Bài viết của Trí Chân

[MINH HUỆ 13-09-2011] Ngày rằm tháng 8 hàng năm là Tết Trung thu truyền thống. Lúc này ánh trăng trắng ngần tinh khiết, hoa cúc hoa quế đưa hương, nhà nhà lên đèn, phong tục thưởng nguyệt, vịnh trăng được lưu truyền từ lâu đời đã trở thành một tập tục truyền thống. Vầng trăng sáng đã lưu lại bao nỗi nhớ thương của vô số con người, đã mang bao lời chúc phúc và hy vọng của con người vào một tương lai tốt đẹp. Văn hóa Trung thu truyền thống Á Đông có nội hàm tinh thần phong phú, đem lại cho con người cảm thụ tâm hồn phong phú.

Tế trăng và bái trăng

Theo lịch pháp cổ đại Á Đông thì ngày 15 tháng 8 âm lịch là vào trung tuần tháng 8 giữa mùa thu hàng năm, do đó gọi là trung thu. Một năm có bốn mùa, mỗi mùa lại chia thành ba phần là ‘mạnh, trọng, quý’. Ba phần mùa thu gọi là tam thu. Tháng thứ hai của tam thu gọi là trọng thu, do đó trung thu cũng được gọi là trọng thu.

Từ Trung thu xuất hiện sớm nhất trong sách Chu Lễ: “Ngày Trung xuân, đánh trống thổi kèn u nhã để đón nắng nóng. Đêm Trung thu, đón lạnh giá cũng như mây.”

Trung thu tế trăng là một tập tục lâu đời. Trong phần Tế Pháp sách Lễ Ký có viết: “Đêm sáng, tế trăng”. Vào thời Chu đã có các hoạt động “Đêm Trung thu đón giá lạnh”, “Đêm Trung thu lễ bái trăng”. Mọi người cử hành lễ tế trăng để bày tỏ kính thờ Thần linh. Đến đời Đường, Tết Trung thu đã trở thành một ngày lễ cố định. Phần Thái Tông Ký sách Đường Thư có ghi chép: “Ngày 15 tháng 8 là Tết Trung thu”, tế trăng bái trăng dần dần trở thành quy mô, các hoạt động cũng càng phong phú đa dạng, ngày lễ tết này thịnh hành từ đó đến nay.

Mọi người qua các thời đại xưa không ai không coi trọng kính thờ các Thần trong trời đất. Sử sách có ghi chép các đế vương xưa có tập tục Xuân phân tế mặt trời, Hạ chí tế đất, Thu phân tế trăng, Đông chí tế trời, đã biểu thị tâm thành kính cảm ơn trời đất của các đế vương cổ đại. Nơi lễ tế của các đế vương gọi là Nhật Đàn, Địa Đàn, Nguyệt Đàn, Thiên Đàn, được xây dựng ở 4 phương Đông, Nam, Tây, Bắc. Nguyệt Đàn ở Bắc Kinh là nơi các hoàng đế thời Minh Thanh tế trăng. Phong tục này không chỉ thịnh hành ở cung đình và giới quý tộc thượng lưu mà còn ảnh hưởng đến dân gian. Trong dân gian cũng cử hành các hoạt động và nghi thức tế trăng bái trăng phong phú đa dạng.

Tế Pháp thời Chu có viết: “Mặt trời, mặt trăng và các vì sao là những thứ người dân chiêm ngưỡng, núi rừng sông thung lũng gò đồi là nơi người dân lấy của cải để sử dụng,” vì thế đều được liệt vào đối tượng cúng tế, tức là mục tiêu cảm ơn. Phần Thiên Đạo sách Trang Tử viết: “Đức Trời xuất hiện thì yên ổn, mặt trời mặt trăng chiếu sáng, tứ thời vận hành thay đổi. Như đêm ngày có kinh (quy luật) thì mây trôi mưa rơi vậy.” Điều đó nói rằng cần phải tuân theo Đạo Trời, dựa theo quy luật vận hành của thiên thể, quy luật vận hành của mặt trời mặt trăng, ngày đêm rành mạch có trật tự, vạn vật tự cân bằng, văn vật tự yên ổn, mưa thuận gió hòa, thiên hạ mới có thái bình.

