Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-5-2018] Là đệ tử Đại Pháp, Sư phụ đã gạch tên chúng ta khỏi địa ngục nên chúng ta đã không còn là sinh mệnh trong Tam giới, và đáng lẽ bất kể nhân tố nào trong thế giới con người cũng không thể can nhiễu chúng ta được. Tuy nhiên những quan niệm của con người đôi khi có thể tạo thêm khó khăn cho người tu luyện. Tôi muốn chia sẻ một số trải nghiệm cá nhân của mình trong việc đột phá những quan niệm người thường.

Uống nước để bớt đau họng

Một buổi sáng, tôi thức dậy và cảm thấy cổ họng bị sưng và đau. Tôi lập tức lý giải những triệu chứng này là do một số thức ăn mà tôi đã ăn ngày hôm trước gây ra, và uống vài ly nước sẽ có tác dụng làm giảm cơn đau. Các triệu chứng trên lại xuất hiện lại vào sáng hôm sau và hai ly nước lại giúp tôi làm dịu cơn đau và cảm giác khó chịu. Tuy nhiên vào ngày thứ ba, các triệu chứng không hết bất kể tôi uống bao nhiêu nước. Tối hôm đó, trong khi đang suy ngẫm vì sao nước không còn tác dụng nữa, thì cụm từ “quan niệm người thường” chợt hiện lên trong đầu tôi. Tôi suy nghĩ về cụm từ này trước khi đột nhiên nhận ra rằng mình đã đối đãi với vấn đề hệt như một người thường. Tôi tin rằng trạng thái của mình là do bệnh và xem nước như là một liều thuốc để làm giảm các triệu chứng. Các học viên nên suy xét vấn đề theo cách khác và tôi đã quyết tâm loại bỏ quan niệm người thường này.

Nhận thức này đã khiến tôi phải hướng nội để tìm ra nguyên nhân dẫn đến đau họng. Trước đó vài ngày, tôi có mâu thuẫn với vợ mình. Mặc dù tôi đã kiềm chế để không tranh cãi với cô ấy, nhưng trong lòng lại sôi trào suy nghĩ lung tung. Những tư tưởng oán hận, trách móc và tranh đấu đối với cô ấy mà tôi nung nấu trong tâm là không phù hợp với một người tu luyện. Cảm giác đau họng của tôi đã biến mất ngay khi tôi nhận ra và loại bỏ thiếu sót này.

Đau lưng

Tôi từng bị chứng đau lưng trong thời gian dài. Cơn đau sẽ bùng lên giữa lúc tôi đang trong các hoạt động hằng ngày, và buộc tôi phải nằm xuống một lát để giảm đau. Là người tu luyện thì không nên có bệnh, tôi bắt đầu hướng nội để tìm nguyên nhân gốc rễ. Mặc dù có phát hiện ra một số chấp trước nhưng cơn đau của tôi vẫn không được giải quyết.

Một buổi sáng, trong khi đang ngồi cắn hạt dưa trắng, tôi chợt nhớ lại lý do tại sao mình lại bắt đầu thường xuyên ăn chúng. Cách đây vài năm, tôi cho rằng triệu chứng đau lưng của mình là do thiếu canxi. Hạt dưa trắng được cho là giàu canxi, vì vậy tôi đã nảy sinh thói quen ăn chúng thường xuyên. Thời gian trôi qua tôi đã quên mất lý do tại sao mình lại có thói quen này, nhưng tư tưởng này chắc chắc là dựa trên quan niệm của người thường.

Phát hiện này khiến tôi nhớ lại tình huống khiến mình bị đau lưng. Cách đây bảy hoặc tám năm, khi đang cố đi qua một con phố bị chặn, tôi buộc phải trèo qua một lỗ hở trên bức tường và nhảy xuống đoạn đường bên dưới. Tôi đột ngột nhảy và ngã xuống đất, lúc đó tôi liền cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Sư phụ đã giúp tôi loại bỏ cơn đau, và tôi có thể đứng dậy tiếp tục đi. Nếu tôi lập tức loại bỏ được quan niệm người thường rằng nhảy xuống sẽ bị thương, có lẽ Sư phụ đã không cần phải ra tay bảo hộ tôi. Cơn đau lưng của tôi đã hết sau khi chấp trước này được loại bỏ.

