Bài viết của một học viên Pháp Luân Công tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 8-8-2018] Tôi là một học viên Pháp Luân Đại Pháp đến từ Trung Quốc và tôi muốn chia sẻ kinh nghiệm của mình về việc nhận ra chấp trước của bản thân. Nhiều lúc, khi chia sẻ với các học viên hoặc làm việc với họ, tôi thường cảm thấy đôi chút khó chịu. Cảm giác đó kéo dài khá lâu và tôi đơn giản không muốn phối hợp với học viên khác. Trên bề mặt, có vẻ như là vì tôi muốn có ít xung đột hơn, nhưng lý do thực sự là gì?

Tôi không xem xét nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. Cho đến gần đây, tôi nhận ra rằng đó là vì tôi muốn giữ vai trò chính với các bạn đồng tu, không phải là vai trò của người hỗ trợ. Bất kể hoàn cảnh nào, nếu tôi không đóng vai chính, tôi đều cảm thấy không đúng. Điều đó cho thấy sự ích kỷ của tôi. Nếu tôi không tu luyện để loại bỏ chấp trước này, tôi sẽ không đạt được tiêu chuẩn của Pháp.

Một lần, khi tôi tham gia nhóm chia sẻ với sự tham dự của hơn 20 người. Nhóm chia sẻ do một học viên lâu năm tổ chức. Khi mọi người đến tham gia chưa biết nội dung chia sẻ, tôi đã đi trước và bắt đầu nói về việc một số học viên địa phương không chú ý đến các vấn đề an toàn khi sử dụng điện thoại di động. Tôi đã đưa ra nhiều ví dụ và nói không ngừng nghỉ. Một số đồng ý với tôi và những người khác có ý kiến ​​khác nhau. Buổi chia sẻ kéo dài gần hai tiếng đồng hồ. Khi gần hết giờ, đột nhiên, tôi nhớ rằng buổi chia sẻ này là do học viên lâu năm tổ chức. Học viên đó ngồi yên lặng lắng nghe tất cả mọi người.

Cho đến tận hôm nay tôi vẫn cảm thấy xấu hổ về những gì tôi đã làm ở buổi chia sẻ đó. Vào hôm đó, học viên lâu năm được cho là đóng vai trò chính. Có lẽ anh ấy đã chuẩn bị sẵn một số câu hỏi cho mọi người thảo luận, nhưng tôi – người được cho là đóng vai trò hỗ trợ – đã làm mọi việc rối tung lên. Mỗi đệ tử Đại Pháp đều từng là một Vương chủ với chính kiến mạnh mẽ và khả năng theo nhiều cách khác nhau. Trong suy nghĩ của mình, anh ấy sẽ đưa ra một câu hỏi chính, và buổi chia sẻ đã được định hình trong đầu của anh. Với các kỹ năng và kinh nghiệm của mình, anh có thể sẽ thực hiện một số bước cần thiết để đưa ra một số giải pháp dựa trên khả năng tốt nhất của mình. Nếu anh ấy không đưa ra ý kiến hoặc cách thức làm việc của mình mà giữ chúng ở trong lòng thì nó sẽ khiến anh cảm thấy khó chịu. Thường là tại thời điểm quan trọng này, anh ấy quên mất những câu hỏi quan trọng như: “Ai là người nêu câu hỏi? Ai là nhân vật chính? Tôi sẽ đóng vai trò gì liên quan đến vấn đề này?” Nếu những câu hỏi này không được giải đáp, người đóng vai trò chính sẽ dễ bị tổn thương và mọi việc sẽ rối tung lên.

Tôi muốn kể lại với các đồng tu một bài học mà tôi đã học được. Một ngày, hai học viên và tôi đến nhà một người bạn. Sau một lúc nói chuyện, một trong hai học viên bắt đầu giảng chân tướng cho bạn tôi. Anh ấy nói vài câu, sau đó, rất nhanh, một học viên khác đã tham gia. Hai người họ nói khá nhanh. Bạn tôi nhìn cả hai người, gật đầu và mỉm cười. Nhưng anh ấy có vẻ không hiểu họ đang nói cái gì. Nếu chỉ có một người nói và người kia phát chính niệm, thì cuộc nói chuyện này sẽ đạt hiệu quả tốt hơn.

Dù cho khả năng hoặc trí tuệ của một người có như thế nào thì cũng chỉ là những vấn đề bề mặt. Khi cảnh giới của anh ta cao hơn, khả năng và trí huệ của anh ta cũng sẽ được nâng lên. Nếu chúng ta đặt mình lên trên những người khác, họ có xu hướng trở nên nhỏ bé.

Khi chúng ta nhấn mạnh bản thân, thì thật dễ dàng bỏ qua những người xung quanh chúng ta. Chỉ khi chúng ta phối hợp vô điều kiện với người khác, đóng vai trò hỗ trợ họ, tâm tính của chúng ta mới thực sự được đề cao lên. Nếu chúng ta không muốn đóng vai trò của một “tu sĩ trẻ”, thì không có cách nào chúng ta có thể đề cao trong tu luyện.