Phần Tế Nghĩa sách Lễ Ký có viết: “Mặt trời mặt trăng mọc ở đằng đông lặn ở đằng tây, âm dương dài ngắn, luôn luôn tuần hoàn, do đó thiên hạ hài hòa.” Người xưa coi sự vận hành bình thường của mặt trời mặt trăng là quy luật vũ trụ không vật gì không tuân theo, cũng là sự bảo đảm để vạn vật trong thiên hạ sinh trưởng, hài hòa. Mọi người nhận được ân huệ của Thượng Thiên thì từ trong tâm nảy sinh lòng kính sợ và cảm ân, đồng thời thuận theo Đạo của Trời Đất để đối nhân xử thế, để làm người.

Thưởng trăng, vịnh trăng

Người xưa có nhiều truyền thuyết đẹp về trăng. Từ chuyện Ngô Cương chặt cây quế đến Hằng Nga chạy lên cung trăng, đến chuyện Tiên nhân cưỡi loan, đã miêu tả cảnh đẹp rực rỡ đa dạng của cung trăng: ở đó có Thần Tiên, có cây quế, có Thỏ Ngọc, có Cung Quảng Hàn. Mặt trăng là Tiên Cảnh, là chiếc gương sáng trên bầu trời xanh của mỗi người. Thưởng trăng là đối thoại, là cơ hội giao lưu giữa con người với thiên nhiên. Mặt trăng là người bạn của loài người, có sự câu thông tâm linh với con người. Đêm Trung thu, mặt trăng mọc lên từ phương đông, ánh sáng thanh khiết tưới khắp nhân gian, mọi người bắt đầu các hoạt động thưởng trăng. Bạn bè thân thích tụ hội, đem rượu đón gió mời trăng, ăn bánh Trung thu biểu thị ‘đoàn viên’, ngoài ra còn có các hoạt động khác như thắp đèn, ngắm thủy triều, múa rồng, ca múa…

Các tao nhân mặc khách các thời đại đều thích vịnh trăng bày tỏ tấm lòng. Những câu tuyệt cú vịnh trăng trong thơ từ xưa nhiều không kể xiết. Trong Kinh Thi có viết rằng: “Trăng lên sáng đẹp bầu trời”, “Trăng lên chiếu sáng rạng ngời” đã miêu tả vẻ đẹp của trăng.

Trong Cổ Thi Thập Cửu Thủ cũng có câu:

“Ánh trăng vằng vặc lầu cao
Chảy quanh dòng sáng xiết bao bồi hồi.”

Thơ vịnh trăng sau thời Đường Tống càng nhiều không đếm xuể, miêu tả cảnh tượng cung trăng như:

“Thanh nữ, Tố Nga đâu sợ lạnh
Dưới trăng sương giá bóng thuyền quyên.” (Lý Thương Ẩn – đời Đường)

Miêu tả vẻ đẹp tráng lệ của trăng như:

“Mây chiều tan hết lạnh tầng không
Ngân Hà lặng ngắt đĩa ngọc lồng.” (Tô Thức – đời Tống)

Miêu tả cảnh quan thiên nhiên tráng lệ dưới trăng như:

“Tháng tám trời trong gió mát lành
Vạn dặm trời quang sáng sông Ngân.” (Tống Chi Vấn – đời Đường)

Miêu tả ý cảnh yên tĩnh, hài hòa, tươi đẹp như:

“Mây mỏng tứ phía nhẹ giăng
Gió lên mây lặn sóng trăng trải đều.” (Hàn Dũ – đời Đường)

Miêu tả ánh trăng trắng ngần như:

“Sóng bạc vạn dặm Thần Châu,
Nhân gian trắng muốt một màu đêm thu.” (Trương Thân – đời Minh)

Người xưa coi trăng tròn là tượng trưng cho đoàn viên. Ngắm trăng gửi tấm lòng xa xôi là một trong những chủ đề truyền thống giàu sức sống nhất trong thơ ca cổ điển, khiến nỗi nhớ nhung và những lời chúc phúc đối với cố hương, với người thân phương trời xa đột phá xa cách không gian như:

“Ðêm nay sương trắng đã rơi,
Quê xưa giờ vẫn sáng ngời bóng trăng.” (Đỗ Phủ – đời Đường)

“Tháng tám mười lăm trăng sắc mới,
Hai ngàn dặm lẻ nhớ cố nhân.” (Bạch Cư Dị – đời Đường)

Trương Cửu Linh đời Đường đã viết trong bài thơ “Vọng nguyệt hoài viễn” rằng:

“Vầng trăng mọc ở biển khơi,
Cùng chung một lúc góc trời soi chung.”

