Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-5-2018] Tôi năm nay 68 tuổi và đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được nhiều năm. Mặc dù sống một mình, nhưng môi trường tu luyện của tôi rất tốt. Mỗi ngày tôi luyện các bài công pháp, học Pháp, phát chính niệm và giảng chân tướng cho mọi người về môn tu luyện cũng như cuộc bức hại. Tôi cũng in các tài liệu về Đại Pháp và đọc các bài chia sẻ kinh nghiệm tu luyện trên Internet.
Dù bận rộn, nhưng tôi vẫn bị phân tâm bởi những chuyện trong xã hội của người thường. Tôi thậm chí còn mơ thấy những thứ của người thường. Tôi biết mình cần đề cao, nhưng không biết nên bắt đầu từ đâu và cần đề cao ở phương diện nào.
Sau đó, tôi đọc nhiều bài chia sẻ trên Minh Huệ nói về việc các học viên đã đề cao như thế nào sau khi học thuộc Pháp. Trước đây, tôi đã từng thử học thuộc Chuyển Pháp Luân nhưng lại từ bỏ sau khi học được khoảng 10 trang.
Lần này, tôi bắt đầu học thuộc Pháp. Tôi không nghĩ về bất kỳ điều gì và tự đặt yêu cầu cho bản thân là phải học hai bài giảng trong Chuyển Pháp Luân mỗi ngày trước khi học thuộc Pháp một vài trang. Tâm tôi có thể tĩnh lại. Càng học thuộc tôi càng cảm thấy bình tâm hơn.
Tôi đã học thuộc Hồng Ngâm và Hồng Ngâm II. Bây giờ tôi đang học thuộc Hồng Ngâm III và Chuyển Pháp Luân. Trong vòng chưa đầy một tháng tôi đã đề cao rất nhiều.
Bài thơ “Càn khôn tái tạo” trong Hồng Ngâm III của Sư phụ hiện lên trong tâm trí tôi. Sau đó, những tư tưởng người thường và hành vi bất chính mà tôi không nhận thức được đều được phơi bày.
Gần đây tôi nhận ra rằng thứ ngăn cản tôi tu luyện tinh tấn đó chính là tâm vị tư. Nó thể hiện rất rõ ràng khi các học viên chỉ ra những thiếu sót của tôi. Mặc dù sau đó tôi đã loại trừ tâm chấp trước này, nhưng sự đề cao của tôi thực ra là để cho những học viên đã chỉ ra chấp trước của tôi thấy rằng họ cũng có những chấp trước đó. Quan trọng hơn, tôi không cố gắng đề cao dựa trên Pháp mà lấy những chấp trước của người thường để tranh đấu với họ.
Tâm vị tư của tôi cũng nổi lên khi tôi ra ngoài giảng chân tướng trực diện. Đây là con đường mà một học viên phải bước đi, dù có khó khăn như thế nào. Và để làm được tốt, các học viên chúng ta cần phải vứt bỏ rất nhiều chấp trước người thường của mình.
Kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu, tôi rất chủ động trong việc giảng chân tướng trực diện và có thể kiên trì. Đầu năm ngoái, tôi đã ra ngoài giảng chân tướng về Đại Pháp và thuyết phục mọi người thoái ĐCSTQ mỗi ngày. Hiệu quả thu được rất tốt nhưng tôi vẫn cảm thấy mình chưa đủ từ bi. Tôi đã rất bối rối.
Thời gian này, thông qua học thuộc Pháp, tôi nhận ra rằng xuất phát điểm khi đi giảng chân tướng của mình là sự vị tư. Không có gì là sai nếu nhìn nhận những tư tưởng ấy từ tầng thứ người thường. Tuy nhiên, tu luyện là xét nhân tâm chứ không phải hành vi bề mặt. Chúng ta cần làm việc cứu người bằng tâm từ bi tu xuất từ trong Pháp, vì những suy nghĩ và tình cảm người thường của chúng ta là những thứ khác biệt hoàn toàn [với tâm từ bi kia].
Sư phụ đã giúp tôi ngộ một cách sâu sắc sự khác biệt giữa hành động hữu vi và hành động vô vi. Điều này đã giải quyết những câu hỏi mà tôi thắc mắc trong thời gian dài. Tôi ngộ ra rằng tu luyện không dừng lại ở những hành động bề mặt của chúng ta, mà tâm tính của chúng ta phải theo kịp tiêu chuẩn của Pháp ở mọi tầng thứ bằng cách vứt bỏ tâm vị tư ở các tầng thứ khác nhau.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/5/17/366670.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/6/15/170772.html
Đăng ngày 2-7-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.