Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-3-2019] Con gái tôi năm nay tám tuổi, tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng tôi. Ban đầu, tôi luôn cảm thấy rằng tôi đang dùng thời gian của mình để giúp con tu luyện. Tôi không bao giờ nghĩ tu luyện của con có thể đồng thời với tu luyện của tôi. Tuy nhiên, tôi đã hoàn toàn thay đổi suy nghĩ của mình sau một vài sự việc cảm động.

Một trái tim từ bi

Một lần tôi không thể kiềm chế được cơn nóng giận của mình vì một vấn đề nhỏ và tôi đã đánh đòn con. Cháu khóc một lát, nhưng sau đó cháu tới và nói với tôi: “Mẹ ơi, mẹ là một người mẹ tốt.” Tôi có thể nói cháu nói điều đó không phải chỉ để làm vừa lòng tôi. Cháu nói một cách chân thành. Tôi nhận ra Sư phụ đang nhắc nhở tôi qua hành động của cháu rằng thuần tịnh là như thế nào. Mặc dù việc tôi đánh con là vô lý nhưng cháu không phàn nàn gì cả. Nếu tôi là cháu, tôi hẳn là sẽ ghi nhớ sự việc này và sẽ không bỏ qua nếu ai đó mắng nhiếc tôi.

Khi con gái không may bị ngã, tôi sẽ nói: “Đấy nhìn xem, mẹ đã bảo con cẩn thận nhưng con không bao giờ nghe mẹ. Đó là hình phạt dành cho con.” Tuy nhiên, khi tôi bị ngã, phản ứng đầu tiên của con bé là chạy tới và giúp đỡ tôi. Con sẽ hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có sao không?”

Chứng kiến sự thiện lương xuất phát từ tâm của con gái, tôi cảm nhận được rằng tôi đã không từ bi. Điều này nhắc tôi nhớ khi các bạn đồng tu bị bức hại, tôi sẽ nghĩ trong tâm: “Nhìn xem, các bạn đã tu không tốt và không để tâm vào những chia sẻ của chúng tôi. Bây giờ các bạn đã bị cựu thế lực bức hại.” Phản ứng đầu tiên của tôi trong tình huống như thế nên thay bằng ngay lập tức trợ giúp mà không nảy sinh bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào.

Thực sự quan tâm

Khi giáo viên của con gái tôi bị ốm, bạn cùng lớp của con gái, Dao Dao, muốn cùng con tôi tới thăm cô giáo. Con tôi muốn tôi mua một quả táo ngon để tặng cô. Sau đó, con gái tôi thì thầm rằng cháu muốn tôi mua thêm một quả táo nữa cho Dao Dao để tặng cô giáo vì cha mẹ của Dao Dao không muốn mua. Tôi đã đồng ý. Nhưng khi mua, tôi mới phát hiện ra là táo khá đắt. Trên đường về nhà, tôi phàn nàn với con gái rằng cô giáo sẽ không biết chính chúng ta mới là người mua táo cho cô ấy.

Con gái tôi nói: “Điều đó không quan trọng. Quan trọng là cô giáo của con có thể ăn những trái táo đó.”

Tôi cảm thấy rằng mình bị tụt lại trong tu luyện. Ý định của con gái là muốn cô giáo khỏe hơn, nhưng ý định của tôi là để chắc chắn cô giáo sẽ coi trọng món quà của tôi. Tôi cũng nhận ra rằng khi giảng chân tướng cho mọi người, mục đích của tôi là để được công nhận, chứ không phải thực sự muốn cứu họ.

Sau cùng, Dao Dao không đi thăm cô giáo, vì thế con gái tôi đã đi một mình. Cháu không quen thuộc với khu vực thị trấn nơi cô giáo ở và cũng không biết số nhà của cô. Cháu đã bắt xe buýt và đi tới khu vực nhà cô giáo rồi gọi điện cho cô để tìm địa chỉ.

Trên thực tế, con gái tôi là một đứa trẻ nhút nhát. Cháu thường không dám nói chuyện với người lớn. Nhưng lần này cháu đã hành động rất dũng cảm. Tôi biết đó là vì cháu quan tâm tới cô giáo của mình. Chứng kiến cách hành xử ấy của con tôi đột nhiên hiểu ra sức mạnh của việc “nghĩ cho người khác.” Nếu tôi nghĩ cho người khác khi tôi nói chuyện với họ về Pháp Luân Đại Pháp, thì kết quả sẽ tốt hơn.

