Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở bên ngoài Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-05-2019] Trong tiến trình tu luyện thời kỳ Chính Pháp, một số học viên có vẻ buông lơi và truy cầu an nhàn. Trong khoảng thời gian trân quý này, khi từng phút từng giây đều vô cùng quý giá, một số học viên lại bắt đầu buông lỏng, một số gặp “nghiệp bệnh” trong khi một số khác lại từ bỏ tu luyện, một việc vô cùng đau lòng. Rồi khi đối diện với môi trường hiện nay và can nhiễu đến từ cựu thế lực, làm thế nào chúng ta có thể duy trì được trạng thái “tu luyện như thuở đầu?” Tôi muốn chia sẻ với các bạn đồng tu thể ngộ của mình.

Tôi làm việc trong lĩnh vực truyền thông. Bởi vì Sư phụ đã yêu cầu tất cả những học viên làm việc trong kênh truyền thông cần học Pháp trực tiếp cùng nhau hàng ngày, do đó mỗi ngày tôi đều tham gia vào nhóm học Pháp buổi sáng. Lịch cố định giúp tôi duy trì được trạng thái tu luyện kiên định, và tôi cảm thấy như mình đang tiến gần tới tu luyện như thuở đầu.

Thể ngộ về việc học Pháp “không theo kịp”

Dù ở bất kỳ đâu thì những học viên chân tu cũng đều rất bận rộn. Nhiều học viên biết rằng học Pháp rất quan trọng, nhưng họ lại thường xuyên bị can nhiễu và cảm thấy khó có thể duy trì một môi trường học Pháp ổn định.

Sư phụ đã giảng:

“Vậy nên học Pháp vẫn là trọng yếu nhất, là quan trọng nhất, ấy là bảo đảm căn bản cho hết thảy các việc mà chư vị cần làm. Nếu học Pháp không theo kịp, thì cái gì cũng hết rồi.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp, Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)

Tôi nhận thấy Sư phụ đã giảng về “học Pháp theo kịp.” Nếu chúng ta không thể theo kịp, thì chúng ta sẽ đánh mất tất cả những gì chúng ta đã chờ đợi trong hàng nghìn năm qua. Không theo kịp là gì? Khi chúng ta nói rằng chúng ta học Pháp, điều đó vẫn chưa đủ. Chúng ta cần làm được hơn thế nữa, cần “theo kịp.” Thể ngộ của tôi về “theo kịp” là đảm bảo rằng cả số lượng và chất lượng đều được duy trì. Chúng ta không thể chỉ học Pháp ngày hôm nay và bỏ học vào ngày hôm sau, than phiền rằng chúng ta đang bận. Ngoài ra, chúng ta không thể tới muộn hay rời đi sớm hơn hay cũng không thể chỉ học một phần nhỏ rồi rời đi.

Tôi thường xuyên chứng kiến các học viên đến muộn trong buổi học Pháp. Ban đầu tôi thấy thật không thể hiểu được. Tại sao lại có thể tới muộn như vậy? Khi chúng ta bỏ lỡ phần đã được đọc, phải làm sao đây? Mỗi từng câu trong Pháp đều rất quan trọng và không thể bỏ lỡ. Tôi cảm thấy rằng khi chúng ta bỏ lỡ một phần của bài giảng, đó là một biểu hiện của “học Pháp không theo kịp.” Do đó, một số học viên cần tự hỏi bản thân rằng: Đã bao lần họ học Pháp mà không bỏ lỡ một từ hay một câu trong sách Chuyển Pháp Luân?

Do đó tôi cảm thấy học Pháp hàng ngày là vô cùng trọng yếu. Việc đó giúp chúng ta đảm bảo được số lượng và chất lượng căn bản.

Kiên trì học Pháp theo cách này không yêu cầu nhiều học viên. Hai tới bốn người đọc cùng nhau đã là rất tốt rồi. Khi chúng ta đọc một bài giảng vào một thời gian cố định trong ngày, chúng ta sẽ không buông lơi tu luyện.

Thể ngộ về số lượng của “theo kịp”

Mỗi chúng ta có trạng thái tu luyện và con đường tu luyện khác nhau. Vậy chúng ta nên học Pháp bao nhiêu để được xem là “theo kịp?” Cá nhân tôi nghĩ rằng mỗi ngày chúng ta cần học hai bài giảng trong sách Chuyển Pháp Luân: một bài vào buổi sáng sau khi chúng ta luyện công xong và một bài vào buổi tối. Tôi đã kiên trì làm việc này trong nhiều năm và thu được lợi ích vô cùng to lớn.

Nhiều học viên nói rằng họ rất bận và không đủ thời gian để học hai bài giảng. Họ nói có thời gian là một điều xa xỉ, và tôi không đồng ý với điều đó. Chìa khóa nằm ở trong tâm chúng ta. Can nhiễu của cựu thế lực cũng đóng vai trò chính. Khi chúng ta thực sự muốn học Pháp, chúng sẽ không cho bạn thời gian làm việc đó. Nếu chúng ta không kiên định, cựu thế lực sẽ không để chúng ta học hai bài giảng.

Tôi rất kiên định học hai bài giảng. Những thứ trong xã hội người thường khó có thể lay chuyển được tôi. Vì thế tôi làm việc hiệu quả. Tôi cố gắng hoàn thành mọi việc nhanh chóng trong khi người khác có thể mất tới cả một ngày. Khi tôi không duy trì được ý chí mạnh mẽ, tôi có thể bị dao động dễ dàng, hoặc bế tắc hoặc cảm thấy như bị dồn vào chân tường.

Trong trạng thái này, tôi mất nhiều thời gian ngay cả với một công việc dễ dàng và vẫn không thể hoàn thành vì tôi tiếp tục đi vòng. Ví dụ, khi tôi quyết đoán, tôi sẽ viết một bài báo rất nhanh. Nhưng khi tôi ở trong trạng thái không thanh tỉnh, tôi không thể viết được gì. Có một câu nói từ xưa ở Trung Quốc rằng: “Ngồi mài rìu cũng chẳng lỡ công đốn củi.” Mặc dù nó không thực sự chính xác lắm nhưng nó miêu tả những gì tôi nghĩ.

Tôi nhận thấy rằng những học viên xung quanh tôi mà có thể tu luyện kiên định đều không quá bận rộn. Tuy nhiên có những người bận rộn với nhiều việc từ sáng đến tối lại làm việc không hiệu quả chút nào. Tuy nhiên, họ vẫn nói rằng họ quá bận và không có thời gian học Pháp. Tôi cảm thấy rằng điều này hoàn toàn trái ngược, hoặc ít nhất thì là trạng thái bị mắc kẹt trong cái vòng luẩn quẩn.

Học Pháp là bảo đảm căn bản cho chúng ta có thể làm tốt mọi việc. Nhiều học viên biết rằng điều này là sự thật nhưng lại rất khó làm được. Do đó tôi gợi ý rằng nên đề ra một thời gian cố định cho việc học Pháp. Nếu chúng ta dành nhiều thời gian hơn để học Pháp, chúng ta sẽ không buông lơi và có thể duy trì được trạng thái tu luyện như thuở đầu.

Trên đây chỉ là thể ngộ cá nhân của tôi. Xin hãy từ bi chỉ ra những điều chưa phù hợp.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/5/3/-385828.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/6/18/178124.html

Đăng ngày 08-07-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share