Mẫu hình về người phụ nữ truyền thống

[MINH HUỆ 30-10-2011] Tiêu chuẩn của người phụ nữ truyền thống vốn bắt nguồn từ tư tưởng “Thiên nhân hợp nhất” của người xưa và từ đó hình thành nên quan niệm đạo đức truyền thống. “Kinh Dịch” viết rằng: “Nhất âm nhất dương vị chi Đạo (Một âm một dương gọi là Đạo). “Âm”, “Dương” thuộc về hai chủng loại vật chất bất đồng, tự nhiên sẽ có thuộc tính khác nhau. Hai quẻ “Càn” và “Khôn” lại là đại biểu điển hình của Âm Dương. “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức; Địa thế Khôn, quân tử dĩ hậu đức tải vật”, nghĩa là “Trời vận hành cương cường, mạnh mẽ, người quân tử tự cường không ngơi nghỉ. Khí thế của đại địa khoan dung, đức dày che chở vạn vật.” Âm nhu dương cương là biểu hiện của đặc tính đó, đối ứng với con người, nên người nam thuộc về dương cương, người nữ thuộc về âm nhu, cương nhu tương hỗ, dựa vào nhau mà tồn tại, mới có thể chung sống hài hòa. Đây chính là Đại Đạo định ra yêu cầu lễ nghi và quy phạm đạo đức hình thành cho hậu thế.

Tiêu chuẩn về người phụ nữ thời cổ đại được miêu tả khá chi tiết. Trong những điển tích như Lễ Ký, Chu Lễ, Kinh Thi, Liệt Nữ Truyện vừa có yêu cầu tiêu chuẩn một cách minh xác, vừa để lại những tấm gương và hình mẫu điển hình về người phụ nữ truyền thống trong các thời đại lịch sử. Tiêu chuẩn của người phụ nữ truyền thống là ôn nhu hiền thục, thiện lương, có hàm xúc. Một tâm hồn đẹp tự nhiên ắt sẽ toả ra sự ưu tú, trang nhã từ nội tâm tới dáng vẻ bên ngoài. Đức hạnh tốt đẹp mới là vẻ đẹp mỹ lệ chân chính của người phụ nữ. Chúng ta có thể lấy ra ba ví dụ về sự hiền đức của bậc mẫu nghi thiên hạ thời cổ đại làm hình mẫu.

1. Hoàng hậu Âm Lệ Hoa thời Đông Hán

Âm Lệ Hoa, người vùng Tân Dã, Nam Dương, là hoàng hậu thứ hai của vị hoàng đế khai quốc thời Đông Hán Lưu Tú. Nàng là con gái của tể tướng Quản Trọng thời Xuân Thu.

Vào năm thứ năm sau khi Lưu Tú thống nhất thiên hạ, Âm Lệ Hoa được sắc phong làm hoàng hậu. Sử sách viết rằng: Hoàng hậu Âm Lệ Hoa nhân từ, hiếu thuận và giàu lòng nhân ái. Bảy tuổi mất cha, dẫu đã vài chục năm trôi qua, nhưng mỗi lần nhắc tới phụ thân nàng đều rơi lệ. Khi còn tại vị nàng đoan trang, hiền thục, mang vẻ đẹp của bậc mẫu nghi. Hoàng hậu trong hậu cung thì cung kính, bên ngoài lại biết giữ gìn gia phong, suốt đời là một vị hoàng hậu hiền đức.

Thời đầu kiến lập Đông Hán, mới có hoàng đế, chưa lập hoàng hậu nên phong cho Quách Thánh Thông và Âm Lệ Hoa làm quý nhân. Khi đó, Quách quý nhân đã hạ sinh hoàng thái tử Lưu Cương; nhưng Lưu Tú muốn lập Âm quý nhân làm hoàng hậu do nàng có “vẻ đẹp của bậc mẫu nghi”. Phụ nữ thời xưa không một ai là không lấy việc lên ngôi hoàng hậu làm vinh diệu tối cao trong đời người. Nhưng Âm Lệ Hoa thường rất khiêm tốn, nàng kiên quyết chối từ: “Tự bản thân thiếp cảm thấy mình không thể đảm đương ngồi ở ngôi cao”. Về sau, Lưu Tú phong cho Quách Thánh Thông làm hoàng hậu. Lưu Tú muốn phong tước hầu cho huynh đệ của Âm Lệ Hoa. Âm Lệ Hoa vẫn khéo léo chối từ, thưa rằng chiểu theo thân phận bản thân thì huynh đệ của nàng làm sao có thể vượt quá lễ nghi làm hầu tước được? Lưu Tú lại thưởng tặng châu báu, ngọc ngà cho Âm Lệ Hoa, nàng vẫn một mực cự tuyệt, thưa rằng quốc gia vừa mới ổn định, bao điều ngổn ngang đợi được chấn hưng, bản thân cần nhiều châu báu ngọc ngà như vậy thì có ích gì?

Vào năm Kiến Vũ thứ 17, Quách hoàng hậu nhiều lần oán hận nên Quang Vũ Đế đã phế Quách hoàng hậu và lập Âm Lệ Hoa quý nhân làm hậu.

Dẫu thân là hoàng hậu, Âm Lệ Hoa vẫn khiêm nhường, cung kính, đối với phế hậu Quách Thánh Thông nhiều lần hãm hại mình, nàng cũng không hề tỏ thái độ dậu đổ bìm leo. Trái lại, Âm hoàng hậu còn vì Quách Thánh Thông mà thỉnh cầu, khiến Lưu Tú xét xử Quách Thánh Thông bằng thái độ khoan dung, nhân từ. Không chỉ có vậy, Âm Lệ Hoa vẫn hết lòng thương yêu và chăm sóc phế Thái tử Lưu Cương và Trung Sơn Vương Lưu Yên, con út của họ Quách. Âm Lệ Hoa thường dặn dò con cháu phải thiện đãi gia tộc Quách Thánh Thông, và còn bảo chúng ghi nhớ rằng Quách Thánh Thông từng là mẹ cả và tổ mẫu cả của chúng trong suốt 17 năm. Vậy nên cần đối đãi với Quách Thánh Thông như là mẹ cả và tổ mẫu cả.

Về điều này, không chỉ Minh Đế Lưu Trang làm được mà cả con cháu của Âm Lệ Hoa là Hán Chương Đế Lưu Đát cũng khắc ghi trong tâm. Hoàng tộc Đông Hán sau này quả thực không còn xảy ra chuyện sát hại phế Thái tử và hoàng tử không phải do mình sinh ra. Điều này không thể tách rời với việc Lưu Tú và Âm Lệ Hoa đã tự lấy mình làm gương mà trở thành gia huấn của gia tộc.

Xem tiếp Phần 2


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/10/30/文史漫談-母儀天下的賢後(一)-248511.html

Bản tiếng Anh: https://www.clearwisdom.net/html/articles/2011/12/18/130191.html

Đăng ngày 29-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share