Vào đêm Giáng Sinh, các bạn cùng lớp của con gái tôi muốn tặng cô giáo những quả táo được gói trong hộp giấy. Con gái tôi cũng gói táo. Tôi nhận thấy vẫn còn khoảng trống trong hộp để viết lời chúc. Do đó tôi đã bảo cháu hãy viết tên lên đó để cô giáo biết được món quà này là của cháu. Sau đó tôi đột nhiên nhớ lại những lời giảng của Sư phụ Lý:

“Khi giáo dục cho trẻ nhỏ, vì muốn tương lai sau này có thể xác lập chỗ đứng trong xã hội người thường nên người lớn thường hay dạy bảo ngay từ tấm bé: “con phải biết sống khôn khéo”. Từ vũ trụ chúng ta mà xét thì thấy “khôn khéo” ấy đã sai quá rồi; bởi vì chúng tôi giảng tuỳ kỳ tự nhiên, đối với lợi ích cá nhân cần coi nhẹ. Nó mà khôn kiểu ấy, chính là chạy theo lợi ích cá nhân.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

“Từ bé đến lớn đứa trẻ tiếp thụ những thứ như thế rất nhiều, dần dần tại xã hội người thường tâm lý tự tư của nó càng ngày càng lớn; nó chỉ muốn chiếm lợi riêng cho mình, và nó sẽ tổn đức.” (Bài giảng thứ hai, Chuyển Pháp Luân)

Tôi hối hận vì đã nói những lời đó với con. Chẳng phải tôi đang dẫn con mình đi sai đường sao?

Hành động vị tha

Sau đó, khi tôi không khỏe, con gái đã giúp tôi giải quyết các công việc như đi chợ, làm việc nhà và nấu ăn. Cháu làm các việc một cách rất tự nhiên và sẽ làm bất cứ việc gì có thể làm. Tôi đột nhiên nhìn lại bản thân mình. Khi các bạn đồng tu tiêu nghiệp, suy nghĩ đầu tiên của tôi là nếu tôi giúp họ, tôi mong rằng việc ấy sẽ không ảnh hưởng tới tu luyện của tôi hoặc rằng các học viên khác có thể sẽ đổ lỗi cho tôi nếu việc tôi giúp đỡ không mang lại hiệu quả.

Tuy nhiên, con gái tôi lại không có những suy nghĩ vị tư như vậy. Cháu chỉ [đơn giản là] làm những gì cháu có thể làm. Nếu chúng ta có thể loại bỏ sự vị tư và giúp đỡ các học viên khác một cách vô điều kiện, thì họ sẽ không bị thiếu sự giúp đỡ.

Một học viên gương mẫu

Khi con gái tôi học Pháp, con sẽ hỏi về những điều con không hiểu. Ví dụ, con sẽ hỏi “huyệt Đản Trung” nằm ở đâu và “quỹ đạo của vũ trụ” hoạt động như thế nào trong cơ thể chúng ta? Tôi chưa bao giờ học Pháp theo cách này. Tôi hài lòng với việc chỉ cần biết những điều đó tồn tại. Tôi bắt đầu hỏi bản thân rằng liệu tôi có thực sự chú tâm học Pháp, liệu tôi có thực sự ngộ Pháp, và liệu tôi có thực sự tu luyện bản thân mình.

Con gái tôi cũng kiên trì giảng chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp cho mọi người. Cháu ra ngoài vào mỗi cuối tuần bất chấp thời tiết. Đôi khi tôi rất mệt khi đi cùng cháu.

Tôi nhận ra rằng các tiểu đệ tử có bản tính rất tốt. Chúng rất thuần tịnh và từ bi. Tuy nhiên tôi lại không thường nhìn vào mặt tốt của con gái mình. Tất cả những gì tôi nhìn là những việc như con tôi không hoàn thành bài tập về nhà nhanh chóng hay sống bừa bộn. Tôi luôn la mắng con và nghĩ cháu không đề cao chút nào. Tôi cũng có thái độ như vậy đối với những học viên khác. Tôi không nhìn vào những điểm tốt của họ và chỉ nhìn vào khuyết điểm của họ.

Đôi khi tôi cảm thấy rằng trên bề mặt tôi đang giúp con gái mình học cách tu luyện, nhưng trên thực tế, là cháu đang giúp tôi tu luyện. Qua cách hành xử của con, tôi nhìn ra những chấp trước của mình. Tôi cũng nhận ra rằng chúng ta không nên phán xét nếu một học viên tinh tấn hay không tinh tấn trên bề mặt. Những người có thể chia sẻ rất hay không thực sự đã làm tốt. Một số bạn đồng tu không có điểm gì đáng chú ý lại thực sự làm các việc rất tốt.

Trên đây là chút chia sẻ của tôi trong quá trình tu luyện, nếu có điểm nào không đúng, xin hãy từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/28/-383963.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/30/176677.html

Đăng ngày 08-05-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share