Câu thơ đã triển hiện ra cảnh giới rộng lớn trăng sáng nhô lên, chiếu sáng chân trời, đã thể hiện ra tấm lòng khoáng đạt rộng lớn của nhà thơ, đã phản ánh cảnh tượng hài hòa, mọi người quan tâm lẫn nhau, chúc phúc cho nhau.

Đêm Trung thu ngẩng đầu ngắm bầu không, vầng trăng sáng đầy đặn siêu thoát phóng khoáng trong thơ thi nhân Lý Bạch:

“Nâng chén mời trăng sáng,
Mình với bóng là ba.”

Con người đối thoại với trăng, coi trăng là bạn. Trăng cao xa thanh khiết kia khiến thi nhân khơi dậy những suy nghĩ xa xôi vô hạn về vũ trụ bao la và con người giao cảm. Lý Bạch viết trong bài thơ “Bả tửu vấn nguyệt” rằng:

“Trăng kia đến tự thuở nào?
Nay ta ngưng chén rượu đào hỏi trăng!

Người xưa nay, tựa nước nguồn
Đã từng chung ngắm trăng non một thời.”

Câu thơ đã miêu tả trăng kia từ vạn cổ bất biến, là tượng trưng cho sự vô hạn vĩnh hằng và là chứng nhân của lịch sử, khiến con người suy tư về triết lý nhân sinh vũ trụ, đánh thức bản tính của sinh mệnh, truy cầu giá trị nhân sinh.

Nhân cách hóa trăng, miêu tả phẩm chất của trăng, như Tào Tùng đời Đường đã viết trong bài thơ “Trung thu đối nguyệt” rằng:

“Trăng soi khắp chốn mọi nơi
Chưa từng thiên vị riêng soi nhà nào.”

Câu thơ miêu tả trăng vô tư công bằng chiếu sáng khắp địa cầu.

Miêu tả trăng trong vắt sáng tỏ như Đào Uyên Minh đời Tấn viết trong bài thơ “Nghi cổ” rằng:

“Sáng trong vằng vặc giữa mây trời
Như hoa rực rỡ giữa lá tươi.”

Còn thi nhân Lý Phác đời Đường viết trong bài thơ “Trung thu” rằng:

“Gương báu tinh khôi nổi giữa trời.
Sáo Tiên mây ẩn bặt im hơi.
Trăng tròn thu sắc chia đôi,
Đường mây ngàn dặm muôn đời bên nhau.”

Câu thơ thể hiện cảnh thanh khiết trong suốt và cảnh giới Thiên – Nhân hợp nhất.

Tết Trung thu mỗi năm một lần lại đến rồi, ngoài ngàn dặm vạn dặm xa, cùng chung thưởng thức một vầng trăng sáng. Khắp muôn núi ngàn khe cùng tắm gội trong ánh trăng như nước suối thanh khiết. Muôn vạn nhà cùng bày tỏ tâm nguyện chúc phúc. Trong tâm mỗi người Á Đông, trăng sáng tươi đẹp, tượng trưng cho quang minh và vĩnh hằng, gửi gắm những ước nguyện tốt đẹp đến cho mọi người.

Trăng Trung thu tròn vành vạnh sáng trong đem lại cho mọi người sự gợi mở tinh thần, thể hiện nội hàm đạo đức đậm sâu của ngày lễ Tết truyền thống, đồng thời cũng cung cấp bài học tham khảo cho mọi người tu dưỡng đạo đức, kính sợ Trời Đất thiên nhiên, kính Trời kính Thần và cảm ân đối với Thượng Thiên, cảm ngộ ý nghĩa và giá trị nhân sinh, vũ trụ, truy cầu một tương lai tươi sáng và tốt đẹp.


Bản tiếng Hán: https://big5.minghui.org/mh/articles/2011/9/13/傳統中秋感悟-246697.html

Đăng ngày 14-08-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share