Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hồ Nam

[MINH HUỆ 26-9-2016] Một phụ nữ sống ở huyện Thạch Môn gần đây bị đưa ra xét xử với lời buộc tội sử dụng tà giáo để chống đối lực lượng hành pháp, một cái cớ được chính quyền cộng sản Trung Quốc dùng để đóng khung và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công.

Bà Đàm Tiểu Lan đã bị đưa ra xét xử ở hai phiên tòa, vào ngày 23 tháng 8 và ngày 21 tháng 9 năm 2016. Ở hai phiên tòa này, cả bà và luật sư biện hộ đều tranh luận về việc không có điều luật nào ở Trung Quốc kết tội Pháp Luân Công, và bà có quyền nói với nhiều người về Pháp Luân Công trên mạng xã hội.

Vào cuối hai phiên xử, vị thẩm phán đã sửa đổi biên bản ghi tại tòa trước khi đưa cho bà Đàm và luật sư ký.

Bà Đàm phát hiện việc sửa đổi, bà đã từ chối ký vào biên bản.

Thẩm phán sửa lại biên bản ở tòa

Thẩm phán ở Tòa án huyện Thạch Môn đã không cho bà Đàm tự chứng thực trong phiên xử đầu tiên. Ông ta chỉ yêu cầu bà cung cấp một bản viết tay những gì bà muốn nói.

Khi đến lúc ký vào biên bản ở tòa theo yêu cầu của luật pháp, bà Đàm đã ký vào tờ đầu tiên, theo những gì vị luật sư đã làm. Nhưng sau đó bà nhận ra có điều gì đó kỳ lạ khi bà lật sang tờ thứ hai. Vị thẩm phán đã thay đổi biên bản ở tòa, và nó không giống những gì xảy ra ở tòa.

Bà đã từ chối ký tên.

Kịch bản lập lại ở phiên xử thứ hai

Cũng chính vị thẩm phán này một lần nữa từ chối nghe bà Đàm biện hộ. Ông ta đuổi viên chức ở tòa đi sau khi người này chuẩn bị đưa tờ giấy có ghi chép những gì bà Đàm muốn nói ở tòa.

Bà Đàm trở nên nghi ngại khi nhận thấy việc chuẩn bị biên bản ở tòa mất nhiều thời gian. Bà đã đi vào trong văn phòng để tìm hiểu. Tại đây bà đã nghe thấy thẩm phán nói chuyện với ai đó qua điện thoại: “Chúng tôi nên làm thế nào? Anh cũng biết là chúng ta đang không tuân theo quy trình tố tụng.”

Điều này cho bà Đàm thấy rằng vị thẩm phán đang vi phạm pháp luật. Bà đã thử tranh luận với thẩm phán, nhưng sau đó lại bị người ở tòa án đưa đi.

Cuối cùng có một người đi ra, mang theo biên bản ở tòa. Ông ta liên tục yêu cầu bà Đàm ký tên lên mỗi tờ, nhưng bà Đàm từ chối. Bà nhận ra phần tranh luận của luật sư đã bị sửa ngắn lại chỉ với một câu, và toàn bộ những gì bà nói ở tòa đều bị bỏ đi.

Bà đã từ chối ký tên, tuy nhiên thẩm phán đã gây áp lực để chồng bà nhân danh bà ký vào biên bản. Bà đã giật lấy tờ biên bản và xé nó ra từng mảnh. Sau đó bà nói với chồng mình: “Sao anh có thể như vậy? Nếu chúng ta ký, họ sẽ được phép vi phạm các quyền của cá nhân của em và sẽ vu khống em!”

Thẩm phán sau đó đã thêm một ghi chú vào biên bản: “Bà Đàm từ chối ký tên.”

Vi phạm quy trình tố tụng trong phiên xử

Bà Đàm bị lừa đến đồn công an vào ngày 6 tháng 5 năm 2016. Bà từ chối ký vào biên bản giam giữ, nhưng sau đó vẫn bị đưa đến trại tạm giam địa phương.

Ngày 23 tháng 5, chồng bà, cha, và hai anh trai đã nộp đơn kháng cáo lên Ủy ban Chính trị và Pháp luật huyện Thạch Môn, yêu cầu trả tự do cho bà. Tuy nhiên họ vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan này.

Bà Đàm không được bảo lãnh tại ngoại vào ngày 15 tháng 6, quá ba ngày so với thời hạn giam giữ đúng pháp luật.

Không lâu sau khi được thả, Viện kiểm sát huyện Thạch Môn đã nộp bản cáo trạng chống lại bà.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/9/26/335497.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/10/1/159373.html

Đăng ngày 19-10-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share