Bài viết của Kính Chỉ

[MINH HUỆ 20-08-2011] Khang Hy Đình Huấn là bài văn giáo dục gia đình của Khang Hy dạy các hoàng tử, trong đó có rất nhiều câu nhắc nhở có trí tuệ viên minh và đạo lý thâm sâu.

Xin trích lục một đoạn. Huấn viết rằng: “Phàm là người giữ thân xử thế, chỉ nên để khoan thứ trong tâm. Khi thấy người có việc đắc ý thì nên sinh lòng hoan hỷ. Khi thấy người có việc thất ý thì nên sinh lòng thương xót. Đó đều khiến bản thân thu được lợi ích. Nếu như đố kỵ với thành công của người khác, vui thấy người khác thất bại thì sao có thể mưu sự cùng với người khác được? Chỉ làm bại hoại cái tâm mình mà thôi. Cổ ngữ nói: ‘Thấy người thành công thì như chính mình thành công. Thấy người thất bại thì như chính mình thất bại’. Giữ cái tâm như thế thì Trời ắt bảo hộ”.

Đại ý của đoạn giáo huấn này là: “Một người lập thân xử thế, nên lúc nào cũng giữ cái tâm khoan dung nhẫn nhượng. Thấy người khác có sự việc vui lòng đắc ý thì nên sinh lòng hoan hỷ, vui mừng cho người ta. Thấy người khác có sự tình khốn khó thất ý thì nên sinh lòng thương xót, cảm thông với người ta, trợ giúp người ta. Loại tâm thái như thế này thực sự có ích lợi đối với bản thân mình. Nếu một người luôn luôn đố kỵ với thành công của người khác, vui mừng trước thất bại, tai họa của người khác, thì sao có thể chung sống với người khác được đây? Làm như thế này tuy không có tổn hại gì cho người khác, nhưng làm bại hoại đạo đức của chính mình. Người xưa nói: ‘Thấy người khác thành công, có sở đắc thì giống như chính mình thành công, có sở đắc. Thấy người khác thất bại, mất mát thì giống như mình thất bại, mất mát’. Người có cái tâm và suy nghĩ như thế này thì Thượng Thiên nhất định sẽ bảo hộ”.

Khang Hy là một vị hoàng đế vỹ đại, 8 tuổi đăng cơ, trị vì 61 năm, kiến lập nên nhiều công lao sự nghiệp vỹ đại. Những lời trong Đình Huấn vừa là tổng kết của cả cuộc đời ông, cũng vừa là lời răn dạy đối với các hoàng đế tương lai, bởi vì các hoàng đế tương lai nhất định là những hoàng tử nhận được giáo dục hoàng đế này mà thành. Như vậy từ góc độ hoàng đế xem xét bản Đình Huấn này, Khang Hy hy vọng người trong thiên hạ đều hạnh phúc, đều giàu có. Bởi vì dân mạnh hay yếu sẽ quyết định quốc gia mạnh hay yếu. Dân nghèo thì nước yếu, dân giàu thì nước mạnh. Như vậy nhân dân có sự việc đắc ý, vui mừng thì đương nhiên quốc quân cũng nên vui mừng. Khi nhân dân gặp tai nạn, cuộc sống khốn khổ thì quốc quân đương nhiên sẽ lo lắng, thương xót bách tính, nghĩ hết biện pháp giúp người dân vượt qua khó khăn. Do đó lòng dân mới ổn định, quốc gia mới có thể ổn định được.

Trái lại, nếu hoàng đế luôn luôn trái với ý nguyện của người dân, đố kỵ những việc đắc ý của người dân, vui mừng trước nỗi đau, thất ý của người dân thì e rằng người dân sẽ sớm dựng cờ nổi dậy. Như vậy không chỉ bại hoại đức hạnh của quân vương mà còn làm họa loạn quốc gia, quả là rất đáng sợ. Thế nên nói rằng, nếu quân vương đều có thể lấy niềm vui của người dân làm niềm vui của mình, lấy nỗi khổ của người dân làm nỗi khổ của mình thì Thượng Thiên có thể không bảo hộ một vị hoàng đế tốt như thế này chăng?