Các điều phối viên trong khu vực của tôi cũng có những vấn đề tương tự. Một số không bao giờ hợp tác tốt với người khác, vì họ liên tục có mâu thuẫn với nhau. Vấn đề chính là vì họ không muốn đóng vai trò người hỗ trợ. Những người khác đóng vài trò người hỗ trợ thì được nhưng nhất định không phải họ.

Có một nữ điều phối viên rất có năng lực. Cô ấy đã làm rất nhiều việc. Nhưng thường là do những người khác hỗ trợ cô. Khi việc này kéo dài, các học viên bắt đầu hình thành các nhóm độc lập như người thường. Những học viên tự cao này đã tạo ra sơ hở cho tà ác dùi vào. Và sau đó, cô ấy bị chính quyền giam giữ và bị kết án tù.

Mối quan hệ giữa các học viên giống như mối quan hệ gia đình vậy. Mỗi hộ gia đình đều có cách riêng để quản lý gia đình mình. Khi bạn đến thăm một gia đình khác, khi bạn bước vào nhà và nói: “Cái tủ này nên để ở chỗ này, món này nên nấu thế này.” Gia đình của ai vậy? Của bạn hay của anh ta? Ví dụ, nếu hai người được lên thiên thượng gặp nhau, và một trong số họ nói: “Thiên giới của bạn không nên theo cách này. Bạn có thấy thiên giới của tôi tuyệt vời như thế nào không? Bạn nên thay đổi đi!” Điều này có đúng không?

Khi các học viên làm việc trong một hạng mục và không thể phối hợp tốt, thường là do mọi người không hiểu rõ về vai trò của mình. Có một điều phối viên ở địa phương chúng tôi, khi lần đầu tiên tôi gặp anh, trông anh rất bình thường, trình độ không cao và cách diễn đạt cũng không tốt. Tôi nghĩ “Người như vậy tốt hơn là ở nhà. Làm thế nào mà anh ấy có thể là một điều phối viên? Mọi người có tin anh ấy không?”

Nhưng sau đó, tôi nhận ra anh ấy là một người thực tế. Khi một học viên bị giam giữ hoặc bị nghiệp bệnh, anh ấy nhanh chóng thông báo cho mọi người biết để phát chính niệm. Anh ấy đã làm rất nhiều việc, như thiết lập các địa điểm sản xuất tài liệu, sửa chữa máy tính cho các đồng tu, tổ chức Pháp hội, tích cực khuyến khích các học viên viết bài cho Ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới, v.v.

Cùng với một điều phối viên khác, anh ấy đã mời khoảng 300 người viết bài chia sẻ cho trang web Minh Huệ. Sau đó, năm người trong số họ đã được chọn để đăng bài và hơn mười bài viết đã được xuất bản.

Tôi ngưỡng mộ điều phối viên này và thường ủng hộ anh ấy. Nhưng tôi tự hỏi: Tại sao lúc đầu tôi có nhiều định kiến ​​về anh ấy như thế? Đó chính là bởi sự ích kỷ và tính tự phụ của tôi. Khi tôi không thể là nhân vật chính, tôi cũng không coi trọng những người đóng vai trò chính. Sau khi nhận ra sự thiếu sót của bản thân, tôi hiểu rằng bất kể ai là người điều phối, ngay cả khi đó là học viên mới, tôi cũng nên ôn hòa hỗ trợ họ.

Là người hỗ trợ không có nghĩa là không thể đưa ra đề xuất. Chỉ cần sử dụng kỹ năng giao tiếp tốt nhất của bạn khi đóng góp vào những việc cần phải làm. Việc này giống như là một người phụ giúp cho người đan giỏ; cung cấp cho người đan giỏ những gì cần thiết, và đôi khi hỏi họ cần thứ này hay thứ kia. Sự giúp đỡ của bạn để hoàn thành việc đan giỏ chính là quá trình tu luyện của bạn và bạn đang đề cao bản thân trong quá trình đó. Đừng đẩy anh ta ra và đóng vai trò của nhân vật chính bởi nếu làm như vậy, việc đan giỏ là của bạn, mà không phải của anh ta. Sẵn sàng đóng vai trò người hỗ trợ chính là đang tu nhẫn.

Các đệ tử Pháp Luân Đại Pháp đến từ nhiều nơi, các nhân tố tạo ra hoàn cảnh sống của họ là khác nhau. Vì vậy, mỗi hoàn cảnh có những đặc điểm riêng của nó. Nếu tất cả muốn đóng vai trò chính, thì tất cả mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn, và cựu thế lực sẽ kiểm soát bạn và để bạn đóng vai trò chính, nhưng đồng thời tạo ra nhiều xung đột cho bạn. Mặt khác, nếu bạn hiểu ra, thực hiện hài hòa công việc của mình với tâm thái vô tư vô ngã, bạn sẽ ở trong một cảnh giới khác. Cuối cùng, bạn sẽ đạt kết quả gấp đôi với một nửa nỗ lực.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/8/372192.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/9/5/171774.html

Đăng ngày 18-09-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share