

2023-1-15-beijing-pangyou_01.jpg

Ông Bàng Hữu và con trai

Khổ nạn gần đây nhất

Ngày 2 tháng 5 năm 2022, ông Bàng Hữu (khoảng 60 tuổi) bị bắt sau khi bị trình báo phân phát tài liệu thông tin Pháp Luân Công 2 ngày trước đó (tức ngày 30 tháng 4). Cảnh sát tịch thu các sách Pháp Luân Đại Pháp, điện thoại di động và máy nghe nhạc của ông. Đến Ngày 3 tháng 5, vì không vượt qua cuộc kiểm tra thể chất bắt buộc trước khi nhập Trại tạm giam, nên ông đã được tại ngoại.

Ngày 28 tháng 7, ông Bàng lại bị bắt tại nhà và đưa tới trại tạm giam quận Xương Bình. Hơn một tháng sau, vào đầu tháng 9, gia đình ông nhận được cuộc điện thoại của trại tạm giam thông báo rằng ông Bàng đã nhập viện sau khi bàn chân của ông bị sưng tấy và mưng mủ do bệnh tiểu đường.

Ngày 7 tháng 11, luật sư của ông Bàng được thông báo rằng cảnh sát đã chuyển hồ sợ vụ án của ông tới Viện Kiểm sát quận Xương Bình. Đầu tháng 1 năm 2023, ông bị truy tố và đối mặt với phiên xét xử của Tòa án quận Trường Bình. Hiện ông vẫn đang bị giam trong bệnh viện của công an.

Bức hại trong quá khứ

Trong hai thập kỷ qua, ông Bàng, một cựu giám đốc của văn phòng quy hoạch thành phố và quản lý của công ty bất động sản, đã nhiều lần bị chính quyền bắt giữ chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công. Ông từng bị kết án tù 2 lần với tổng 12 năm thụ án.

Bị bắt vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công

Tháng 10 năm 1999, chỉ 3 tháng sau khi cuộc bức hại bắt đầu, ông Bàng đã đi tới Văn phòng Khiếu nại Quốc gia để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công và bị bắt giữ. Ông bị giam 4 ngày ở trong trại tạm giam quận Triều Dương và sau đó bị đuổi việc.

Trong tháng 12 năm 1999 và tháng 3 năm 2000, ông Bàng bị bắt thêm 2 lần nữa, và mỗi lần đều bị giam trong trại tạm giam quận Triều Dương hơn 20 ngày.

Ngày 25 tháng sáu 2000, vì trưng một tấm biểu ngữ trên Quảng trường Thiên An Môn, ông Bàng đã bị cảnh sát đánh đập và bị thương nặng ở vùng đầu. Sau đó ông bị đưa đến Sân vận động Thạch Cảnh Sơn và bị bỏ đói trong 2 ngày, bị thẩm vấn và đánh đập một lần nữa. Cảnh sát tiếp tục đánh ông sau khi chuyển ông đến một đồn công an. Họ còn dội nước sôi lên người ông sau khi ông ngất đi.

Tiếp đó ông Bàng bị đưa đến trại tạm giam Kiều Trang ở quận Thông Châu. Cảnh sát ở đó đã tát vào mặt ông 20 lần bằng một chiếc giày da và còn giẫm lên ông trong khi thẩm vấn. Khi ông từ chối trả lời câu hỏi, 8 cảnh sát đã còng tay và sốc điện ông bằng 8 chiếc dùi cui điện. Ông đã tuyệt thực để phản bức hại và bị bức thực. Lính canh tù ở đó còn để ống truyền thức ăn trong bụng ông và vẫn bằng còng tay và cùm chân ông.

2023-1-15-beijing-pangyou_03.jpg

Tái hiện tra tấn: sốc điện

Sau 9 ngày tuyệt thực, ông Bàng bị đưa đến đồn công an địa phương. Cảnh sát đã cố gắng tống ông vào trại tạm giam, nhưng bị từ chối. Để tránh bị cảnh sát bức hại thêm nữa, ông Bàng buộc phải rời nhà sống lưu lạc.

Bị kết án 8 năm tù

Ngày 27 tháng 9 năm 2000, ông Bàng lại bị bắt. Ở trong đồn công an, ông bị ngất xỉu nhiều lần do bị cảnh sát đánh đập tàn bạo. Sau đó, đến tháng 11 năm 2001, ông bị kết án 8 năm tù và thụ án trong Nhà tù Tiền Vệ.

Lính canh Lương Khải đã sốc điện ông bằng dùi cui điện và cưỡng chế ông phải chạy nhiều vòng trong khi ông Bàng vẫn đang bị còng tay và cùm chân. Tù nhân còn cầm cùm chân và kéo lê ông, đập mạnh chân ông xuống đất. Ngay cả khi ông đang ngủ, họ cũng không tháo còng tay và cùm chân cho ông. Lính canh còn nối còng tay vào cùm chân bằng một sợi xích dài khoảng 45 cm, khiến ông luôn phải ở trong tư thế khom lưng.

2023-1-15-beijing-pangyou_04.jpg

Tranh vẽ minh họa tra tấn: tay và chân bị xích lại với nhau

Năm 2002, Nhà tù Tiền Vệ sáp nhập với Nhà tù Tiền Tiến. Để buộc ông Bàng từ bỏ Pháp Luân Công, lính canh tù đã ép ông ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu cao chừng 30 cm trong hơn 10 giờ mỗi ngày. Tù nhân sẽ đánh đập và chửi mắng khi ông nhúc nhích. Ông cũng bị cấm ngủ vào ban đêm. Đôi khi lính canh còn tra tấn ông bằng áo bó (một dụng cụ tra tấn). Khi bị mặc bộ áo đó, ông chỉ có thể nằm trên mặt đất và không thể cử động được.

Ông Bàng đã tuyệt thực để phản bức hại và lính canh đã bức thực ông trong 9 ngày trong khi vẫn còng tay và xiềng xích ông.

Ông Bàng được ra tù vào ngày 27 tháng 9 năm 2008.

Bản án 4 năm khác

Ngày 3 tháng 8 năm 2009, ông Bàng lại bị bắt vì giảng chân tướng Pháp Luân Công. Ông bị giam 1 tháng ở trong trại tạm giam quận Triều Dương và đến giữa tháng 9, ông bị chuyển đến trại tạm giam Số 1 thành phố Bắc Kinh.

Ngày 7 tháng 4 năm 2010, Tòa án quận Triều Dương đã kết án ông 4 năm tù và thụ án trong Nhà tù Tiền Tiến.

Ba vụ bắt giữ khác

Ngày 5 tháng 12 năm 2014, ông Bàng bị bắt trong khi đang tới thăm một người bạn ở huyện Nghi Xuyên, tỉnh Thiểm Tây. Trong 6 tháng bị giam trong trại tạm giam huyện Hoàng Long, ông bị tra tấn bằng ghế cọp và đánh đập dã man.

2004-6-6-tiger_bench--ss.jpg
Tranh vẽ minh họa tra tấn: ghế cọp

Lần bắt giữ tiếp theo của ông xảy ra vào ngày 21 tháng 1 năm 2016. Ông bị giam 1 tháng trong trại tạm giam quận Thông Châu và được thả vào ngày 21 tháng 2.

Ngày 11 tháng 10 năm 2017, ông lại bị bắt và bị giam trong trại tạm giam quận Triều Dương 37 ngày.

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/17/455089.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/28/207092.html

Đăng ngày 28-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share