Tuy bản Đình Huấn này là lời dạy bảo các hoàng tử, nhưng đều thích hợp áp dụng cho các đại thần trong triều, bởi vì trước khi trở thành hoàng đế thì hoàng tử đều làm các công việc giúp nước yên dân như các đại thần. Giữa các đại thần khó tránh khỏi cạnh tranh, đố kỵ lẫn nhau, thậm chí phỉ báng bài xích nhau. Nếu có thể thực hiện được theo Đình Huấn thì cái tâm đố kỵ có thể tiêu tan, người khác có cũng như mình có, người khác mất cũng như mình mất. Quan tâm thực lòng với người khác thì bạn bè nhất định sẽ nhiều, tâm tranh đấu cũng sẽ dần dần mất đi. Việc này đối với tu thân dưỡng tính thật có ích lợi lớn biết bao. Hơn nữa cái tâm hiển thị giữa các triều thần rất làm tổn hại lẫn nhau đó cũng được giảm đến mức tối thiểu. Khi chúng ta coi sở trường của người khác như sở trường của mình thì sẽ khen ngợi ưu điểm của người khác, sẽ không có ai chán ghét người có cái tâm như thế, ngược lại còn cảm thấy người này có tấm lòng rộng lớn, có thể gánh vác được trọng trách. Đây chẳng phải hình thành một triều đình có chính khí hạo nhiên, yêu thương người khác như chính bản thân mình đó sao? Đối với nước, đối với dân đều là việc tốt rất lớn. Đối với những người thực hành Đình Huấn cũng nhất định sẽ được Thượng Thiên bảo hộ.

Đối với người dân thường chúng ta, không quan tước, không tài sản mà nói, bản Đình Huấn này thực sự là phương thức đối nhân xử thế hay, là phương thuốc tế thế an dân tốt. Tục ngữ nói rằng: “Thêm người bạn là thêm con đường, thêm kẻ thù là thêm tường chắn”. Bạn bè từ đâu đến? Kẻ thù từ đâu sinh ra? Đại thể đều do cái tâm phân biệt của mình đối với người ta quá mạnh mẽ, cố chấp ý kiến bản thân, coi mình là lớn là đúng, tạo nên bạn bè ít kẻ thù nhiều. Nếu có thể buông bỏ thành kiến, buông bỏ cái tôi, coi niềm vui của người khác cũng là niềm vui của mình, coi sở trường của người khác cũng như sở trường của mình, coi nguy nạn của người khác cũng như nguy nạn của mình. Tấm lòng như thế này thì ắt sẽ được Thần trợ giúp.

“Đạo Trời không thân với ai mà thường trợ giúp người thiện lương”. Quy luật của Đạo Trời là thích người thiện. Khi chúng ta phù hợp với quy luật của Đạo Trời này, buông bỏ cái tôi, thì đồng bao dung ưu khuyết điểm của người khác, đó chẳng phải là phương pháp tốt nhất được Thần trợ giúp đó sao. Đạo gia giảng Thiên – Nhân hợp nhất. Khi cái tâm chúng ta tiếp cận với Đạo, phù hợp với Đạo Trời, phù hợp với luân lý con người, phù hợp với đặc tính vũ trụ thì chúng ta thực sự thu được nhiều lợi ích. Khi chúng ta mở rộng cái tâm như thế này để đối xử với vạn sự vạn vật, coi niềm vui của Trời (thiên nhiên) là niềm vui của mình, coi mối lo của Trời (thiên nhiên) là nỗi lo của mình thì chúng ta cách đắc Đạo cũng không còn xa lắm.

Đạo đức tốt đẹp có nguồn gốc từ tấm lòng rộng mở. Bản Đình Huấn này có ý nghĩa sâu xa, gợi mở cho con người phản tỉnh sâu sắc. Bất kể là đối với người trong triều đình hay người dân thường phổ thông, nó đều có lợi ích giáo hóa, khiến chúng ta biết được đạo lý được Thượng Thiên bảo hộ, cũng khiến chúng ta thấy được tấm lòng vỹ đại của Khang Hy Đại Đế.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/8/20/文史漫談-見人得失-如己得失-245612.html

Đăng ngày 21-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share