Hồi phục cơn đau đầu gối

Tôi từng bị chứng đau đầu gối nặng, nó buộc tôi phải đi bộ thật chậm. Mặc dù đã hướng nội, nhưng tôi không thể tìm ra được lý do cho tình trạng này của mình.

Một buổi sáng trong khi đang luyện công, chân của tôi đột nhiên bị tập tễnh làm tôi ngã xuống đất. Tôi biết Sư phụ đang điều chỉnh thân thể cho mình, nên tôi lập tức cảm ơn Sư phụ trước khi đứng dậy và tiếp tục luyện công. Tuy nhiên đầu gối vẫn tiếp tục đau ngay cả sau khi tôi đã luyện công xong. Tôi cảm thấy bối rối. Sư phụ đang điều chỉnh thân thể cho mình, tại sao cơn đau vẫn còn?

Một đoạn Pháp của Sư phụ đột nhiên hiện lên trong đầu tôi:

“..khi ma nạn đến, nếu thật sự đạt được thản nhiên bất động hoặc có thể đặt tâm cho phù hợp với các yêu cầu khác nhau của các tầng thứ khác nhau đối với chư vị, thì đủ để vượt quan rồi. Còn nếu cứ mãi không thôi, nếu không phải tâm tính hoặc hành vi có tồn tại vấn đề nào khác, thì nhất định là những ma tà ác đang dùi vào sơ hở mà chư vị đang nuông chiều.” (Nói về PhápTinh Tấn Yếu Chỉ)

Từ “hành vi” tiếp tục vang lên trong đầu tôi. Sau đó tôi nhận ra rằng từ này đề cập đến cách tôi đối đãi với khổ nạn này. Tôi cố tình áp dụng tốc độ đi bộ chậm hơn để làm dịu cơn đau. Qua đó tôi đã thừa nhận trạng thái này, mặc dù Sư phụ đã loại bỏ nguyên nhân. Sau đó, tôi bắt đầu đi bộ nhanh hơn và thấy cơn đau đầu gối biến mất.

Nghi ngờ và sợ hãi

Do môi trường và hoàn cảnh đặc biệt của chúng ta, nhiều chủng tâm sợ hãi khác nhau dễ dàng nổi lên. Trong những tình huống như vậy, thừa nhận tâm sợ hãi tương đương với việc xem bản thân là người thường.

Những chủng tâm sợ hãi này đôi lúc tấn công tôi khi tôi gặp cảnh sát đang đi tuần tra hoặc khi có ai đó đi theo sau lưng. Cảm giác sợ hãi và sợ nguy hiểm của tôi lúc đó gia tăng, mặc dù không có gì đáng nghi và đáng sợ.

Một ngày, khi tôi đi lại vòng quanh nhà của mình từ phòng này sang phòng kia thì đột nhiên nảy sinh tâm sợ hãi, mấy ngày liền đều ở trạng thái này. Tôi thật sự muốn bán nhà, không biết chuyện gì đang xảy ra, chính là bị nỗi sợ hãi lấn át. Lúc này tôi tình cờ đọc được một đoạn Pháp trong sách Chuyển Pháp Luân:

“Sự lo sợ của họ có khi nó thật sự mang đến phiền toái. Bởi vì hễ chư vị lo sợ, thì chính là tâm hoảng sợ; chẳng phải đó là tâm chấp trước? Tâm chấp trước của chư vị hễ xuất hiện, [thì] chẳng phải cần [tống] khứ tâm chấp trước sao? Càng lo sợ, thì lại càng giống như mắc bệnh; nhất định phải vứt bỏ tâm chấp trước ấy của chư vị; để chư vị học bài học này, mà từ đó vứt bỏ tâm hoảng sợ, đề cao lên trên.” (Chuyển Pháp Luân)

Sau khi suy xét những trải nghiệm của mình trước đây, tôi nhận ra không có gì đáng phải sợ. Trong khảo nghiệm đầu tiên, tôi đã để quan niệm người thường dẫn động và điều này làm gia tăng giả tướng, khiến nghi tâm và nỗi sợ hãi được tăng cường. Là Sư phụ từ bi đã điểm hóa cho tôi đoạn Pháp này, giúp tôi có thể nhận ra, tiếp thụ bài học giáo huấn và đề cao lên.

Trên đây là những nhận thức của tôi trong quá trình tu luyện, có giới hạn về tầng thứ. Nếu có điểm nào không đúng với Pháp, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/5/1/364458.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/14/170757.html

Đăng ngày 9-7-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share